Thursday 14 November 2013

HÌNH ẢNH LÊ VĂN KHOA (Quỳnh Giao)




Quỳnh Giao
Wednesday, November 13, 2013 4:43:36 PM

Với những người ưa thích nhiếp ảnh, ống kính Lê Văn Khoa đã để lại nhiều tác phẩm thật đẹp. Với những người chưa quên đài truyền hình của Sài Gòn năm xưa, hình ảnh Lê Văn Khoa là người thiết tha với việc giáo dục. Trong hai lãnh vực nhiếp ảnh và mô phạm, ông đã là người có công từ lâu rồi.

Nhưng nếu có thể nói thì nghề chính của Lê Văn Khoa chỉ có thể là âm nhạc.

Với những người yêu nhạc, Lê Văn Khoa không là một nhân vật xa lạ. Ông viết nhạc và soạn hòa âm để nâng giá trị nhiều tác phẩm của người khác. Hoàn toàn bỏ qua những tính toán thương mại, ông ân cần huấn luyện và phổ biến nhạc Việt tới một quần chúng đông đảo hơn.

Lê Văn Khoa làm những việc ấy từ khi còn ở nhà và tiếp tục cho đến ngày nay, khi đã bát tuần. Nếu có gọi là nghề thì không sai, mà bảo rằng đó là nghiệp thì lại càng đúng.

Ông khó tính với chính mình và ước mơ một tương lai tươi sáng hơn cho nền nhạc Việt mà chẳng bao giờ nghĩ đến lợi riêng. Chẳng những vậy, Lê Văn Khoa còn bơi ngược dòng để đưa nhạc Việt ra khỏi lối mòn và hòa vào dòng nhạc thế giới, qua thể loại trừu tượng là nhạc không lời.

Chúng ta quen gọi đó là “nhạc cổ điển Tây phương.”

Trong thế giới âm nhạc cổ điển ấy, nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã nổi tiếng trong “dòng chính” với tác phẩm được các dàn nhạc quốc tế trình tấu. Nhưng người Việt chúng ta ít có cơ hội thưởng thức những nhạc khúc này. Có lẽ Lê Văn Khoa lại làm ngược, đó là tìm cách hợp tác và vận động dàn nhạc quốc tế trình tấu tác phẩm Việt cho người Việt nghe.

Lê Văn Khoa không một mình đi vào dòng chính rồi lâu lâu trở lại với chúng ta trong cảnh ngộ “áo gấm về làng.” Ông muốn kéo chúng ta vào dòng chính, không chỉ nhờ các nhạc khúc ông viết ra mà với cả tác phẩm của nhạc sĩ khác.

Hình ảnh Lê Văn Khoa có đậm nét ở hai nỗ lực, là đưa tác phẩm Việt đến dàn nhạc Tây phương và đưa âm nhạc ấy về cho người Việt.

Với loại “nhạc không lời,” giá trị tác phẩm nằm trong khả năng gợi ý hơn là phải được nâng đỡ hay diễn giải bằng lời ca, lời từ. Cũng chính vì vậy mà ta phải “tập nghe.” Những ai chưa quen thuộc với loại nhạc cổ điển không lời thì còn cảm ra giai điệu của dân nhạc Việt Nam. Ví dụ như qua một bài Lý Ngựa Ô hay bài Trúc Xinh với nét ngũ cung quen thuộc. Khỏi cần biết tựa đề Anh ngữ là Song of the Black Horse hay Beautiful Bamboo chúng ta cũng hiểu. Khi ấy, việc tập nghe của chúng ta là nghe cách đối đáp của nhiều nhạc cụ trong một hòa âm khác với những bài dân ca.

Nhưng với nhiều nhạc khúc mới lạ và không thuộc loại dân ca hay dân nhạc truyền thống của mình thì tựa đề, thí dụ như Remembrance hay Romance, không thể diễn tả được hết. Khi ấy, chúng ta mới thật sự tập nghe. Cũng có âm giai ngũ cung của Ðông phương mà vẫn khác lạ. Hoặc có đầy tính chất Tây phương mà lại diễn tả điều gì đó rất Việt Nam.

Phải nghe nhiều lần thì mình mới quen dần và hiểu ra một ngôn ngữ khác. Lê Văn Khoa là nhạc sĩ có ý thức về giáo dục rất mạnh nên mới sáng tác, hòa âm và thực hiện nhiều nhạc khúc cho người nghe hiểu thêm sự kỳ diệu của nghệ thuật âm nhạc.

Trong một thế giới mà nhiều người nghe nhạc hay xem hát như mua thức ăn “to go,” Lê Văn Khoa lại tự làm khó trong từng bước thực hiện để cung cấp một sản phẩm tân kỳ tinh tế hơn. Ông muốn phát triển khả năng thẩm âm cho chúng ta.

Người viết tự hỏi rằng nếu trong một hội chợ quốc tế có nhiều sắc dân thuộc nhiều nền văn hóa cùng tham dự và đóng góp một tiết mục âm nhạc, mình nghĩ sao và phải làm gì?

Có nên tranh đua cùng thiên hạ để diễn tả bản Giao Hưởng số 5 của Beethoven với trình độ gần bằng một dàn nhạc của Vienna? Hay là phải tìm một tiết mục gì khác thuần túy Việt Nam? Chúng ta có thể trình bày bản Tình Ca hay Hội Trùng Dương, hoặc Trường ca Mẹ Việt Nam. Nhưng làm sao cử tọa quốc tế có thể cảm được lời Việt bất hủ của những tác phẩm này?

Chính là vào hoàn cảnh đó mình mới nghĩ đến hình ảnh Lê Văn Khoa. Ông tận tụy sáng tác và viết hòa âm cho nhiều tác phẩm diễn tả được tâm hồn Việt Nam qua một ngôn ngữ trừu tượng nhất.

Là một nghệ sĩ trình diễn đã quen biết nhạc sĩ Lê Văn Khoa từ mấy chục năm nay, Quỳnh Giao xin có lời cảm tạ về sự tận tụy này. Và riêng chúc ông một sinh nhật bát tuần thật đẹp với tràn trề hy vọng như trong nhạc khúc “Longing” của ông.

Với quý độc giả, cơ hội thưởng thức và chung vui cùng Lê Văn Khoa sẽ là buổi trình diễn của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ ngày 23 tháng 11 này, vào 7 giờ tối, tại rạp La Mirada Theater.

---------------------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats