Thứ năm 14 Tháng Mười Một 2013
Trong bức tâm thư gởi Quốc hội
đề ngày 07/11/2013 mang tựa đề « Hiến pháp mới – cơ hội cuối cho một triều đại »,
nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, chưa bao giờ
lòng dân ly tán như hiện thời. Tham nhũng hoành hành, đạo đức tột cùng nhiễu
nhương, dân sinh bị các nhóm lợi ích và thân hữu chính trị lũng đoạn siết
nghẹt.
Với tư cách cử tri, nhà báo Phạm
Chí Dũng kiến nghị dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, kéo dài thảo luận
đến cuối năm 2014. Bên cạnh đó còn hình thành tổ chức giám sát độc lập về quá
trình thu thập ý kiến người dân. Hiến pháp mới phải bảo đảm các quyền con người
một cách thực chất, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cơ chế tam quyền phân lập.
Lá thư được viết cô đọng nhưng
đầy xúc cảm trước hiện tình đất nước được đăng trên trang Bauxite đã được nhiều
trang mạng khác đăng lại, tạo được những phản hồi ủng hộ rộng rãi.
RFI Việt ngữ đã phỏng vấn nhà
báo Phạm Chí Dũng xung quanh vấn đề này.
Nghe
(21:11) : Nhà báo Phạm Chí Dũng - TP
Hồ Chí Minh 14/11/2013
RFI : Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Trước hết anh
có thể cho biết vì sao anh viết tâm thư gởi Quốc hội ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Lý do rất đơn giản, là vì Dự thảo Hiến pháp mới
đã gần như không có một nội dung nào thay đổi, so với tất cả những dự thảo từ
đầu năm đến nay mặc dù được cho là đã đưa ra, lấy ý kiến rất nhiều - 26 triệu
cử tri. Rất nhiều ý kiến đóng góp, và nghe nói tốn đến 300 tới 400 tỉ đồng - đó
là người ta đồn đoán. Cuối cùng vẫn gần như không có một nội dung nào mới đưa
vào Dự thảo Hiến pháp trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 lần này.
Thậm chí vào đầu kỳ họp thứ 6,
tức vào cuối tháng Mười, có một vị đại biểu Quốc hội, là một người dày dạn kinh
nghiệm qua ba nhiệm kỳ Quốc hội, khẳng định quả quyết với báo chí là sẽ không
nói gì về Hiến pháp nữa. Một lời tán thán đầy ẩn ý và có một cái gì đó khó tả
lắm !
Nhưng rõ ràng người ta thất
vọng về bản Dự thảo Hiến pháp mới, và nhiều đại biểu khác cũng muốn thốt lên
điều đó nhưng có lẽ họ chỉ thốt ở ngoài hành lang thôi, chứ không phải trong
phòng họp Quốc hội. Vì chính những nội dung hệ trọng nhất như chế độ chính trị,
tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ
trang, chế độ sở hữu toàn dân v.v… đều không có gì thay đổi cả.
Tôi xin đi vào một số nội dung
cụ thể. Ví dụ vấn đề kinh tế quốc doanh là chủ đạo là như thế nào ? Từ trước
tới giờ vẫn nói là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề
này đã từng có lúc được đưa vào thảo luận trong dự thảo, nhưng cho đến nay chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội Phan Trung Lý đã khẳng định, vai trò chủ đạo của kinh
tế quốc doanh là chuyện đương nhiên. Mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đóng góp là
không nên cho kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Bởi lẽ vài chục tập đoàn kinh tế
nhà nước trong suốt sáu năm suy thoái vừa rồi đã gây ra số lỗ khổng lồ.
Riêng EVN (Tập đoàn Điện lực
Việt Nam) và Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), hai tập đoàn này cộng lại
đã lỗ lên tới hơn 40.000 tỉ đồng. Lỗ từ đâu ? Từ đầu tư trái ngành, vào bảo
hiểm, dịch vụ ngân hàng, và đặc biệt hai lãnh vực đầu cơ là chứng khoán và bất
động sản là hai lãnh vực làm tiêu điều nhất cho quốc gia và cho các tập đoàn
này. Cũng còn nhiều tập đoàn quốc doanh khác đã đầu tư trái ngành, cũng lỗ đầm
đìa. Tất cả những số lỗ đó trút lên đầu người dân đóng thuế.
Ở Việt Nam hiện nay có đến ít
nhất là 432 loại lệ phí mà người dân phải cõng trên lưng – đó là con số chính
thức mà báo chí thông báo. Ngoài ra còn một số loại lệ phí khác. Petrolimex và
EVN đã trút lỗ lên đầu người dân bằng cách tăng giá. Việc đó gọi là « chế độ an
sinh » của những tập đoàn quốc doanh. Mà nếu độc quyền quốc doanh như vậy thì
còn có ý nghĩa như thế nào đối với việc « kinh tế quốc doanh là chủ đạo » nữa ?
RFI : Đó là trên lãnh vực kinh tế, còn có nhiều
vấn đề bất hợp lý khác nữa phải không thưa anh ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Một vấn đề nữa là Hội đồng Hiến pháp – một cơ
chế mới đã được đưa vào Dự thảo để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng cho tới dự thảo
mới nhất của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp trình Quốc hội kỳ này lại không còn
thấy bất kỳ khái niệm nào về Hội đồng Hiến pháp nữa. Điều đó cho thấy dường như
Quốc hội không quan tâm tới Hội đồng Hiến pháp, một Hội đồng gắn liền sát sườn
với quyền lợi của Quốc hội, và cũng là quyền lợi của nhân dân. Điều đó cũng cho
thấy sự quan tâm, mối quan hệ với nhân dân của Nhà nước, của Chính quyền và của
Quốc hội là sơ sài, và có một cái gì đó rất là vô cảm.
Sự vô cảm đó dẫn tới vấn đề sở
hữu đất đai kỳ này cũng không được thay đổi gì cả. Vẫn khẳng định đất đai là «
sở hữu toàn dân », mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đánh giá là sở hữu đất đai
toàn dân hoàn toàn không còn phù hợp với cơ chế vận động thị trường hiện nay.
Đặc biệt là những hậu quả ghê gớm gây ra bởi vô số các nhóm lợi ích bất động
sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị gây ra trong suốt mười mấy năm vừa
rồi, bởi chế độ sở hữu toàn dân.
Tính chất « toàn dân » đã làm
cho chế độ trưng thu đất trở nên vô tội vạ với giá đền bù rẻ mạt, có thể thấp
bằng 1/10 tới 1/20 giá thị trường, gây bất công xã hội ghê gớm và sinh ra hàng
chục ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ hàng năm trong dân chúng, tạo ra một tầng lớp
dân oan thảm thương.
Do vậy đã có rất nhiều ý kiến
đề nghị sở hữu đất đai phải chuyển sang hình thức đa sở hữu. Có nghĩa là vừa sở
hữu toàn dân, vừa sở hữu tập thể và có cả sở hữu tư nhân. Và không thể thu hồi
đất vô tội vạ, không được thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội. Những
dự án loại này đã gây ra bất công lớn nhất, và tình trạng dân oan kéo đi khiếu
kiện nhiều nhất trong những năm vừa rồi.
Thông thường, ở những dự án
được gọi là phát triển kinh tế xã hội như vậy, chủ đầu tư cấu kết với chính
quyền địa phương đền bù giá rẻ mạt cho người dân, bồi thường rất thấp, thu hồi
đất vô lối thậm chí cưỡng chế và có thể gây ra chết người. Sau đó chỉ sử dụng
khoảng 1/3 diện tích để thực hiện dự án như họ đã mô tả trong luận chứng kinh
tế kỹ thuật, còn lại 2/3 là phân lô bán nền kiếm lời.
Như vậy vô cùng bất hợp lý !
Trong khi đó ngay cả ở Trung Quốc, đất nước đã sinh ra hàng trăm ngàn cuộc
khiếu kiện lớn nhỏ của người dân hàng năm, cũng đã phải có những cải cách nhất
định. Từ đầu năm 2013 đến nay, chính Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Trung Quốc
đã ra một văn bản yêu cầu các chính quyền địa phương không được thu hồi đất bất
hợp lý đối với người dân, và sẵn sàng kỷ luật một số quan chức nào ăn chênh
lệch giá đền bù.
Hội nghị trung ương 3 của Đảng
Cộng sản Trung Quốc dự kiến đưa ra một số cải cách chế độ sở hữu đất đai. Có
nghĩa là đã có một bước cải cách nhất định, giảm bớt tình trạng khiếu kiện về
đền bù của người dân, giảm bớt những than phiền, những lời trách oán phẫn uất
của người dân.
Đó chính là vấn đề mà Quốc hội
Việt Nam kỳ này chưa đáp ứng được, và cả Nhà nước Việt Nam chưa đáp ứng đề nghị
chuyển từ sở hữu đất đai toàn dân sang sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân.
RFI : Còn về các quyền công dân thì như thế nào ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Vào tháng Bảy vừa qua chính phủ đã đưa ra một
xác quyết là quyền phúc quyết thuộc về nhân dân, liên quan tới việc trưng cầu
dân ý, tới một số quyền của người dân. Tuy nhiên sau đó đã không nghe chính phủ
nhắc lại điều này, và trong các văn bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội
cũng hoàn toàn không có nội dung đó.
Cũng không có việc dân được bầu
trực tiếp Chủ tịch nước và Thủ tướng. Đó là một nội dung rất quan trọng, vì
điều này liên quan tới phổ thông đầu phiếu – chế độ bầu cử ở những nước dân
chủ. Nhưng không làm điều này, không hiểu Việt Nam suy nghĩ và quan niệm khái
niệm dân chủ như thế nào !
Một hệ quả khác là những điều
mà các nhóm trí thức cũng như người dân quan tâm và đã kiến nghị rất nhiều lần.
Từ suốt cuối năm 2011 đến nay Quốc hội bắt đầu xem xét Luật Biểu tình. Nhưng
cho đến giờ Dự thảo Hiến pháp vẫn không đề cập tới việc triển khai điều 69 của
Hiến pháp năm 1992, là Luật lập hội, Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu Dân ý. Đó
là ba luật cực kỳ quan trọng liên quan tới quyền lợi người dân, phù hợp với
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký
kết vào năm 1982.
Ngoài ra, bản chất lực lượng vũ
trang vẫn được quy định là « trung với Đảng », cũng là một vấn đề gây tranh
cãi. Nhìn vào thực tế, người ta thấy là lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ
tổ quốc – quốc phòng là chính, chứ không phải đi hỗ trợ cho một số chủ đầu tư
thi công và thu hồi đất của dân.
Nhưng trong vụ án Đoàn Văn Vươn
ở Hải Phòng và vụ thu hồi đất ở Bắc Giang chẳng hạn, thấy xuất hiện nhan nhản
lực lượng quân sự địa phương. Lúc đó người ta biết là chính quyền địa phương và
chủ đầu tư đã cấu kết với nhau, sử dụng quân đội như một công cụ cùng với công
an, cảnh sát để thu hồi đất của dân. Điều đó vô cùng bất hợp lý !
Màu cờ sắc áo, màu xanh yêu
thương của quân đội không phải « Vì nhân dân quên mình » nữa, mà họ đang đối
đầu với nhân dân. Chính vì vậy, không có lẽ gì Nhà nước bắt quân đội phải «
trung với Đảng », mà « trung với Tổ quốc, hiếu với dân » mà thôi.
Cuối cùng, Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp về mặt tổ chức Nhà nước đã không đề cập chút nào tới một cơ chế mà các
nước dân chủ phát triển đang thịnh hành, mang đến sự thịnh vượng cho dân chúng.
Đó là cơ chế Nhà nước pháp quyền, kèm theo là cơ chế tam quyền phân lập.
Tôi hiểu điều đó rất đơn giản
là việc không có Nhà nước pháp quyền gắn liền với việc không thay đổi điều 4
Hiến pháp. Có nghĩa là duy trì cơ chế độc đảng.
Đó là những nội dung mà trong
Dự thảo Hiến pháp lần này không có một chút gì thay đổi. Đó cũng là lý do mà
tôi nghĩ là tôi chỉ là một trong nhiều triệu người bức xúc về vấn đề này. Tôi
nghĩ là phải viết ra bức tâm thư để gởi cho Quốc hội. Không phải quá hy vọng
vào sự thay đổi của Quốc hội, mà để cho người dân đọc, người dân hiểu thêm.
Cũng cần nói thêm, khi đưa ra
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì Đảng và Quốc hội luôn tuyên bố là tuyệt đại đa số
người dân đã đồng tình với Dự thảo. Thậm chí người đứng đầu Đảng Nguyễn Phú
Trọng còn tuyên bố là Cương lĩnh Đảng quan trọng hơn cả Hiến pháp ! Tuyên bố
này đưa ra trước kỳ họp Quốc hội thứ 6 khóa 13.
Nhưng có một thực tế chứng minh
hoàn toàn ngược lại. Theo kết quả cuộc khảo sát chỉ số công lý 2012 do Chương
trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cùng với Hội Luật gia Việt
Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng, thì 42,4% dân chúng
Việt Nam không biết gì về Hiến pháp, hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp !
Số 57,6% còn lại là những người biết Hiến pháp là gì, hoặc đã từng nghe nói tới
Hiến pháp, thì trong đó có tới 23% không hề biết Việt Nam đang tổ chức góp ý
sửa đổi Hiến pháp. Thế thì làm sao có thể nói là tuyệt đại dân chúng đồng tình
với bản Dự thảo Hiến pháp mới ?
Đó là một phản đề đối với những
gì mà những người đứng đầu Đảng và Quốc hội đã tuyên bố, có nghĩa là họ ít quan
tâm tới dân chúng. Tôi cho đó là một sự vô cảm, dắt dây tới những lời tuyên bố
sáo rỗng của họ.
RFI : Theo anh, vì sao kỳ này Quốc hội và Nhà
nước Việt Nam lại quyết định giữ nguyên bản Hiến pháp ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Có một số lý do. Lý do mà Quốc hội đưa ra, theo
Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, là để bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.
Do đó không cần thiết quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc
trưng cầu ý dân trong Hiến pháp theo như một số góp ý, mà để luật quy định. Có
thể nói đây là một cách bao biện rất chung chung, và theo cách nói mà các nhà
được gọi là lập pháp của Việt Nam thường đưa ra trước đây, đúng là chỉ có thể
nói theo quan điểm « cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp ».
Nhưng nhiều dư luận phản bác
lại chuyện này. Họ cho là bản Dự thảo Hiến pháp lần này có thể thực sự là lần
cuối cùng. Và quyết định của Đảng ở Hội nghị trung ương 8 vừa rồi là sẽ thông
qua Hiến pháp vào tháng 11 này tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, có một cái gì đó
rập khuôn từ Trung Quốc về tất cả những nội dung liên quan đến chính trị.
Có một điểm đáng chú ý là Hội
nghị trung ương 8 diễn ra trước chuyến đi của Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc
Cường đến Hà Nội. Và kỳ họp thứ 6 khóa 13 của Việt Nam lại diễn ra ngay sau đó.
Điều này cho thấy có một sự ảnh hưởng nhất định của Trung Quốc đối với Việt Nam
– có thể xảy ra lắm chứ !
Vấn đề thứ hai nữa là Hội nghị
trung ương 8 của Đảng tháng 10/2012 đã quyết định là không bỏ phiếu tín nhiệm
trong Đảng tại hội nghị này, ngược lại với tuyên bố liên tục, ròng rã trong
những tháng đầu năm cho tới giữa năm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là cần
phải lấy phiếu tín nhiệm đối với các đảng viên cao cấp trong Đảng để xem trọng
trách của họ tới đâu, họ đã làm được gì.
Như vậy thực sự vẫn có tư tưởng
Đảng trị bao trùm trên tất cả các lãnh vực ở Việt Nam, trong đó Hiến pháp là
một trong những điều có thể gọi là « nạn nhân ». « Nạn nhân » đó cũng là hệ quả
của não trạng bảo thủ đến mức cực đoan, cho thấy kinh tế quốc doanh vẫn là chủ
đạo, mặc dù tất cả mọi chuyện đang bê bết như thế này ! Nền kinh tế suy thoái,
nợ và nợ xấu tràn ngập, đời sống người dân vô cùng khốn khó. Các tập đoàn lợi
ích cũng như các nhóm thân hữu chính trị lũng đoạn, tung hoành.
Kể cả vấn đề thu hồi đất, một
vấn đề liên quan sát sườn đến dân sinh và có thể tới an nguy của chính phủ, của
Nhà nước Việt Nam, cũng không được sửa đổi một chút nào cả !
Họ đang lo sợ. Họ giữ nguyên
Hiến pháp cũng bởi họ đang lo sợ. Họ sợ cái mà họ coi là « diễn biến hòa bình
», từ những thế lực phương Tây. Kể cả có một khái niệm mới ở Việt Nam là « diễn
biến không hòa bình », không hẳn là từ các « thế lực thù địch » ở nước ngoài,
mà chính là từ những nhóm hoạt động dân chủ ở trong nước. Chẳng hạn nhóm Kiến
nghị 72 mà vào tháng Giêng năm 2013 đã bắt đầu đưa ra Kiến nghị bảy điểm đề
nghị sửa đổi Hiến pháp.
Dư luận cho là cách phản ứng
của Nhà nước, của Quốc hội đối với các nhóm dân chủ này là : càng phản ứng thì
họ càng giữ nguyên, không thay đổi gì hết ! Các nhóm dân chủ càng đề nghị sửa
đổi Hiến pháp bao nhiêu thì Hiến pháp lại càng được giữ nguyên bấy nhiêu.
RFI : Thái độ này sẽ dẫn đến những hậu quả nào ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Vấn đề đó chắc chắn sẽ sinh ra những hậu quả
rất lớn. Kỳ này nếu Hiến pháp được thông qua với một số sửa đổi nào đó – tôi
không kỳ vọng là sửa đổi nhiều – nhưng có một số sửa đổi nào đó liên quan đến
kinh tế quốc doanh, thu hồi đất như tinh thần của cải cách Trung Quốc tại Hội
nghị trung ương 3, thì may ra vẫn còn một chút hy vọng là xã hội không đến nỗi
nguy ngập lắm.
Nhưng nếu tình hình như thế này
mà Hiến pháp không thay đổi một chút nào cả, có nghĩa là Hiến pháp đã đi ngược
lại dòng chảy của lịch sử, và gần như là phủ nhận sự vận động của những điều
kiện khách quan, làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế xã hội tôi cho là
ít nhất đến vài ba chục năm !
Việc không thay đổi bất kỳ nội
dung quan trọng nào của Hiến pháp sẽ tất yếu dẫn tới một logic là tình trạng
lobby chính sách, làm sai chính sách sẽ phổ biến. Các nhóm lợi ích, các nhóm
thân hữu chính trị sẽ tiếp tục lợi dụng những chính sách sai lầm để trục lợi.
Do đó càng gây ra phản ứng ngày càng mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt, phẫn uất
của người dân, và có thể sinh ra hàng loạt cuộc biểu tình như chúng ta đã thấy.
Đặc biệt ở các vùng nông thôn miền Bắc như Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hưng
Yên và ngay cả ngoại thành Hà Nội là Dương Nội.
Đó là hậu quả về đối nội. Còn
hậu quả về đối ngoại ? Chúng ta biết là Việt Nam đã ký kết Công ước quốc tế về
các quyền dân sự chính trị năm 1982, trong đó đề cập tới những quyền lợi cơ bản
của người dân, và cũng liên quan tới điều 69 của Hiến pháp năm 1992 của Việt
Nam là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do
tôn giáo v.v…Nhưng với Hiến pháp như thế này và cũng không triển khai bất kỳ
một luật nào cho biểu tình, trưng cầu dân ý, lập hội…thì có thể nói Việt Nam đã
không tuân thủ Công ước.
Ngoài ra còn có một yếu tố mà dư
luận cũng đang đặt ra. Đó là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương
(TPP). Nếu không có gì thay đổi, thì với sự « ưu ái » của một số nước chủ chốt
trong TPP trong đó có Mỹ, có thể là đầu năm 2014 hoặc nửa đầu năm 2014, Việt
Nam có thể được chấp thuận tham gia làm thành viên TPP. Nhưng điều kiện để tham
gia TPP lại không đơn giản lắm.
Trong cuộc gặp tháng 7/2013
giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Sang đã
cam kết về một số vấn đề nhân quyền mà Việt Nam sẽ nới rộng hơn theo yêu cầu
của Mỹ. Đồng thời TPP cũng có một điều kiện liên quan tới vấn đề nhân quyền như
luật lập hội, nghiệp đoàn lao động và tạo một sân chơi cạnh tranh bình đẳng
giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn
nhận được những ưu ái. Đó là một điều kiện của TPP, và cũng là một trong những
nội dung của Hội nghị trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn xóa bớt đặc
quyền đặc lợi của những tập đoàn kinh tế quốc doanh.
Trong khi đó nếu tham gia TPP
thì Việt Nam sẽ phải bảo đảm điều đó, có nghĩa là sẽ phải giảm bớt độc quyền,
giảm bớt những ưu ái. Nhưng với việc Nhà nước, Quốc hội Việt Nam giữ nguyên
Hiến pháp như hiện nay, có nghĩa là sắp tới sẽ không có gì thay đổi. Và nếu
không có gì thay đổi về mặt cơ chế quản lý kinh tế, vấn đề độc quyền, kể cả vấn
đề nghiệp đoàn lao động, thì làm sao có thể thỏa mãn được những điều kiện để
tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương ?
Dư luận đang đặt câu hỏi : liệu
có một lực lượng nào đó trong nội bộ Đảng không muốn nền kinh tế Việt Nam được
tham gia TPP, thành thử không thay đổi gì cả trong Hiến pháp từ nghiệp đoàn,
độc quyền, nhân quyền…Không thay đổi thì sẽ rất khó cho Việt Nam tham gia vào
TPP. Mà không tham gia được thì không giúp giải quyết một số khó khăn trước mắt
của nền kinh tế vốn đang gần như sa chân vào vực thẳm.
Đó là một số vấn đề liên quan
đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đó cũng là lý do khiến tôi viết bức tâm thư vừa
rồi.
RFI : Việc bầu trực tiếp Chủ tịch nước, Thủ tướng
có vẻ là không tưởng trong giai đoạn hiện nay, và chính quyền cũng có vẻ e dè
trước những luật như Luật biểu tình chẳng hạn. Nhưng ít nhất là vấn đề nợ nần
của các tập đoàn quốc doanh, cưỡng chế đất đai… đang gây quá nhiều bức xúc.
Việt Nam liệu có bỏ qua cơ hội cuối cùng để hội nhập ? Như anh nói lúc nãy,
ngay cả đại biểu cũng chán nản không muốn nói tới sửa đổi Hiến pháp nữa, thì
một cử tri bình thường viết bức tâm thư như thế này liệu có tác động gì không ?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Tiêu đề bức tâm thư, tôi cho là đã nói rõ ý : «
Hiến pháp mới, cơ hội cuối cho một triều đại ». Theo tôi, đây chính là cơ
hội cuối cùng. Vì nếu không cải cách, thì với quá nhiều khó khăn, có thể nói là
đang sa chân vào một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc như hiện nay, chính
thể Việt Nam sẽ không có lối ra. Nếu không cải cách Hiến pháp thì sẽ không còn
bất kỳ một cơ hội nào nữa.
Kể cả cho dù những tổ chức tài
chính thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát
triển châu Á hay Nhật Bản có giúp Việt Nam về kinh tế, và người Mỹ có chấp
thuận cho Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương
chăng nữa, thì tất cả những cái đó cũng chỉ mang tính chất phụ trợ mà thôi.
Việt Nam sẽ không thể giải
quyết vấn đề kinh tế bằng sự thiếu thành tâm về chính trị. Dân cũng đang hỏi
Quốc hội làm gì mà năm trăm đại biểu chỉ thực sự có vài ba tiếng nói có giá trị
đáng để nghe. Vừa rồi có ai để nói ? Có những đại biểu như Trương Trọng Nghĩa ở
TPCHM, Nguyễn Văn Thuyền ở Lâm Đồng và vài ba vị nữa là còn chịu nêu ra thực
trạng ngổn ngang của xã hội, mà cũng chỉ nói được một phần thôi.
Còn đa số các đại biểu còn lại
rơi vào một trạng thái gần như mơ màng, họ không nói gì cả. Trong những kỳ họp
Quốc hội trước người ta cũng đã thống kê là có hàng trăm đại biểu trong vài ba
kỳ họp không nói một tiếng nào, không phát biểu một câu nào. Thế thì Quốc hội
làm gì, họ làm gì và họ đại diện cho ai ? Họ còn đại diện cho dân hay không ?
Vấn đề đó lại liên quan đến
việc chế độ bầu cử trực tiếp đối với Thủ tướng và Chủ tịch nước. Đó là một nhu
cầu của người dân. Nhưng dân đâu còn cái quyền bầu trực tiếp nữa. Với những đại
biểu Quốc hội không còn mang tính chất đại diện cho dân nữa – người dân nói là
họ đang ngủ gật, thì vẫn theo cơ chế cũ thôi. Tức là đại biểu Quốc hội bầu Chủ
tịch nước, bầu Thủ tướng, và họ bầu theo thiên kiến riêng của họ - chứ không
phải theo nhãn quan của người dân, theo tấm lòng, quyền lợi của người dân.
Chính vì điều đó mà tôi không
quá hy vọng. Thực ra rất ít hy vọng vào việc viết những bức tâm thư để cho ai
đó, lãnh đạo nào đó lắng nghe, và cũng không mấy hy vọng vào chuyện những đại
biểu Quốc hội nào đó sẽ chia sẻ, cảm thông với mình. Mà viết ở đây là cho dân
đọc, cho dân hiểu. Dân cần đọc, cần hiểu hơn, cần được chia sẻ hơn với nỗi khổ
của họ, và từ đó dân trí sẽ được nâng lên. Họ cần phải biết đấu tranh với những
gì oan khuất mà họ đã phải chịu.
RFI : Xin rất cảm ơn nhà báo
Phạm Chí Dũng.
No comments:
Post a Comment