Thursday, 7 November 2013

GIAI ĐOẠN BẾ TẮC TRONG HỢP TÁC QUÂN SỰ NGA-TRUNG (Tài liệu tham khảo của TTXVN)




THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Posted by basamnews on November 7th, 2013

Truyền thông Nga ngày 15/10 đăng báo cáo của Viện nghiên cứu Nga, Trung Á và Caucasus (Iras) của Iran cho biết quan hệ đối tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc đơm hoa kết trái sau khi Liên Xô sụp đổ dẫn tới kết thúc sự thống trị về tư tưởng trong chính sách xuất khẩu vũ khí, trong vài năm gần đây đã trải qua một giai đoạn bế tắc. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là hành động của chính phủ Trung Quốc sao chép trái phép các sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng như tháo rời nhiều trang thiết bị mua từ Nga và thay đổi bằng các phụ tùng của Trung Quốc.
Lí do là các biện pháp tích cực của Bắc Kinh nhằm phát triển công nghiệp quốc phòng nội địa và tự lực về quốc phòng. Ngày nay, sau chưa đầy 10 năm, các biện pháp này đã biến thành trở ngại đối với phát triển quan hệ quân sự giữa 2 nước và Nga cũng không còn muốn bán cho Trung Quốc các vũ khí mới.

Hợp tác Nga-Trung trong thập kỷ vàng 1990

Hợp tác quân sự giữa 2 nước bắt đầu ngay từ những năm đầu của Chiến tranh Lạnh. Khi đó Joseph Stalin hào phóng ra lệnh cung cấp miễn phí cho Trung Quốc một phần vũ khí và công nghệ quân sự của Nga. Kết quả của cử chỉ thân thiện này không chỉ là Trung Quốc nhận được một lượng lớn vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ mà còn đặt nền móng cho ngành công nghiệp quân sự của nước này và đạt được những thành công đáng kể. Nhờ công nghệ chế tạo của Liên Xô thông qua các sản phẩm MiG-17, MiG-19, MiG-21,11-14, Tu-4 và Tu-6, tầu ngầm lớp Romeo, xe tăng T-54, các loại pháo cao xạ và xe bọc thép chở quân, ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đã hình thành và duy trì cam kết với nhà sáng lập nước ngoài của mình. Tuy nhiên giữa Liên Xô và Trung Quốc xuất hiện đối đầu do cuộc khủng hoảng nổ ra trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa trong thập niên 60 của thế kỷ 20. Hai nước trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau, và suýt chút nữa đã nổ ra một cuộc đối đầu quân sự. Mối bất hòa gây ảnh hưởng xấu tới Trung Quốc. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) không còn nhận được vũ khí hiện đại của Liên Xô và do không có các nguồn công nghệ khác, nên trong những, năm 1970-1980 PLA đã không đạt được bất cứ tiến bộ đáng kể nào dù đã rất nỗ lực.
Số lượng vũ khí và công nghệ quân sự Trung Quốc mua trong những thập kỷ này của các nước như Pháp, Italy và Mỹ là không đáng kể, và nguồn cung này cũng bị chặn lại sau vụ trấn áp vũ trang cuộc biểu tình của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 do cấm vận. Vào thời điểm đó, PLA dù sở hữu quân số và lượng vũ khí lớn, song gặp rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, tác động tiêu cực tới cán cân sức mạnh giữa Trung Quốc và các đối thủ của nước này. Ví dụ, năm 1979, cuộc chiến tranh với Việt Nam đã kết thúc mà không thu được kết quả do Trung Quốc không có ưu thế trên không. Trung Quốc rất thận trọng trong quan hệ với Ấn Độ, nước sở hữu các máy bay tiêm kích hiện đại do Nga, Pháp và Anh chế tạo. Trung Quốc cũng không có hy vọng trong cuộc đối đầu với Đài Loan. Nguyên nhân là rủi ro cao nổ ra chiến tranh với Mỹ và các đồng minh của nước này – Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi Trung Quốc chủ yếu sở hữu các máy bay thế hệ thứ nhất và thứ hai F-6 và F-7 của mình (tương tự như MiG-19 và MiG-21 Liên Xô), thì các nước láng giềng đã nhận được những phiên bản vũ khí mới nhất trên thế giới.
Sự sụp đổ của Liên Xô là thời khắc vàng đối với Trung Quốc. Giai đoạn thù địch với Moskva đã qua đi và nước này sẵn sàng bán cho Bắc Kinh một lượng vũ khí lớn. Nga giờ không xuất khẩu vũ khí qua lăng kính tư tưởng, và coi Trung Quốc đơn thuần như một khách hàng thương mại. Do không tiếp cận được công nghệ quân sự mới trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc, với ngành công nghiệp lạc hậu và đội quân trang bị yếu kém của mình, sốt sắng mua sắm vũ khí Nga.
Năm 1992, Trung Quốc đặt mua 78 máy bay Su-27. Thỏa thuận này giúp khởi động ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc, tăng; khả năng chiến đấu của PLA. Trên thực tế, chính nhờ nhận được các máy bay chiến đấu thuộc dòng Flanker này (thế hệ Su -27 và các mẫu tiếp theo) sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã có sự đột phá. Việc sở hữu 12 tàu ngâm lóp Kilo, hệ thống tên lửa phòng không S-300 (Trung Quốc là nước đầu tiên mua hệ thống này), radar giám sát trên không, 26 máy bay lên thẳng Ka-27 và Ka-28, 25 máy bay vận tải IL-76 và máy bay tiếp nhiên liệu trên không IL-78, 11 máy bay hành khách Tu- 154, 338 máy bay lên thẳng Mi-8/17 cùng một lượng lớn đạn dược dành cho máy bay đưa Trung Quốc trở thành nước nhập khâu vũ khí lớn nhất của Nga. Sau đó, sau khi ký hợp đồng mua 100 máy bay Su-30, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất các máy bay này, và thậm chí khiến cho không quân Nga không được nhận đủ loại phương tiện kỹ thuật này.
Tuy nhiên yếu tố còn quan trọng hơn trong họp tác quân sự Nga-Trung là các dự án liên doanh chế tạo vũ khí tại Trung Quốc. Nga đã cấp giấy phép chế tạo tại Trung Quốc 200 chiếc Su-27 dưới cái tên Thẩm Dương J-11 với động cơ và phụ tùng của Nga. Khởi động dự án chế tạo máy bay cảnh báo sớm AWACS KJ-2000 trên cơ sở máy bay IL-76. Nga bắt đầu cung cấp động cơ cho máy bay Trung Quốc như máy bay huấn luyện chiến đấu Hồng Đô JL- 8. Hơn 190 máy bay loại này đã được đưa vào biên chế Không quân Trung Quốc và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đặt thêm ít nhất 400 máy bay nữa. Trung Quốc cũng nhận được hơn 270 động cơ máy bay tiêm kích Thành Đô J-10. Ngoài ra còn có đơn hàng đặt mua hơn 100 động cơ của máy bay đa năng FC-1. Lô máy bay xuất khẩu gần nhất thuộc loại này là chế tạo cho Pakistan, gồm 250 chiếc.
Máy bay tiêm kích FC-1 (Pakistani gọi là JF-17 Thunder) là loại máy bay đa năng (tiêm kích và cường kích) sử dụng động cơ của Nga do Trung Quốc chế tạo theo đơn hàng của Pakistan. Có thể nói ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đã đạt được thành công khó tin nhờ sự hỗ trợ của Nga về công nghệ.

Sự phản bội của Trung Quốc

Bất chấp mối quan hệ nồng ấm, năm 2004, Nga bắt đầu nhận thấy Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận hợp tác và không tôn trọng bản quyền sản phẩm quân sự của Nga. Điều này khiến Moskva nổi giận, không cấp phép chế tạo máy bay Thẩm Dương J-11 (tương đương Su-27). Các kỹ sư Trung Quốc đã sao chép các mẫu máy bay Nga họ có được, thay vào đó động cơ, radar và vũ khí của Trung Quốc. Chế tạo mẫu máy bay mới theo các mong muốn của riêng minh, Trung Quốc thực sự đã vi phạm các hợp đồng với Nga. Hành động tiếp theo của Trung Quốc là chế tạo trái phép một phiên bản máy bay Su-30MK2, đặt tên là J-16, càng đổ thêm dầu vào lửa. Có được mẫu Su-27 tầm xa từ Ukraine, Trung Quốc tự chế tạo lô máy bay Su-33 dưới tên gọi J-15. Thêm vào đó trong hoạt động phát triển tàu ngầm, Trung Quốc cũng nỗ lực chế tạo sản phẩm theo mẫu mã của Nga song do nước này hoàn thiện. Trung Quốc cũng có các hành động tương tự với vũ khí phòng không. Đầu tư lớn vào chế tạo động cơ máy bay, Trung Quốc tiến tới ngày càng độc lập với Nga.
Cùng với các biện pháp trên, sự tự tin của Bắc Kinh trong việc cần từng Bước ngừng nhập khẩu vũ khí của Nga đã khiển cho Moskva mất đi lòng tin vào đối tác của mình. Kể từ đó và ít nhất 6 năm tiếp theo, Nga hạn chế bán thiết bị quân sự cho Trung Quốc vốn đã sở hữu những công nghệ hiện đại nhất. Đương nhiên Nga vẫn tiếp tục cung cấp động cơ cho người láng giềng châu Á, song từ chối cho phép Trung Quốc sử dụng các nghiên cứu về công nghệ cao, và bán chúng cho các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực. Vấn đề này không làm giảm khát vọng của Trung Quốc muốn mua vũ khí Nga.

Đòi hỏi mới của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng quan hệ quân sự với Nga 

Hiện Trung Quốc sẵn sàng mua của Nga 10, hoặc theo các nguôn tin khác, là 30 máy bay IL-76, và 8 máy bay IL-78, và đang chờ sự xuất hiện của mẫu máy bay tiên tiến IL-476, để mua thêm 60 máy bay loại này nữa. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng quan tâm tới tuyệt phẩm của ngành chế tạo hàng không Nga, máy bay lên thẳng Mi-17 khi nhập khẩu hồi năm ngoái 50 chiếc loại này. Trong khi đó, vài tháng trước, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đặt hàng mua vũ khí đã thất bại. Cụ thể, Trung Quốc muốn mua máy bay chiến đấu đa năng Su-35 (chưa tới 30 chiếc), tàu ngầm lớp Lada (mẫu tầu ngầm mới của Nga thay cho lớp Kilo), tên lửa chống hạm Onyx (tên xuất khẩu Yakhont) cùng một số loại vũ khí phòng thủ, song Nga đã từ chối đề xuất này. Phía Nga tiếp tục khẳng định Trung Quốc đã vi phạm bản quyền, và yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản xuất trái phép những sản phẩm Su-27 và Su-33 dưới cái tên J-11 và J-15.
Điều này có nghĩa là Nga không còn tin Trung Quốc và không còn xem nước này như một đối tác chiến lược tin cậy trong hợp tác quân sự. Có thể chính do nguyên nhân này mà Nga đề xuất bán cho các đối thủ của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam những vũ khí hiện đại nhất trong khi từ chối bán chúng cho Bắc Kinh. Hiện các chuyên gia Nga đang hợp tác với đối tác Ấn Độ để cải thiện loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 Sukhoi T-50. Trong việc hiện đại hóa dòng máy bay thế hệ thứ 4, J-20 của mình, các kỹ sư Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không có được công nghệ máy bay Nga. Cũng có thể nói tới điều tương tự với tầu ngâm diesel lớp Lada, tầu ngầm hạt nhân lớp Akula (đã xuất sang Ấn Độ), tên lửa siêu âm chống tầu Yakhont, tổ hợp tên lửa S-300 hiện đại, máy bay đa năng mới nhất Su-35 và Mig-35, cùng nhiều loại vũ khí khác. Trung Quốc đang ngày càng quan tâm tới máy bay ném bom Tu-22 và máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga, tuy nhiên với quan điểm hiện nay và kinh nghiệm từ rủi ro trong hợp tác với đối tác Trung Quốc, Nga ít có khả năng chuyển giao cho Trung Quốc các máy bay này.
Trung Quốc không đạt được mong muốn độc lập hoàn toàn về công nghệ quân sự với Nga do kế hoạch chế tạo động cơ cho máy bay J-10 và J-15 thất bại. Trong hầu hết các trường hợp khác, động cơ Trung Quốc chế tạo cũng không có các tính năng cao như các động cơ tương tự của Nga. Nói một cách khác, giống như trước đây, Trung Quốc vẫn rất cần hợp tác với Nga.

Kết luận
Đương nhiên Nga vẫn tiếp tục cung cấp các chủng loại vũ khí nhất định cho Trung Quốc vì doanh thu cao từ các giao địch này. Về phần mình, Trung Quốc rất cần Nga. Đặc biệt là việc chế tạo động cơ máy bay. Mặc dù để giảm sự phụ thuộc vào người láng giềng phương Bắc, Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào sản xuất trong nước và trông cậy vào nhà sản xuất ở các nước khác, như Ukraine, song nước này vẫn cần hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga.

Tuy nhiên, sự thiếu tin tưởng vào Trung Quốc do sao chép và vi phạm bản quyền các loại vũ khí của Nga khiến nước này lo ngại Trung Quốc có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của họ trên thị trường vũ khí thế giới. Chính vì thế cần bổ sung thêm sự hợp tác chặt chẽ của Nga với Ấn Độ và Việt Nam, những nước tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng như Nga không còn tin tưởng người láng giềng khổng lồ châu Á, vốn ngày càng mạnh hơn. Tất cả những nhân tố này khiến cho triển vọng hợp tác quân sự giữa Moskva và Bắc Kinh trở nên u ám./.


No comments:

Post a Comment

View My Stats