Wed, 11/27/2013 - 15:06 —
hoangngoctuan
Eduardo Galeano, nhà văn
Uruguay, là một trong những nhà văn phản kháng mà tôi yêu thích nhất. Ông đã
quan sát và mô tả bản chất của chế độ độc tài bằng một ngòi bút rất sắc bén và
thâm thuý. Tôi xin trích dịch và giới thiệu đến độc giả một số đoản văn của
Eduardo Galeano mà tôi tin rằng, khi đọc, đa số người Việt Nam hôm nay đều lập
tức có cảm tưởng rằng đây là những gì đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Xin
mời mọi người cùng đọc.
***
Trước hết là một đoản văn về
thân phận của người dân bị đè bẹp dưới chế độ độc tài:
NHỮNG KẺ-KHÔNG-LÀ-AI-CẢ
Những con rận mơ sẽ mua được
một con chó để sở hữu, và những kẻ-không-là-ai-cả mơ sẽ thoát khỏi sự nghèo
khổ: vào cái ngày kỳ diệu ấy, vận may sẽ bất ngờ đổ mưa xuống cuộc sống của họ
— mưa như trút những thùng nước lớn. Nhưng vận may chẳng hề đổ mưa hôm qua, hôm
nay, ngày mai, hay bao giờ cả. Thậm chí nó chẳng hề ban phát một cơn mưa phùn
nhè nhẹ, bất kể những kẻ-không-là-ai-cả đã nỗ lực nhọc nhằn đến chừng nào để
triệu thỉnh nó. Ngay cả khi họ cảm thấy bàn tay trái của họ nhột nhạt, hay họ
tỉnh giấc vào buổi sáng vì cảm thấy bàn chân bên phải được ai đánh thức, hay họ
thay những cái chổi để bắt đầu một năm mới.
Những kẻ-không-là-ai-cả: không
là con cháu của ai cả, không là sở hữu chủ của cái gì cả. Những kẻ-không-là-ai-cả:
những kẻ không nhân thân, những kẻ không tiểu sử, chạy như những con thỏ, chết
giữa dòng đời, bị bạc đãi bằng mọi cách:
Họ không là gì cả, chỉ có thể
là.
Họ không nói ngôn ngữ nào cả,
chỉ nói tiếng lóng.
Họ không có tôn giáo nào cả,
chỉ có sự mê tín.
Họ không sáng tạo nghệ thuật,
chỉ làm những đồ thủ công.
Họ không có văn hoá, chỉ có tập
quán.
Họ không phải là những con
người, chỉ là sức người. Họ không có mặt, chỉ có tay.
Họ không có tên gọi, chỉ có
những con số.
Họ không xuất hiện trong sử ký
của thế giới, chỉ được liệt kê trong bản tin hình sự trên những tờ báo địa
phương.
Những kẻ-không-là-ai-cả, họ còn
rẻ hơn viên đạn giết chết họ.
***
Tiếp theo là những đoản văn về
tình trạng chính trị và xã hội của một đất nước dưới chế độ độc tài:
HỆ THỐNG / 1
Các nhà chức trách không thi
hành chức trách.
Các nhà chính trị phát ngôn
nhưng không nói bất kỳ điều gì.
Cử tri chỉ bỏ phiếu nhưng không
chọn lựa.
Giới truyền thông đưa tin bịa
đặt.
Các nhà trường dạy sự ngu dốt.
Các quan toà trừng phạt những
nạn nhân.
Quân đội tuyên chiến với nhân
dân của chính mình.
Công an không chống tội ác vì
chính họ quá bận bịu gây tội ác.
Những sự phá sản thì được công
hữu hoá, nhưng những lợi tức thì được tư hữu hoá.
Tiền bạc thì tự do hơn nhân
dân.
Nhân dân làm đầy tớ cho mọi sự.
HỆ THỐNG / 2
Đây là thời của loài kỳ nhông:
không ai dạy bảo chúng ta về lòng nhân đạo nhiều bằng những con thú ấy.
Những kẻ chuyên che đậy thì
được sùng bái, văn hoá của chiếc mặt nạ thì được tôn vinh. Người ta nói thứ
ngôn ngữ hai mặt của những nghệ sĩ giả trang. Ngôn ngữ hai mặt, phán đoán hai
mặt, đạo đức hai mặt: một thứ đạo đức cho lời nói, một thứ đạo đức cho hành
động. Thứ đạo đức cho hành động thì được gọi là chủ nghĩa hiện thực.
Quy luật của hiện thực là quy
luật của quyền lực. Để cho hiện thực không có vẻ phi hiện thực, nhà cầm quyền
bảo chúng ta rằng đạo đức phải là vô đạo đức.
HỆ THỐNG / 3
Nếu anh không lanh lẹ, anh sẽ
chết. Anh bị bắt buộc phải làm một kẻ lừa đảo hay một kẻ bị lừa đảo, một kẻ láo
khoét hay nạn nhân của sự láo khoét. Đây là thời của những ý nghĩ: "việc
gì tôi phải lưu tâm đến điều đó, tôi làm được gì cho điều đó, đừng dính vào,
hãy tìm cơ hội tốt nhất." Đây là thời của những kẻ lường gạt: sản phẩm thì
vô dụng, óc sáng tạo thì vô ích, lao động thì vô giá trị...
NHỮNG TỘI LỖI
Guồng máy ấy sách nhiễu những
người trẻ tuổi; nó cầm tù, nó tra tấn, nó giết chóc. Họ là bằng chứng của sự
quan trọng của nó. Nó vất họ ra ngoài: nó bán họ như bán thịt người, nó bán sức
lao động của họ với giá rẻ mạt ra ngoại quốc.
Guồng máy vô sinh thù ghét bất
cứ thứ gì vươn lên và chuyển động. Nó chỉ có thể làm nhân lên những ngục tù và
nghĩa địa. Nó chỉ có thể tạo ra những tù nhân và những xác chết, những tên tình
báo và những viên công an, những kẻ ăn mày và những người lưu vong.
Trẻ là một tội ác. Hiện thực
khởi động mỗi ngày vào lúc rạng đông; lịch sử cũng vậy, nó tái sinh vào mỗi
buổi sáng. Đó là lý do tại sao hiện thực và lịch sử bị cấm đoán.
NHỮNG CÁI CHUỒNG
Mỗi tháng lại có thêm một nhà
tù. Đó là cái mà các kinh tế gia gọi là Kế Hoạch Phát Triển.
Thế còn những cái chuồng vô
hình? Những bản tường trình chính thức nào hay những văn kiện đối kháng nào ghi
nhận những tù nhân của sự sợ hãi? Sợ mất việc làm, sợ không kiếm được việc làm;
sợ nói, sợ nghe, sợ đọc. Trong đất nước câm nín, một tia sáng từ ánh mắt có thể
khiến người ta vào trại tập trung.
Chế độ kiểm duyệt giành thắng
lợi khi mỗi công dân răm rắp tự kiểm duyệt ngôn từ và hành động của mình.
Nhà nước độc tài sử dụng những
đồn lính, những đồn công an, những toa xe lửa cũ, những con tàu hoang phế để
nhốt những người tù. Thế còn căn nhà của mỗi người? Chứ không phải mỗi căn nhà
là một nơi giam giữ hay sao?
NHỮNG ĐIỀU ÁC
Bảng liệt kê những vụ tra tấn,
giết và thủ tiêu không thể kể hết những điều ác của một chế độ độc tài. Guồng
máy huấn luyện cho bạn quen với thói ích kỷ và dối trá. Đoàn kết là một tội
lỗi. Guồng máy khải thắng: người ta sợ nói, sợ nhìn nhau. Không ai muốn gặp ai
nữa. Khi có một người nào đó bắt gặp đôi mắt của bạn và không nhìn đi chỗ khác,
bạn nghĩ: “Gã này sẽ bắt ta.” Thủ trưởng nói với nhân viên, cũng là bạn của
hắn: “Tôi phải báo cáo bạn. Họ đòi những danh sách. Tôi phải giao cho họ một
cái tên người. Tha lỗi cho tôi, nếu được.”
Tại sao việc đánh thuốc độc để
sát hại tâm hồn không được ghi vào biên niên ký của sự bạo động?
NHỮNG KỸ THUẬT
Một người bị tử hình có thể gây
xôn xao dư luận thế giới, nhưng hàng ngàn người mất tích thì chỉ gây nên sự
hoang mang. Gia đình và thân nhân phải trải qua những hiểm nguy để tìm kiếm vô
vọng từ nhà giam này đến nhà giam khác, từ đồn lính này đến đồn lính khác,
trong khi đó thì những tử thi bị rữa nát trong rừng và trong những bãi đổ rác.
Kỹ thuật của sự thủ tiêu không tạo ra những thánh tử đạo và những tù nhân.
Những xác người bị mặt đất nuốt chửng, còn chính quyền thì rửa tay sạch sẽ: không
có tội ác nào để tường thuật, và không có gì để mất công giải thích. Mỗi người
chết thì phải chịu chết nhiều lần, và cuối cùng chỉ để lại một đám sương mù của
nỗi kinh hoàng và một sự hoang mang trong tâm hồn.
LƯU VONG
I
Những chiếc thuyền ra đi chở
đầy những người trẻ tuổi thoát khỏi ngục tù, sự chết và cái đói. Sống là nguy
hiểm; trốn thoát là một tội lỗi; ăn là một phép lạ.
Nhưng còn có bao nhiêu người
lưu vong ngay trong đường biên giới của tổ quốc mình? Có bản thống kê nào đếm
những người bị đuổi việc và bị bắt buộc phải câm nín? Sự hy vọng là tội ác lớn
hơn những hành động khác, chứ không phải sao?
Chế độ độc tài là một sự ô nhục
biến thành tập quán, một guồng máy làm cho bạn điếc và câm, không còn biết
nghe, không còn biết nói, và mù loà trước những gì bị cấm nhìn thấy.
Cái chết đầu tiên vì sự tra tấn
đã gây nên dư luận xôn xao trong cả nước. Cái chết thứ mười vì bị tra tấn chỉ
được báo chí tường thuật sơ sài. Cái chết thứ năm mươi được xem là “bình
thường”.
Guồng máy dạy cho nhân dân chấp
nhận sự kinh khủng cũng giống như cách người ta làm quen với độ lạnh của mùa
đông.
II
Guồng máy dạy rằng bất cứ ai
chống lại nó thì đều là kẻ thù của tổ quốc. Chống lại sự bất công là một tội ác
đối với tổ quốc.
Ta là tổ quốc, guồng máy nói.
Trại tập trung này là tổ quốc: đống rác thối tha này, miền đất hoang phế này.
Bất cứ ai tin rằng đất nước của
mình là ngôi nhà của mọi người thì bị ném ra khỏi ngôi nhà đó.
***
Tôi đặc biệt lưu ý đến đoản văn
LƯU VONG II của Eduardo Galeano. Qua đoản văn này, ông lật tẩy một trò điêu trá
của chế độ độc tài: nó luôn luôn tự đồng hoá chính nó với "tổ
quốc". Bất cứ ai phê phán chế độ, hay chống lại những sự sai lầm và
tội ác của chế độ, thì đều bị kết án là "chống lại tổ quốc"!
Suốt mấy mươi năm qua, chế độ
Cộng Sản ở Việt Nam luôn sử dụng trò điêu trá này và luôn ra sức tẩy não thế hệ
trẻ và nhồi nhét vào đầu óc họ cái ý tưởng rằng "chế độ Cộng Sản" là
"tổ quốc". Thế nhưng, chỉ cần giở bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
(Das Manifest der Kommunistischen Partei, 1848) ra xem "Phần II:
Những người vô sản và những người cộng sản" (II. Proletarier und
Kommunisten), thì ai cũng có thể thấy rằng Marx và Engels đã khẳng định: "bước
thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp
thống trị" (daß der erste Schritt in der Arbeiterrevolution die
Erhebung des Proletariats zur herrschenden Klasse), và nhấn mạnh: "Công
nhân không có tổ quốc" (Die Arbeiter haben kein Vaterland).
Khi những kẻ thống trị của một
chế độ lại chính là những kẻ "không có tổ quốc", thì cái trò
đồng hoá chế độ với "tổ quốc" là một trò điêu trá lố bịch nhất
dưới ánh mặt trời, và trò điêu trá này chỉ có thể đánh lừa được những con cừu
đã bị tẩy não.
Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, Australia)
No comments:
Post a Comment