Đôi lời: Có một thực tế nghiêm
trọng mà hầu như chưa bao giờ được nhắc đến trong “bảng vàng thành tích” của
các cơ quan pháp luật, đặc biệt là ngành công an, đó là “bệnh thành tích”.
Cái bệnh này ở ngành nào cũng có thể dễ dàng được bàn
tới, thế nhưng, ở cái ngành mà nếu đem kể công ra là “tống được bao nhiêu
thằng/ con vào tù”, “cho bao nhiêu đứa dựa cột” vì buôn ma túy, vì giết người,
v.v.. thì nghe ghê quá. Ấy thế mà nó vẫn cứ âm thầm diễn ra, chẳng ai thắc mắc,
nghi vấn, nhất là ở nơi mà lẽ ra phải là lực lượng kiểm soát quyền lực nhất thứ
“bệnh” này – Quốc hội.
Quốc hội không làm được, phần vì … hãy “tiên trách kỷ,
hậu trách nhân”, các vị cũng bị “bệnh thành tích”, mà chẳng mấy ai dám chỉ
ra cả. Mỗi kỳ họp, nghe oai lắm, bàn thảo thông qua hàng chục dự luật, trong đó
bao nhiêu là luật ban hành chỉ cho nó … oai, lời lẽ nghe choang choang như nghị
quyết đảng, và hiếm thấy được đem ra thực thi. Đến ngay như Luật Báo chí, quan
trọng vậy, mà đã bao giờ thấy xử vụ nào vi phạm luật này chưa? Rồi chất vấn các
bộ trưởng, … có bao giờ thấy chất vấn về tình trạng án lập ra để có thành tích,
lĩnh thưởng, lên lon, … rồi có đi thị sát các trại tù, xem đời sống và lắng
nghe khiếu nại oan sai?
Khẳng định kiểu vô trách nhiệm như ông Bộ trưởng Tư pháp
dưới đây, rằng là việc kết án đó “không phải là cố ý”, cũng dễ hiểu, bởi vì họ
“cùng một duộc” cả, cùng có “bệnh thành tích”.
Thế nên sâu thẳm đằng sau những vụ án gây khổ đau ngất
trời cho dân như vụ này, còn là thứ “bệnh” đó. Hãy sửa nó từ Quốc hội cho tới
các cơ quan mà nó có quyền chất vấn, kiểm tra!
BT
*
“Còn bức cung, còn oan
sai”
Thứ ba, 5/11/2013 16:15 GMT+7
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, chừng nào còn bức cung, ép cung và nguyên
tắc suy đoán vô tội còn không được áp dụng một cách triệt để thì chừng ấy vẫn
còn những trường hợp như ông Nguyễn Thanh Chấn.
Sáng 5/11, giờ giải lao bên hành lang Quốc hội sôi nổi
bởi hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP HCM), trong nhiều trường hợp quyền
được luật sư bảo vệ khi bị tạm giữ, tạm giam đã không được bảo đảm. Bên cạnh đó
là việc có định kiến, thành kiến với bị can, bị cáo, không theo tư duy suy đoán
vô tội và dễ dẫn đến tình trạng bức cung và ép cung.
“Chúng ta phải xử lý đúng theo nguyên tắc bị can không có
tội cho đến khi có bản án của tòa án có hiệu lực. Nếu như làm đúng như vậy thì
sẽ hạn chế được rất nhiều oan sai như trường hợp của ông Chấn”, luật sư Nghĩa
nói.
Bình luận về trường hợp cụ thể nói trên, đại biểu Nghĩa
không cho đây là trường hợp cá biệt, cũng không phải chỉ có ở Việt Nam. Ở nhiều
quốc gia, việc bị bức cung, ép cung dễ khiến người không có tội cũng phải nhận
để qua giai đoạn điều tra, thẩm vấn.
“Vì vậy, chừng nào còn bức cung, ép cung, chừng nào
nguyên tắc suy đoán vô tội còn không được áp dụng một cách triệt để thì chừng
ấy vẫn còn những trường hợp như ông Chấn”, vị đại biểu là Phó Chủ nhiệm đoàn
luật sư thành phố Hồ Chí Minh nói.
Để quy trách nhiệm trong vụ việc này, luật sư Nghĩa cho
rằng phải xem xét đầy đủ nguyên nhân do nghiệp vụ điều tra, hay do tiêu cực; do
thiên vị hay điều kiện giám định chưa có…
Chia sẻ quan điểm với luật sư Trương Trọng Nghĩa, Bộ
trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, nhận định nguyên nhân dẫn đến vụ việc không phải
cố ý mà do nguyên tắc suy đoán vô tội không được thực hiện, áp
dụng chặt chẽ mà chỉ xử theo lời khai, tài liệu điều tra.
“Phải nói rằng không có nền tư pháp nào chính xác 100%
nhưng để lọt những cái sơ đẳng này tôi cho là do việc tranh tụng ở tòa chưa
được thấu đáo”, Bộ trưởng Tư pháp nói.
Cũng theo ông, vụ việc do đã có bản án nên trách
nhiệm là của tòa án. Trước câu hỏi về vấn đề bồi thường cho ông Chấn,
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tiền bồi thường lấy từ ngân sách. Còn cá nhân
để xảy ra sự việc có trách nhiệm phải bồi hoàn.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì nêu yêu cầu điều quan
trọng trong công tác phòng chống tội phạm là không được để lọt tội phạm nhưng
kiên quyết không để oan sai cho người dân.
Trước câu hỏi về dấu hiệu ép cung đối với ông Nguyễn
Thanh Chấn, Phó thủ tướng nói: “Theo quy định của pháp luật, ép cung là trái
pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả để pháp luật được thực thi mọi
lúc mọi nơi, kể cả trong trại giam”.
Đại
biểu Dương Trung Quốc: “Để hạn chế tình trạng án oan, tôi cho rằng phải
minh bạch mọi thứ trong quá trình xét xử, đồng thời phải tạo điều kiện cho
các bị can được hỗ trợ tư pháp, vì thực tế là một phần lớn họ không có điều
kiện tự bảo vệ mình. Lần này có cơ hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao thì tôi
sẽ chất vấn về vấn đề này.Theo tôi, quy trình tố tụng phải thay đổi, mà muốn
thay đổi thật sự thì không có gì khác là phải nâng cao quyền giám sát của
nhân dân. Câu chuyện này (vụ ông Nguyễn Thanh Chấn) làm rúng động dư luận là
vì một loạt các vấn đề về cơ chế và trách nhiệm. Sắp tới xét xử đúng người
đúng tội và giải oan cho ông Chấn thì phải đền bù, mà tiền đền bù lấy từ công
quỹ nhà nước, chứ không phải những người làm sai bỏ tiền ra đền bù”.
|
Nguyễn Hưng
No comments:
Post a Comment