Saturday, 2 November 2013

CHEABOL HÀN QUỐC VÀ TẬP ĐOÀN KINH TẾ VIỆT (BS Hồ Hải)




Thứ bảy, ngày 02 tháng mười một năm 2013

Cách đây vài hôm, thủ tướng quyết định khai tử tập đoàn Vinashin và thành lập Tổng công ty công nghiệp tàu thủy - SBIC: Shipbuilding Industry Corporation. Do hậu quả làm ăn thua lỗ vì tham nhũng, và thiếu tinh thần trách nhiệm, cũng như khả năng quản lý của lãnh đạo tập đoàn. Có người cho rằng thu nhỏ tập đoàn để dễ quản lý, thì mới thành công, nhưng tôi không tin nó không còn ăn bám trên mồ hôi nước mắt của dân.

Nhìn chung, các tập đoàn nhà nước khác của Việt Nam hiện nay cũng không thoát khỏi hoàn cảnh của Vinashin, chỉ khác nhau là, một số tập đoàn còn sống vì có nguồn thu để nuôi sống, còn Vinashin thì phải tự bươn chải mà sống. Ví dụ, Tập đoàn điện lực quốc gia nhờ tăng giá điện, bắt dân nuôi để tồn tại; tập đoàn than khoáng sản nhờ móc tài nguyên bán ăn để sống; tập đoàn dầu khí cũng bán tài nguyên để ăn, mà dân thì không được bù giá xăng dầu, ngược lại dân phải đóng đến 33% phí thuế để nuôi, nên giá xăng dầu nước Việt luôn cao hơn nhiều quốc gia khác.

Ngược lại các Cheabol của Hà Quốc, ông Park Chung Hee thành lập từ 1963 ngày càng hùng mạnh và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Chúng đã góp phần trọng yếu đưa đất nước Hàn Quốc chỉ có diện tích, và dân số bằng một nửa của Việt Nam, nhưng kinh tế nằm trong nhóm G20, đứng chung với Trung Hoa có dân số gấp hơn 30 lần so với Hàn Quốc.

Có những khác nhau về sự hình thành và quản lý các tập đoàn ở Hàn Quốc và ở Việt Nam cần rút ra để học hỏi cho tương lai.

Sự khác nhau đầu tiên và cơ bản nhất là nền chính trị đa nguyên của Hàn Quyền làm tản quyền chính phủ và đảng cầm quyền, nên trách nhiệm của các chính khách đối với nền kinh tế quốc gia được ràng buộc cụ thể, đồng thời nạn tham nhũng cũng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Mặc dù tham nhũng ở đâu cũng có, nhưng tham nhũng ở một chế độ đa nguyên, tản quyền dễ bị phanh phui và quy trách nhiệm đúng lúc, đúng đối tượng hơn là một chế độ chính trị đơn nguyên tập quyền của vua chúa phong kiến, không cần người có khả năng để điều hành, chỉ cần người biết ăn chia để làm quản lý.

Sự khác biệt thứ hai làm cho người quản lý tập đoàn Cheabol ở Hàn Quốc có trách nhiệm với tập đoàn của mình là, các Cheabol là của chính ông chủ tư nhân và các thành viên có cổ đông gầy dựng nên nó. Họ phải lo sự sống còn của chính bản thân và nhân viên của mình. Ngược lại, các tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam là của chung, là nơi được chính trị ưu đãi mọi mặt về chính sách, kinh tài, v.v... nên nó là nơi các nhóm lợi ích bâu vào để đục khoét, thua lỗ thì bắt dân đóng thuế, phí để nuôi nó tồn tại.

Trong cuộc họp quốc hội hiện đang diễn ra tại Hà Nội, tôi vẫn chưa thấy các nhà hoạch định chính sách nhìn ra 2 nguyên nhân cơ bản làm nền kinh tế Việt đang sụp đổ, và tìm ra phương án để cứu các tập đoàn kinh tế nhà nước có thể tự sống được. Vì hiến pháp vẫn quy định những điều xưa cũ ủng hộ cho mọi tha hóa và tham nhũng đẩy nền kinh tế nước nhà đi đến chỗ không lối thoát. Hay nói cách khác, tốn thời gian, tiền bạc trong gần 1 năm qua, nhưng hiến pháp nước Việt không có gì thay đổi, chỉ là những cụm từ đánh tráo khái niệm.

Tóm lại, như tôi đã viết, với hình thái chính trị kinh tế Việt, sai lầm là ở thể chế chính trị chứ không phải ở kinh tế. Không thể sửa đổi cái hậu quả kinh tế để hòng cứu được cái nguyên nhân chính trị sai lầm. Đó là mối quan hệ biện chứng và khoa học kinh tế chính trị học mà bất kỳ một sinh viên năm thứ 2 nào, ở bất kỳ một trường đại học nào trên thế giới cũng có thể nhìn ra.


Bài đọc liên quan:

Được đăng bởi Hồ Hải vào lúc 09:42


No comments:

Post a Comment

View My Stats