Thursday, 14 November 2013

CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC "MỘT THỜI ĐIÊU LINH" CỦA LÊ LẠC GIAO (Lê Bình)




11/14/2013

Tập truyện Một Thời Điêu Linh của Lê Lạc Giao. Tập truyện dày 372 trang gồm 14 truyện ngắn, và tôi đã đọc hết trong một tuần. Một việc làm, tôi cho rằng quá sức của tôi.

Đã lâu lắm rồi, tôi không còn đủ tâm trí để đọc một lèo một cuốn truyện (dài hay ngắn); thói quen đọc sách đã trở thành dĩ vãng xa xưa không còn ở trong tôi. Thời đại của điện toán toàn cầu, thời gian bay nhanh hơn hỏa tiển; mọi chuyện được giải quyết trên màn hình của máy điện toán cá nhân, hoặc gần gủi hơn là trên chiếc cellphone. Và vì thế việc in chữ trên sách là một điều xa xỉ chăng? Nhiều người, nhất là giới trẻ (40), đã không còn tha thiết đến chữ quốc ngữ. Thật tội nghiệp cho chữ nghĩa thánh hiền, cha, ông.

Tuy nhiên, mở tập truyện Một Thời Điêu Linh ra, và chuyện đầu tiên-Vòng Tròn Số Phận-đã thu hút tôi. Câu chuyện đơn giản và đời thường nhưng sao nó có sức cuốn hút lạ kỳ. Tình tiết không éo leo, sướt mướt nhưng ngược lại, vậy mà tôi bỏ xuống không được. Câu chuyện dẫn dắt như một vòng xoáy của con trốt khi đã lọt vào thì khó bước ra. Câu chuyện còn mang tính ly kỳ của số phận, rất gần gủi với đời sống, rất thường như cơm bữa mà không nhàm chán. Người đọc-là tôi- như cảm nhận được thân phận mình trong đó. Những tình tiết tưởng như rời rạc, đang ở hiện tại bỗng dưng nhảy vào tương lai, thoăt một cái đã ngoặc lại thấy mình đang sống trong quá khứ...Tất cả quyện vào nhau thành một vòng tròn có cái duyện và nghiệp làm nền tảng.

Tập truyện, chuyện nầy nối tiếp chuyện kia, với một khoảng không gian bao la trùm cả quá khứ, hiện tại, vị lai. Mỗi truyện là một mảng đời, được dàn trải trong khoảng thời gian của một quốc gia mang tên Việt Nam. Chuyện kháng chiến chồng Pháp, chuyện xây dựng đời sống sau chiến tranh, thời “tiếp thu”, chuyện chủ nghĩa, chuyện tình yêu, tình người...Những ai đã sống trong thế kỷ XX tại Việt Nam sẽ nhìn thấy, nhớ lại, sống cùng với khoảng Thời Không đó!

Trong hai Thập Niên 1946-56, một thế hệ sau chiến tranh Đệ Nhị-người Hoa Kỳ gọi là Baby Boomer- thế hệ nầy đã từ chối, quay lưng, hoặc muốn “tái thẩm định” các giá trị được cho là “truyền thống” hay tập quán, phong tục. Có một sự không đồng nhất giữa hai thế hệ “già trẻ”. Tại VN vào thời đó, tuổi trẻ cũng có những suy nghĩ khác cha anh. Hoặc là âm thầm rút vào những ốc đảo của sự cô đơn, hoặc phản ứng lại. Có phải vậy chăng? Một thời tuổi trẻ với những suy nghĩ “hiện sinh” muốn “đập phá”

“thấp cao chân
bước nhầm thời thế
tỉnh say
con mắt ngó nhân tình
thực hư đời đôi tiếng hư vinh
thôi
buông trớt
một trường huyễn ảo (Tháng Mười Hai Mười Hai, Phan Nhật Tân)


Cái ý của Lão trong Đạo Đức Kinh được sống lại trong thời đại súng nổ vang đất trời, thời của tuổi trẻ đang tìm một sự nhập cuộc, tìm sự thay đổi thời hậu chiến!

“thiên địa bất nhân ngã vi sô cẩu
thiên địa chí nhân ngã vi táng gia chi cẩu
tiền nan kiến cổ nhân
hậu hãn phùng lai giả
thùy niệm thiên địa chi du du
ngô diệc sảng nhiên nhi thế hạ” (Tháng Mười Hai Mười Hai, Phan Nhật Tân)


Cái thời đại của internet, điện toán hóa cuộc sống, tất cả cuộc sống nằm gọn trong một chiếc điện thoại nhỏ bằng một bàn tay-iPhone, smartphone, Aple, Samsung-thì việc đem chữ in thành sách đã là một chuyện xa xỉ, rồi tổ chức họp mặt thân bằng quyến thuộc giới thiệu quyển sách, lại là việc xa xỉ thứ hai…Ấy vậy mà, với tập truyện Một Thời Điêu Linh những điều đó thật có ý nghĩa, thật đáng trân trọng.

Tôi đọc chuyện của Lê Lạc Giao “hư cấu” thấy hình ảnh của chính mình và bằng hữu một thời trong đó. Ở chuyện Mùa Săn, tác giả viết “Quá khứ và hiện tại quyện vào nhau như mớ bòng bong” có phải đó là cái hiện tai “bây giờ” (ở Mỹ) hay là cái “hiện tại” bây giờ của những năm 50-60? Tôi chẳng phân biệt được đâu là quá khứ và đâu là hiện tại (trong chuyện của Lê Lạc Giao). Có lẽ “Cái quá khứ ở trước mặt” chăng?. Đó là tâm trạng của của Nhân hay của chị Hội (Vòng Tròn Số Phận), hay của chính tôi? Ông Tiến (Một Kiếp Người), Bảo, Hiển, Chân, Phụng (Khoảng Trống Còn Lại)... có còn trong đời sống hôm nay?

Đọc để thấm cái hồn vất vưỡng của chính tôi và một thời đã sống. Đọc Lê Lạc Giao và cảm ơn anh đã gom lại những mảng đời, như người khảo cổ đi tìm “hoá thạch” làm bằng chứng cho đời sau. Chuyện tình trong tác phẩm của Lê Lạc Giao không có sự chia tay ủy mị, không có thơ mộng của Sài Gòn với lá me bay; nhưng ở một phạm trù khác. Chuyện có hậu và theo tôi cái hậu đó là “Ở hiền gặp lành” “Nhân nào quả nấy”

Bìa sách Một Thời Điêu Linh.

Đọc Lê Lạc Giao có những điều rất thật và cũng có những điều mờ ảo như thật. Tác giả có một người bạn là anh Phan Nhật Tân. Tôi xin được mượn lời của Tân để nói lên tâm trạng của tôi bây giờ, hiện tại khi đọc Một Đời Điêu Linh:

“bỗng dưng
phiêu bạt đến đây
nhìn nhau mới nhớ có
ngày năm xưa
đến khi nói
cũng
thêm thừa rượu
thành nhạc chảy trong mưa
ai ngồi” (Khi Ghé Garden Grove, Phan Nhật Tân)


Những chuyện (hay truyện) trong văn của Lê Lạc Giao có nay có mai và có hôm qua. Chuyện xảy ra rất thường tình, phi lý trong cuộc sống: Ăn, ngũ, đi rong, bát phố....tập thể dục..không ăn thì đói, nhịn ăn vì sợ mập, ăn cho nhiều cho mập lại sợ chết vì phát phì. Vòng lần quẩn đó đang diễn ra. Có nơi chết vì đói, thiếu ăn (Châu Phi), và cũng có nơi (như Mỹ) chết vì mập phì. Cái “Con Bọ Trên Guồng Quay” là hình ảnh thật, nó diễn ra hàng ngày trước mắt mà con người không thấy. Nó là “Điêu Linh” miên viễn chớ không phải “Một Thời”. Nó là căn nhà lửa trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.

Càng đọc càng thấy thấm thía. Màu xanh của cỏ cây, màu hồng của tình yêu hy vọng, mà xám của sự thất vọng, đen của sự chết....tất cả đều cần cho một bức tranh phong cảnh, tranh lập thể, tranh trừu tượng....hoặc cho có vẽ thời thương thì nói là siêu thực, hậu hiện đại gì đó...vân, vân.

Người xưa nói “Thi trung hữu hoạ” và tôi cũng muốn lặp lại “văn trung hữu họa” để diễn đạt cái ý của tôi khi “xem” chữ mà “thấy” tranh của nhà văn Lê Lạc Giao. Một bức họa chân dung, rất chân phương, và chân thật, mới nhìn vào tưởng đâu là lộn xộn: Khi thì ở Mỹ, khi ở Việt Nam. Lúc thì hiện tại, thoắt một cái như sóc đã nhảy vào quá khứ...nhưng rất rõ ràng mạch lạc. Chữ nghĩa của Lê Lạc Giao có nhuốm mùi “thiền”, vị “đạo”

Đạo khả đạo, phi thường Đạo.
Danh khả danh, phi thường Danh.
Vô danh thiên địa chi thỉ.
Hữu danh vạn vật chi mẫu. (Đạo Đức Kinh)
.
Thường vô dục, dĩ quan kỳ diệu.
Thường hữu dục, dĩ quan kỳ kiếu.
Thử lưỡng giả đồng.
Xuất nhi dị danh.
Đồng vị chi Huyền.
Huyền chi hựu Huyền.
Chúng diệu chi môn. (Đạo Đức Kinh)


Dường như tất cả cùng một gốc nhưng gọi 2 tên khác nhau? Ông Lão nói vậy. Ông Thích Ca cũng nói vậy? “Sắc và không là hai nhưng sắc là không, không phải sắc diệt mới không mà là sắc tánh tự không; cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức…”. Bất nhị là kết thuyết “chân không diệu hữu” của Bát Nhã và Hoa Nghiêm. "sắc bất dị không,không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị. “ (Bát Nhã tâm Kinh)

Chuyện của tác giả kể là chuyện có thật, chuyện đó “không hai” (nhưng nên nhớ không hai không có nghĩa là một) Trong Lời Mở Đầu có đoạn “Một số truyện ngắn có liên hệ ít nhiều đến một giai đoạn lịch sử, nhưng các nhân vật trong truyện được hư cấu, không hề ám chỉ cá nhân nào..” Tôi nghĩ “không hề ám chỉ cá nhân” nào, nhưng chỉ tất cả...tất cả những ai đã sống trong cùng một giai đoạn lịch sử với tác giả-baby boomer- Một bức tranh toàn cảnh với nhiều màu sắc, nhiều góc cạnh (nếu để riêng) nhưng thực thể của nó là không hai, xuyên qua tất cả 14 chuyện ngắn. Theo tôi đó là một “chuyện dài” với các chương được phân ra, như thời gian là vô thủy vô chung, nhưng con người vẫn thích chia nó ra làm 3 thời, 4 hướng, 8 phương để tìm cho nó một chỗ đứng, một góc nhìn.

Như một tấm gương, vì tôi không thể “bổn lai vô nhứt vật” cho nên “thời thời thường phất thức, vật sử nhá trần ai”. Và sống.

Cảm ơn Lê Lạc Giao.

Lê Bình

San Jose mùa tạ ơn 2013



No comments:

Post a Comment

View My Stats