Saturday, 9 November 2013

BOSTON BUỒN VUI THÁNG MƯỜI (Trần Thu Miên - nguoivietboston.com)




November 9, 2013 2:49 AM

Tháng mười, tháng mùa thu dậy thì rực rỡ sắc màu trên những cánh rừng và những con đường. Tôi đã yêu tháng mười Boston từ lần đầu tiên vô tình nhìn thấy hàng phong, ven khuôn viên đại học, đổi màu lá đỏ tía một bình minh rực nắng tơ mềm, dưới bầu trời trong xanh tinh khiết của những ngày tháng 10, năm tôi di cư về Boston nhận việc tại một trường đại học ngoại ô thành phố. Hình ảnh lá đổi màu đỏ rực trong nắng sớm mai, dù đã 25 năm rồi, vẫn còn để lại ấn tượng dường như rất hồn nhiên, nhưng tuyệt đẹp, mỗi khi mùa thu trở lại sân trường. Tháng muời năm nay, tự nhiên tôi thấy mình cần ghi chép lại những sự việc xảy ra chung quanh đời sống, đời sống của một tỵ nạn biết mình không thể tách rời đồng hương chia chung thân phận ly hương. Lúc đời sống mình đang thu ngắn lại, mình mới cảm được nỗi xót xa của người mất quê nhà càng ngày càng mang mang vời vợi.

Ba Mươi Năm Những Cánh Bèo Tìm Nơi Bám Rễ
Thứ bảy ngày 19 tháng mười, 2013, tôi được tham dự ngày kỷ niệm 30 năm sinh họat của “Hội Diên Hồng”. Dù đã nghe nhiều về hội này và quen biết vài hội viên nồng cốt nhiều năm qua, nhưng tôi chưa có dịp tham dự buổi sinh hoạt nào của hội. Các vị sáng lập ra hội này hẳn mang trong tâm tư mình một ước vọng chung của rất nhiều bậc đàn anh dù ly hương biệt xứ, nhưng vẫn khắc khoải về tương lai của quê nhà, của Việt Nam. Ở hoàn cảnh nào cũng tìm đến nhau để chia sẻ “giấc mơ” chung, giấc mơ người Việt Nam đoàn kết để xây dựng một Việt Nam Tự Do không Cộng Sản. Ngày mình còn bé nghe cô nghe thầy kể truyện “Hội Nghị Diên Hồng”, câu chuyện lịch sử này đã gieo vào ký ức mình niềm tự hào dân tộc. Niềm tự hào dân tộc này như hạt giống đã được đâm chồi để mình được trưởng thành làm người có gốc Việt Nam. Cái gốc Việt Nam có thể mang đi trồng ở những miền đất xa lạ. Những vị sáng lập Hội Diên Hồng ở Boston hẳn cũng muốn làm cho cái “gốc” Việt Nam được đâm rễ vào miền đất mới này. Tôi có một anh bạn Thi Sĩ mà tôi rất yêu thích thơ của anh ta, anh bạn này vẫn tự hào coi mình là nguời “không quốc tịch,” và hình như rất hãnh diện về ý thức “vô tổ quốc” của anh ta. Còn tôi thì nghĩ khác, ý niệm về “quốc tịch Việt Nam” dường như càng ngày càng quan trọng khi mình ý thức được sự hụt hẫng lênh đênh của “thân phận ly hương”.

Mình đi một vòng xem triển lãm những sinh hoạt cộng đồng của Hội Diên Hồng 30 năm qua tại Boston. Những hình ảnh ghi lại các sinh hoạt như tổ chức ngày lễ Đức Trần Hưng Đạo, và những hội Tết Nguyên Đán, lễ Hai Bà Trưng và nhất là tổ chức lễ “Thượng Kỳ” cho lá Cờ Vàng được tung bay hàng năm ở quảng trường tòa Thị Sảnh Boston vào ngày “Quốc Nạn” 30 tháng Tư. Nhiều bạn trẻ ngày nay không có hay chưa có ý niệm nào về ngày “Quốc Hận 30 Tháng Tư” vì cha mẹ và các vị đàn anh đã quên hay không còn quan tâm nữa. Vài năm qua, năm nào anh bạn tôi, một đồng nghiệp chuyên dạy lớp Á Châu Học cùng Đại Học nơi tôi đang làm việc, cũng nhờ tôi giảng một “tiết” về kinh nghiệm Tỵ Nạn Cộng Sản Việt Nam của người Mỹ gốc Việt. Hầu như hơn 90% sinh viên trong lớp là sinh viên Á Châu hay Mỹ gốc Á Châu. Cách đây hai tuần, tôi cũng đến lớp anh để giảng về đề tài này. Trước khi giảng bài, tôi có thói quen hỏi sinh viên về gốc gác của các em. Năm nay vì đến trễ vài phút nên tôi đợi khi giảng xong mới hỏi. Một sinh viên Mỹ gốc Việt giới thiệu mình là con của một gia đình di dân Việt Nam. Em cũng chia sẻ là bố mẹ em sinh ra vào cuối Chiến Tranh Việt Nam nên chưa bao giờ nói đến chuyện Tỵ Nạn Cộng Sản trong gia đình. Sau khi nghe tôi nói về kinh nghiệm Tỵ Nạn Công Sản của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, em kết luận là cha mẹ em di cư sang Hoa Kỳ không theo dạng Tỵ Nạn, nhưng di dân bình thường. Hỏi thêm, em trả lời “Có lẽ cha mẹ em sang Hoa Kỳ vì lý do kinh tế để gia đình có đời sống tốt hơn”. Tôi cắt nghĩa thêm cho em và cả lớp hiểu rằng Hoa Kỳ có chính sách nhận di dân vào để đầu tư kinh tế, và ưu tiên cho những di dân có trình độ học vấn và khả năng chuyên môn cao chứ không nhận di dân đến chỉ vì họ muốn sang Hoa Kỳ vì lý do kinh tế. Chả vậy mà hiện nay có hơn 11 triệu di dân bất hợp pháp đang sinh sống tại Hoa Kỳ vì lý do kinh tế. Bố mẹ em chắc đã được sang đây nhờ những chương trình di dân “nhân đạo” như đoàn tụ gia đình. Đa số những trường hợp đoàn tụ gia đình là vì có cha mẹ hay anh em ruột thịt đã từng được nhận vào Hoa Kỳ theo dạng Tỵ Nạn và những chương trình có liên quan đến Tỵ Nạn Cộng Sản. Gần đây, có những làn sóng di dân từ Việt Nam sang Hoa Kỳ theo dạng du học, hay các tài phiệt “Đỏ” sang đầu tư, nhưng con số này vẫn còn ít chứ không phải là số đông. Tôi đã nhấn mạnh trong lớp là cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ được hiện hữu là vì các làn sóng Tỵ Nạn Cộng Sản. Cho đến hôm nay, nuớc Mỹ trước sau vẫn là Quốc Gia không Cộng Sản, những người tin theo Cộng Sản ngày nay chỉ nên sinh sống tại Tàu, Bắc Hàn, Cuba hay Việt Nam thôi. Tôi giảng cho nhóm sinh viên này biết rằng hầu hết 90 triệu dân Việt Nam bị đàn ép sống dưới chủ thuyết Cộng Sản. Và tôi tin chắc rằng, nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam không dùng bạo lực để trói buộc dân tộc vào chủ thuyết và guồng máy vô thần độc tài này, người dân Việt Nam sẽ chọn Tự Do chứ không chọn Cộng Sản. Các “ngài” lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam dù bắt dân sống theo chủ nghĩa “đỏ”, họ và gia đình vẫn sống “tự do” trong điều kiện kinh tế dư thừa hơn tư bản. Nhưng cả thế giới ngày nay đã biết mặt thật của “Tà Thuyết Cộng Sản”.

Sau lớp, lúc đi bộ về lại văn phòng tôi thấy lòng mình bâng khuâng thế nào ấy. Ý thức về “cội nguồn di dân” hình như đang lu mờ nhanh trong các gia đình, cộng đoàn, và những sinh hoạt, xã hội hay tôn giáo của người Mỹ gốc Việt. Các con tôi lớn lên sẽ biết gì? Nghĩ gì về “cội nguồn” đây.

Các sinh họat “văn hóa” của những thành viên Hội Diên Hồng thật đáng quí. Tiếc thay, hội cũng chỉ tụ tập được một số nhỏ hội viên. Ngày kỷ niệm 30 năm sinh họat của hội thiếu vắng thế hệ trẻ. May là có sự tham gia của đoàn võ sinh Bình Định thuộc trường võ Bình Định Boston do Võ Sư Tấn Nhật Bích mang đến biểu diễn không thì ngày sinh nhật 30 năm Hội Diên Hồng chỉ toàn các vị cao niên và thế hệ trung niên thôi. Làm sao để kéo những thế hệ già trẻ ngồi lại với nhau đây?

Nếu các cộng đoàn Việt Nam Hải Ngoại đều có sự hiện diện của hội Diên Hồng thì quí hóa biết bao. Tinh thần Diên Hồng là di sản cha ông để lại dù đã hơn bảy thế kỷ, nhưng vẫn cần thiết và quan trọng cho nguời Việt cho dân tộc Việt Nam ngày nay và cả ngàn năm nữa. Nhờ tinh thần Diên Hồng mà tiếng nói Việt Nam, Văn Hóa Việt Nam và con người Việt Nam vẫn tồn tại đến hôm nay. Tinh thần Diên Hồng phải là “Đạo Việt”, là “Chân Lý Việt”, vì nhờ tinh thần này mà chúng ta còn tự nhận mình là người Việt Nam và còn biết đâu là quê hương Việt Nam. Nhớ lại bài học lịch sử về các vị vua đời Trần như Trần Thánh Tông hai lần đánh bại quân xâm lăng Tàu mà đau lòng cho dân tộc mình vì các lãnh tụ cầm quyền vẫn còn thờ ơ trước công lao dựng nước, giữ nước của tiền nhân. Trần Thánh Tông nhường ngôi vua đi tu không phải để ngao du hay hưởng nhàn, nhưng tu thân và mang Phật Pháp vào đời, ngài mở thêm con đường giải thoát tâm linh cho hậu thế, con đường “Thiền Trúc Lâm”. Nhưng ngày nay ngôi mộ của “ngài” chỉ còn là di tích lịch sử bị lãng quên. Kẻ “hậu thế” thuộc loại “cõng rắn cắn gà nhà” thì khi chết lại được ướp xác để “phơi bày” trong lăng tẩm chẳng thua gì các vị vua “Ai Cập” cả ngàn năm trước. Ôi lịch sử Việt Nam đọc lên mà tan nát cõi lòng. Mình vẫn chưa thấy có tượng Trần Thánh Tông được dựng ở Thủ Đô hay những thành phố lớn của Việt Nam để dân Việt ghi nhớ công ơn tiền nhân và biết sống theo “Đạo Lý Diên Hồng”.

Cảm ơn Hội Diên Hồng Boston, cảm ơn những trái tim Diên Hồng đã miệt mài 30 mươi năm qua như những cánh bèo tìm nơi bám rễ. Chúng ta bây giờ chỉ là những cánh bèo lênh đênh trên dòng đời ly hương, nếu chúng ta không tìm nơi bám rễ, những cánh bèo ly hương này sẽ cứ lênh đênh cho đến khi biến dạng vào đâu đấy. Mong rằng tinh thần Diên Hồng sẽ bám rễ vào trái tim Việt Nam Boston, trái tim Việt Nam Hải Ngoại.

Chia Tay Lục Bát Hoa Văn
Chủ Nhật ngày 20 tháng 10, hầu hết các văn hữu và thân hữu cùa nhà Thơ Hoa Văn đã họp mặt tại Saigon Seafood Restaurant để chia tay và tiễn đưa người anh cả của Văn Nghệ Sĩ Boston lên đường xuôi Nam về Atlanta, Georgia. Như vậy là ông cũng như cánh chim Thiên Di xuôi Nam về miền nắng ấm để trốn cái lạnh Đông Bắc.

Anh bạn nhạc sĩ Nhất Chi Vũ của tôi là một trong nhiều người mến mộ Hoa Văn. Vì vậy nghe tin ông sẽ rời Boston, bạn tôi cũng sáng tác ngay bài thơ lãng đãng dòng nhạc Jazz tặng Hoa Văn:
Chào hoa Văn
Câu thơ lục bát làm quà
Đàng sau anh
Phố núi băng đồi, đường vó ngựa ra chiến trường xa xưa
……………………………………………..
………………………………………………
Em Pleiku – Komtum, bến Ninh Kiều, Cần Thơ đâu cả rồi!
Ẩn trú trong ký ức ổ rơm
Chỉ còn lại, may ra
May ra, chỉ còn lại
Tin mừng lục bát
Hoa Văn ở lại Boston.

(Nhất Chi Vũ).

Ngoài Nhất Chi Vũ ra còn nhiều văn hữu cũng sáng tác thơ hay phổ nhạc thơ Hoa Văn làm quà tiễn ông lên đường. Nhưng có lẽ tôi là người may mắn nhất vì được ban tổ chức cho hưởng sự vinh dự phát biểu vài lời chia tay Hoa Văn. Trong bài phát biểu tôi viết như sau:

“Tôi được biết Boston đã đón ông 20 mươi năm về trước bằng nắng vàng rực rỡ tươi mát của những ngày chớm sang hè. Và, hôm nay những cánh rừng Đông Bắc đang đổi màu rụng lá như bùi ngùi vẫy tay chào giã từ ông. Dường như thời tiết đã trở thành ẩn dụ về/ việc Boston đón mừng ông đến/ rồi lại ngậm ngùi chia tay ông. Tiễn người đi giữa thu vàng làm ta nhớ câu thơ Nguyễn Du: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.*

Gần đây, khi ông gửi điện thư báo tin về sự ra đi của ông thì/ trong chốc lát đã có những hồi âm đậm tình thương mến của rất nhiều văn hữu/ từ chị Uyên Thúy Lâm thổ lộ tấm chân tình dành cho ông bằng lời văn và cả những câu họa thơ đẹp tình thân văn nghệ. Cô Hạ-Uyên cũng xôn xao tìm cách tổ chức họp mặt chia tay ông. Có người dù đang xa Boston ngàn dặm (Chị Lộc Tưởng) cũng vội gửi điện thư nhắn dành chỗ để được tham dự tiệc chia tay chiều nay. Còn anh Duy-Quang cũng đã sưu tầm hình ảnh và ca khúc ý nghĩa để nói lời chia tay và thương mến ông. Nói chung, tôi nghĩ, ông là người hạnh phúc. Bởi vì nhiều khi ta cảm nhận được hạnh phúc qua cử chỉ hay lời nói ân cần yêu thương từ những người quen biết quanh ta.

Riêng tôi đã gửi tặng ông hai câu lục bát, và tôi đã bắt chước chữ “bác“ của tiền nhân Nguyễn Khuyến để nhắc tên ông:

Bác Hoa-Văn: giã từ nhau
Xứ người chẳng có chỗ nào quê hương!
Thì thôi chúc bác lên đường
Trái tim là chỗ quê hương để về.

(ttmiên).

Nói cho ngắn gọn lại là chúng ta chia tay một đàn anh mà trong trái tim Boston đã và sẽ còn mãi hình bóng anh. Bởi vì anh đã mang thơ mình/ “Che Đời Mưa Bay”/ trên thành phố này/ 20 mươi năm qua. Người như anh thì đi đâu, đến đâu cũng sẽ được yêu mến như chúng ta đã yêu mến anh 20 năm qua và những năm sắp tới/ dù anh không còn rảo bước qua khu phố Dorchester /tham dự những buổi họp mặt văn nghệ/ hay sinh hoạt cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Boston nữa…”

*(Sau khi nghe tôi đọc câu lục bát Kiều trên, có vài vị đàn anh đã nói nhỏ với tôi rằng hai câu này phải là từ Chinh Phụ Ngâm chứ không là của Nguyễn Du….Tôi cảm ơn và về nhà đọc Kiều để kiểm chứng…)
Như vậy là Boston vừa phải chia tay một người dễ thương, một thi sĩ có trái tim rất thi sĩ bởi vì ông chỉ muốn mang dòng “lục bát” mình làm quà cho người cho đời. Sau tiệc tiễn đưa Hoa Văn, anh Thiện Lý (nhạc sĩ), người đã phổ bốn bài thơ của Hoa Văn thành bốn ca khúc dạt dào tình cảm và cung điệu quê nhà nói với tôi: “Chân tình, rất chân tình”; ý anh là mọi người yêu mến Hoa Văn đã đến với tấm lòng rất chân tình. Boston là thế đấy. Một đàn anh (Nguyễn Trọng Khôi) vẫn thường bảo “Ở Boston tìm người tài ba dễ lắm!” Thật ra thì ở Boston tìm người tử tế cũng dễ lắm dù vẫn có người than phiền là Boston có những người “khó chơi lắm! phải cận thận kẻo bị chụp mũ, hay mang họa vào thân. Khi họ nghi kỵ mình là đương nhiên mình trở thành kẻ thù… ” Tôi thì may mắn hơn vì mỗi lần ra phố gặp đồng hương chỉ toàn gặp người Tử Tế. Nhưng từ nay Boston sẽ vắng bóng một đàn anh tử tế: Hoa Văn.

50 Mươi Năm Nhớ Về Cái Chết Của Một Lãnh Tụ
Thứ bảy 26 tháng 10, 2013, hơn 200 đồng hương tỵ nạn Cộng Sản tại Boston đã họp nhau để tham dự lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong bầu không khí thật trang trọng. Nghi lễ tưởng nhớ cố Tổng Thống được cử hành nghiêm trang và cảm động. Nhang khói bay trước di ảnh trên bàn thờ gây ra cảm giác linh thiêng làm người tham dự có cảm giác dường như linh hồn cố Tổng Thống cũng đang hiện diện trên lễ đài. Những bài hát đậm tình yêu quê hương dân tộc và những bài phát biểu đầy ý nghĩa trong chương trình làm người tham dự thấy gần gũi với lịch sử Việt Nam và thời đại Ngô Đình Diệm hơn. Ban tổ chức cũng mời đại diện Thống Đốc Massachusetts, đại diện nghị viên và chính quyền thành phố Boston đến tham dự và chia sẻ ý nghĩa của Tự Do như những lời tri ân và vinh danh một vị nguyên thủ Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh biết tự trọng của Hoa Kỳ đã sống và chết vì tự do và cho tự do của đồng bào mình.

Trong một bữa cơm gia đình, ông Đặng Chí Bình (người trong hình chụp với di ảnh Ngô Đình Diệm), nhà văn chuyên viết “chuyện đời mình” trong bộ “Thép Đen,” kể lại là lúc còn nằm trong tù (Hỏa Lò thì phải) ông đã có ý định quyên sinh khi nghe tin Ngô Đình Diệm bị ám sát. Nếu một người thường nói câu này có thể ta khó tin, nhưng với một người tù Cộng Sản danh tiếng như ông Đặng Chí Bình thì chuyện này không cần chứng minh. Ông đã bỏ thanh xuân, liều mạng tin theo Ngô Đình Diệm để tìm đường giải thoát Việt Nam khỏi đại nạn Cộng Sản. Nghe tin lãnh tụ và thần tượng Ngô Đình Diệm bị hạ sát có nghĩa là lý tưởng của ông cũng bị lung lay, và không gì bi đát tuyệt vọng hơn khi một người tù chung thân bị thất vọng. Người tù sống được là vì còn hy vọng. Ông cố sống trong tù chờ ngày quê hương được thoát ách Cộng Sản, người mà ông đặt trọn vẹn niềm tin là sẽ dẹp được nạn Cộng Sản nay đã bị ám sát thì ông còn biết tin vào ai nữa, còn gì để hy vọng nữa. Cái chết là câu trả lời ý nghĩa nhất trong hoàn cảnh của ông lúc ấy. May quá, ông đã không thực hiện ý nghĩ tuyệt vọng này. Vì thế mà các thế hệ Việt Nam đã sẽ còn tiếp tục được nghe chuyện tù đày kinh hoàng mà ông đã trải qua cả tuổi thanh niên và tuổi lập thân của đời ông.

Ngoài việc xếp đặt chương trình gẫy gọn và ý nghĩa, ban tổ chức còn cho phát hành một văn bản giá trị ghi chép ngắn gọn về tiểu sử và sự nghiệp của Ngô Đình Diệm. Tôi “giật mình” vì trong văn bản có nhắc về chủ thuyết “Nhân Vị” trong tư tưởng Ngô Đình Diệm. Như vậy là ông đã vạch ra con đường tương lai cho một Việt Nam Tự Do xây dựng trên nền tảng nhân vị và hữu thần. Con đường này hoàn toàn ngược lại tư tưởng Cộng Sản vô thần của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Gần đây tôi đọc đâu đó có người “chê” tư tưởng Nhân Vị là góp nhặt, bắt chước tư tưởng “Triết học tây phương và thần học Thiên Chúa Giáo.” Nếu chủ thuyết “Nhân Vị” đánh giá cao phẩm giá con người và quyền tự quyết tự chọn thì dù tư tưởng này có góp nhặt ở đâu vẫn đáng cho ta tin theo hơn là chủ thuyết Cộng Sản vô thần được Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản du nhập vào Việt Nam.

Khi Ngô Đình Diệm bị ám sát, tôi còn là thằng bé chưa học xong tiểu học trường làng. Ký ức tôi chỉ còn nhớ mang máng là mới học bài hát “suy tôn” ông để hát sau những buổi sáng chào cờ ở sân trường thì ông bị triệt tiêu. Thật ra thì việc “suy tôn” này không nên làm, nhưng có lẽ vì dân miền Bắc cũng bị “suy tôn” Hồ Chí Minh nên nhà cầm quyền miền Nam cũng làm như thế để nhắc nhở là miền Nam cũng có lãnh tụ như miền Bắc. Lúc tôi biết đọc, tôi đã đọc vài tác phẩm tường thuật lại cái chết của ông. Sau này đọc thêm về những tin tức hoặc sách vở “kể tội” ông và gia đình “ông” tôi cũng đặt nhiều câu hỏi và tự tìm cho mình những câu trả lời “không được tốt hay chính xác” về con người và nhất là gia đình anh em ông. Nhưng chỉ có thời gian mới hóa giải được những nghi ngờ lịch sử. Người ta có thể bóp méo lịch sử trong giai đoạn, nhưng không thể bôi xóa lịch sử mãi mãi. Sau gần 40 năm miền Nam bị trói cổ bằng chủ nghĩa Cộng Sản, lịch sử đang giải bày những đóng góp và công lao của Ngô Đình Diệm. Dĩ nhiên Ngô Đình Diệm không phải là vị thánh sống. Làm sao có thánh sống được. Nhưng chúng ta phải công bằng mà phán xét những người quá cố, nhất là những người đã bỏ mạng sống mình vì Tự Do cho Việt Nam.

Cộng đồng Việt Nam ly hương tìm Tự Do có trách nhiệm phục hồi lại giá trị của những đóng góp vào việc xây dựng nền Dân Chủ Tự Do cho Việt Nam. Mặc dù miền Nam Việt Nam đã bị khai tử, nhưng khao khát về tự do vẫn còn mãi. Việc tổ chức Tưởng Nhớ Ngô Đình Diệm là việc nên làm và phải làm. Ai chống đối Tinh Thần Ngô Đình Diệm thì hãy tự hỏi giữa Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm, chúng ta chọn ai? Nếu chọn Hồ Chí Minh thì đừng sống ở những xứ sở Tự Do nơi “Nhân Vị” con người được tôn trọng và bảo vệ.

Có Cần Làm Sống Lại Dĩ Vãng Không
Tôi thấy mình cần kể lại là thời còn trẻ, tôi rất dị ứng khi nhìn thấy các đàn anh mặc “Quân Phục” xuất hiện trong các sinh hoạt cộng đồng tỵ nạn Cộng Sản. Mà không riêng gì tôi, hầu như bạn bè tôi cũng bị dị ứng như tôi vậy. Nhưng ý nghĩ và trạng thái dị ứng ấy của tôi và bạn bè cùng tuổi thật ra rất sai lầm. Có lẽ các bậc đàn anh “chưa cắt nghĩa” cho con em tỵ nạn hiểu rõ mục đích mang quân phục Việt Nam Cộng Hòa trong các lễ hội cộng đồng. Phải sống ly hương mấy chục năm tôi mới nhận thức được sự quan trọng của việc bảo tồn và trưng bày những di tích lịch sử gắn liền với lịch sử của người tỵ nạn Việt Nam. Bây giờ tôi mới biết ơn và kính trọng các đàn anh vẫn hãnh diện khoác lên người “Quân Phục của Việt Nam Cộng Hòa” trong những ngày lễ hội cộng đồng. Việc làm này chỉ còn có thể kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa thôi. Xin các anh chị cố gắng mặc lại “Quân Phục” mình đã mặc một thời vì lý tưởng Tự Do cho dân tộc trong những dịp lễ hội văn hóa. Mặc lại Quân Phục của mình không phải để “sống lại” dĩ vãng, nhưng để nhắc cho đàn em, cho con cháu biết một chương lịch sử rất quan trọng của Việt Nam.

Boston Chia Tay Tháng Mười
Tháng mười năm 2013 vừa hết. Những cánh rừng dậy thì vàng lá hôm nào đang bắt đầu trơ trụi dần. Hàng phong ở sân trường tôi làm việc cũng bắt đầu rụng lá. Thế nhưng, những ngày lễ hội trong tháng muời đã trở thành kỷ niệm đẹp cho đời. Thân phận ly hương như mình cần những lễ hội của đồng hương để còn biết mình vẫn còn nơi cho cái gốc Việt Nam của mình được bám rễ. Tháng mười vừa hết và mùa thu đang đi qua. Tự nhiên muốn hát lên lời ca của Trịnh Công Sơn “Nhìn những mùa thu đi…” nhưng mình không chia sẻ chung tâm trạng với cố nhạc sĩ họ Trịnh được vì mình phải nhìn những mùa thu ly hương cứ đến rồi đi. Cứ đi rồi đến. Những mùa thời tiết, Xuân, Hạ, Thu, Đông, cứ chuyển hồi theo năm tháng, nhưng những mùa của đời người thì như mũi tên lao về một hướng: sự chết. Không ngờ mình đã sống hết mùa thanh xuân, hết mùa vào đời, và sắp hết mùa trung niên ở xứ người. Dù đã nhận nơi này làm quê hương nhưng vẫn thấy trong lòng cần có một quê hương, quê hương Việt Nam. Mùa thanh xuân mình sẽ không trở lại nữa nhưng mình không tiếc nuối và không muốn được sống lại những thời gian đã qua. Mình chỉ xin được sống những ngày tháng hiện tại hạnh phúc với gia đình, người thân yêu, bạn bè, và với cộng đồng tỵ nạn quanh đây. Giã từ tháng mười Boston, hy vọng mình vẫn còn nhìn thấy những cánh rừng mùa thu dậy thì sang năm.

trần thu miên



No comments:

Post a Comment

View My Stats