Wednesday 13 November 2013

BẤT BÌNH KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ (Người Việt)




Tuesday, November 12, 2013 2:08:45 PM

GENEVA - Các tổ chức bảo vệ nhân quyền tỏ ra bất bình trước việc Việt Nam, Trung Quốc, Nga và Saudi Arabia trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC). Hôm 12 tháng 11, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu chọn 14 thành viên mới cho UNHRC.

UNHRC có 47 ghế với nhiệm vụ chính là theo dõi và phản đối những hành động vi phạm nhân quyền trên toàn cầu bằng các nghị quyết.

Việc lựa chọn thành viên cho UNHRC được tiến hành theo khu vực. Các quốc gia trong khu vực sẽ lựa chọn ứng cử viên. Đôi khi một khu vực có nhiều ứng cử viên cùng cạnh tranh để được bầu. Tuy nhiên lần này, bốn ứng cử viên cho khu vực châu Á là Việt Nam, Trung Quốc, Saudi Arabia và Maldives không có đối thủ cạnh tranh trong việc chọn bốn thành viên của khu vực này vào UNHRC.
Hãng AP tường thuật, Việt Nam, Trung Quốc, Nga và Saudi Arabia trở thành thành viên của UNHRC khiến nhiều tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền thất vọng và bất bình.

Bà Peggy Hicks, một viên chức của Tổ chức Quan sát nhân quyền (Human Rights Watch – HRW), khuyến cáo, có năm ứng viên muốn gia nhập UNHRC lần này (Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Algeria) đã từng từ chối để các giám sát viên nhân quyền quốc tế đến thăm và điều tra các cáo buộc về những vụ vi phạm nhân quyền diễn ra  trong những quốc gia đó. Cần phải buộc các quốc gia ứng cử vào UNHRC giải thích về điều đó.

Cũng theo bà Hicks, Việt Nam và Trung Quốc cần phải trả lời những chất vấn liên quan tới hàng loạt vụ vi phạm nhân quyền, bắt giữ những cá nhân hoạt động bênh vực nhân quyền ở Việt Nam và Trung Quốc. Cần phải buộc Việt Nam và Trung Quốc cam kết thực hiện những tiến bộ rõ rệt khi vận động để được bầu vào UNHRC.

Bà Hicks cho rằng, không làm như thế thì mục tiêu cao cả vốn là lý do thành lập UNHRC - đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất về nhân quyền - chỉ là tuyên bố suông.

Giống như Việt Nam, Trung Quốc, Saudi Arabian không phải cạnh tranh vì số ứng cử viên trong nhóm châu Á bằng với số ghế trống. Nga cũng không phải cạnh tranh trong nhóm của họ và Algeria thuộc nhóm châu Phi không cần nỗ lực nhiều bởi chỉ có năm ứng cử viên tranh đua cho bốn ghế trống.
Tuần trước, nhiều tổ chức quốc tế và dân biểu các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, đã đồng loạt ký tên vào một kháng thư, phản đối Việt Nam tham gia UNHRC.

Kháng thư thúc giục các đại diện cho Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu ngăn chặn Việt Nam cũng như vài quốc gia khác (Trung Quốc, Cuba, Algeria, Jordan, Nga, Saudi Arabian), trở thành thành viên của UNHRC, do thành tích nhân quyền của các quốc gia này không xứng đáng với thanh danh của UNHRC nói riêng và của Liên Hiệp Quốc nói chung. Sau kháng thư, Jordan rút khỏi cuộc vận động tham gia UNHRC.

Ngoài việc tham gia ký tên vào kháng thư, HRW còn soạn riêng một thư gửi Thủ tướng Việt Nam, kêu gọi Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực về “bảo vệ và thăng tiến nhân quyền”, khuyến khích Việt Nam giải quyết phóng thích tù chính trị trước ngày Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu chọn thành viên UNHRC.

Vài ngày sau, hôm 7 tháng 11, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) phát hành một thông báo, cảnh báo công động quốc tế rằng, Việt Nam đang gia tăng đàn áp nhân quyền. Ông Rupert Abbott, một chuyên gia của Ân xá Quốc tế, nhận định: “Việt Nam đã bị biến thành một trong những nhà tù lớn nhất Đông Nam Á. Nơi giam cầm những người kêu gọi bảo vệ nhân quyền. Tình trạng gia tăng đàn áp đó cần phải chấm dứt”.

Áp lực từ cộng đồng quốc tế lên chính quyền Việt Nam đã tăng đáng kể sau khi Việt Nam ứng cử UNHRC. Ngày 7 tháng 11, Việt Nam ký cam kết thực hiện “Công ước Chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” (UNCAT). Hành động này được xem là một sự nhượng bộ những đòi hỏi của cộng đồng quốc tế về cải thiện nhân quyền.

UNCAT nằm trong nhóm những công ước được soạn thảo nhằm bảo vệ nhân quyền của cộng đồng quốc tế. Tuy được Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 1984, có hiệu lực từ năm 1987 nhưng Việt Nam vẫn thuộc một nhóm rất nhỏ không tham gia vì không tham gia đồng nghĩa với không phải thực hiện, không bị giám sát, chế tài, dẫu cho mục tiêu của UNCAT chỉ là phòng chống tra tấn, đối xử tàn bạo làm mất phẩm giá con người.

Việt Nam không tham gia UNCAT vì UNCAT cấm tuyệt đối việc tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, xúc phạm phẩm giá con người. UNCAT đòi các quốc gia cam kết thực thi phải có những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, chống tra tấn. Phải xem tra tấn là tội hình sự. Kẻ tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, xúc phạm phẩm giá con người sẽ bị dẫn độ để xét xử tại một quốc gia khác nếu quốc gia kẻ đó cư trú không làm việc này. Đồng thời nghiêm cấm các quốc gia trả ai đó về nguyên quán nếu có lý do để tin rằng, ở đó, họ sẽ bị tra tấn, ngược đãi.

Bên cạnh UNCAT còn có một Nghị định thư tùy chọn về "Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”, được gọi là OPCAT. OPCAT được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi năm 2002, có hiệu lực từ  tháng 6 năm 2006, quy định về việc thành lập “một hệ thống các chuyến viếng thăm thường xuyên do các cơ quan độc lập quốc tế và quốc gia thực hiện tại những nơi có người đang bị tước quyền tự do, để ngăn chặn việc tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”. OPCAT được giám sát bởi một “Tiểu ban Phòng chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”.

Trong những tuyên bố mới nhất về việc tham gia UNCAT, không thấy Việt Nam đề cập đến OPCAT.

(G.Đ)




No comments:

Post a Comment

View My Stats