Wednesday 23 October 2013

TƯỚNG GIÁP KHÔNG ĐI MỸ, VÌ SAO? (Bùi Văn Phú)




22.10.2013

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara bắt tay Tướng Giáp tại Hà Nội, ngày 9/11/1995

Trong bài viết “Món nợ khó trả của một Tổng tư lệnh” [trên VOA Tiếng Việt ngày 16-10-2013] ông Bùi Tín có nhận định rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn sống đã không đi thăm Mỹ hay Pháp vì lo sợ phải đối mặt với những thân nhân của chiến binh còn mất tích trong chiến tranh.

Tại Mỹ, vấn đề tù binh và người mất tích trong cuộc chiến Việt Nam (POW-MIA) là nỗi day dứt đối với thân nhân họ và cũng là ưu tiên của chính phủ trong chính sách đối ngoại với Việt Nam trong hơn hai thập niên.

Với Hiệp định Paris ký kết năm 1973, lính Mỹ rút khỏi Việt Nam và tù binh chiến tranh được trao trả.

Ông Bùi Tín viết: “Mỹ đã nhận về 591 tù binh, nhưng theo danh sách số người mất tích còn lại lên đến 1.350 hoặc 1.469 người, theo tài liệu của phía Mỹ. Phía Mỹ đặt ra nhiều giả thuyết: Phải chăng phía Việt Nam đã che dấu một số tù binh còn sống, đưa đi đâu để dùng làm thí nghiệm vũ khí mới? Đã tra tấn đến chết rồi phi tang? Đưa sang nước khác, như Liên Xô, Cuba? Giữ lại để đào tạo làm gián điệp?”

Những giả thuyết trên về số phận những tù binh chưa được trao trả đều là những sự việc có thể đã xảy ra.

Hà Nội không trao trả hết tù binh có thể vì họ không còn giữ mà đã được chuyển qua Liên Xô hay Trung Quốc khi còn chiến tranh.

Có thể những tù binh khi bị bắt còn sống, sau đó chết nên Hà Nội không thể trao trả cho Mỹ.

Hà Nội có thể đã giữ lại những tù binh hay hài cốt để thương lượng với Mỹ sau này.

Vấn đề POW-MIA luôn được Hoa Kỳ và dư luận Mỹ quan tâm ngay từ những ngày còn chiến tranh. Năm 1971 ở Mỹ đã có hội thân nhân của tù binh.

Ngay sau chiến thắng của Hà Nội vào tháng 4-1975, Dân biểu Gillespie V. “Sonny” Montgomery thuộc Ủy ban POW-MIA Hạ viện là vị dân cử Mỹ đầu tiên đến Việt Nam để tìm hiểu vấn đề và ông được Hà Nội trao cho ít hài cốt lính Mỹ đem về.

Sau đó Tổng thống Jimmy Carter cử Đặc sứ Leonard Woodcock đi Việt Nam bàn về tương lai bang giao hai nước. Trong tiến trình thảo luận, Hà Nội muốn gắn liền điều kiện cung cấp tin tức về người Mỹ mất tích với số tiền viện trợ tái thiết 3 tỉ 250 triệu đôla mà Tổng thống Richard Nixon đã hứa với Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Paris.

Hành pháp Hoa Kỳ từ chối viện trợ vì ngân sách do Quốc hội quyết định và trên nguyên tắc hiệp định đã bị xoá bỏ sau khi miền Bắc chiếm miền Nam bằng quân sự. Hơn nữa, Tổng thống Gerald Ford cũng đã ký sắc lệnh cấm viện trợ cho đến khi Hà Nội cung cấp tin tức về POW-MIA.

Từ đó vấn đề POW-MIA là một trong những điều kiện ưu tiên, cùng với giải pháp chính trị cho Campuchia, trong thương thảo giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên quan đến tương lai quan hệ hai nước.

Quốc hội Mỹ trong các thập niên 1980 và 90 đã có nhiều buổi điều trần liên quan đến vấn đề này.

Ông Bùi Tín viết rằng vì Tướng Giáp là Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân nên có trách nhiệm về tù binh chiến tranh, trong khi cách lưu trữ hồ sơ không có tổ chức rõ ràng nên Tướng Giáp, và cả Bộ Chính trị, cũng không nắm vững con số về tù binh Mỹ đã bị bắt giữ.

Có thể tù binh Mỹ bị bắt trên chiến trường miền Nam, khi được chuyển ra Hà Nội thì hồ sơ có thể thất lạc. Nhưng những phi công bị bắn rơi tại miền Bắc thì việc quản lý chắc chắn phải đầy đủ.

Tôi tin là Hà Nội có đủ hồ sơ. Cũng như vụ 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hòa được Hà Nội giữ lại, chứ không phải ông Nguyễn Văn Thiệu đã mang đi được như tin đồn trong nhiều năm sau 1975. Sau đó nhà nước dùng số vàng này cho việc gì thì không ai muốn nói ra. Ông Bùi Tín có tiết lộ sơ là đã dùng đề trả nợ, để mua gạo trong những năm đói kém. Sự thực lãnh đạo đã dùng số vàng này như thế nào đến nay cũng chưa rõ.

Trong chiến tranh, tù binh Mỹ đối với Hà Nội còn quý hơn vàng vì thế không thể có những xử lí cẩu thả, thiếu sót.

Cuối thập niên 1980 tôi làm việc tại các trại tị nạn ở Đông nam Á, có dịp nghe giới chức Trung tâm Giảo nghiệm Hài cốt ở Hawaii kể là phần lớn những trường hợp lính Mỹ mất tích chưa được giải quyết là những kỹ sư phi hành bị bắn rớt trong những phi vụ không kích miền Bắc Việt Nam. Có giả thuyết là những tù binh này đã được đem qua Liên Xô để khai thác về kỹ thuật.

Năm 1992, Tổng thống Boris Yeltsin nói với đài NBC của Hoa Kỳ rằng có khả năng một số tù binh Mỹ đã được Hà Nội giao cho Liên Xô trong thời chiến tranh.

Ngày nay dù bang giao Mỹ-Việt đã phát triển trên nhiều lãnh vực, nhưng vấn đề POW-MIA vẫn được giới chức Hoa Kỳ nhắc đến trong các chuyến đi Việt Nam vì họ tin rằng Hà Nội có thể làm nhiều hơn nữa để làm sáng tỏ số phận của lính Mỹ còn mất tích.

Trong hơn ba mươi năm qua, khoảng 700 hài cốt lính Mỹ do Hà Nội trao trả đã được xác minh thân thế. Hiện vẫn còn hơn 200 trường hợp tù binh mà khi bị bắt được biết là còn sống nhưng đến nay vẫn không có thông tin gì về họ.

Cuối năm 1991, vì là người đầu tiên mang quân hàm Quân đội Nhân dân cao nhất đến Mỹ nên Đại tá Bùi Tín đã bị chất vấn về vấn đề POW-MIA ngay tại sân bay, cũng như tại những buổi hội thảo. Ông Tín nói không còn một người tù binh Mỹ nào tại Việt Nam.

Qua trải nghiệm đó, ông cho rằng nếu Tướng Võ Nguyên Giáp đến Mỹ chắc chắn cũng sẽ bị chất vấn về POW-MIA vì đó là “món nợ cồng kềnh” của cựu Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thực ra, sau khi mở ra quan hệ hai nước nhiều tướng lãnh Việt Nam đã đến Mỹ mà không gặp phản ứng vì chuyện tù binh chiến tranh. Các tướng Trần Văn Quang, Nguyễn Đình Ước, Đặng Vũ Hiệp, có người từng là Thứ trưởng Quốc phòng, là Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, đã sang Mỹ hội họp và không phải đối mặt với những chất vấn gay gắt.

Lý do Tướng Giáp không đi Mỹ, hay Pháp, không phải vì lo sợ liên quan đến tù binh như tiên liệu của ông Bùi Tín.

Sau khi bị loại dần ra khỏi những chức vụ quân đội và quốc phòng (1980), rồi ra khỏi Bộ Chính trị (1982) và sau cùng là bị loại khỏi chính trường tại Đại hội VII (1991), Tướng Giáp như bị giam lỏng trong nhà ở số 30 Hoàng Diệu. Muốn gặp khách hay báo chí nước ngoài đều phải có sự chấp thuận của Bộ Chính trị.

Trước Đại hội VII đã có nhiều biến động chính trị tại Việt Nam do ảnh hưởng của sự sụp đổ của các chế độ Cộng sản ở Đông Âu và của Liên bang Xô Viết, cũng như ảnh hưởng của phong trào sinh viên tranh đấu đòi dân chủ năm 1989 ở Trung Quốc đưa tới vụ thảm sát Thiên An Môn.
 
Ông Bùi Tín gặp gỡ người Việt ở San Francisco cuối năm 1991 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ông Bùi Tín lúc đó ra nước ngoài, sau khi tham dự hội nghị do báo L’Humanité tổ chức cuối năm 1990 tại Pháp và quyết định không trở về, ông đã công bố kiến nghị của một công dân kêu gọi cải tổ chính trị, dân chủ hóa đất nước.

Bản kiến nghị được phổ biến rộng rãi và được nhiều người trong nước đón nghe. Dư luận cho rằng ông Tín lên tiếng thay cho Tướng Giáp đang chuẩn bị làm một cuộc đảo chánh không đổ máu tại Đại Hội VII để lên nắm quyền với hy vọng Tướng Giáp sẽ trở thành Gorbachev của Việt Nam.

Rồi không hiểu chuyện Tướng Giáp bị vu cáo làm gián điệp cho ngoại bang qua vụ án “Năm Châu – Sáu Sứ”  có phần nào liên quan đến những lá thư mời ông qua Hoa Kỳ của một số cá nhân, những tổ chức nghiên cứu và công ty thương mại Mỹ hay không. Có thư do chính tay con gái ông mang về.

Lúc đó Trung Quốc cũng tạo ảnh hưởng mạnh đối với lãnh đạo Việt Nam. Tướng Giáp bị loại khỏi chính trường, ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch được cho là thân Mỹ cũng mất chức.

Ngoài xã hội, nhóm truyền thống kháng chiến của Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng bị dẹp, nhiều người liên hệ bị bắt giam. Nhà văn Dương Thu Hương bị bắt và chuyện liên quan đến một Việt kiều Mỹ và Tổng cục 2 cũng làm xôn xao dư luận lúc bấy giờ.

Tướng Giáp đã không có dịp qua Mỹ không phải vì ngại chuyện tù binh, lính Mỹ mất tích. Bộ Chính trị đã giam lỏng ông cho đến ngày ông qua đời.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 


No comments:

Post a Comment

View My Stats