Wednesday 23 October 2013

ĐỐI NGOẠI ĐI DÂY & NỘI LỰC QUỐC GIA (Vũ Đức Khanh & Võ Tấn Huân)




23.10.2013

Mặc dù nằm trong khu vực Đông Nam Á nhưng việc Việt Nam không có khả năng giải quyết các vấn đề cốt lõi đe dọa tầm quan trọng của mình trong tương lai.

Trong cuộc gặp hôm 13/10 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường và người đồng nhiệm Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố củng cố quan hệ chính trị láng giềng giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác thương mại cũng như ngoại giao với mục tiêu thương mại hai chiều dự tính lên đến 60 tỷ USD vào năm 2015.

Đây có thể là một phần trong kế hoạch tấn công mềm của Trung Quốc, với chuyến thăm bắt đầu ở Indonesia và Malaysia hồi đầu tháng cho đến Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào tuần trước cùng các chuyến thăm chính thức đến Brunei và Thái Lan.

Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Hà Nội được xem như một bước ngoặt trong quan hệ Việt -Trung; tuy nhiên, việc này hiện vẫn chưa rõ ràng vì nhiều điểm khác biệt vẫn tiếp tục tồn tại giữa hai nước.

Đối ngoại đi dây

Mặc dù mong muốn đi theo mô hình của Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn chưa dồn hết công sức để thực hiện việc này. Nếu dựa quá nhiều vào Trung Quốc thì Hà Nội có thể bị xem là đầu hàng trước Bắc Kinh vì với kinh nghiệm lịch sử thì người dân Việt Nam chưa bao giờ có thiện cảm với người láng giềng phương Bắc.

Đối với các nhà quan sát tại Washington thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ không hề suy giảm ở Việt Nam sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Giữa Việt Nam và Trung Quốc dù sao vẫn còn tồn tại cuộc tranh chấp trên Biển Đông.

Như Việt Nam đã từng làm trong quá khứ, Hà Nội sẽ tiếp tục đi dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm sử dụng nước này để cân bằng lại nước kia.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và hai nước này có thể được mô tả là gần gũi nhưng lại không mang nhiều hứa hẹn. Nếu không có gì khác hơn ngoài việc bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì Hà Nội sẽ không liều lĩnh nghiên hẳn về Trung Quốc hay Hoa Kỳ, và dường như các lãnh đạo Cộng sản muốn tiếp tục để ngỏ sự lựa chọn này.

Trung Quốc dường như hiểu điều này và đã có kế hoạch gây ảnh hưởng thông qua các mối quan hệ chính trị và thương mại. Về phía Hoa Kỳ, có thể Washington vẫn còn chậm hơn trong cuộc chơi hoặc chưa rõ về phương hướng và những lựa chọn trước mắt.

Ngược lại, rất có thể yếu tố Việt Nam không phải là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, vì thực sự nếu Việt Nam có mang lại lợi ích trong chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á -Thái Bình Dương đi chăng nữa thì Washington cũng đã có nhiều đối tác khác trong khu vực. Đó là chưa kể tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn làm cho Hoa Kỳ lo ngại.

Bằng cách đi dây với Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam có thể tự đặt mình vào vị trí dễ bị tổn thương nhất nếu cả hai nước quyết định các quốc gia Đông Nam Á không phải là ưu tiên trong chính sách của họ.

Đối với Việt Nam, các lãnh đạo Cộng sản tiếp tục giả định rằng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Quan hệ với Trung Quốc sẽ tiếp tục có nhiều biến động nhưng không trở thành thù địch, trong khi Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng không đề ra áp lực nào cụ thể. Việt Nam sẽ tiếp tục chơi ván cờ may rủi.

Tuy nhiên, những giả định này không thể giải quyết mối quan tâm trong nước hiện đang đe dọa sự sống còn của chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiến pháp và nội lực

Các ưu tiên chính của Chính phủ Việt Nam đến nay đã rất rõ ràng. Việt Nam cần tăng trưởng mạnh kinh tế, chống tham nhũng hiệu quả và tạo dựng lại lòng tin của người Việt cả trong lẫn ngoài nước và cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, nếu không có nền tảng Hiến pháp toàn dân, nhà nước pháp trị và pháp luật chuẩn mực thì tất cả tiến trình cải cách kinh tế, chính trị và những nỗ lực phối hợp chống tham nhũng khác vẫn chỉ là những lời nói suông đang trở nên nhàm chán.

Mặc dù Việt Nam đã tăng cường hệ thống pháp luật trong những năm gần đây nhằm thực hiện những cải cách cần thiết và đưa ra biện pháp chống tham nhũng, nhưng hầu như nhiều người đều có chung nhận xét rằng nạn tham nhũng đã gần như trở thành bất trị.

Tham nhũng không phải là vấn đề có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai. Tham nhũng cần được giải quyết ở nhiều cấp thông qua hệ thống giáo dục, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, trong đó việc cải cách cơ chế độc quyền nhà nước của một đảng sang cơ chế nhà nước pháp quyền của toàn dân là điều tiên quyết.

Tất nhiên điều này đòi hỏi Việt Nam phải cải cách thật sự ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Nếu Việt Nam tiếp tục vận hành với một chính quyền không phải do dân bầu lên cùng với các quy tắc bất thành văn thì Việt Nam trong tương lai cũng sẽ không khác gì ngày hôm nay. Nếu Chính phủ Việt Nam không thể hoặc không có khả năng lãnh đạo thì tình trạng này cần nhanh chóng được thay đổi.

Giữa lúc Việt Nam đang sửa đổi Hiến pháp, việc trở lại với tinh thần thượng tôn pháp luật là điểm cơ bản và cần thiết hiện nay. Một bản Hiến pháp được nhiều thành phần xã hội tham gia soạn thảo và được nhân dân phúc quyết thông qua sẽ giúp đất nước phát triển ổn định và bền vững.

Nếu như “tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ những nội dung chủ yếu của Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992” như lời tuyên bố của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thì càng nên để toàn dân tham gia soạn thảo và phúc quyết Hiến pháp để chứng minh điều đó.

Một Hiến pháp dân chủ được người dân thông qua chính là một khế ước chứng minh sức mạnh của những người cầm quyền. Nó cũng chính là sức mạnh nội lực của một dân tộc vì chỉ khi điều hành đất nước bằng pháp luật chuẩn mực thì mới có thể tiến tới một xã hội văn minh, công bằng, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Vấn đề quốc nội này thực chất quan trọng hơn vấn đề đối ngoại với Trung Quốc và Hoa Kỳ mà nhiều người cho là quan trọng. Xây dựng nền móng cơ bản này cũng sẽ giúp Việt Nam dễ dàng tạo dựng lòng tin sâu sắc với những đối tác chínhtrị quốc tế tầm cỡ như Ngũ Đại cường quốc của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nếu như các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam không nhận ra hoặc tiếp tục lờ đi những mối quan tâm chính đáng trong mục tiêu phát triển đất nước thì Việt Nam sẽ bị bỏ lại phía sau so với các nước lân cận trong khu vực.

Không có một quốc gia nào được cho là mạnh nếu không biết củng cố nội lực quốc gia. Điều này không khó thấy, nhưng nó không được nhiều lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay nhìn nhận một cách đúng mức. Và điều đó một lần nữa đã thể hiện tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, sáng nay, 22/10/2013 qua lời phát biểu báo cáo giải trình của ông Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992. Báo cáo giải trình này cho biết là bản “Dự thảo” nêu trên, dự trù sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này vào cuối tháng 11 năm nay, sẽ không có gì thay đổi căn bản, và đảng Cộng sản vẫn tiếp tục cố thủ trong lô cốt của điều 4 Hiến pháp 1992.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. 



No comments:

Post a Comment

View My Stats