Friday, 18 October 2013

TS TRẦN CÔNG TRỤC : KHÔNG CÓ CHUYỆN VIỆT NAM "ĐI ĐÊM" VỚI TRUNG QUỐC (Hồng Thủy - Giáo Dục VN)




Hồng Thủy   -  Giao Duc VN
Thứ sáu 18/10/2013 10:06

(GDVN) - Để tránh những xung đột, căng thẳng khó khăn ở tình thế rất phức tạp, chúng ta đã từng chủ động kéo đối phương ngồi vào bàn đàm phán, còn hơn là để tình hình phức tạp thêm, gây ra những mâu thuẫn mới, dẫn đến nguy cơ xung đột vượt tầm kiểm soát. Tôi cho rằng cách đi của Việt Nam trong tuyên bố chung này là hoàn toàn cần thiết, có tính toán kỹ lưỡng, mặc dù mỗi bên có cách hiểu thỏa thuận chung nhất một cách khác nhau, nhưng ít nhất đó là cơ sở để 2 bên ngồi lại với nhau.


Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa qua 2 bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng, trong đó dư luận đặc biệt chú ý đến các thỏa thuận về hợp tác trên biển trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc.

Trong khi giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đánh giá cao kết quả này và xem đó như một “bước đột phá” thì dư luận vẫn không khỏi băn khoăn “bước đột phá” ở đây là gì và “bước đột phá” trong quan niệm của phía Trung Quốc với “bước đột phá” trong quan niệm của Việt Nam có gì giống và khác nhau? So với các Tuyên bố chung lần trước, Tuyên bố chung lần này có nội dung gì mới, chúng ta nên hiểu vấn đề này như thế nào?

Xoay quanh vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, xoay quanh kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, giới truyền thông Trung Quốc đang đánh giá rất cao, ca ngợi những thỏa thuận chung về hợp tác trên biển đạt được trong chuyến thăm này là một “bước đột phá”. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu và một số tờ báo khác của Trung Quốc có bài phân tích ngầm cố tình lèo lái dư luận hiểu rằng Việt Nam đang “đi đêm” với Trung Quốc ở Biển Đông, xin ông vui lòng phân tích “bước đột phá” mà Trung Quốc đang nói đến ở đây là gì? Và Việt Nam chúng ta nên nhìn nhận nó như thế nào?

Ts Trần Công Trục: Theo dõi chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và những kết quả 2 bên đã đạt được, tôi cho rằng cả Việt Nam và Trung Quốc đã có những nỗ lực rất lớn trong việc củng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi, giảm thiểu và hướng tới giải quyết các bất đồng, nhất là vấn đề trên biển, đó là một thành công lớn.

Tuy nhiên để hiểu rõ mức độ thành công của chúng ta cũng như thành công theo quan điểm của người Trung Quốc về vấn đề hợp tác trên biển qua những thỏa thuận đã đạt được, có lẽ dư luận cũng cần hiểu rõ Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc vừa qua có gì mới, có gì khác so với trước? Tại sao phía Trung Quốc rất quan tâm đến tuyên bố này và ca ngợi rằng đó là “bước đột phá”?

Thực tế 2 bên có những giải thích khác nhau theo ý định, quan điểm và lập trường của mình, chúng ta cần hiểu điều này như thế nào? Những vấn đề này rất quan trọng đối với chúng ta trong khi tiếp tục công cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc đồng thời góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Đọc kỹ nội dung Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, nhất là về vấn đề hợp tác trên biển giữa 2 bên tôi thấy, về cơ bản những nội dung này đã có từ trước. Ví dụ như hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc", sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc.

Thậm chí ngay cả nội dung được rất nhiều người cho là mới, là “bước đột phá” trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc lần này là việc hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Ðoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc cũng không có gì mới, mà chỉ là sự khẳng định lại những thỏa thuận chung, nhận thức chung đã đạt được trước đó.

Nội dung được xem là mới mà Trung Quốc đang ca ngợi là “bước đột phá”, “thành quả quan trọng” trong tuyên bố lần này theo tôi lại là một nội dung có tính chất nguyên tắc: Hai bên “tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.” Bản chất vấn đề và sự khác biệt trong cách nhận thức, lý giải của 2 bên nằm ở đây.

Cần phải nhắc lại rằng từ xưa đến nay Trung Quốc vấn muốn thực hiện chủ trương “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” đã có từ thời Đặng Tiểu Bình và bây giờ Tập Cận Bình nhắc lại và không có gì thay đổi. Và tất nhiên không ai có thể chấp nhận chủ trương này.

Trong thỏa thuận chung hai bên đạt được lần này họ không thể đưa câu “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác” vào Tuyên bố chung, thay vào đó Trung Quốc đồng ý “tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên”.

Theo tôi phía Trung Quốc coi đây là “bước đột phá” vì theo cách hiểu của họ, điều này đồng nghĩa với việc yêu sách vô lý của họ ở Biển Đông họ vẫn giữ nguyên, không có gì thay đổi. Thời báo Hoàn Cầu hay một số tờ báo khác của Trung Quốc cũng lợi dụng điểm này để cho rằng việc Việt Nam đồng ý về mặt nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển đồng nghĩa với việc Việt Nam chấp nhận quan điểm của Trung Quốc hòng gây hiểu lầm trong dư luận, chia rẽ nội khối ASEAN khi khiến cho các bên nghĩ rằng Việt Nam “đi đêm” với Trung Quốc.

Không bao giờ có chuyện đó, bởi đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, “không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên” không có nghĩa là ta thừa nhận chủ trương, lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một “bước đột phá” nữa theo quan điểm của Trung Quốc mà chúng ta cũng cần hết sức lưu ý và giải thích rõ trước dư luận trong nước, khu vực và cộng đồng quốc tế để tránh những hiểu lầm không đáng có mà Trung Quốc lại đang muốn tạo ra, đó là phạm vi mang tính nguyên tắc chung: “về hợp tác trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Vì đây là nguyên tắc, thỏa thuận chung nhất nên chúng ta không ghi vùng biển cụ thể nào, mà là “hợp tác trên biển”, nhưng Trung Quốc đang tìm cách giải thích rằng các giải pháp tạm thời giữa 2 bên không chỉ áp dụng cho khu vực cửa vịnh Bắc Bộ mà còn áp dụng cho toàn bộ Biển Đông.

Chính điều này sẽ khiến dư luận khu vực và quốc tế nghĩ là chúng ta chấp nhận quan điểm “đàm phán tay đôi” của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng 4 nước 5 bên khác cũng yêu sách chủ quyền.

- PV: Vậy theo Tiến sĩ, đâu mới là bước đột phá thực sự trong những thỏa thuận đã đạt được giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề hợp tác trên biển? Nói cách khác, thành công của Việt Nam chúng ta là gì khi đạt được những thỏa thuận chung này với Trung Quốc? Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam cũng như khu vực, đặc biệt là các bên có liên quan ở Biển Đông?

- Ts Trần Công Trục: Trong bối cảnh Biển Đông trở thành điểm nóng của khu vực và cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn những nhân tố bất ổn khó lường, thậm chí là nguy cơ nổ ra xung đột, đối đầu và Trung Quốc liên tục tìm cách hoãn binh, né tránh COC, không bên nào chấp nhận nhân nhượng thì việc ta và Trung Quốc có thể ngồi lại với nhau, đàm phán và đưa ra những nguyên tắc chung nhất đã là một thắng lợi lớn, và đây mới thực sự là bước đột phá.

Ngay một chính khách nổi tiếng của khu vực và quốc tế là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng vấn đề Biển Đông “chỉ có thể quản lý, không thể giải quyết” khi anh nói của anh, tôi bảo của tôi thì rõ ràng việc chúng ta kéo được Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đã là một thắng lợi, còn đương nhiên nội dung đàm phán cụ thể và tiến trình ra sao lại là một chuyện khác, nó phải có căn cứ, cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Việc chúng ta đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc đâu phải chúng ta chấp nhận quan điểm và lập trường của Trung Quốc? 

“Giải pháp mang tính quá độ” trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc hay còn gọi là giải pháp tạm thời không phải là giải pháp chung chung mà ai đó có thể tùy tiện đặt ra. Nó được quy định rất rõ trong UNCLOS mà cả Việt Nam, Trung Quốc, Philippines đều là thành viên, đã phê chuẩn và phải có nghĩa vụ tuân thủ.

Theo đó khi các nhóm công tác về vấn đề hợp tác trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc  ngồi lại với nhau, muốn tìm ra các giải pháp tạm thời này thì đầu tiên phải xác định được vùng chồng lấn theo quy định của UNCLOS. Và đương nhiên quy định của UNCLOS rất rõ ràng, đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông hoàn toàn không có bất cứ căn cứ pháp lý nào, trái ngược hoàn toàn với những nguyên tắc cơ bản trong nội dung Công ước UNCLOS, đương nhiên không ai có thể chấp nhận được.

Theo tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn thiện chí trong việc áp dụng các giải pháp tạm thời mà Công ước UNCLOS quy định, còn việc xác định vùng chồng lấn nào, ở đấu, trên cơ sở yêu sách nào, các nhóm đàm phán sẽ làm việc cụ thể. Và về phạm vi, khu vực nào chỉ liên quan đến 2 nước thì có thể đàm phán song phương, khu vực nào liên quan đến nhiều bên thì phải đàm phán đa phương.

Khi đã nỗ lực hết khả năng mà các bên vẫn không thỏa thuận được với nhau thì hoàn toàn có thể nhờ các cơ quan tài phán quốc tế phân xử, điều này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của công ước UNCLOS và Trung Quốc cũng không có cớ gì để nói ta “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.

Tuyên bố chung được đưa ra trong bối cảnh phía Trung Quốc tìm mọi cách hợp thức hóa yêu sách vô lý của mình và không chịu nhân nhượng hay thay đổi. Nếu chúng ta đi vào vấn đề cụ thể, khu vực cụ thể và nêu ra trong thỏa thuận, tuyên bố chung thì quan điểm của 2 bên đối ngược nhau hoàn toàn và đàm phán sẽ rơi vào bế tắc. Lúc này, chúng ta đã tỏ ra thiện chí ngồi lại đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế và đưa ra những thỏa thuận chung nhất để ngồi được với nhau, nội dung cụ thể ta bàn sau, tôi cho rằng đó đã là thành công và rất cần thiết.

Để tránh những xung đột, căng thẳng khó khăn ở tình thế rất phức tạp, chúng ta đã từng chủ động kéo đối phương ngồi vào bàn đàm phán, còn hơn là để tình hình phức tạp thêm, gây ra những mâu thuẫn mới, dẫn đến nguy cơ xung đột vượt tầm kiểm soát. Tôi cho rằng cách đi của Việt Nam trong tuyên bố chung này là hoàn toàn cần thiết, có tính toán kỹ lưỡng, mặc dù mỗi bên có cách hiểu thỏa thuận chung nhất một cách khác nhau, nhưng ít nhất đó là cơ sở để 2 bên ngồi lại với nhau.

Điều này không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà có ý nghĩa rất lớn đối với khu vực, nó thể hiện rõ thiện chí của chúng ta trong việc đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và tìm kiếm các giải pháp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng ta không “đi đêm” với bất cứ bên nào hay hợp tác với bên này chống bên kia mà bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình bằng luật pháp quốc tế cũng như các giải pháp linh hoạt.

Rõ ràng đây là một sự tính toán của chúng ta cả về thế và lực, lý và tình trong bối cảnh quan hệ phức tạp hiện nay ở Biển Đông cũng như trong khu vực. Tôi cho rằng đây mới chính là bản lĩnh của những người hoạch định chính sách, đã tuân thủ đúng nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Chúng ta đã có nhiều bài học lịch sử quý báu về điều này trong công cuộc dựng nước và giữ nước, điển hình là giai đoạn ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập.

- PV: Xoay quanh vấn đề hợp tác trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, học giả Trung Quốc Lý Lệnh Hoa có chia sẻ nhận định của ông trên trang cá nhân rằng hai bên muốn có các giải pháp tạm thời, hợp tác, muốn gì thì muốn đầu tiên phải hoạch định được vùng chồng lấn theo quy định của UNCLOS. Mặt khác, học giả Lý Lệnh Hoa nhấn mạnh, nhóm công tác về vấn đề hợp tác trên biển của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều phải nghiên cứu rất kỹ, nắm rất chắc Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về nhận định này?

- Ts Trần Công Trục: Tôi rất đồng tình với những nội dung mà học giả Lý Lệnh Hoa đã nói ở trên, dù 2 bên có thỏa thuận giải pháp tạm thời thì đầu tiên 2 bên phải ngồi lại hoạch định vùng chồng lấn sau đó mới có giải pháp tạm thời, không thể có giải pháp tạm thời chung chung bao trùm toàn bộ Biển Đông. Và cũng không thể có “giải pháp tạm thời” trên vùng thềm lục địa của Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào ven Biển Đông.

Đặc biệt hơn, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, “vùng nước lịch sử” để đòi yêu sách vô lý của họ với 85%  diện tích Biển Đông mà không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào, đặc biệt là UNCLOS thì học giả Lý Lệnh Hoa lại đặc biệt nhấn mạnh vai trò của UNCLOS. Chỉ có trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được nhân loại dày công tạo dựng và thừa nhận mà chính Trung Quốc, Việt Nam, Philippines đã trở thành thành viên Công ước, vấn đề mới có thể được giải quyết.

Cách nhìn nhận vấn đề của học giả Lý Lệnh Hoa thực sự rất xác đáng, cầu thị và có trách nhiệm. Đó là một điều hết sức đáng quý và hoàn toàn không dễ dàng có được khi đại bộ phận giới “chuyên gia”, “học giả” Trung Quốc vẫn bám vào những lý luận ngụy tạo, phớt lờ luật pháp khi họ đưa ra những bình luận, phân tích về Biển Đông.

- PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

-------------------------------------


18.10.13      39 Comments


Được đăng ngày Thứ ba, 15 Tháng 10 2013 20:54



No comments:

Post a Comment

View My Stats