Hạnh Nguyên
Bài của bạn đọc BBC Tiếng
Việt
Cập nhật: 10:55 GMT -
thứ sáu, 18 tháng 10, 2013
Hồi tháng Tám vừa qua, cựu thủ tướng Singapore, ông
Lý Quang Diệu cho ra mắt cuốn sách hơn 400 trang, bày tỏ quan điểm về tương
lai, triển vọng của các quốc gia lớn đáng chú ý trên thế giới và trong vùng
Đông Nam Á.
Cuốn 'One man’s View of the
World' có cả phần nhận định của tác giả về hiện tại và tương lai của
Việt Nam.
Theo ông Lý, tăng trưởng kinh
tế và thay đổi lớn trong đời sống xã hội Việt Nam sau đổi mới 1986 là không thể
phủ nhận.
Nhiều nhà phân tích trong cũng
như ngoài nước cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng, theo mô hình cải cách kiểu
Trung Quốc.
Thực sự thì Đổi mới ở Việt Nam
khác xa những gì diễn ra ở Trung Quốc.
Mấy năm gần đây, ông Lý hoàn toàn chán nản về những gì đang diễn ra ở
Việt Nam. Ông thất vọng bởi nạn tham nhũng tràn lan, tư duy cổ hủ của giới lãnh
đạo.
Theo ông, Việt Nam chưa hề và
sẽ chưa thể có một lãnh đạo ngang tầm Đặng Tiểu Bình trong một tương lai gần.
Ông đã sử dụng một cụm từ mô tả chung cho toàn bộ giới lãnh đạo cao cấp ở Việt
Nam: 'Bị kìm hãm trong tư
duy xã hội chủ nghĩa'.
Theo lời ông Lý, ở Việt Nam,
những vị lãnh đạo bảo thủ đang tiếp tục làm cho Việt Nam trở nên trì trệ. Chỉ
khi những vị này nghỉ hưu thì Việt Nam mới có thể có đột phá theo hướng hiện
đại hóa.
Chỉ hắng giọng, ậm ừ
Ông có đưa ra một ví dụ mà tận
mắt ông chứng kiến khi tham gia một cuộc họp với các nhà lãnh đạo quân sự và
dân sự Việt Nam.
Ông thuật lại chi tiết về những
vấn đề mà một công ty Singapore đang vướng phải khi triển khai một dự án xây
dựng khách sạn ở khu vực Hồ Tây, Hà Nội.
Khi công ty này bắt đầu đóng
cọc, hàng nghìn người dân đến yêu cầu bồi thường cho tình trạng ô nhiễm tiếng
ồn. Để tránh việc phải gánh thêm các khoản chi phí phụ trợ, công ty quyết định
thay đổi phương pháp xây móng, từ việc đóng cọc sang bắt đinh ốc vì phương pháp
này ít gây ồn ào hơn.
Lần này, chính vị quan chức đã
phê duyệt dự án đến công ty và nói: “Tôi chưa bao giờ cho phép các anh làm
vậy”. Rõ ràng, vị quan chức này đã thông đồng với những người dân bất mãn.
Ông Lý Quang Diệu giải thích
với những nhà lãnh đạo Việt Nam trong cuộc họp rằng hành động như vậy là phản
tác dụng và khuyên họ nếu muốn mở cửa thì hãy thực sự nghiêm túc về vấn đề đó.
Giới chức Hà Nội chỉ đáp lại
bằng vài tiếng hắng giọng hay ậm ừ thể hiện rõ họ không thiết tha mấy với cuộc
cải cách này. Họ không hề hiểu rằng một nhà đầu tư hài lòng sẽ thu hút thêm
nhiều nhà đầu tư hơn nữa.
Theo ông Lý, lãnh đạo Việt Nam
cho rằng khi đã có một nhà đầu tư rồi thì cứ thế mà vắt kiệt sức để kiếm chác.
Sự thật thì ở Việt Nam, nhiều
cựu quân nhân tham gia cuộc chiến (được đa số người Việt gọi là kháng chiến
chống Mỹ) đang tham gia giữ các cương vị quan trọng trong Đảng và bộ máy chính
quyền.
Thật không may, họ được thăng
cấp không phải bởi vì họ giỏi quản lý và điều hành kinh tế hiệu quả, mà là vì
họ đã rất giỏi “đánh nhau”.
Cựu thủ tướng quốc đảo sư tử
nhìn nhận, điểm tương đồng nổi bật giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời kỳ mở
cửa chính là tham nhũng. Đội ngũ cán bộ Đảng bỗng chốc nhận thấy những người
ngoài Đảng đang giàu lên nhanh chóng.
Họ vỡ mộng và dần trở nên tham
tiền, hám của. Ví dụ như những quan chức hải quan cao cấp nhập khẩu xe hơi bất
hợp pháp để được chia phần lợi nhuận.
Khác Trung Quốc, Việt Nam
không có một nhân vật giống như ông Đặng Tiểu Bình, một người vừa có được vị
trí không thể phủ nhận trong đội ngũ cán bộ vừa có niềm tin vững vàng rằng tiến
hành cải cách triệt để là con đường duy nhất vươn ra thế giới.
Có thể nói, chiến tranh chính
là lý do tại sao đất nước lại thiếu đi một con người như vậy.
Tiếp tục bế tắc
Trong cuốn sách mới ra, ông Lý Quang Diệu
chỉ còn niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam
Trong khi những lãnh đạo cộng
sản Trung Quốc có hàng thập niên thu lượm kinh nghiệm quản lý trong thời bình,
chọn lựa những lời khuyên thực tế về việc gì cần làm, tiếp tục củng cố niềm tin
và hệ tư tưởng, thì các nhà cộng sản Việt Nam vẫn bế tắc trong một cuộc chiến
tranh du kích khốc liệt với người Mỹ, không hề học hỏi được bất kỳ điều gì về
cách quản lý, vận hành đất nước.
Hơn thế nữa, hầu hết những
doanh nhân thành đạt ở miền Nam Việt Nam, những người đã quen thuộc với cách
làm việc của chủ nghĩa tư bản thì lại bỏ trốn ra hải ngoại vào những năm 70.
Điều đáng nói hơn cả là cách
nhìn nhận rất khách quan và tích cực về con người Việt Nam của ông Lý Quang
Diệu. Ông cho rằng người Việt là một trong những dân tộc năng động và thông
minh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Sinh viên Việt Nam thường xuyên
giành được những điểm số cao nhất trong cách kỳ thi tầm cỡ quốc tế.
Với những con người thông minh
như vậy, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, bờ biển dài và đẹp,
đáng lẽ Việt Nam phải giàu mạnh từ rất lâu rồi.
Theo ông Lý, thật đáng tiếc là
Việt Nam không thể khai thác hết được tiềm năng của mình. Ông đặt niềm tin rằng
khi những thế hệ lão thành cách mạng nghỉ hưu, sẽ có những thế hệ trẻ hơn làm
nên đổi thay.
Những con người ấy sẽ nhìn nhận
được Thái Lan đã thành công đến như thế nào, đồng thời nhận thức được tầm quan
trọng của nền kinh tế thị trường.
Về vấn đề biển Đông, theo ông Lý thì Việt Nam đang gặp phải những khó
khăn lớn.
Trung Quốc là một đối thủ lớn,
khó chơi, đầy mưu mô và kinh nghiệm. Trung Quốc sẽ tiếp tục chiêu bài chia cắt
nội bộ ASEAN, cô lập các bên để giành thế thượng phong trong đàm phán song
phương. Nước có hàng mấy ngàn năm lịch sử chiến tranh lân bang này sẽ kiên
quyết từ chối đàm phán đa phương dưới mọi hình thức.
Về quan hệ Việt – Mỹ, ông Lý
cho rằng không sớm thì muộn, Mỹ sẽ được chính quyền Việt Nam đồng ý cho trở lại
Cam Ranh đóng quân. Hơn thế nữa, việc Mỹ đồng ý bán vũ khí cho Việt Nam cũng sẽ
xảy ra trong tương lai gần.
Tuy nhiên, những động thái đó
chẳng mang lại nhiều ý nghĩa trong tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung
Quốc.
Theo ông Lý, Việt Nam hầu như
không thể trông mong vào tiếng nói và hành động của Hoa Kỳ. Ngoài những bất
đồng trong chính trị và nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam, Mỹ không hề muốn
đối đầu với một nước lớn và đầy tiềm lực như Trung Quốc.
Ông Lý Quang Diệu, trong phần
nói về Việt Nam, tuy không bộc lộ rõ nhưng người đọc có thể nhận ra ông không
mấy tin tưởng vào sự can thiệp của ASEAN trong việc lên tiếng giúp Việt Nam đạt
được thắng lợi dù nhỏ trong đàm phán biển Đông với Trung Quốc.
Điều này có nghĩa là tương lai
vấn đề Biển Đông của Việt Nam, trong suy nghĩ của cựu thủ tướng Singapore, là
hoàn toàn bế tắc.
Bài viết thể hiện quan
điểm và cách hành văn của tác giả Hạnh Nguyên, một bạn đọc của
bbcvietnamese.com từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment