Thursday, 24 October 2013

TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI & BÁO CHÍ (Khổng Loan - NewMedia)




October 24, 2013

Những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí đang tác nghiệp trong thời điểm bùng nổ mạng xã hội. Có 2 luồng ý kiến khi truyền thông xã hội vươn lên tỏ rõ ưu thế hiện nay là: 1. Mạng xã hội sẽ thay thế báo chí nhờ sự nhanh nhạy và đa dạng của thông tin; 2. Báo chí sẽ vẫn tồn tại song song với mạng xã hội nếu vẫn duy trì và phát huy những giá trị cốt lõi của nền báo chí có chất lượng (như chính xác, khách quan, cân bằng, giúp độc giả có kiến thức, đủ thông tin và nhờ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, có lợi cho bản thân mình và xã hội), song song với việc linh hoạt sử dụng mạng xã hội quảng bá, chia sẻ, thu hút sự quan tâm và thảo luận, tham gia từ bạn đọc. Trong bối cảnh các phương tiện để truyền tải thông tin đến công chúng đang nhanh chóng thay đổi, các nhà báo có thể làm gì để có lợi nhiều nhất từ sự xuất hiện của truyền thông xã hội? Bài viết này đưa ra một số gợi ý từ các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực báo chí và truyền thông xã hội, được chọn lựa theo chủ quan của người viết khi tính đến những đặc thù của thị trường Việt Nam.

Gần đây, ngành báo chí thế giới liên tiếp có những thông tin đáng chú ý về những thay đổi và xu hướng lớn. Ví dụ Newsweek, tờ tạp chí Mỹ uy tín có 80 năm lịch sử, đã ngưng phát hành bản in mà chuyển hoàn toàn sang online (vừa dưới mô hình web vừa là e-magazine thuê bao) sau bản in cuối cùng ngày 31.12.2012.  

Ấn bản cuối cùng của tạp chí in Newsweek ngày 31.12.2012.

The Huffington Post, một trang tin và mạng lưới blog hàng đầu của Mỹ tiếp tục “ăn nên làm ra” khi hoạt động theo mô hình blog cộng tác viên (không phải trả phí), đăng tải về tất cả mọi thứ từ tin tức, kinh doanh, chuyện phụ nữ, lối sống, tới công nghệ, giải trí, môi trường, chính trị… Tờ báo Internet của Arianna Huffington tiếp tục mở rộng ra các thị trường lớn khác, bên cạnh phiên bản tiếng Anh đã có tiếng Ý,  Pháp, Tây Ban Nha, Nhật và Đức. Sau 7 năm ra mắt, trang web này vẫn duy trì ở vị trí 73 trong xếp hạng Alexa toàn cầu và vị trí 20 ở Mỹ, với 1,2 triệu like trên Facebook và 1,6 triệu tài khoản theo dõi trên Google Plus.

Newsweek hay Huffington Post là câu chuyện thường được nhắc đến khi nói về những thay đổi lớn của báo chí trong thời kỹ thuật số và mạng xã hội. Sự dịch chuyển của các tổ chức báo chí cũng đòi hỏi sự dịch chuyển trong cách làm việc của những cá nhân hoạt động trong ngành báo chí.

The Huffington Post định vị là trang web “cung cấp tất cả mọi nội dung”bằng cơ chế sử dụng cộng tác viên không được trả tiền – một mô hình báo chí/cung cấp thông tin đáng tham khảo.

Ở Việt Nam, cũng giống như báo chí quốc tế, báo chí truyền thống đang đối mặt với những thách thức lớn từ truyền thông xã hội. Hiện mạng xã hội được người Việt Nam dùng nhiều nhất là Facebook với khoảng 13 triệu người và dự kiến đạt 24 triệu người vào cuối năm 2013, theo báo cáo tình hình Internet tại khu vực Đông Nam Á tính đến cuối tháng 7.2013 của hãng nghiên cứu thị trường comScore. Zing Me, mạng xã hội dành cho giới trẻ đứng ở vị trí thứ 2. Trên thế giới, Twitter chỉ bằng dòng tin 140 ký tự nhưng kịp thời và nhanh chóng hơn cả truyền thông chính thống đang có 200 triệu người dùng, khi giữ vai trò vừa là mạng xã hội, dịch vụ tin nhắn ngắn, thông tấn xã, công cụ xuất bản để người dùng tự thể hiện, và thậm chí tạo những thay đổi lớn trong xã hội. Tuy nhiên, Twitter hầu như có ít người dùng tích cực ở Việt Nam. Theo nhận định cá nhân người viết, LinkedIn và Google Plus cũng có một lượng người dùng nhất định ở Việt Nam nhưng không đa dạng và tạo ra nhiều ảnh hưởng như Facebook. Thậm chí, có những người khẳng định chỉ đọc Facebook là đủ, vì “có nhiều tin, đa chiều, hay hơn cả báo chí.” (?!)

Hết phần 1. Xem phần 2 ở đây, phần 3 ở đây.

*

October 24, 2013

Công chúng luôn cần một nền báo chí thực sự có chất lượng, tức mang đến cho họ thông tin chính xác, khách quan, cân bằng, giúp họ có kiến thức, đủ thông tin để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, có lợi cho bản thân mình và xã hội. Mạng xã hội đang đem lại nhiều cơ hội và nhiều thách thức lớn cho những người làm báo. Cơ hội là nó góp phần quảng bá báo chí; thách thức là nó yêu cầu báo chí phải khác biệt / tốt hơn về chất lượng, đồng thời cũng đòi hỏi báo chí phải linh hoạt để sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ truyền tải thông tin của thời đại mới.

Một cách làm sai của báo chí khi đăng tải thông tin, lấy nguồn tin từ Facebook nhưng không qua kiểm chứng, xác minh.

Nieman Reports (2009) nhận định truyền thông xã hội đang thay đổi nhanh chóng cách con người tiếp nhận và chia sẻ tin tức và thông tin. Báo chí đang thực sự phải tham gia vào cuộc đối thoại với tất cả các thành phần khác trong xã hội, thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa hoạt động thông qua các cơ chế bình luận, trao đổi, live chat trên mạng mà tòa soạn thực hiện với bạn đọc và những người quan tâm tới tác phẩm báo chí tòa soạn đăng tải. Những chuyện bếp núc của tòa soạn, của người viết bài cũng dần được công khai hóa. 

 Trong bối cảnh phương tiện để truyền tải thông tin đến công chúng đã và thay đổi nhanh chóng, có 1 vài kỹ năng mới và một số nguyên tắc gợi ý cần cập nhật để những người làm báo có thể theo kịp những thay đổi lớn này.

Giảng viên Sue Greenwood tại ĐH Staffordshire (Anh), chuyên giảng dạy về báo chí theo mô hình cộng tác viên (entrepreneurial journalism) và mô hình web, nhận định các nhà báo “đừng tưởng cứ thường xuyên sử dụng Facebook, update các status trên Facebook, hay Twitter, hay vào LinkedIn là bạn đã “rành rẽ về truyền thông xã hội.”

Bà nhận định trong tòa soạn, truyền thông xã hội không chỉ dùng để kết bạn, theo dõi, hay chia sẻ, mà còn nhiều chức năng khác:

 Thu thập thông tin: Với vai trò như một trợ lý, truyền thông xã hội giúp những người làm báo tìm kiếm nguồn tin, tìm đầu mối liên lạc để phỏng vấn, để xác minh thông tin, để tìm hiểu về các đối tượng mà ta muốn biết.
Có lẽ bạn đã nhiều lần làm giống tôi, là google tên của người, công ty hay tổ chức cần tìm hiểu, rồi vào website của họ, theo đường dẫn từ đó vào các mạng xã hội mà họ sử dụng như Facebook, Twitter, LinkedIn để xem các chi tiết, từ gia đình, công việc, quan điểm sống, thái độ trước những sự việc trong xã hội, những mối quan hệ trong xã hội…để có thể suy nghĩ về hướng tiếp cận của mình khi gặp họ, trao đổi với họ nhằm lấy thông tin cho bài viết.
 Truyền thông xã hội có thể được sử dụng để xác minh, bổ sung thêm tính chính xác, đa chiều và hiểu rộng hơn về nhân vật, vấn đề. Nó giúp cho quá trình thu thập thông tin và nghiên cứu của phóng viên được thuận lợi hơn, tốn thời gian hơn nhưng đảm bảo được tốt hơn sự chính xác – yếu tố quan trọng hàng đầu của báo chí. Các kết quả tìm kiếm được Google trả về, trong nhiều trường hợp, không giúp những nhà báo có bức tranh tương đối toàn cảnh về nhân vật, công ty hay tổ chức mình đang tìm hiểu khi cho ra những kết quả riêng lẻ và cần có thời gian kết nối những yếu tố lại với nhau.
Ở Việt Nam, đó có thể là 1 doanh nhân, 1 doanh nghiệp, hay một tổ chức xã hội. Ở các nước phát triển, đó có thể là cơ quan nhà nước, văn phòng, bộ phận phụ trách báo chí của chính trị gia.

Một bài báo được người phụ trách tòa soạn đưa lên mạng xã hội và nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả

Là cầu nối giữa độc giả-tòa soạn và các bên liên quan (stake-holders): Độc giả có thể đưa ra bình luận (ngay lập tức) về tác phẩm báo chí, chỉ cần họ online để đọc, xem, nghe và có phương tiện gửi bình luận về bài viết, sự kiện, các nhân vật liên quan trong tác phẩm báo chí. Các phản ứng giúp tòa soạn và tác giả có thể đánh giá phần nào sức hút của tác phẩm.
Trong một số trường hợp, những ý kiến đó còn có thể giúp mở rộng đề tài, góc nhìn, tạo thành những tuyến bài mới, sâu hơn nhất là khi có những bạn đọc chuyên môn gợi ý. Cầu nối này cũng buộc tòa soạn, phóng viên thực hiện trách nhiệm giải trình một khi đưa tin thiếu chính xác, không khách quan; và mở rộng cạnh cửa hơn để bạn đọc và các bên liên quan theo dõi được quá trình tạo ra tác phẩm báo chí. Mạng xã hội thực hiện chức năng giám sát với tòa soạn, với từng phóng viên, và cũng đòi hỏi tòa soạn dành thời gian, công sức, và chi phí không nhỏ để tạo dựng được mối quan hệ gần gũi, thân quen, và thấu hiểu giữa họ và độc giả, các bên liên quan.
Những người làm báo mong nhận được “sự thông thái từ đám đông,” khi có lượng người lớn với những nền tảng xã hội khác nhau có thể cùng đóng góp ý kiến vào những chủ đề mà họ quan tâm và có hiểu biết (nhưng tất nhiên không phải lúc nào cũng nhận được như vậy.
Nhưng cũng hơn bao giờ hết, chiếc cầu nối đó đang tạo ra những áp lực không nhỏ cho các nhà báo phải thực hiện được những tác phẩm báo chí thực sự có chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả và xã hội. Việc tham gia vào cuộc đối thoại với bạn đọc sẽ giúp tòa soạn hiểu những bạn đọc mà tòa soạn đang hướng đến.

Một thắc mắc của bạn đọc và người biên tập lập tức xem xét lại nếu có sai sót.

Xây dựng mạng lưới các nguồn tin và cộng tác viên: Đó có thể là các chuyên gia đầu ngành, những người ảnh hưởng trong xã hội, những gương mặt mới. Tuy nhiên, đó cũng có thể là 1 gương mặt mà trong tương lai bất ngờ có mặt ở đúng địa điểm đang có sự kiện quan trọng xảy ra. Những người làm báo không chỉ “kết bạn” (add friends) trên mạng xã hội, mà tìm cách tạo thành một cộng đồng thông tin. Các nhà báo có thể đặt câu hỏi để tìm kiếm nguồn tin, xác nhận thông tin, và có thể ngạc nhiên về sự sẵn sàng giúp đỡ của cộng đồng người quen của mình.
Tôi chắc là rất nhiều đồng nghiệp của mình đã phỏng vấn ngay bằng chat trên Facebook, hay hẹn phỏng vấn, tìm kiếm thông tin và xác minh thông tin một phần nhờ tài khoản Facebook hay Google Plus, Skype trước khi xác minh thông tin trực tiếp với đối tượng đang tìm hiểu.

Công cụ để quảng bá, tiếp thị: Những bài viết được chia sẻ bởi những tác giả, bạn đọc, tòa soạn; những sự kiện được thông báo rộng rãi…là một cách tốt để tòa soạn có thêm bạn đọc, tạo dựng và duy trì uy tín và truyền tải thông điệp một cách thống nhất, thể hiện tầm nhìn, mục tiêu rõ rệt của cơ quan truyền thông với bạn đọc, với các nhà quảng cáo.

Trang chủ Facebook của tạp chí Forbes Việt Nam dùng như cầu nối giữa độc giả-tòa soạn, và cũng là 1 công cụ tiếp thị hữu ích.

Mạng Facebook của Thanh Niên có gần 160 ngàn người like tính tới ngày 19.10.2013

Facebook của Tuổi Trẻ là một công cụ tiếp thị cho các chương trình branding

Xây dựng và quản lý uy tín, danh tiếng: Alfred Hermida trong bài viết How to Teach Social Media in Journalism Schools (Dạy truyền thông xã hội trong các trường báo chí ra sao) cho rằng quản lý danh tiếng (uy tín) là một  yêu cầu đặt ra cần thiết khi người làm báo sử dụng mạng xã hội. Có hay không sự phân định giữa 1 cá nhân bình thường và 1 người thuộc 1 cơ quan báo chí khi sử dụng mạng xã hội? Cá nhân tôi cho rằng không. Những người làm báo mặc nhiên được cộng đồng cho rằng trên Facebook/Twitter/LinkedIn họ cũng là nhà báo. Cộng đồng của họ hi vọng nhận được những góc nhìn mới, cách chia sẻ thông tin hay, tin độc, tin nóng sốt và những tin hành lang vỉa hè đã được xác minh (chứ không chỉ những tin đồn chưa kiểm chứng, những nhận định thiên kiến).

 Truyền thông xã hội không chỉ giúp người làm báo thể hiện mình, mà còn là nơi để cho các tổ chức báo chí – những chủ lao động tiềm năng – có thể đánh giá các nhà báo đó thông qua những gì họ đăng tải, chia sẻ, quan điểm họ thể hiện. Woody Lewis, nhà chiến lược mạng xã hội (woodylewis.com), chuyên tư vấn về chiến lược truyền thông xã hội cho các cơ quan báo chí nhận định: Giờ đây những người thuê nhân sự làm không chỉ nhìn vào CV hay  giấy giới thiệu nữa. Họ dễ dàng thấy  và hiểu quan điểm của mỗi cá nhân thông qua mạng xã hội (trước khi thuê nhân sự đó). Các nhà báo muốn thế hiện họ là những người như thế nào? Nghiêm túc, chuyên nghiệp, hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực hay như thế nào?

Tài khoản Twitter của báo Guardian (Anh)

Cũng như các ngành nghề khác, trong báo chí, sự đáng tin cậy, uy tín, chuyên nghiệp có vai trò quan trọng. Trên mạng, uy tín của nhà báo có thể ảnh hưởng lớn tới uy tín của tòa soạn, tờ báo tương tự như khi ở ngoài đời thực. Các nhà báo có thể google để tìm hiểu những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác, thì bạn đọc cũng có thể làm như vậy với các nhà báo. Các nhà báo có thể google tên mình để biết hình ảnh của mình trên mạng (online reputation).  90% các feed trên Facebook nói chung là về con cái. Các nhà báo muốn người khác thấy mình ra sao? Thú vị/Nhiều thông tin hay  Hài hước/Vui vẻ/Giải trí?

Tài khoản Facebook của một nhà báo được cập nhật thông tin về lĩnh vực ông theo dõi.

Trên truyền thông xã hội, cũng như ngoài đời thực, phóng viên là đại diện tổ chức mà họ đang làm việc chứ không chỉ là cá nhân họ. Woody Lewis tin là rất nhiều khi người ta kết bạn với phóng viên, hay follow họ trên mạng xã hội vì tín nhiệm cơ quan báo chí mà họ đang làm việc, chứ không hẳn là vì cá nhân phóng viên đó. Khi mỗi một status hay chia sẻ đều thể hiện quan điểm của người đăng tải cũng như đánh giá của họ với từng sự kiện, sự thận trọng không thừa. Khi phóng viên cảm thấy tự hào về tổ chức báo chí mà họ đang làm việc, về những gì mà họ viết, hay những giá trị nghề nghiệp họ đang theo đuổi có nhiều điểm chung với tổ chức họ làm việc, thì bản thân mỗi cá nhân có thể là những “đại sứ thương hiệu” cho mỗi tổ chức báo chí. Cá nhân nhà báo, cũng như cơ quan báo chí, khi sử dụng mạng xã hội cũng trở thành đối tượng bị công chúng đánh giá, theo dõi, giám sát.
Theo đánh giá của GS Jay Rosen, Khoa báo chí ĐH New York, truyền thông xã hội tạo ra nhiều cơ hội để các nhà báo thu hút và hấp dẫn người khác. Nhưng nếu nhà báo dùng không đúng cách thì đây cũng là cách rất dễ để làm mất uy tín, vì tự họ phải quản lý mọi nội dung mình xuất bản, chứ không qua quá trình kiểm định thông tin của ê-kip tòa soạn. Truyền thông xã hội vừa nguy hiểm, vừa là nguy cơ tới công việc nghề nghiệp báo chí nếu nhà báo không biết rõ mình đang làm gì.
Ông khuyến khích nhà báo nên chia sẻ những thông tin hay (không nhất thiết do họ viết) trên mạng xã hội; Tập trung vào làm những việc mình giỏi; Tránh tranh cãi trên mạng, nếu cần thì có thể tranh cãi trực tiếp (offline), hoặc qua email. Ông cho rằng sự tranh cãi công khai có thể ảnh hưởng tới tên tuổi, sự tín nhiệm của mỗi nhà báo. Nếu các nhà báo muốn ủng hộ hay khen một sản phẩm thương mại nào đó, thì họ nên biết chắc chắn là sản phẩm đó thực sự tốt và có chất lượng. “Đừng khen vì được trả tiền để khen.” GS Jey Rosen tin là bản thân mỗi nhà báo không giúp làm cho các nội dung trở nên được chia sẻ nhiều trên mạng (viral), mà chỉ có nội dung hay, khiến bạn đọc thích thú thì tự họ sẽ viral.


*
*
October 24, 2013

Đây là phần 3 và cũng là phần cuối cùng của bài viết Truyền thông xã hội và báo chí. Đọc phần 1 ở đây, phần 2 ở đây.

Một số lời khuyên của Woody Lewis với những người làm báo như sau:
*Khi đăng tải một status nên là 1 link kèm theo chi tiết/nhận định của cá nhân có thể có ích cho người đọc.
*Sử dụng ngôi thứ 3. Người đọc đang theo dõi sự kiện, chứ không phải phóng viên. Tránh đưa ra ý kiến bình luận của cá nhân.
*Tôn trọng văn phong báo chí của tòa soạn, đừng quên ngữ pháp, dấu câu, nhớ rõ quy tắc 5W1H. Khi cần có thể có thông tin nền, trích dẫn (phải có nguồn). Nếu đăng tải hình ảnh thì cũng cần chú thích (5W1H); có thể dùng hashtags. 

Trang chủ của Forbes trên Google+

Tạo dựng /tham gia cộng đồng:  Việc tham gia hay tạo dựng một cộng đồng chuyên biệt, nhỏ đem lại nhiều thuận lợi, giúp cho những người hoạt động trong ngành có những thông tin họ quan tâm. Trên Facebook hiện nay có 2 nhóm báo chí ở Việt Nam có số người tham gia tương đối đông, đều để chế độ open (mở, ai tham gia cũng được và ai xem nội dung cũng được) là Diễn đàn nghiệp vụ báo chí Việt Nam vietnamjournalism.com (3.277 thành viên, tính tới ngày 16.10.2013) và Diễn đàn nhà báo trẻ (6.830 thành viên, hơn 5.000 thành viên đang đề nghị được gia nhập).  Các nhóm cộng đồng này cũng thực hiện chức năng tự giám sát với chính bản thân mình, và các nhà báo chịu sự giám sát của chính các đồng nghiệp.

 Như admin Bút Lông của Diễn đàn nhà báo trẻ cho biết, thành phần của nhóm chủ yếu gồm các phóng viên, BTV, lãnh đạo các tờ báo, cán bộ quản lý báo chí và sinh viên báo chí. Đây là nơi “cung cấp các đề tài cho các thành viên; chia sẻ nghiệp vụ thu thập, xử lý, công bố thông tin và nhận các phản hồi của độc giả; bàn các khía cạnh đạo đức của nghề nghiệp, đo lường các hậu quả xã hội có thể xảy ra từ cách tác nghiệp ẩu; tổ chức các dịch vụ, hoạt động đào tạo, hội thảo về các vấn đề của nghề báo.” Ông nhận định việc sử dụng Facebook vừa là cơ hội cho những nhà báo biết cách học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và thách thức cho những người thụ động, quan liêu. Nguồn tài nguyên thông tin lớn trên Facebook đòi hỏi nhà báo phải có năng lực tìm kiếm, phân tích, chắt lọc và sử dụng thông tin.

 Ngoài việc tham gia vào các nhóm nghề nghiệp và thảo luận về những vấn đề nghề nghiệp, khi các nhà báo tham gia vào các nhóm khác trên mạng để tìm hiểu, thu thập thông tin, hay vì sở thích của cá nhân, các chuyên gia cho rằng mỗi nhà báo nên cẩn trọng để không đứng về phe nào, vì vị trí và vai trò của họ luôn đòi hỏi họ có cái nhìn khách quan, độc lập cao nhất có thể.

 Tương lai của tin tức, như Dan Conover viết trong “2020 vision: What’s next for news” (Tầm nhìn 2020: Tương lai của tin tức) là, báo chí sẽ ngày càng chia nhỏ, phục vụ những cộng đồng ngách và nhỏ hẹp. các tờ báo lớn, phục vụ số đông sẽ ngày càng thu hẹp. Các nhà báo sẽ làm việc ngày càng độc lập hơn, trong khi những điều tốt đẹp của xã hội sẽ được duy trì và xã hội sẽ càng trở nên minh bạch hơn. Báo chí từng được xã hội tôn vinh vì đăng tải tin nóng, mới, sốt dẻo nhờ vào công cụ truyền tải độc quyền, nhưng giờ đây, công chúng đang sở hữu những công cụ đó và buộc báo chí đang tìm cách bắt kịp được với thế hệ người tiêu dùng đang quay sang sử dụng công cụ kỹ thuật số và di động. Công chúng không quan tâm ai xuất bản tin (thường là lời đồn chưa được kiểm chứng) đầu tiên. Họ muốn có tin tức có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lúc.

 Dù thông tin dễ tiếp cận hơn nhờ Internet và mạng xã hội, nhưng công việc đưa tin và báo chí không hề dễ dàng hơn hay kém quan trọng hơn, như nhận định của tổng biên tập trang techli.com, Caryn Tomer trong bài “Social media and how it is changing journalism” (Truyền thông xã hội và những thay đổi nó tạo ra với báo chí). Báo chí vẫn có những vị trí chưa có thế lực nào thay thế khi nhu cầu của công chúng vẫn cần thông tin có giá trị để họ tự đưa ra quyết định. Truyền thông xã hội và mỗi cá nhân có thể biết, chia sẻ dữ kiện thực  tế, nhưng vai trò của báo chí là cung cấp tin tức không thiên kiến đặt vào bối cảnh, cung cấp góc nhìn đa chiều và có sự chính xác cao.

 Theo một nghiên cứu gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Ireland NewsWhip về 50 nhà xuất bản trên mạng, BBC có số lượt share bài viết trên Twitter nhiều nhất thế giới, với hơn 2 triệu lượt/tháng. Trong số 5 nhà xuất bản đứng đầu trên Facebook vào tháng 8.2013, có 3 nhà xuất bản chỉ có sản phẩm trên mạng là BuzzFeed, the Huffington Post và Upworthy. NewsWhip nhận định: “Tất cả đều tập trung vào tạo ra các sản phẩm có nội dung dễ dàng chia sẻ trên mạng (share-friendly content), và đúng là họ tạo ra nội dung chia sẻ được và được chia sẻ.”

 Chia sẻ trên mạng xã hội đang là xu hướng quan trọng. Mạng xã hội giúp quảng bá thông tin nhưng Nội dung vẫn là Vua (Content is King). Nếu nội dung không hay, không chính xác, không khách quan và đáp ứng kỳ vọng của xã hội thì cũng không thể dùng các công cụ mạng xã hội để quảng bá được.

Nếu tính tới tháng 9.2012, NewsWhip đo lường được 44,28 triệu lượt tương tác trên Facebook (like, share và comment) đối với 50 nhà xuất bản hàng đầu thế giới, thì đến tháng 8.2013, con số này là 117,5 triệu lượt đối với số nhà xuất bản đó, tăng 165% trong vòng 12 tháng.

Truyền thông xã hội đang buộc báo chí phải thay đổi để giữ độc giả và giữ vị trí của mình. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, truyền thông xã hội đang giữ tỉ số 1-0 với báo chí truyền thống nếu chỉ xét về tính tốc độ. Nhưng báo chí vẫn có chỗ đứng quan trọng của mình, nếu duy trì được chất lượng, và kết hợp được những ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại để tăng cường sức mạnh cho mình. GS Geneva Overholser  của trường báo chí USC Annenberg (Mỹ) trong bài viết “What is Journalism Place in Social Media?” (Chỗ của báo chí trong truyền thông xã hội là gì?) nhận định: Nếu quan tâm của chúng ta chỉ là làm thế nào sử dụng mạng xã hội như một “công cụ” cho báo chí, chúng ta có nguy cơ bị kéo lùi lại đằng sau. Truyền thông xã hội không chỉ là những công cụ có quy mô lớn, buộc chúng ta phải trực tiếp tham gia và sử dụng. Điều cần chú ý hơn là làm thế nào báo chí thực hiện vai trò đem lại những giá trị báo chí thực sự (mang những giá trị được phổ quát được thế giới công nhận) vào lãnh thổ rộng lớn của truyền thông xã hội. Ý của bà là đưa ra một đòi hỏi ngược lại: Không để truyền thông xã hội lấn lướt báo chí, mà báo chí, với những nội dung chuyên biệt, cần thiết cho độc giả (must-read content) tìm cách để có sự trợ giúp từ truyền thông xã hội, nương theo sức mạnh của truyền thông xã hội để tăng cường sức mạnh cho mình. Trong bối cảnh đó, mỗi nhà báo phải liên tục tìm ra những cách thích nghi và ứng xử phù hợp với mục tiêu mà họ đặt ra cho nghề nghiệp và cuộc sống.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Alfred Hermida. How to Teach Social Media in Journalism Schools. http://www.pbs.org/mediashift/2010/08/how-to-teach-social-media-in-journalism-schools242/. Web. 16.10.2013
2.    NCTJStaff . Training Matters: Top 5 social media skills for journalists. http://www.holdthefrontpage.co.uk/2013/news/training-matters-top-5-social-media-skills-for-journalists/. Web. 16.10.2013
3.    Melissa Ludtke. Let’s talk journalism and social media (2009). http://www.nieman.harvard.edu/reports/issue/100058/Fall-2009.aspx. Web. 16.10.2013
4.    Phạm Thế Quang Huy. Việt Nam dẫn đầu khu vực về lượng người dùng Internet. http://dantri.com.vn/suc-manh-so/viet-nam-dan-dau-khu-vuc-ve-luong-nguoi-dung-internet-767501.htm. Web. 16.10.2013
7.    Sue Greenwood. Why all would-be journalists need to blog. http://www.journalism.co.uk/news-commentary/-why-all-would-be-journalists-need-to-blog-/s6/a553119/. Web. 19.10.2013
8.    Wait But Why. 7 Ways to Be Insufferable on Facebook. http://www.huffingtonpost.com/wait-but-why/annoying-facebook-behavior_b_4081038.html. Web. 16.10.2013
9.    Woody Lewis. Social Journalism: Past, Present, and Future. http://mashable.com/2009/04/07/social-journalism/. Web. 16.10.2013

 Đây là phần 3 và cũng là phần cuối cùng của bài viết Truyền thông xã hội và báo chí. Đọc phần 1 ở đây, phần 2 ở đây.

Copyright 2013 Khổng Loan


No comments:

Post a Comment

View My Stats