Thứ bảy 12 Tháng Mười 2013
Ngày 29/09, Trung Quốc chính thức thành lập Khu vực Mậu
dịch tự do thí điểm Thượng Hải với nhiều cải cách nhằm tạo điều kiện cho các
hoạt động giao thương tại đây, như đơn giản hóa thủ tục thuế khóa và giao dịch
thương mại, thực hiện thị trường hóa lãi suất và nhất là cho phép đồng yuan (nhân dân
tệ) được tự do chuyển đổi. Báo Le Monde số cuối tuần trở lại vấn đề này trong
bài : « Đồng nhân dân tệ tiếp tục có giá trước đồng đô la ».
Bài báo mở đầu bằng câu hỏi : « Một ngày nào đó, đồng
nhân dân tệ có thể thay thế đồng đô la để thành đơn vị tiền tệ tham khảo cho
trao đổi mậu dịch quốc tế được không ? ». Tác giả ghi nhận là Bắc Kinh đang
nỗ lực để đạt được mục tiêu trên. Ngày 10/10 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung
Quốc (BPoC) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã kí một thỏa thuận thu đổi ngoại
tệ. Đây là một giai đoạn mới cho đồng nhân dân tệ. Như vậy, các ngân hàng khu
vực đồng euro được phép đạt tới mức 350 tỉ nhân dân tệ (tương đương với 42 tỉ
euro), và các ngân hàng Trung Quốc là 45 tỉ euro. Đây là tổng số tiền mà các
ngân hàng có thể cung cấp cho các doanh nghiệp khách hàng của mình. Mục tiêu
của thỏa thuận là tạo điều kiện cho trao đổi mậu dịch bằng đồng nhân dân tệ
giữa các doanh nghiệp Châu Âu và Trung Quốc.
Báo Le Monde đánh giá việc kí kết thỏa thuận này là ý
muốn của nhà cầm quyền Trung Quốc để quốc tế hóa đồng tiền của mình. Nỗ lực của
họ đã mang lại kết quả. Các Ngân hàng Trung ương các nước đang phát triển
(Chi-lê, Nigeria, Thái Lan…) bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ để đa dạng hóa
nguồn dự trữ hối đoái. Một chuyên gia về Châu Á tại đại học Khoa học Chính trị
tại Paris (Sciences Po) nhận định : « Đây là cách giảm lệ thuộc của các quốc
gia này vào đồng đô la, đồng thời tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc ».
Theo đánh giá của Ngân hàng thanh toán quốc tế, từ tháng 9, đồng nhân dân tệ đã
gia nhập câu lạc bộ 10 đơn vị tiền tệ được trao đổi nhiều nhất trên thế giới.
Trong khi đó, năm 2004, nó chỉ đứng ở vị trí thứ 35.
Nhiều biện pháp cởi mở sẽ được tiến hành. Nếu như trước
đây, việc quy đổi đồng nhân dân tệ được Bắc Kinh quản lý chặt chẽ, việc tự do
quy đổi sắp được thí điểm trong khu vực tự do trao đổi mậu dịch Thượng Hải.
Trong mọi trường hợp, việc đồng nhân dân tệ có giá hay không còn phụ thuộc vào
tiến triển của đồng đô la. Vẫn chuyên gia về Châu Á trên đánh giá : « Một
khi đất nước của Obama còn là cường quốc tài chính số một, tờ bạc xanh vẫn là
đơn vị tiền tệ tham khảo trong mắt các nhà đầu tư ». Theo ông, việc hoán
đổi sẽ không diễn ra trước khoảng 10 đến 15 năm tới.
Tây Tạng : ba nạn nhân mới của « cải tạo chính trị »
Báo Libération đề cập tới Trung Quốc ở khía cạnh chính
trị sau sự kiện cảnh sát Trung Quốc bắn vào người biểu tình thứ Ba vừa qua tại
Tây Tạng. Phóng viên tờ báo tường trình lại sự kiện này trong bài : « Tây
Tạng : Ba nạn nhân mới của "cải tạo chính trị" ».
Nguyên nhân của cuộc đụng độ này là người dân tại đây từ
chối treo cờ Trung Quốc trong ngày quốc khánh 01/10 và phản đối chiến dịch « cải
tạo chính trị ». Trước đó hai ngày, cảnh sát đã bắn vào những người biểu
tình tại Biru. Tính từ tháng 01/2012 tới nay, đây là lần thứ sáu, cảnh sát bắn
đạn thật vào đám đông người Tây Tạng không vũ trang.
Các cuộc đụng độ đều bị các phương tiện thông tin Trung
Quốc lờ đi. Phóng viên cho biết rất khó gặp trực tiếp các nhân chứng vì từ 5
năm nay, các nhà quan sát độc lập hay phóng viên bị cấm tới Khu vực tự trị Tây
Tạng và các vùng lân cận. Từ nhiều năm nay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền
vô vọng yêu cầu chính phủ Trung Quốc cho các báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc
tới « xứ sở tuyết trắng » nơi giam giữ hàng nghìn tù nhân chính trị.
Bức màn mà chính quyền Trung Quốc trùm lên vùng Tây Tạng
còn bị che kín hơn khi một cuộc đụng độ xảy ra. Toàn bộ khu vực liên quan bị
quân đội phong tỏa. Internet và điện thoại bị cắt. Điện thoại di động của người
dân thường bị tịch thu để không ai gửi được thông tin hay hình ảnh nào hết.
Những người cố tình trái lệnh sẽ bị trừng phạt nặng, nhất là đối với những hình
ảnh hay video liên quan tới việc người Tây Tạng tự thiêu. Vụ tự thiêu gần đây
nhất vào ngày 28/09 vừa qua tại Aba, một vùng có phần lớn dân cư là người Tây
Tạng, đã nâng con số nạn nhân lên 122 người tính từ năm 1999.
Những « nhân mạng dùng một lần » tại Fukushima
Vẫn liên quan tới Châu Á, Libération dành bốn trang đề
cập tới sự kiện có thêm một vụ rò rỉ nước nhiễm xạ tại Fukushima xảy ra thứ 4
vừa qua. Tuy nhiên, tác giả bài báo quan tâm tới sinh mệnh những con người làm
trong nhà máy điện hạt nhân này mà ông gọi là : « Những "nhân mạng dùng
một lần" tại Fukushima ».
Sáu công nhân bị thương vì bị nước nhiễm xạ bắn vào
người. Những người này làm việc cho các nhà thầu phụ và không biết đến quyền
lợi và tình trạng sức khỏe của họ. Một số người dũng cảm phá vỡ sự im lặng và
không sợ bị sa thải để nói lên thực tế điều kiện lao động tại đây. Những công
nhân này phải đối mặt hàng ngày với áp lực và lo sợ tai nạn không thể cứu vãn
được có thể xảy ra. Họ tới từ mọi nơi trên toàn nước Nhật, làm việc cho các tập
đoàn công nghiệp, hay đa phần là cho các công ty địa phương. Khi không được các
công ty tử tế tuyển dụng, họ sẽ không có tiếng nói, không có tên tuổi và cũng
không nhận được công trạng hay lòng biết ơn nào cả.
Tác giả mô tả điều kiện làm việc của công nhân tại
Fukushima. Họ phải mặc những bộ đồ bảo hộ lao động mà nhiệt độ bên trong có thể
lên tới 45°C. Bản thân họ đã bị nhiễm xạ, thế nhưng rất nhiều người không ý
thức được mức độ trầm trọng của tình hình và mức độ phóng xạ tại đây. Khi đạt
tới mức nhiễm xạ hàng năm cho phép, công nhân phải nghỉ việc và ra nhập đội ngũ
« nhân mạng dùng một lần ». Đa số công nhân chấp nhận công việc nguy hiểm
này vì thu nhập cao, khoảng 3 250 euro hàng tháng. Một công nhân cho biết : « Không
cần biết việc gì đang diễn ra ở đây để khỏi chỉ trích Tepco. Sau một tuần làm
việc, công nhân phải rời nhà máy. Một vòng luân chuyển khó tin. Các công ty
thầu phụ luôn tuyển người cho một nhiệm vụ cụ thể, nhưng khi công nhân tới,
người ta lại chỉ định họ làm một việc khác. Họ thường xuyên bị lừa ».
Trước khi vào làm việc, công nhân học một khóa cấp tốc,
nhưng không quy củ. Thay vì làm công việc được đào tạo, họ phải đảm nhiệm nhiều
vị trí khác nhau trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt và nguy hiểm. Một cựu công
nhân tại Fukushima tố cáo : « Những công nhân lành nghề, làm việc tốt, chỉ
chiếm khoảng 5-10% tổng số lao động. Số còn lại không suy nghĩ. Chỉ những người
không tìm được việc làm mới tới Fukushima. Thế nhưng, điều kiện lao động rất
tồi tệ, người ta thường phải làm đi làm lại một việc hay sửa sai. Tình hình
chẳng được cải thiện ».
Công ty Tepco không nắm được con số cụ thể công nhân và
công ty đang làm việc cho mình tại Fukushima. Trong số 4 000 phiếu điều tra
được phòng truyền thông của công ty gửi tới các nhà thầu phụ, họ nhận được 3
200 câu trả lời. Theo thống kê, 1 160 công nhân làm việc trong điều kiện vi
phạm luật lao động. Một phần ba điều tra không có hợp đồng lao động theo đúng
tiêu chuẩn. Và hai phần ba nhận mức lương bèo bọt, không tương xứng với mức độ
nguy hiểm của công việc họ phải làm.
Tình hình « Shutdown » tại Mỹ
Đây là chủ để vẫn được báo chí Pháp ngày hôm nay quan
tâm. Tổng thống Mỹ Obama có thể sẽ đạt được yêu cầu của mình sau các cuộc đàm
phán đang diễn ra với Đảng đối lập. Phe Cộng Hòa đồng ý nâng mức trần nợ công
trong vòng sáu tuần. Trong thời gian này, các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục
tiến hành để đưa ra một thỏa hiệp ngân sách mới.
Báo Le Monde nhận xét : « Barack Obama bắt đầu khiến
các nhà Cộng Hòa co lại trước khủng hoảng ngân sách ». Đảng đối lập sẽ
không yêu cầu trì hoãn, hoặc từ bỏ luật « Obamacare ». Tuy nhiên, không
một cam kết cụ thể nào được đưa ra trước tình trạng tê liệt đang làm đảo lộn
cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ. Rõ ràng là phe Cộng Hòa vẫn chưa từ bỏ
việc sử dụng tình hình hiện nay để gây sức ép. Nếu các cuộc đàm phán có kết
quả, « shutdown » sẽ được dỡ bỏ vào đầu tuần tới.
Le Monde nhận xét những bước đầu hướng tới một thỏa hiệp
tiềm năng đã cắt đứt tính cố chấp tuyệt đối mà Chủ tịch Hạ viện John Boehner
thể hiện cho tới nay. Bước ngoặt hôm thứ Năm vừa qua đánh dấu chấm hết cho
chiến lược tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tình huống này nhằm buộc Tổng thống Mỹ
phải lùi bước trước cải cách y tế của ông mà giá phải trả là tình trạng tê liệt
xảy ra trên toàn quốc.
Dưới dòng tựa : « Phe Cộng Hòa tìm cách cứu thể diện
», báo Le Figaro nhận định : « Ý tưởng thoát khỏi cuộc khủng hoảng trong thế
cao đầu, thông qua thương lượng, là sáng kiến lớn của người đứng đầu của ban
ngân sách » của phe Cộng Hòa. Phóng viên cũng cho biết là hiện giờ mọi việc
vẫn đang trên bàn đàm phán. Theo ý kiến của rất nhiều nhà quan sát, việc phe
Cộng Hòa rút lui là vấn đề sống còn của họ. Đảng bảo thủ chỉ còn nhận được 24%
ý kiến thuận lợi, theo kết quả một thống kê gần đây của NBC/Wall Street
Journal.
Phóng viên của Libération từ Washington đánh giá : « "Shutdown",
dấu hiệu khó thở của cánh hữu ». Bài báo đồng tình với nhận định của tờ Le
Figaro là đề xuất của John Boehner thực chất là do kết quả thăm dò rất xấu đối
với uy tín của Đảng. Đảng của ông chỉ nhận được 24% ý kiến ủng hộ, trong khi đó
39% ủng hộ đảng Dân Chủ và Tổng thống Obama nhận ủng hộ của gần một nửa dân số,
chiếm 47%.
Malaysia ca ngợi dầu cọ của mình như thế nào ?
Từng được dùng phổ biến trong chế biến thực phẩm tại
phương Tây, dầu cọ không được ưa chuộng và đang bị tẩy chay vì chứa nhiều axit
béo. Tuy nhiên, phương thức sản xuất của loại dầu này gây ảnh hưởng tới môi
trường cũng là một lý do để người tiêu dùng từ chối. Nhiều nhà sản xuất đã ghi
rõ trên bao bì « không chứa dầu cọ » để thu hút khách hàng. Trước thực
tế đó, Malaysia đang nỗ lực để bảo vệ nguồn xuất khẩu chính của mình. Báo Le
Monde tìm hiểu : « Malaysia ca ngợi dầu cọ của mình như thế nào ? »
Đứng đầu thế giới về xuất khẩu và đứng thứ hai về sản
xuất (chỉ sau Indonesia), Malaysia không muốn khoanh tay đứng nhìn chiến dịch
của các phương tiện truyền thông lên án những vi phạm đối với môi trường, xã
hội và vệ sinh của dầu cọ. Đây là một vấn đề lớn đối với quốc gia này, vì sản
xuất dầu cọ chiếm tới 11% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2012. Theo phát biểu
của một quan chức cao cấp trong chính phủ, « dầu cọ rất quan trọng đối với
nền kinh tế Malaysia, nó giúp chúng tôi thoát nghèo và giúp chúng tôi vượt qua
được giai đoạn khủng hoảng. Nhờ nó mà 500 000 hộ gia đình có việc làm ».
Phản đối về tình trạng phá rừng để trồng cọ, một đại diện
của Hội đồng Dầu cọ Malaysia (Malaysia Palm Oil Council) phân trần : « Chắc
chắn là việc trồng dầu cọ đã góp phần phá rừng. Nhưng, ít hơn 10 lần so với
trồng giá và trồng hoa hướng dương ». « Các nước phát triển chỉ còn mỗi
1% rừng nguyên sinh còn chúng tôi giữ được hơn một nửa trên toàn lãnh thổ. Ở
đây, rừng của chúng tôi hút khí CO2 mà các nước phát triển thải ra. Phá rừng
không phải là một tội ác, đó là một quá trình tăng trưởng ».
Malaysia đang tìm cách để biến toàn bộ diện tích sản xuất
thành theo tiêu chuẩn phát triển bền vững, đồng thời vẫn phải tăng sản lượng và
xuất khẩu của mình. Vấn đề đặt ra là sản xuất theo tiêu chuẩn này sẽ đòi hỏi
giá thành mỗi tấn tăng thêm vài đô la nhưng rất ít người muốn trả giá đó. Gần
50% dầu được cấp chứng chỉ trên (chiếm khoảng 15% tổng sản lượng trên thế giới)
không tìm được đầu ra.
No comments:
Post a Comment