Monday, 14 October 2013

ĐẢNG CỘNG SẢN CẦN TÁI CƠ CẤU CHÍNH MÌNH (Nam Nguyên - RFA)




Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-10-11

Hội nghị Trung ương 8 diễn ra sau cánh cửa khép kín ở Hà Nội. Kết quả 10 ngày thảo luận của Trung ương Đảng, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết ngày 9/10 cho thấy, đường lối lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản không thay đổi, dù Đảng nhìn nhận thất bại kinh tế chưa rõ lối thoát.

Bản chất chế độ không thay đổi

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đăng nguyên văn trên truyền thông báo chí chính thức có đoạn nói rằng, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược mới chỉ là bước đầu, còn chậm và nhiều bất cập. Đặc biệt, Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế chưa thực sự định hướng được cho việc tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và các vùng.

Nhận định về vấn đề vừa nêu TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, từ Hà Nội phát biểu:
 “Nền kinh tế này chỉ có thể tái cơ cấu khi đảng Cộng sản tái cơ cấu lại chính mình. Đó là về tổng thể, còn chừng nào vẫn đường lối như bây giờ, vẫn khư khư đất đai sở hữu toàn dân vẫn cứ muốn kinh tế Nhà nước làm chủ đạo thì làm sao có thể tái cơ cấu được.”

Xác định Việt Nam tiếp tục con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế này đồng bộ về hệ thống pháp luật, chính sách về kinh tế, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế và các chủ thể kinh tế tham gia thị trường; và cơ chế vận hành nền kinh tế, trước hết là cơ chế hoạt động bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Trong dịp trả lời chúng tôi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định:
“Vì cải cách thế chế chậm nên các mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu kinh tế cho đến nay cũng chưa được thực hiện bao nhiêu. Thí dụ như tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công đều chậm. Tình hình kinh tế khó khăn trong mấy năm vừa qua liên tục kéo dài cho đến năm nay, triển vọng cũng chưa rõ trong thời gian tới. Ý kiến chung cũng cho là nguyên nhân chính là do cải cách thể chế không được tiến hành đúng như yêu cầu cần thiết.Cải cách thể chế ở đây trên cơ sở phải làm rõ ra được vai trò giữa Nhà nước và thị trường, phân định được  rõ vai trò của Nhà nước và thị trường.”

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, ông Nguyễn Phú Trọng hàm ý Hiến pháp Việt Nam dù chuẩn bị sửa đổi nhưng sẽ không thay đổi bản chất của chế độ. Ông Trọng lưu ý Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan chức năng phải theo đúng định hướng của Trung ương Đảng hoàn tất Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, để Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Đối với việc chậm cải cách chính trị kinh tế, ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chánh hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:
“Nếu nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sẽ không có và không khi nào có vấn đề tam quyền phân lập ở đất nước này, thì như thế làm gì có tự do làm gì có vấn đề nhân quyền, làm gì có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được.”

Chính sách mất lòng dân

Đúc kết khi bế mạc Hội nghị Trung ương 8, một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng báo động về tình trạng an ninh chính trị tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Bảo vệ chủ quyền quốc gia đứng trước nhiều thách thức.

Theo nhận định của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng, chính Đảng và Nhà nước đã thực hiện những đường lối chính sách làm mất lòng dân, đi ngược lại quyền lợi người dân cho nên xã hội mới tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.

Ông nói:
“Quyền lợi Tổ quốc là trên hết, những vấn đề quan trọng phải đưa ra Quốc hội thảo luận. Thậm chí phải tổ chức những Hội nghị Diên Hồng cho dân chúng góp ý. Cần xây dựng Nhà nước Pháp quyền, theo những thể chế tiên tiến thí dụ như tam quyền phân lập để chống tham nhũng, nghĩa là thiết lập một xã hội trong sạch, bầu cử tự do đưa những người tài giỏi lãnh đạo đất nước. Như vậy người dân ai nấy đều vui vẻ đồng lòng.”

Nhận định về cảnh báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nguyên văn “Bảo vệ chủ quyền quốc gia đứng trước nhiều thách thức”. Mặc dù ông Trọng không đề cập một từ nào liên quan đến những kẻ đe dọa chủ quyền Việt Nam, nhưng người đọc báo chỉ có thể liên tưởng đến tham vọng của Bắc Kinh muốn chiếm cứ toàn bộ Biển Đông với đường chủ quyền hình lưỡi bò.

GSTS Nguyễn Thế Hùng nhận định:
 “Nếu như không có cường quốc hàng đầu là Mỹ, Nhật rồi Ấn Độ, các nước tiên tiến khác thì Biển Đông đã mất từ lâu rồi. Chứ Việt Nam làm sao mà giữ Biển Đông được, ngoài biển khơi ai mạnh thì được. Tưởng rằng chúng ta ai cũng phải thấy những thế lực nào là thù địch muốn chiếm Biển Đông và thế lực nào yêu chuộng hòa bình muốn giữ ổn định thế giới. Các nước trông thấy là nếu Trung Quốc thắng, chiếm Biển Đông, độc quyền Biển Đông thì sẽ làm mất ổn định thế giới. Giữ ổn định thế giới là người ta giúp Việt Nam. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải phân định được ai là thù ai là bạn, chứ không nên quá mơ màng như vậy.”

Trước một nền giáo dục đào tạo lạc hậu không theo kịp khu vực, không đào tạo ra những thợ chuyên môn hay chuyên viên kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển. Trung ương Đảng cũng hứa hẹn đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nhận định về vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo ở mọi cấp học mọi ngành học theo lời ông Nguyễn Phú Trọng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:
“Để đào tạo được những người thực sự cần thiết cho nền kinh tế thì mảng cao đẳng, đại học phải thực sự có cạnh tranh. Các trường phải được tự trị và lúc đó mới đáp ứng được. Còn vẫn cứ muốn chính trị hóa ở bậc học trên như thế thì chỉ có thể cải thiện một chút gì đó, nhưng sẽ không giải quyết được triệt để. Không nên để đảng hoạt động trong trường học, cũng như trong nhà máy, trong quân đội hay là trong bộ máy nhà nước, như thế trong hệ thống giáo dục cũng không cần có những tổ chức như vậy.”

Cùng về vấn đề Đảng hứa hẹn đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng một nhà giáo chuyên nghiệp ở Đà Nẵng cho rằng cần có tự trị đại học, cần thay đổi đào tạo có phẩm chất, không nên chạy theo số lượng.

Ông nói:
“Một trong những thay đổi cơ bản nhất là phải có một triết lý giáo dục lành mạnh. Các nước tiên tiến người ta không đưa chính trị vào học đường. Đào tạo là làm sao khai trí, khi mở được trí học được giá trị phổ quát của nhân loại rồi, trí tuệ thông minh rồi từ đó anh nhận xét cái này đúng, cái kia sai, đó là triết lý giáo dục. Chứ không thể hướng người ta cái này đúng cái kia sai, làm mất tính khách quan trong nghiên cứu  khoa học, mất khách quan trong vấn đề nhận xét thế giới.”

Mặc dù Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng gọi Hội nghị Trung ương 8, một hội nghị giữa nhiệm kỳ là có tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan khoa học. Nhưng các học giả chuyên gia lại nói ngược lại là Đảng Cộng sản không nhìn thẳng vào điều gọi là cuộc khủng hoảng toàn diện ở Việt Nam cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Chúng tôi xin lập lại lời TS Nguyễn Quang A, khi nào Đảng Cộng sản chưa tái cơ cấu chính mình, thì Việt Nam chưa thể ra khỏi những bế tắc triền miên.


No comments:

Post a Comment

View My Stats