Monday, 14 October 2013

ĐÁM TANG LỚN CUỐI CÙNG CỦA CHẾ ĐỘ (Song Chi)




Sun, 10/13/2013 - 15:57 — songchi

Tang lễ dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kết thúc. Lâu lắm rồi mới lại thấy nhà nước cộng sản VN tổ chức một đám tang lớn đến vậy, và có lẽ cũng là lần cuối cùng!

Trong những ngày vừa qua, toàn bộ bộ máy truyền thông báo đảng đã được huy động hết công suất để ca ngợi về một con người vừa nằm xuống. Nói theo ngôn ngữ cách mạng, thật là một “trận đánh hoành tráng”. Có đến hàng trăm bài báo, bài thơ với mọi ngôn ngữ, lời lẽ tốt đẹp nhất, trích dẫn, phỏng vấn…từ các tướng tá, chính khách, báo chí nước ngoài nói gì, đến tướng tá, nghệ sĩ nổi tiếng, doanh nhân thành đạt, cựu chiến binh, người dân bình thường, phụ nữ, trẻ em…

Những hình ảnh tràn ngập về những dòng người xếp hàng bên ngoài nhà Đại tướng chờ viếng, những khuôn mặt đẫm nước mắt, đoàn xe tang với nghi thức quốc tang….Rồi những chuyện xưa cũ được nhắc lại, cuộc đời, mối tình, người vợ đã khuất, những ai được gặp ông Đại tướng cho đến người thợ cắt tóc cho ông, kể lại những mẫu chuyện về ông…

Một lần nữa, bộ máy tuyên truyền khổng lồ với nghệ thuật thuộc hàng thượng thừa của nhà nước cộng sản lại được dịp phát huy. Gợi nhớ lại thời bao cấp, thời chiến tranh, cái thời mà nghệ thuật tuyên truyền của đảng và nhà nước cộng sản còn nguyên tác dụng vì xã hội bị bưng bít thông tin, và thực tế là trong cái chiến thắng của hai cuộc chiến, có một phần không nhỏ nhờ tuyên truyền giỏi.

Đối với nhà cầm quyền, đây có lẽ là dịp cuối cùng cho họ được tô son trát phấn cho chế độ giữa lúc đất nước ngổn ngang trăm điều tệ hại, dân tình người thì ngao ngán, người phẫn nộ, uất hận, người trông chờ khát khao một sự thay đổi…Vị trí của đảng, của nhà nước trong lòng dân chẳng khác nào một chiếc bè bằng gỗ mục sắp gãy, sắp đắm chìm đến nơi.

Mong muốn sử dụng cái chết của ông Võ Nguyên Giáp để đánh bóng chế độ đã khiến những người lãnh đạo hiện tại quên hết mọi liêm sỉ. Họ quên mất là rất nhiều người dân hôm nay còn nhớ rõ suốt gần bốn thập niên vừa qua các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản đã đối xử như thế nào với ông Võ Nguyên Giáp, người được xem như huyền thoại lớn thứ hai trong lịch sử đảng cộng sản VN. Cho nên họ càng làm to, càng nói những lời hoa mỹ, càng tỏ ra thương xót thì chỉ khiến người dân nhìn thấy sự giả dối, vô liêm sỉ, vốn là bản chất của mọi chế độ cộng sản nói chung và đặc biệt với chế độ cộng sản VN.

Sự giả dối vô liêm sỉ bộc lộ trong cách ứng xử với cùng một con người cũng như trong cách ứng xử giữa người này và người khác. Trên blog của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên vừa cho post lại bài "Tiếng vỗ tay trong một đám tang" của nhà văn Hoàng Tiến cũng như tâm sự về việc bị ngăn trở không cho đến dự tang lễ khi nhà văn qua đời, đọc lại để thấy tâm địa thật của nhà nước này như thế nào.

Giả dối, vô liêm sỉ nên ngay cả tiểu sử ông Võ Nguyên Giáp, giai đoạn ông bị điều làm “Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch” đã bị báo chí cắt đi, cho đỡ xấu hổ bộ mặt của nhà nước trong khi ai cũng biết có một giai đoạn như vậy trong đời ông Đai tướng. Những chuyện còn mới toanh ai cũng biết mà họ còn cắt xén, sửa đổi thì liệu tin được bao nhiêu những chuyện bây giờ chưa có điều kiện kiểm chứng, viết lại?

Giả dối, hèn hạ nên thay vì nếu thật sự cảm thấy cái sai của đảng, của nhà nước đối với bàn thân ông Đại tướng suốt mấy chục năm qua, những người lãnh đạo hiện tại phải dũng cảm có hành động sửa sai, nói lên những điều đó trong điếu văn, cam kết sẽ cho điều tra lại, rửa lại cho ông những oan khuất, nếu có. Nhưng không, họ cho làm quốc tang long trọng cũng là một cách để “an ủi” gia đình người đã khuất, để rửa mặt với người dân mà vẫn tiếp tục trung thành với nguyên tắc thà chết không bao giờ đào bới cái sai của nhau và của đảng!

Những người lãnh đạo vô liêm sỉ đã đành. Nhiều nhà báo cũng không giữ được mình. Dẫu biết rằng làm báo đảng, phải viết theo lệnh trên nhưng nếu còn có lòng tự trọng, có lẽ cũng nên cân nhắc khi sử dụng ngôn từ, trong cách viết. Những ngôn ngữ bốc thơm quá lời, những cách so sánh ông Võ Nguyên Giáp ngang hàng với Alexander Đại đế, Napoleon, thậm chí so sánh cả với Hitler! Rồi tôn lên thành Thánh thành Phật. Có những nhà thơ, nhà báo còn làm những bài thơ ca tụng quá mức vượt cả bài tố Hữu khóc Xít-ta-lin về mức độ nịnh nọt. Lại có cả ý kiến đòi đổi tên thành phố Huế thành tên thành phố Võ Nguyên Giáp!

Rồi nào cái chết của Người ảnh hưởng như thế nào đến tình hình an ninh trật tự, tình trạng tội phạm những ngày qua như cũng giảm bớt, nào Đại tướng đã biết trước mình sẽ sống đúng 103 tuổi…

Người Việt Nam mình đã từng bật cười khi đọc những bài báo của Triều Tiên ca ngợi các lãnh tự họ Kim của họ ra sao, hay những hình ảnh người dân Bắc Hàn khóc ngất lên ngất xuống trong đám tang lãnh tụ Kim Jong-il, có bao giờ giật mình nghĩ rằng thế giới trong những ngày qua thật sự nghĩ gì về cách báo chí VN đưa tin vể cái chết của ông Võ Nguyên Giáp, về việc hàng trăm ngàn người khóc trong đám tang ông Giáp?

Có những nhà báo ngay trong những ngày ông Võ Nguyên Giáp vừa nằm xuống, lại đi đào bới mồ ma bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Cố vấn Ngô Đình Nhu lên bằng những bài viết/dịch có tính cách bôi nhọ, với những thông tin bịa đặt chưa được kiểm chứng, mặc dù bà cũng là một nhân vật lịch sử đã khuất. Rõ là “người của ta” thì ta bốc lên thành thánh thành phật, “người của phe địch” thì ta bôi bác, chà đạp xuống tận bùn đen.

Trong khi nếu thật sự là một con người hoang đàng, hoang dâm, ham quyền lực, có hàng mười mấy tỷ đô la Mỹ như báo chí VN thường viết về bà thì hẳn suốt mấy chục năm sau khi chồng chết, bà Ngô Đình Nhu đã không sống một cuộc đời hết sức lặng lẽ, giản dị, trong căn hộ đơn sơ mà cũng không phải tài sản của bà, gần như tu tại gia, không bao giờ xuất hiện phát biểu, đến các Cha trong nhà thờ nơi bà thường đi lễ mỗi sáng Chủ nhật cũng phải bao nhiêu năm sau mới biết bà là ai. Và trong hồi ký để lại bà cũng không một lời nhắc đến quá khứ nhằm thanh minh, cải chính điều gì như những lời thuật lại từ luật sư Trương Phú Thứ và những người có dịp gặp bà trong quãng đời mấy mươi năm sau này. (“Hồi ký” của bà Ngô Đình Nhu”, Trương Phú Thứ, “Bà Trần Lệ Xuân bây giờ ra sao”, Quang Hưng). Và các con cháu của bà thì đều có cuộc sống đàng hoàng, thành đạt.

Là nhà văn nhà thơ nhà báo, là giới trí thức, nếu không thể viết đúng sự thật lịch sử thì xin hãy viết, hãy phát biểu vừa phải, đúng mức, công tâm với đạo lý, lương tâm cho phép. Bởi vì trong hoàn cảnh lịch sử còn bị nhiều điều che khuất, bóp méo, ngụy tạo, giả dối như lâu nay dưới chế độ cộng sản, sẽ có nhiều điều chúng ta chưa biết hết, lịch sử rồi còn phải viết lại nhiều điều, viết quá tay sẽ có một ngày chúng ta không dám đọc lại những gì đã viết.

Ngay trong những ngày lễ tang ông Đại tướng, trời xui đất khiến thế nào một vụ nổ lớn xảy ra tại Phú Thọ khiến hàng chục người chết và bị thương, vậy mà báo chí chỉ đưa tin qua loa. Cũng lại là vấn đề lương tâm của người làm báo.

Đối với người dân, đặc biệt là dân phía Bắc, không thể đơn giản lý giải về tình trạng lên đồng xót thương tập thể trong những ngày qua trước sự ra đi của ông Võ Nguyên Giáp. Có bao nhiêu phẩn trăm trong đó còn là khóc cho cuộc đời thăng trầm của chính ông Đại tướng, khóc cho cái lý tưởng của ông và những người cùng thế hệ đã bị phản bội, dân tộc đã bị phản bội, khóc cho cái hiện tại ngổn ngang, tụt hậu, lòng người bị chia rẽ sâu sắc sau mấy mươi năm chưa nguôi và tương lai chưa biết sẽ ra sao của đất nước?

Cũng may thời bây giờ còn có internet, những thông tin bị bưng bít hoàn toàn trước kia còn rò rỉ một phần, để cho người dân còn thấy được phần nào sự thật phía sau những cuộc chiền, chiến công, anh hùng và huyền thoại. Nhưng vẫn chưa phải là nhiều.

Thương cho người dân Việt Nam vì cái quyền được biết sự thật, quyền được phê phán, đánh giá lịch sử một cách công bằng đã bị tước đoạt từ lâu.

Giới trẻ VN bây giờ đỡ hơn với các thế hệ cha ông là có internet, có google, nên có ít nhất một ngoại ngữ, hãy tìm đọc đa chiều, tự tìm hiểu, tự đánh giá, không nên cho phép bất cứ ai dù là một nhà nước với đầy đủ sức mạnh của bạo lực, tước đoạt những cái quyền được biết, được đánh giá ấy, hay nhảy xổ vào tim vào óc, hướng dẫn, chỉ đạo, lèo lái tình cảm suy nghĩ của từng cá nhân.

Nếu bình tâm suy nghĩ chúng ta sẽ thấy cần phải chua xót, tủi nhục hơn là vinh hạnh khi cứ nhắc mãi đến những chiến thắng trong quá khứ. Chiến thắng để làm gì, để cho ai.

Đại bại như Đức, như Nhật mà hùng cường, phồn thịnh, nhân dân sung sướng, thua cuộc chiến VN như Mỹ mà chẳng hề hấn gì, vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới, người dân trên thế giới kể cả của nước cựu thù VN tìm mọi cách đến Mỹ sinh sống, lãnh đạo nước cựu thù ngày nay hạ mình xin xỏ, mong Mỹ ủng hộ cái này cái kia…

Còn VN, thắng trong chiến tranh mà thua trong thời bình. Đất nước nghèo nàn tụt hậu, nhân dân khốn khổ chưa có tự do, hạnh phúc, xã hội tràn ngập bất công, tệ hại hơn gấp nhiều lần những xã hội đã từng bị đánh đổ, lãnh đạo bây giờ ôm chân Tàu, chạy vạy xin xỏ Pháp, Mỹ. Ngay cả trong cái chết của vị tướng già, họ cũng vin vào từng lời nhận xét của người Pháp người Mỹ về ông để mà…kiêu hãnh (!).

Những người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước thay vì trăn trở nghĩ về những nỗi đau, nỗi nhục, sự sai lầm ấy để tìm cách thoát ra, thì cứ bịt mắt bịt tai, ăn mày dĩ vãng. Nhưng người dân thì không thể như vậy.


----------------------------------

XEM THÊM :


12:50:pm 13/10/13




No comments:

Post a Comment

View My Stats