Thứ tư 16 Tháng Mười 2013
Hôm 14/10/2013, truyền thông
quốc tế loan tin sáu viên chức Trung Quốc, phạm tội tra tấn đến chết một kỹ sư,
bị kết án tù từ 4 đến 14 năm. Bản án được tuyên ngày 30/09, không được báo chí
Nhà nước Trung Quốc công bố, chỉ được biết đến sau đó nhờ các mạng xã hội. Các
nhân viên thuộc Ủy ban Kiểm tra đầy quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc bị
kết án là chuyện hiếm. Tuy nhiên, vụ việc này giúp công chúng biết đến một hoạt
động thẩm vấn và giam giữ hết sức phổ biến của bộ máy duy trì kỷ luật đảng,
hoàn toàn nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thức của Nhà nước.
Thông tín viên RFI Stéphane
Lagarde tường trình từ Bắc Kinh,
Từ những năm 1990, tại Trung
Quốc bắt đầu xuất hiện một hệ thống bí mật trong nội bộ chính quyền Trung Quốc,
là nơi áp dụng các trừng phạt, gây hoảng sợ cho những thành viên nào bị coi là
« có tội » với chế độ. « Lưỡng quy » (Shuanggui) là tên gọi của một hoạt động
chính của hệ thống này.
Ông Ư Kỳ Nhất (Yu Qiyi), kỹ sư
trưởng của một tổ chức đầu tư của Nhà nước thuộc thành phố Ôn Châu (miền đông
nam Trung Quốc), đã bị hệ thống này trừng trị cho đến chết, sau một cáo buộc
tham nhũng. Người đàn ông 42 tuổi này đã bị thẩm vấn, hay nói cách khác, bị tra
tấn liên tục trong 38 ngày.
Nhiều vết tàn thuốc lá đã được
phát hiện trên thi thể của người quá cố, do vợ ông - người đã quyết định đưa vụ
việc ra tòa. Theo cáo trạng, nạn nhân đã chết sau khi bị « ngạt nước », cụ thể
là các điều tra viên đã nhấn đầu nạn nhân nhiều lần vào một chậu nước lạnh buốt
ngay trước khi người này tử vong.
Sau khi hợp nhất một số cơ quan
thanh tra và kỷ luật nội bộ của đảng vào năm 1993, quyền lực của tổ chức mới
phụ trách việc trừng phạt các cán bộ « có tội » đã được tăng cường. Theo những
người thực thi nhiệm vụ trong bóng tối này, « lưỡng quy » là « biện pháp hiệu
quả để trừng phạt các quan chức tham nhũng ». Biện pháp này cho phép cách ly
nghi phạm ra khỏi xã hội và những người thân thích trong một thời hạn không xác
định.
Cụ thể trong trường hợp ông Ư
Kỳ Nhất, vợ nạn nhân nhìn thấy chồng lần cuối vào ngày 01/03 tại sân bay Bắc
Kinh. Vài ngày sau, bà nhận được một cú điện thoại thông báo ông Ư Kỳ Nhất đang
bị điều tra vì « vi phạm kỷ luật đảng ». Ngày 09/04, một cú điện thoại nữa báo
tin là viên kỹ sư đã « đột tử ».
Việc tòa án Trung Quốc ra phán
quyết trừng phạt những người trực tiếp tra tấn người kỹ sư xấu số là do sự giận
dữ của dư luận, thể hiện qua các mạng xã hội. Các bị cáo, nguyên là cán bộ Ban
kỷ luật của đảng thuộc thành phố Ôn Châu, bị kết án từ 4 đến 14 năm tù.
Bản án vừa được tuyên một cách
bí mật hôm 30/09 là hiếm có, tuy nhiên cũng không cho phép đưa ra ánh sáng về
toàn bộ sự việc. Luật sư của gia đình nạn nhân, ông Pu Zhiquiang, trả lời RFI,
cho biết « Đây là một phiên tòa giả tạo, bởi vì tòa ra phán quyết dưới sự kiểm
soát của văn phòng số 1 Ban kiểm tra Ôn Châu (tức chính là cơ quan đã hành hạ
ông Ư Kỳ Nhất đến chết) ». Theo luật sư, Liu Xiangfeng, lãnh đạo Ban kiểm tra
Ôn Châu, người đã ra lệnh tra tấn viên kỹ sư, chỉ bị cảnh cáo ! Trong khi,
chính ông ta là tội phạm ».
Hiện tại, trên toàn Trung Quốc,
có gần 5.000 cơ sở có quyền giam giữ và thẩm vấn các cán bộ của đảng, các cơ sở
này hoàn toàn nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thức của nước này.
No comments:
Post a Comment