Những cuộc biểu tình bài Nhật không giành lại đảo
cho chúng ta, nhưng chúng nêu bật một điều: nhân dân chỉ là những con bù nhìn
của Đảng Cộng sản.
THƯỢNG HẢI — Kể từ thập niên 1970, tôi được biết
rằng nhân dân Trung Quốc (TQ) là nhân dân tự do nhất và dân chủ nhất trên thế
giới. Cứ hằng năm tại trường tiểu học của tôi ở Thượng Hải, các thầy cô cứ nhắc
đi nhắc lại sự kiện này trong giờ Đạo đức [cách mạng] và giờ Chính trị. Sách
giáo khoa của chúng tôi, giả bộ ngây thơ, hỏi chúng tôi, liệu tự do và dân chủ
tại các nước tư bản có thực sự là những gì họ vẫn rêu rao hay không? Rồi
tiếp theo đó, sẽ có tất cả mọi thứ lôgic lạ kỳ và những ví dụ không có nguồn
trích dẫn, nhưng bởi vì tôi mãi mê đếm nhẫm những con số trong đầu vào những
giờ học ấy thay vì chú đến bài giảng, trên cơ bản, dự án của chính phủ đã bị
lãng phí đối với bản thân tôi. Đến bậc trung học và đại học, người ta khó mà
tẩy não được tôi.
Dù vậy, trong những năm đại học, tôi vẫn còn thù
ghét Nhật Bản. Tôi cảm thấy người Nhật đã giết quá nhiều đồng bào của tôi,
tuyệt đại đa số là dân thường, đến nỗi tôi vẫn cho là chưa đủ khi cuối cùng
Nhật Bản đã đầu hàng. Chỉ sau khi học tiếng Nhật và đọc thêm tư liệu lịch sử,
tôi mới dần dần hiểu được bộ mặt thật của lịch sử: Khi quân Nhật xâm chiếm
Trung Quốc năm 1931, Mao Trạch Đông, lúc bấy giờ vẫn còn là một chiến sĩ du
kích, đã quay lưng bỏ chạy. Tưởng Giới Thạch, trên danh nghĩa là Tổng thống lúc
bấy giờ, đã ở lại chống Nhật tại thủ đô thời chiến của ông là Trùng Khánh,
nhưng Đảng Cộng sản của Mao bỏ chạy lên miền bắc để lập chiến khu chống Nhật
tại các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, và Ninh Hạ, là những nơi không có bóng dáng
quân Nhật.
Thanh niên ngày nay đang lặp lại cùng một kinh
nghiệm trưởng thành như tôi đã trải qua, nhưng khác với thế hệ của tôi chỉ biết
thù hận Nhật Bản trên bình diện ngôn từ, thanh niên ngày nay đã xuống đường
biểu tình.
Dù hiến pháp Trung Quốc cho phép các cuộc biểu tình,
nhưng Chính phủ vẫn ngăn cấm chúng, ngoại trừ trong những tình huống đặc biệt.
Bất cứ ai quen thuộc với lịch sử Trung Quốc cũng đều biết rằng, khi luật pháp
Trung Quốc nói một điều gì, nó có thể ngụ ý ngược lại. Chẳng hạn, luật pháp
Trung Quốc nói rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng tr ên thực
tế Hồ Cẩm Đào và các đồng chí của ông được bình đẳng hơn mọi người khác.
Vì vậy, thanh niên Trung Quốc ngày nay phải cảm ơn
Chính phủ Nhật Bản, vì nếu họ không mua quần đảo Điếu Ngư thì Chính phủ Trung
Quốc sẽ không nới lỏng mạng lưới Internet ra một chút, cho phép họ xuống đường
biểu tình vào tuần trước. Các người biểu tình đã hô những khẩu hiệu đơn điệu và
buồn chán, như đòi người Nhật phải cút khỏi quần đảo Điếu Ngư, trong khi cảnh
sát thường phục trà trộn vào đám biểu tình, nơm nớp liên lạc với nhau qua điện
đàm. Những người biểu tình thậm chí còn mang theo cả hình ảnh của Mao, một
người đã chết năm 1976, mặc dù tôi ước gì y đã chết sớm hơn thế nhiều.
Nhiều thanh niên biểu tình vô cùng phấn kích. Qua
nhiều thập kỷ, các chương trình truyền hình về Chiến tranh chống Nhật 1931-1945
đã bóp méo sự thật lịch sử, biến người Nhật thành một chủng tộc ngu ngốc, hung
hăng, độc ác, như loài gián cần phải trừ diệt. Một điều thú vị là, những diễn
viên Trung Quốc đóng vai bọn quỉ Nhật chỉ nói rặt tiếng Tàu, cúi đầu gãi tai
một cách vô liêm sĩ, nhất cử nhất động không khác chi hành vi của bọn tham quan
hiện có khắp xã hội Trung Quốc ngày nay.
Hiện nay, chính phủ Trung Quốc cảm thấy rằng chỉ bôi
nhọ kẻ thù qua truyền hình cũng chưa đủ; đã đến lúc phải cho thanh niên biểu
tình, một cơ hội mà thanh niên sẵn sàng đón lấy bởi vì chỉ qua hành động yêu
nước họ mới chứng tỏ được giá trị của mình trong cuộc đời này. Nhiều người bình
thường là rất nghèo hèn, với đồng lương rẻ mạt và sống chật vật trong các đô
thị đắt đỏ. Họ không mua nỗi căn hộ, lập gia đình, nuôi dạy con cái, hay chăm
sóc cha mẹ, và không ai thèm để ý đến họ. Nhưng bây giờ, những con rối bị chà
đạp này (trampled marionettes) cuối cùng đã nhảy vọt lên giữa sân khấu chính
trị, nên họ sẵn sàng để kẻ khác giựt dây.
Nhưng lối giáo dục nhồi sọ của Chính phủ Trung Quốc
còn tinh vi hơn thế nhiều. Để một chế độ đỏ có thể đứng vững lâu dài như thế
này, sánh vai cùng các nước phương Tây trong lối hưởng thụ tư bản chủ nghĩa, nó
cần phải vượt qua mô hình Xô viết thô thiển. Và y như rằng, sau cái màn đập phá
và đốt cháy, bộ máy tuyên truyền đã tung ra khẩu hiệu “yêu nước hợp lý”
(rational patriotism): cũng cùng một nội dung như “tuân theo chỉ thị của Đảng”
trước đây, nhưng vì ở vào một thời đại khác nên Đảng phải dấu mình – nghĩa là
Đảng phải nhấn mạnh một từ thời thượng là “hợp lý”. Đảng Cộng sản và bộ Tuyên
truyền của nó luôn luôn bắt kịp thời đại.
Trong xã hội độc tài tinh vi này, “yêu nước hợp lý”
có nghĩa là tôn trọng những luật lệ do những nhà độc tài toàn trị đặt ra. Loại
hợp lý này, loại tình yêu nước này, chắc chắn nghe rất quen tai đối với Joseph
Goebbels, [bộ trưởng tuyên truyền Đức Quốc Xã]. Tuy nhiên, giới thanh niên yêu
nước bị nhồi sọ tại lục địa không hiểu được điều này. Những người dân Hồng
Kông, biểu tình phản đối “chương trình giáo dục tình yêu nước” do chính quyền
lục địa áp đặt, mới thực sự biết cách biểu tình – không như ở lục địa, những
cuộc biểu tình của dân Hồng Kông là hoàn toàn tự phát, không có hậu thuẫn của
chính phủ. Thảo nào các hãng tin ở lục địa không tường thuật các cuộc biểu tình
này.
Lạ thay, trên các blog cá nhân, một con số đông đảo
đáng ngạc nhiên gồm các nhà trí thức nổi tiếng đã mạnh mẽ hậu thuẫn khẩu hiệu
“yêu nước hợp lý”. Thoạt đầu, tôi thấy ngỡ ngàng, nhưng liền sau đó tôi hiểu
được ngay: Khi các nhà trí thức nói trên ngồi trong lớp đạo đức cách mạng, chắc
hẳn họ đã không miệt mài đếm đến những con số cao ngút như tôi.
Gi
Ge là một nhà văn làm việc tại Thượng Hải.
Joel
Martinsen đã dịch bài tiểu luận này từ tiếng Trung Quốc.
Trần
Ngọc Cư dịch từ tiếng Anh
(Nguồn: Khoahocnet)
(Nguồn: Khoahocnet)
Được đăng bởi thùy linh vào lúc Thứ tư, tháng mười 16, 2013
No comments:
Post a Comment