Tuesday, 8 October 2013

"TRÁI ĐẮNG" TỪ LÀN SÓNG LẤY CHỒNG NGOẠI (Văn Vĩnh - Công An ND)





Văn Vĩnh  -  Cong An N.D.
16:41:00 05/10/2013

Từ năm 2010 đến nay, TAND tỉnh Hậu Giang đã giải quyết ly hôn cho khoảng 300 phụ nữ lấy chồng ngoại (chủ yếu Đài Loan và Hàn Quốc). Nhiều cô gái “chân lấm tay bùn”, lên thành phố “thi tuyển” lấy chồng ngoại đã chấp nhận cuộc hôn nhân với người chưa quen biết, không hiểu ngôn ngữ, văn hóa vùng đất sẽ làm dâu. Thậm chí, họ đánh đổi cả tính mạng để nuôi “giấc mộng giàu sang” nơi xứ người. Ngày đi tay trắng, ngày về cũng “trắng tay” nhưng thêm phần chua xót, nghiệt ngã… và kéo theo nhiều hệ lụy.

“Nhà chồng còn nghèo hơn cả hộ nghèo”

Nằm cách TP Vị Thanh chừng 10km, xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) cũng như nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, rục rịch “phát triển” phong trào lấy chồng ngoại từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Anh Trần Văn Quen, cán bộ tư pháp xã thống kê, từ năm 1999 đến nay, Vị Thắng có khoảng 230 phụ nữ lấy chồng ngoại (đa số là Đài Loan và Hàn Quốc, khoảng đầu năm 2013 mới có hiện tượng lấy chồng Trung Quốc). Anh Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch xã Vị Thắng bộc bạch: “Số chị em lấy chồng ngoại tăng theo từng năm, nhiều nhất là vào giai đoạn năm 2004-2005. Phần lớn chị em đều do kinh kế khó khăn, muốn thoát nghèo kiếm tiền gửi về quê cho gia đình. Có nhiều trường hợp, cưới xong gia đình chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu đồng, nhưng họ vẫn chấp nhận, với hi vọng ra nước ngoài làm việc kiếm được tiền”.
Khác với lời giới thiệu, hình ảnh nhìn thấy được qua người môi giới và “chồng” cho xem trước, chị T.T.N.G. (23 tuổi, lấy chồng Trung Quốc) tá hỏa khi phát hiện nhà chồng ngoại ở tận trong vùng nông thôn heo hút. Nhà rất nghèo, gạo cũng chẳng đủ ăn mà thường xuyên phải lót dạ bằng rau xanh. Khổ quá, G. tìm cách trốn về nhà nhưng phải đến 2-3 lần mới thành công. Câu so sánh của anh Phó Chủ tịch xã Vị Thắng nói với chúng tôi, nghe vừa hài hước và có phần chua xót rằng: “Còn nghèo hơn cả hộ nghèo ở mình nữa”. Cách đây không lâu, 2 phụ nữ ở Vị Thắng nhờ môi giới lấy chồng ngoại. Đám cưới tổ chức xong, đến 10 ngày sau, khi cô dâu được đưa đến biên giới, mới phát hiện lọt vào tay những kẻ buôn người nên tìm cách trốn thoát. Rất may, từ tin trình báo của gia đình, lực lượng chức năng đã phối hợp giải thoát 2 cô gái về nhà an toàn.
“Phần lớn chị em lấy chồng nước ngoài đều có trình độ học vấn thấp, không có việc làm, bị lừa gạt… Mấy chị em khi về có kể lại, họ lấy vợ giống như mua người ở để làm công việc trong nhà, cuộc sống rất tù túng và không cho tiếp xúc với môi trường bên ngoài”, anh Kính bộc bạch. Tại một diễn đàn về cuộc sống hôn nhân và gia đình, bà Huỳnh Thúy Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang chia sẻ: “Hôn nhân phải dựa trên nền tảng tình yêu chân chính mới mong hạnh phúc. Nếu cứ mang suy nghĩ hôn nhân như một “canh bạc cuộc đời” thì sẽ khó có hạnh phúc thực sự”.

Mờ mịt ngày về

Trừ những trường hợp lấy chồng nước ngoài do chung sống không hạnh phúc, bị đánh đập, đối xử tệ bạc… bức bách, túng quẫn nên tìm cách quyên sinh, phần lớn các trường hợp tự giải thoát mình bằng cách bỏ trốn, nhờ sự giúp đỡ của người quen, ngành chức năng ôm con về nước. Chỉ tính riêng từ tháng 10/2012 đến hết tháng 9/2013, TAND tỉnh Hậu Giang đã thụ lý xét xử trên 100 vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong số đó, có khoảng 70% là lấy chồng Đài Loan. Ông Lâm Thành Ngọc – Phó phòng Giám đốc – Kiểm tra TAND tỉnh Hậu Giang cho biết, phần lớn các vụ án đều do vợ đứng tên xin ly hôn với chồng theo hình thức đơn phương và đang có chiều hướng gia tăng, là do hệ quả từ nhiều năm trước, lượng người đăng ký kết hôn với người nước ngoài tăng. Sau nhiều năm làm thủ tục đoàn tụ gia đình hoặc không thể chung sống được nữa nên họ xin ly hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân với người nước ngoài.
Nghĩ cảnh cha mẹ ở quê cực khổ, muốn có tiền phụ giúp gia đình nên chị C.T.D. (ngụ ấp 10, xã Vị Thủy) nhờ mai mối lấy một người chồng Hàn Quốc. Mấy năm làm dâu xứ người, chị D. chẳng những không được ra ngoài, mà thường xuyên bị gia đình chồng đánh đập, bạo hành. “Do bất đồng văn hóa, ngôn ngữ, tôi hiểu rất ít những gì chồng và gia đình chồng nói. Từ đó, mâu thuẫn vợ chồng liên tục xảy ra. Chồng tôi luôn nghe lời mẹ đẻ hành hạ, đánh đập vợ mình mà không cần nghe tôi giải thích đúng sai. Tôi thấy cuộc sống quá khổ sở nên bồng con trai trở về Việt Nam sinh sống”, chị D. bộc bạch.
Trường hợp của chị T.T.M.T. (29 tuổi, ngụ xã Vị Thắng) cũng không kém phần bi đát. Năm 2009, nhờ mai mối, chị lấy một người chồng Hàn Quốc. Phải cảnh làm dâu, mẹ chồng cũng hơi khắc nghiệt. Ngoài công việc phải phụ giúp gia đình chồng ở nhà, chị phải ra ngoài kiếm việc làm mưu sinh. Nhưng đến tháng lĩnh lương, mẹ chồng bắt chị phải nộp lại hết. Chán cảnh chồng Hàn, chị đặt vé máy bay lẳng lặng ôm con về quê nhà. “Nhiều cô gái lúc lấy chồng ngoại, ôm biết bao nhiêu tham vọng về một cuộc sống giàu sang nơi xứ người. Lúc vỡ mộng trở về thì mặc cảm nên gửi con nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc lên thành phố mưu sinh, dang dở lỡ thì”, một cán bộ TAND tỉnh Hậu Giang bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Kính trăn trở: “Vì vướng nhiều thủ tục pháp lý nên đến giờ nhiều người vẫn chưa thể ly hôn được, việc tái dựng hạnh phúc mới cũng gặp rất nhiều khó khăn. Còn các cháu bé (con lai – PV), cũng chịu nhiều thiệt thòi, không được hưởng các quyền lợi, dịch vụ về y tế, giáo dục… vì vướng quốc tịch. Trong khi đó, phần lớn các gia đình này đều thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn”.   

Lạm dụng chuyện lấy vợ để “du lịch tình dục”?
Nhiều chị em xin ly hôn trình bày, qua mai mối, sau vài tuần tổ chức đám cưới, chú rể lấy cớ về nước làm thủ tục đón vợ sang đoàn tụ nhưng rồi lần lữa và mất liên lạc. Còn cô dâu ở lại Việt Nam, mòn mỏi chờ đến 2-3 năm nhưng vẫn không thấy chồng đón sang đoàn tụ nên đứng đơn ly hôn đơn phương. Đây cũng là một bài toán khá nan giải, khiến ngành chức năng ở ĐBSCL phải đau đầu để tìm ra đáp án.


No comments:

Post a Comment

View My Stats