Tuesday 8 October 2013

THỊT CHÓ TRỞ THÀNH MỘT NGÀNH KINH DOANH LỚN Ở VIỆT NAM (Kate Hodal - The Guardian)




Kate Hodal   -  The Guardian

Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Hai, 07/10/2013

Mỗi năm có đến hàng trăm nghìn thú nuôi bị bắt trộm ở Thái Lan và tuồn lậu sang Việt Nam, đến những nhà hàng nổi tiếng cũng như những quán nhậu ven đường tại Hà Nội. Nhu cầu về thịt chó quá cao khiến cho việc cung cấp trở thành một thị trường chợ đen đầy béo bở và tàn bạo

Những chiếc xe tải chở 130 con chó bị bắt giữ tại xa lộ giữa Thái Lan và Việt Nam. Ảnh: Luke Duggleby

Nguyễn Tiến Tùng là một người hoàn hảo để quản lý một lò mổ ở Hà Nội: khô khan, nóng tính và bẩn thỉu, chiếc áo thun trắng của ông dính đầy vết máu, chiếc quần soóc jean rộng ôm lấy đôi chân khẳng khiu trầy trụa, hai bàn chân thọc vào đôi dép nhựa. Gập người trên quầy thịt bằng sắt, giữa hai dãy thịt chó đang treo lủng lẳng và chiếc ống điếu quá cỡ, người đàn ông 42 tuổi này đang theo dõi khu vực mổ của mình - một chiếc sân xi măng trống thoáng hướng ra một con đường đông đúc với những cửa hàng vật liệu công nghiệp.

Hai xác chó đã cạo lông trắng nõn lấp lánh dưới ánh mặt trời nóng rực của buổi sáng đang được người em họ của Nguyễn xối nước rửa. Cách đấy hai bước là những chiếc lồng, mỗi chiếc giữ năm con chó, hầu như đều bằng cỡ, một số vẫn mang dây đai cổ. Nguyễn thọc tay vào một chiếc lồng và vuốt ve con chó gần cửa. Khi nó bắt đầu vẫy đuôi, ông ta vớ ngay một ống sắt, đập vào đầu con chó, rồi cười to và đóng sập cửa chuồng lại.

Trên con đường đầy bóng cây tại quận Cầu Giấy ở phía bắc Hà Nội, không xa cửa hàng gia đình của Nguyễn mấy là một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất thành phố, Quán Thịt Chó Chiếu Hoa với chỉ một loại thịt trên thực đơn. Món lẩu nóng nấu với huyết; thịt nướng với sả và gừng; thịt hấp ăn với mắm tôm; món dồi làm từ ruột chó; và món thịt nướng xiên tẩm ớt và rau mơ. Đây chỉ là một trong vô số những nhà hàng thịt chó tại Cầu Giấy, nhưng phải nói là danh tiếng nhất, chuyên phục vụ những món ăn truyền thống trong một khung cảnh yên tĩnh dọc bờ kênh.

“Tôi biết là có vẻ kỳ cục khi tôi ăn ở đây trong khi tôi cũng có vài con chó nuôi ở nhà và chẳng bao giờ nghĩ đến việc ăn thịt chúng,” Đức Cường, một bác sĩ 29 tuổi vừa nói vừa gắp một miếng lòng kèm lá húng quế lên và cắn một miếng. “Nhưng tôi không áy náy khi ăn chó của người khác.” Anh ta nuốt xuống và hắng giọng. “Thịt chó ngon và tốt cho bạn.”

Không ai biết được người Việt bắt đầu ăn thịt cho khi nào, nhưng việc tiêu thụ thị chó - chủ yếu là ở miền bắc - cho thấy đây là một truyền thống lâu đời. Và nó ngày càng trở nên phổ biến: các nhà bảo vệ chó cho biết rằng có đến 5 triệu con chó bị ăn thịt mỗi năm. Chó là một món đưa cay trong những buổi nhậu, những cuộc họp mặt gia đình và những sự kiện đặc biệt. Nó được cho là giúp tăng cường sinh lực cho nam giới, tăng thân nhiệt trong mùa đông và giúp chữa trị một số bệnh tật, nó còn được xem là một loại thịt dễ tìm, giàu chất đạm và tốt hơn các loại thịt lợn, gà và bò mà người Việt vẫn ăn hằng ngày.

Một số thực khách cho rằng con chó bị hành hạ càng nhiều thì thịt càng ngon, điều này có thể giúp giải thích việc chó bị giết một cách tàn bạo ở Việt Nam - thường là bị đập đầu cho chết bằng những ống kim loại (có thể đập đến 10 đến 12 lần), bị cắt cổ, bị đâm vào ngực bằng lưỡi dao bầu, hoặc bị thiêu sống. “Tôi có đoạn phim quay cảnh những con chó bị ép ăn khi chúng bị nhập vào Việt Nam, hơi giống như việc tọng thức ăn cho ngỗng để làm pa tê,” John Dally, một người đàn ông Anh về hưu cao lênh khênh nói, ông là giám đốc tổ chức Soi Dog Foundation tại Thái Lan với hoạt động nhằm chấm dứt nạn mua bán chó ở đông nam châu Á. “Họ tuồn một chiếc ống vào bao tử chúng và nhồi cơm trộn nước vào để tăng trọng lượng khi bán.” Nguyễn có phương pháp đơn giản hơn để thêm lợi nhuận: “Nếu chúng tôi muốn tăng trọng, chúng tôi chỉ bỏ một cục đá vào mồm con chó.” Ông ta nhún vai, trước khi mở cửa lồng để làm thịt một con chó khác.

Chính quyền ước tính là có khoảng 10 triệu con chó tại Việt Nam, nơi thịt chó thì đắt hơn thịt lợn và một đĩa thịt có thể bán đến giá 30 bảng Anh tại các nhà hàng cao cấp. Nhu cầu ngày càng tăng về thịt chó buộc các nhà cung cấp phải tìm kiếm khắp mọi thị xã, thành phố trong cả nước thay vì những làng xã địa phương, nơi người ta vẫn thường nuôi chó theo truyền thống. Trộm chó - chạy rông hay thú cưng - hiện đang phổ biến đến nỗi những kẻ trộm thường xuyên bị những người dân nổi giận đánh đập, đôi khi cho đến chết. Nhu cầu thịt chó cũng đã lan ra cả ngoài nước, làm nảy sinh ra một hệ thống buôn bán trị giá hàng triệu bảng Anh với hàng năm có đến 300 nghìn con chó bị dồn vào cũi sắt ở Thái, đưa sang Lào trên sông Mekong, rồi được vận chuyển hàng trăm dặm qua những kẻ hở trong rừng biên giới, không được ăn uống, trước khi bị xả thịt tại các lò mổ ở Việt Nam.

Đây là một kỹ nghệ chợ đen, được quản lý bởi một băng nhóm tội phạm quốc tế và được các quan chức tham nhũng tạo điều kiện hoạt động, vì thế chẳng gì ngạc nhiên khi các nhà bảo vệ thú vật đang vất vả để đối phó. “Ban đầu nó chỉ có khoảng chục tiểu thương muốn tìm chút lợi nhuận,” Roger Lohanan thuộc Hiệp hội Bảo vệ Thú vật Thái Lan tại Bangkok nói, tổ chức này đã điều tra nạn buôn chó từ năm 1995. “Nhưng giờ đây thương vụ này cơ bản đã trở thành một ngành xuất khẩu. Việc buôn bán này không bị đánh thuế và lợn nhận lên đến 300-500%, vì thế mọi người đều muốn có phần.”
Tha Rae là một thị trấn nhỏ yên tĩnh thuộc tỉnh Sakon Nakhon với nhiều đồng lúa ở miền đông bắc Thái Lan. Nhưng nó còn được mệnh danh là Xã Đồ Tể (Butcher Village) 150 năm trước vì chuyên nghề buôn bán chó, khi một nhóm người Công giáo Việt Nam trốn tránh nạn bức bách tôn giáo chạy sang đây. Ngày nay, người dân địa phương nói rằng có ít nhất đến 5 nghìn người - chiếm một phần ba dân số - gia tăng nguồn thu nhập nghề nông của họ bằng cách bắt, làm thịt và bán chó cho nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Đây là một nghề tay trái đầy lợi nhuận vốn có thể đạt đến 6 bảng Anh cho mỗi con chó.

Ở Thái Lan, vận chuyển chó không có giấy chứng nhận chích ngừa thì bất hợp pháp, cũng tương tự như việc buôn lậu chó sang Lào mà không có giấy phép hải quan và thuế. Ăn thịt chó thì không phạm pháp, nhưng việc này lại không phổ biến mấy với dân địa phương, đa số mọi người đều chống đối nó. Nhưng ở Tha Rae, các quán ven đường gần khu văn phòng của chính quyền thị trấn lại bán những tảng thịt chó gân guốc tẩm mè màu nâu sẫm với giá 300 baht (6 bảng Anh) một ký. Bên trong chiếc tủ lạnh lớn màu xanh ngăn đôi những gian hàng là những mảng thịt chó đông lạnh màu trắng nhợt: đầu, mình, đùi. “Người ta dùng đầu và chân để nấu lẩu tom yum,” một người bán hàng đang cho con bú nói, “nhưng anh có thể làm bất cứ món gì mình muốn.”

Mặc dù có một lượng lớn chó bị tuồn lậu ra ngoài hàng năm, chỉ có khoảng chục người buôn bán chó ở Thái, Edwin Wiek, đồng sáng lập viên của Liên Hiệp Bảo vệ Thú vật (Animal Activist Alliance) cho biết, đây là một tổ chức từ thiện tại Thái chuyên thúc đẩy việc chấm dứt mua bán chó. “Chúng tôi biết rõ những người này: chúng tôi biết tên tuổi của họ, nơi họ sinh sống, thậm chí có cả hình ảnh của họ,” Wiek nói, tổ chức của ông nhờ vào những người cung cấp thông tin toàn thời gian tại Thái Lan và Lào. “Một số ảnh chụp được xe của họ, các biển số có thể truy tìm dễ dàng - nhưng họ vẫn thoát được vì đã trả rất nhiều tiền hối lội. Và một khi họ tiếp tục chi trả, sẽ có những quan chức trong guồng máy nhận tiền và tảng lờ.”

Các nhà bảo vệ nói rằng một trong những người ấy là thị trưởng Saithong Lalun của Tha Rae, ông ta sống trong một biệt thự mới xây hoành tráng và được cho rằng đã thu lợi nhuận trực tiếp từ kỹ nghệ này. Trong khi ông ta từ chối phỏng vấn, nói rằng những cuộc trả lời báo chí trước đây đã gây “đau khổ” cho cử tri mình, một chính trị gia bất mãn làm việc chung với ông cho biết với yêu cầu ẩn danh. “Đương nhiên là ông thị trưởng biết rõ có chuyện mua bán xảy ra: vì ông ta có dính líu đến nó,” ông nói. “Cảnh sát và tỉnh trưởng Sakon Nakhon cũng có khả năng chấm dứt chuyện mua bán này, nhưng họ vẫn không làm.” Tuy nhiên, việc ngăn chặn nạn buôn bán cũng đã gia tăng nhờ một hệ thống những người cung cấp thông tin rộng lớn chủ yếu làm việc cho Hải quân Hoàng gia Thái, họ đã ngăn chặn một chuyến hàng gồm gần 2 nghìn con chó vào tháng Tư và một chuyến khác có đến 3 nghìn con vào tháng Năm, khi chúng đang bị chất lên thuyền và chuyển sang Lào. Chỉ huy cuộc bắt giữ là Đại uý Surasak Suwanankesa, 45 tuổi, tư lệnh hải quân của Đơn vị Tuần tra Khu vực Sông Mekong, ông chịu trách nhiệm theo dõi 253km đường sông biên giới giữa Thái và Lào. Mong muốn của ông là chấm dứt hoàn toàn việc buôn bán chó. “Đây thật sự là một điểm nhơ của quốc gia,” ông lắc đầu nói.
Nhưng Surasak, người mới nhậm chức chỉ được chín tháng, hiện đang phải đối phó với những loại hàng hoá bất hợp pháp cấp bách hơn trên khu vực đường sông của mình như yaba (crytal meth - đập đá), cần sa, gỗ hồng mộc. Trên chiếc iPad của mình, ông cho xem những hình ảnh của các sĩ quan hải quân chụp chung với những “chiến lợi phẩm” trong những cuộc bắt giữ trước, sau đó ông phác thảo một bản đồ của các tuyến đường buôn lậu chó. “Có hai điểm vượt biên chiến lược chính,” ông nói. “Chó đuợc thu mua hoặc trộm cắp từ các gia đình trong làng, được bán với giá 200 baht (4 bảng Anh) mỗi con, rồi được chuyển đến Tha Rae. Từ đấy, những con chó lớn được đưa đến huyện Baan Pheng ở phía bắc để sang Trung Quốc, trong khi ấy chó nhỏ được đưa sang Việt Nam. Chỉ cần 5 phút sang sông và giá chó có thể tăng gấp 10 lần. Vì thế động cơ buôn lậu rất cao.”

Toán hải quân trên dựa vào những tin báo từ dân địa phương để ngăn chặn những thương vụ này, nhưng việc bắt giữ thì rất hiếm hoi, các nhà bảo vệ cho biết, vì đa số dân buôn lậu chỉ trả một khoản tiền phạt nhỏ và vài ngày sau lại tiếp tục hoạt động. Những kẻ cầm đầu các thương vụ chẳng bao giờ bị truy tố và các quân nhân gặp nguy hiểm thật sự trong việc tìm cách ngăn chặn chúng: trong một ngành kinh doanh mà Wiek cho là có thể tạo lợi nhuận cho băng đảng Thái hơn 1,25 triệu bảng Anh mỗi năm, những người như Surasak đã làm giới buôn lậu thất thoát một lượng lớn lợi nhuận. “Cái đầu viên chỉ huy tiền nhiệm của tôi đã được treo giá 4 triệu baht (80 nghìn bảng Anh). Tôi không biết đầu của tôi trị giá bao nhiều.” Ông cười. “Vấn đề là cũng vẫn những người ấy, những xe ấy, cứ lặp đi lặp lại. Khi tôi bắt chúng, tôi truy tố chúng bằng mọi cách mà pháp luật cho phép: thuế hải quan, giấy phép chích ngừa và vận chuyển, vân vân. Việc này thì không bình thường. Trước đây chưa bao giờ có. Thường thì một cơ quan quan trọng của chính quyền sẽ kiếm được 1 triệu baht (20 nghìn bảng Anh) tiền hối lộ. May là chức vụ này chỉ giới hạn trong ba năm: anh có thể kiếm được bạc triệu nếu muốn.”
Con đường bọn buôn lậu đưa hàng sang Việt Nam là Xa lộ số 8, một con đường hai làn quanh co xuyên qua những dãy núi đá ong của Lào, vượt qua những ngôi chòi gỗ và những dinh tự to lớn hiện đại của giới tinh tuyển giàu có. Khi còn ở Thái Lan, những con chó bị nhồi chặt vào những lồng đựng gà vịt hoặc những chuồng kim loại nặng nề, cứ 12 đến 15 con mỗi chuồng, sáu đến tám chuồng mỗi xe, mỗi chuyến xe trị giá khoảng 160 nghìn baht (3.200 bảng Anh). Chúng được chuyên chở vào ban đêm đến biên giới, trước khi vượt sông Mekong và chất lên những chiếc xe khác. Sử dụng những người thăm dò, biển số xe giả và máy định vị để bảo đảm những tuyến đường thông suốt và những kiện hàng an toàn, những kẻ buôn lậu chẳng còn gặp trở ngại nào từ điểm này trở đi. “Một khi đến được Lào, chẳng có gì để ngăn chặn chúng được,” một điềm chỉ viên người Thái thở dài. “Họ hoàn toàn tự do.”

Nếu giới buôn lậu muốn nghỉ chân thì thường là ở Lak Sao, thành phố cuối cùng trước khi đến biên giới Việt Nam. “Bạn nghe tiếng xe tải trước khi thấy chúng,” dân địa phương thường đùa như thế vì những đoàn xe chạy dọc theo những con đường bụi bặm này hầu như mỗi đêm, tiếng hú của những kiện hàng vang vọng trong không gian lạnh lẽo của núi rừng. Đi theo con đường này bằng xe buýt công cộng, tôi đã bắt gặp một chiếc xe tải chở chó với những chiếc lồng trống đang đi ngược về phía biên giới Thái Lan.

Một quán thịt chó ở Hà Nội. Thịt chó là món đưa cay trong các tiệc nhậu, họp mặt gia đình và những dịp trọng đại. Ảnh: Luke Duggleby

“Thỉnh thoảng chú của bạn tôi giúp chất chó lên xe khi ông không làm việc ngoài đồng,” một học sinh ngồi cạnh tôi nói, anh ta vừa bắt đầu kể về truyền thống ăn thịt chó ở Lào khi chiếc xe buýt của chúng tôi đỗ lại trước một quán cà phê. Bên trong, hai viên cảnh sát đang túm một con chó vào một bao gạo, họ nhanh chóng xoắn miệng bao rồi dùng thừng buộc chặt. Con chó trong bao giãy dụa điên cuồng, tìm cách chui ra ngoài. “Chắc tối nay họ có tiệc,” người học sinh nói khi chúng tôi nhìn hai viên cảnh sát ngồi xuống bàn, mồi thuốc hút và tiếp tục uống cà phê.

Giao điểm biên giới Việt Nam là một trạm kiểm soát hẻo lánh trên núi, những nhân viên trạm đòi hỏi tiền đô trước khi đóng dấu thị thực. Dường như mọi thứ được chuyển qua đây rất dễ dàng: con đường đầy những xe tải chở những khối gỗ hồng mộc quí hiếm, và các nhân viên nếu không ngủ thì công khai đòi hối lộ. Con đường tiếp tục đi xuống đến thành phố Vinh ở miền trung, vượt qua những ngôi trường với kiến trúc thuộc địa Pháp và những ngôi nhà mới với những chiếc tháp có hình thiên thần. Con số những chiếc xe chở đầy chó thì vô tận, Nguyễn Dương, một người lái xe 38 tuổi với đôi mắt hoang dại nói, cứ cách hai đêm anh ta lại lái chuyến xe dài sáu tiếng từ Vinh đi Hà Nội. “Những chiếc xe này luôn chở chó, nhưng dạo gần đây tôi thấy có cả mèo.”

Ở Hà Nội, các quán thịt chó thường tụ tập ở cùng một địa điểm, với những bảng hiệu vẽ chiếc đầu chó hoặc một thân chó nướng treo trên một chiếc móc sắt lớn. Dọc theo đường Tam Trinh, một đoạn đường chạy về phía nam thành phố, có hàng chục quán ven đường bán chó nướng cho khách hàng đến bằng xe gắn máy hoặc đi bộ, đôi khi họ phải xếp hàng dài cả 10 người. Những thiếu niên mặc quần chơi bóng rổ đang chặt thịt chó bằng những chiếc dao bầu nặng nề, rắc lên một lớp gia vị nặng mùi bao gồm cà ri, ớt, rau mùi, thìa là và mắm tôm, trước khi xỏ thịt vào xiên để nướng. Trong một cửa hàng của bà Hoa Mơ, một phụ nữ 63 tuổi cả đời bán thịt chó, một người đàn ông đang cầm một túi nhựa đựng 12 chiếc móng giò. “Vợ tôi mới sinh nhưng không có sữa,” ông giải thích. “Một công thức xưa chỉ cách hầm móng chó; chúng tôi dùng nó để giúp cô ấy có sữa lại.”

Mỗi chủ quán mua chó từ các nhà cung cấp đến cả 100 con mỗi ngày, nhưng chẳng ai trong họ biết nguồn chó đến từ đâu. Chỉ có một nhân viên là Lê Văn Sỹ, một thanh niên trẻ 18 tuổi đang xắt thịt tại một quán của gia đình, nói rằng những con chó “phải là từ Việt Nam”. “Tôi chắc chắn rằng những người cung cấp chó cho chúng tôi từng lấy hàng từ Thái Lan và Lào,” anh ta nói, “nhưng chúng luôn quá gầy ốm.”

Nuôi chó như thú cưng vẫn tương đối mới ở Việt Nam - theo truyền thống thì chó thường được nuôi để ăn thịt hoặc giữ nhà - vì thế những nhà cổ động bảo vệ chó đã quyết định loại bỏ lập luận “tàn ác” và thiên về việc nhấn mạnh ảnh hưởng của thịt chó đối với sức khoẻ con người. Thịt chó có liên quan đến những vụ bùng nổ dịch bệnh trong khu vực như giun sán, dịch tả và bệnh dại, một điểm mà các nhà bảo vệ muốn nhấn mạnh khi khu vực này đặt mục tiêu xóa sạch bệnh dại vào năm 2020. Tại hội nghị về nạn buôn bán chó đầu tiên tại Hà Nội vào cuối tháng Tám, các quan chức chính quyền và các nhà bảo vệ từ Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam đã thông qua một chương trình năm điểm, trong đó bao gồm việc đình chỉ vận chuyển chó xuyên biên giới với mục đích thương mại trong vòng năm năm để nghiên cứu ảnh hưởng của việc truyền tải bệnh dại.

Thoả thuận này có thể đại diện cho một sự chuyển đổi quan trọng về chính sách, Dalley nói, nhưng có thể chẳng có hiệu quả mấy trong việc xóa sạch nạn buôn chó. “Qua những cuộc điều tra bí mật, chúng tôi biết rằng giới buôn lậu đã đang tìm kiếm những biện pháp khác, bao gồm việc giết chó ở Thái và vận chuyển thịt thay vì chó sống.” Tổ chức của ông sẽ mướn một nhân viên toàn thời gian để giám sát khu vực biên giới giữa Lào và Việt Nam, ông nói thêm. “Sẽ có một cuộc họp kế tiếp tại Bangkok, có thể vào dịp năm mới, và thật là xấu hổ nếu họ tiếp tục cho phép nhập chó vào.”

Trong tất cả các quốc gia có liên quan đến nạn buôn bán thịt chó, chỉ có Thái Lan là nước đang hoạt động nhiều nhất để giới hạn nó. Một khi các chuyến hàng bị toán quân của Surasak bắt giữ, những con chó được đưa đến những trại nuôi do chính phủ tài trợ tại Nakhon Phanom, cách căn cứ hải quân một giờ lái xe về phía bắc, ở đó chúng được đánh số, chữa những bệnh gây nhiễm như Parvo, sốt ho và sưng phổi, sau đó được chuyển đến 4 trại giữ chó khác trong nước. Có gần 5 nghìn con chó, đa số được giải cứu từ nạn buôn bán thịt, hiện đang sống tại các trung tâm này, cơ quan gia súc Thái cho biết. Nhưng chỉ có một số rất nhỏ được đoàn tụ và có khoảng 30 con bị chết mỗi ngày vì bị nhiễm bệnh.

Bị báo động vì tỉ lệ chó tử vong cao, Dalley đã làm việc với chính quyền Thái để hỗ trợ cho các trung tâm này với những nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men và những bác sĩ thú y phương Tây. Nhưng hiện tình vẫn khó khăn, phần lớn vì những con chó này cuối cùng vẫn bị chuyển từ chuồng này sang chuồng kia, suốt đời phải đợi chờ trong những chiếc cũi có sàn xi măng, tranh giành thức ăn, nước uống và chỗ ở. “Đại đa số những con chó này sẽ không bao giờ được nhận nuôi,” Dalley nói khi chúng tôi thăm viếng trại nuôi, choáng ngợp trước tiếng sủa, rên rỉ, hú và mùi hôi thối của 1.800 con chó đang bị dồn chật trong những chiếc lồng, được chia theo giới tính và tình hình sức khoẻ. Chúng tôi dừng lại tại chuồng A, rộng nhất với những con chó khoẻ mạnh nhất, một nhóm chó vẫy đuôi chạy lại. Một số vẫn còn mang đai cổ, càng củng cố thêm giả thuyết là 90% trong chúng từng là thú cưng. “Trong đây có một số chó đẹp, nhưng người Thái chỉ thích những con chó nòi. Một cặp chó Golden Retriever vừa được nhận nuôi, nhưng tìm nơi cư trú cho 1.000 con chó Thái lai thì không thể nào được.”

Không thể nào mường tượng được những con thú này là nguồn tiềm năng thực phẩm, không phải vì chúng là chó mà bởi vì chúng cực kỳ ốm yếu và bệnh tật. Có những chú chó con xương xẩu bị gãy chân; những con chó lai ghẻ lở mắt mũi đầy mủ; những con chó dính đầy phân và ói mửa của chính chúng; và những xác chó đã chết nằm trong những bao nhựa đang đợi chôn. Chỉ với 12 nhân viên và phải chăm sóc gần 2.000 con chó, sống sót được ở đây là trò may rủi, và các bác sĩ thú y theo đạo Phật của trại không muốn tự tay hoá kiếp chúng, vì thế các nhân viên phải chăm sóc thuốc men cho một con chó tháng này qua tháng khác, cho đến khi nó không còn cử động được.

Dalley nói nhiều con chó được giải thoát khỏi nạn buôn thịt đã không bao giờ đến được Nakhon Phanom. “Trong số 1.965 con chó tịch thu được vào tháng Giêng 2012 từ một nơi giam giữ ở Tha Rae và trong hồ sơ nói rằng chúng đã được đưa đến trại nuôi ở Buriram, 600 con đã không đến nơi. Họ nói với chúng tôi là chúng đã chạy lạc hoặc chết, nhưng thực ra chúng đã bị bán lại cho giới buôn thịt.”
Sự thành công của hải quân Thái trong việc chặn bắt những kẻ buôn chó đã có những ảnh hưởng ngoài ý muốn trong việc đẩy việc buôn bán chó đi xa và vào con đường bí mật, Wiek nói, liên hiệp bảo vệ của ông đã chuyển sang phương pháp theo dõi khác - bao gồm cả máy bay không người lái và jetski - để dễ dàng kiểm tra hơn. “Trong vài năm qua, kể từ khi hải quân và các cơ quan khác bắt đầu bắt giữ giới buôn lậu nhiều hơn cũng như tiến hành những đợt tấn công vào các lò mổ, việc buôn bán đã lan tràn như bệnh ung thư,” ông nói. Giờ đây nó lan ra ngoài Tha Rae và xâm nhập toàn bộ khu vự đông bắc Thái Lan.

Giới bảo vệ ở Thái Lan đang thúc đẩy một luật lệ an sinh thú vật trong đó sẽ bảo vệ các thú nuôi như chó và mèo để không bị ăn thịt hoặc buôn bán với mục đích tiêu thụ. Nhưng luật này sẽ không thực sự gây ảnh hưởng mấy, Lohanan nói. Thay vì thế điều có thể gây ảnh hưởng là phương pháp ngược lại. Một số ít trong chính quyền Thái đã phản đố’i việc buôn bán, nhưng một thành viên quốc hội là Bhumiphat Phacharasap đã đề xuất rằng quản lý thịt chó sẽ loại bỏ được nạn hối lộ và bảo đảm thú vật được mua bán thì phù hợp để làm thực phẩm. “Chúng ta có thể xem chó như bò và lợn bằng cách bảo đảm rằng chúng không bị nhiễm bệnh, được chích ngừa và có giấy phép xuất khẩu, cũng như không bị hành hạ khi vận chuyển,” ông nói. “Ở Việt Nam, họ nuôi chó như nuôi lợn hoặc bò. Tôi có thể chấp nhận điều này: bạn làm đúng, bạn ăn đúng. Vấn đề là chúng ta sẽ được xem như là một nước có văn hoá hành hạ súc vật vì chó không ‘phải để ăn’. Chúng ta sẽ bị lên án. Chúng ta sẽ bị tẩy chay. Chúng ta sẽ mất quyền trao đổi thương mại với thế giới.”

Lo lắng của ông thì có lý, ít nhất là về mặt văn hoá khi phải đối diện với phương Tây, nơi những nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh quan hệ thân thiết giữa người và chó trong lịch sử và chỉ ra tính thông minh của loài chó với ví dụ về chú chó Chaser - một loại Border Collie với vốn từ ngữ đến hơn 1 nghìn từ tiếng Anh - để chứng minh khả năng nhận thức của chó tương đương với trẻ lên hai. Nhưng những người biện hộ cho việc ăn chó lại nói rằng thật là đạo đức giả cho một nền văn hoá chuyên ăn cừu, bò, lợn và gà lại dừng lại trước loài chó. Ví dụ như lợn, cũng ứng xử như loài linh trưởng trong những thử nghiệm và được một số nhà khoa học cho là còn tiến bộ hơn cả chó, nhưng nhiều người trong chúng ta lại ăn thịt ba rọi mà không chút đắn đo.

Đây là một lập luận quanh co, như Jonathan Safran Foer đã nói trong cuốn sách “Ăn thịt động vật” của ông. Ông cho rằng loài chó thì đầy rẫy và là một nguồn thức ăn giàu chất đạm, và hỏi rằng “Liệu chúng ta có thể vượt qua tình cảm của mình không?” Ông tiếp tục: “Không như tất cả các loại thịt nông trại, vốn đòi hỏi việc sản xuất và nuôi dưỡng súc vật, loài chó hầu như là muốn được ăn thịt. Nếu chúng ta cứ để chó sống tự nhiên và sinh sản mà không can thiệp, chúng ta sẽ tạo ra được một nguồn cung cấp thịt địa phương lâu dài với ít năng lượng nuôi dưỡng, khiến cho nông trại nuôi súc vật ăn cỏ hiệu quả nhất cũng phải xấu hổ.”

Lập luận của ông chắc chắn sẽ không được nhiều người ở Anh ưa chuộng, đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới, vào năm 1822 đã đưa ra luật chống lại sự tàn ác đối với thú vật. Đây là một vấn đề đầy mâu thuẫn, một phần vì nó liên quan đến việc so sánh các nền văn hoá mà không có được một câu trả lời rõ rệt. Như triết gia người Úc Peter Singer nhận định trong cuốn sách Giải phóng Loài vật của ông năm 1975: “Để phản đối trò đấu bò ở Tây Ban Nha, việc ăn thịt chó ở Nam Hàn, hoặc việc giết chóc hải cẩu con ở Canada trong khi lại tiếp tục ăn trứng từ những con gà suốt đời bị nhồi nhét trong lồng, hoặc ăn thịt mềm từ những con bê bị tách khỏi mẹ, không được ăn uống tự nhiên, không được thẳng chân nằm xuống, cũng chẳng khác gì lên án chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi trong khi yêu cầu hàng xóm của bạn đừng bán nhà cho người da đen.”

Tò mò muốn biết triết lý này được hiểu ra sao ở Việt Nam, tôi hỏi Đức Cường, vị bác sĩ đang ăn ở quán thịt chó, rằng liệu anh ta có thấy gì khác biệt nếu món thịt chó anh đang ăn có thể là thú cưng của một ai đó hay không. “Không,” anh ta trả lời. “Không phải là chó của tôi nên tôi không thật sự quan tâm.”



No comments:

Post a Comment

View My Stats