Ngô Quảng
DienDanCTM 07:00 - 10/10/2013
Theo dự tính thì Tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama sẽ lên
đường sang đảo Bali của Indonesia để tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu
Á-Thái Bình Dương (APEC) và sau đó đến Brunei dự tiếp Hội nghị Thưọng đỉnh Đông
Á (EAS) mở rộng. Sau hai hội nghị này, Tổng thống Obama còn dự định sang công
du Malaysia và Philippines. Thế nhưng vào phút cuối, Tổng thống Obama đã hủy bỏ
chuyến đi Á châu lần này vì chuyện chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa một phần
trong lúc còn đang tranh cãi tại Quốc hội Hoa Kỳ về ngân sách hoạt động cho năm
tới và ngân sách cho chương trình bảo hiểm toàn quốc (Obamacare).
Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đang có mặt tại Á
châu đã đến tham dự hai Hội nghị này thay Tổng thống Obama.
Dù cho là vì chuyện nội bộ của nước Mỹ, nhưng việc
không có mặt của Tổng thống Obama tại hai hội nghị này đã làm mất nhiều động
lượng của 2 cuộc gặp mặt thượng đỉnh, và làm cho nhiều người nghi ngờ về chiến
lược xoay trục sang Á châu của Washington.
Riêng phía Trung Quốc, ngay khi biết tin Obama sẽ
vắng mặt, Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã ra lệnh cho hệ thống truyền thông khai
pháo bằng hàng loạt những bài bình luận theo hướng phê phán: Hoa Kỳ giải quyết
chuyện nội bộ còn không xong thì thử hỏi sức đâu mà đòi lãnh đạo thế giới.
Mặc dù hai hội nghị này vẫn thường chú trọng về hợp
tác mậu dịch là chính, nhưng năm nay vấn đề tranh chấp ở biển Đông giữa các
nước thuộc khối ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Philippines với Trung quốc, cũng
như những đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã lấn nhiều vào nghị trình. Và
đây cũng là vấn đề quyền lợi của Hoa Kỳ và hầu hết những thành viên còn lại.
Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore một lần nữa nhấn mạnh rằng vấn đề biển
Đông phải được đem ra thảo luận trong cả hai hội nghị này. Các quốc gia Đông
Nam Á và Trung quốc nên chóng hình thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông
(COC).
Về phía chính phủ Philippines, có lẽ nhận định của
giáo sư Renado Cruz De Castro thuộc trường đại học De la Salle là thái độ tiêu
biểu. Ông cho rằng việc vắng mặt TT Obama là một điều đáng tiếc, nhưng chẳng có
gì nghiêm trọng vì không ảnh hưởng đến những gì mà Hoa Kỳ đã cam kết với các
nước đồng minh ở Á châu, trong đó có Philippines. Hiện tại Hoa kỳ và
Philippines đang tiến hành đàm phán để gia tăng sự có mặt của quân đội Mỹ ở
nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Voltaire Gazmin, cũng xác
nhận tin này. Ông cho biết ngoài việc cho phép quân đội Hoa Kỳ đồn trú, chính
phủ Hoa Kỳ cũng sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Philippines để có thể đủ sức đối
đầu với hải quân Trung Quốc trong những đụng độ ở mức cục bộ.
Theo các quan sát viên về hai hội nghị này thì Bắc
Kinh hẳn phải mừng trong lòng trước sự vắng mặt của Tổng thống Obama. Trước hết
là vì nó tạo sự đứt đoạn trong động lượng hợp tác quốc tế chống Trung Quốc tại
các vùng biển Đông Á và Đông Nam Á. Lý do thứ nhì là vị thế của ông Tập Cận
Bình trong hai cuộc hội nghị sẽ sáng giá hơn nhiều vì đứng đầu nước có nền kinh
tế mạnh thứ nhì trên thế giới. Một điều được cho là bằng chứng của ý định
"thế chỗ Hoa Kỳ" là việc ông Tập đi viếng thăm Malaysia và Indonesia
và hứa tăng thêm viện trợ cho hai nước này. Theo các bình luận gia nói trên,
giới lãnh đạo Hà Nội nhiều phần cũng đã mừng thầm vì nếu có sự hiện diện của
Tổng thống Obama chắc chắn vấn đề tranh chấp ở biển Đông sẽ được đem ra thảo
luận rốt ráo hơn nhiều. Các lãnh tụ Việt Nam khó có thể tiếp tục im lặng trong
những thảo luận đó. Nhưng lên tiếng thì lại sợ Bắc Kinh khiển trách và trừng
phạt, đặc biệt là làm mất mặt chính Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Tập Cận
Bình.
Liệu các lãnh tụ Bắc Kinh có tiếp tục chia rẽ được
các nước như đã thấy tại hội nghị ASEAN ở Campuchia không? Ngoài 2 cuộc thăm
viếng Malaysia và Indonesia của Tổng bí thư Tập Cận Bình, họ cũng phái Thủ
tướng Lý Khắc Cường đến Brunei tham dự hội nghị Thưọng đỉnh Đông Á (EAS) mở
rộng để trấn an các nước như sau: "Truyền thống của Trung quốc là không
bao giờ chủ trương bá quyền và bành trướng lãnh thổ, cả mấy ngàn năm lịch sử đã
chứng minh rằng Trung quốc luôn duy trì mối giao hảo tốt với lân bang, coi
trọng sự hòa bình, ổn định ở Á châu là trên tất cả."
Hiển nhiên, tuyên bố này lập tức gặp phải những phản
ứng ngược vì lịch sử các nước còn sống sót chung quanh Trung Quốc còn ghi rõ
các cuộc xâm lăng từ nước này. Trong lúc công luận Việt Nam không được cho biết
gì về tuyên bố này, thì người Nhật Bản và Philippines phản đối ầm ĩ và đem ra
diễu cợt. Mức phản đối nóng đến độ sau lời tuyên bố đó ông Thủ tướng Trung quốc
đã tránh không muốn gặp gỡ lãnh đạo hai nước Philippines và Nhật Bản nữa.
Có thể nói thái độ rất khôn ngoan của chính phủ Nhật
và Philippines hiện nay là dựa vào lòng dân để lên các chính sách bảo vệ đất
nước. Trong khi đó, tại cuối Đại Hội Trung Ương 8 của đảng CSVN vừa diễn ra,
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chỉ biết cảnh báo toàn giới lãnh đạo đảng phải
coi chừng dân chúng vì "diễn biến hòa bình" mới là mối nguy lớn nhất
cho ... Đất Nước.
Ngô
Quảng
No comments:
Post a Comment