Friday, 11 October 2013

MALALA YOUSAFZAI ĐOẠT GIẢI NHÂN QUYỀN SAKHAROV (RFI, VOA)




Thụy My -  RFI
Thứ năm 10 Tháng Mười 2013

Nhà tranh đấu trẻ tuổi người Pakistan cho quyền được học hành, Malala Yousafzai hôm nay 10/10/2013 đã được tặng giải thưởng cao quý Sakharov của Nghị viện châu Âu. Cô bé 16 tuổi đã trở thành biểu tượng đấu tranh chống cực đoan tôn giáo trên thế giới, vẫn tiếp tục bị Taliban đe dọa truy sát.

Malala Yousafzai cô gái Pakistan 16 tuổi biểu tượng đấu tranh chống cực đoan tôn giáo tại New York ngày 23/9/2013.    REUTERS/Adrees Latif

Các nhóm chính trị trong Nghị viện châu Âu đã nhất trí vinh danh cô gái trẻ, cách đây một năm từng bị Taliban mưu sát để trừng trị việc cô đấu tranh đòi cho các trẻ em gái đến trường. Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz ca ngợi « sức mạnh khó tin » của cô bé, đã « can đảm tranh đấu cho quyền học hành của mọi trẻ em, một quyền thường bị chối từ đối với các trẻ gái ».

Tại Pakistan, phe Taliban khẳng định Malala « chẳng hề làm được gì » để được trao giải thưởng Sakharov. Phát ngôn viên Taliban tại Pakistan, Shahidullah Shahid cho rằng « Những kẻ thù của Hồi giáo đã trao giải này vì cô ta từ bỏ đạo Hồi để trở thành kẻ ngoại đạo » và khẳng định « Taliban sẽ tiếp tục nhắm vào Malala dù cô ta có sang Mỹ hay sống tại Anh ».

Ngày 09/10/2012 Malala Yousafzai bị các sát thủ của Taliban bắn thẳng vào đầu trên xe buýt, để trừng trị việc cô đấu tranh cho quyền được học hành của trẻ em gái. Cô may mắn sống sót, và khẳng định không hề oán hận những kẻ đã tấn công mình.

Malala, cũng có tên trong danh sách những ứng viên giải Nobel hòa bình năm nay, được mời đến Strasbourg nhận giải thưởng Sakharov vào ngày 20/11 tới. Cô bé đã vượt qua những người được đề cử khác là Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo đã tiết lộ tài liệu mật về chương trình giám sát quy mô của Mỹ, và ba nhà đối lập Belarus đang bị cầm tù.

Giải thưởng Sakharov hàng năm được trao cho các nhà đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ. Người đầu tiên được trao giải thưởng này vào năm 1988 là cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, lúc đó vẫn còn đang ở trong tù.









No comments:

Post a Comment

View My Stats