Monday, 14 October 2013

HOA KỲ : CUỘC CHẠY ĐUA NƯỚC RÚT ĐỂ TRÁNH BỊ VỠ NỢ (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà   -  RFI
Thứ hai 14 Tháng Mười 2013

Cả thế giới đang hướng về Washington, nơi tổng thống Barack Obama đang ráo riết tìm ra đồng thuận với Hạ viện Mỹ để đạt thỏa thuận nâng trần nợ công. Nếu mục tiêu không thành trước ngày 17/10/2013, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, nền kinh tế số 1 trên thế giới này sẽ mất khả năng thanh toán.

Số phận của đồng đô la và công trái phiếu Hoa Kỳ vốn được coi là an toàn nhất thế giới, tùy thuộc vào thành công hay thất bại của cuộc đọ sức đang diễn ra trên sân khấu chính trị Mỹ. Ngày càng có nhiều tiếng nói đòi xét lại quy chế ngoại tệ dự trữ của đồng đô la. Các thị trường chứng khoán thế giới đang nóng lòng chờ đợi hồi kết của cuộc đấu giữa hành pháp và lập pháp tại Washington.

Một tuần lễ mang tính « quyết định » đang mở ra với nước Mỹ. Chính trường Mỹ chỉ còn 4 ngày để thông qua một đạo luật gồm đúng 1 trang. Văn bản đó cho phép Hoa Kỳ nâng trần nợ công lên cao hơn mức đang quy định là 16 700 tỷ đô la. Về mặt chính thức, nếu đạo luật đó được Hạ viện thông qua trước ngày 17/10/2013 thì viễn cảnh nước Mỹ mất khả năng thanh toán được xua tan. Bằng không, kinh tế Hoa Kỳ bị đe dọa lại bị suy thoái nghiêm trọng, và theo lời giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, bà Christine Lagarde, « kèm theo đó là những rối loạn dồn dập đối với toàn thế giới ». Hậu quả còn tai hại hơn so với những gì thế giới đã phải hứng chịu sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cốt lõi của vấn đề nằm ở Hạ viện Hoa Kỳ, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số và vẫn đòi gắn liện việc bỏ phiếu nâng trần nợ công với việc bỏ phiếu thông qua dự luật tài chính 2014. Như đã biết, từ gần hai tuần qua, phe đa số ở Hạ viện đã từ chối thông qua dự luật tài chính 2014, đẩy nước Mỹ vào tình trạng « shutdown », nhiều cơ quan hành chính bị tê liệt. Các vòng đàm phán giữa phủ tổng thống với Hạ viện từ ngày 01/10/2013 để chấm dứt tình trạng bế tắc ngân sách đã liên tục thất bại.

Cùng lúc, hạn nâng trần nợ công của Hoa Kỳ ngày càng cận kề. Sự trùng hợp của hai sự kiện này càng khiến bầu không khí tại Washington thêm căng thẳng.

Trước một cuộc đối thoại giữa hai người điếc – là bên hành pháp và Hạ viện, thượng viện Mỹ hôm qua (13/10/2013) buộc lòng phải can thiệp, tránh để lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, nước Mỹ bị mất khả năng thanh toán.

Sau cuộc thảo luận với lãnh đạo khối nghị sĩ Cộng Hòa, thượng nghị sĩ Mitch McConnell ngày Chủ nhật, người đứng đầu đảng Dân chủ tại Thượng viện, thượng nghị sĩ Harry Reid đã tỏ ra lạc quan về triển vọng tìm ra được đồng thuận với đảng Cộng Hòa. Ông thông báo đôi bên sẽ thảo luận tiếp vào hôm nay. Cho dù là cả nước Mỹ đang nghỉ phép, nhưng hôm nay Thượng viện và kể cả Hạ viện sẽ họp lại.

Trên thực tế, đảng Cộng Hòa đã đưa ra nhiều đề nghị cả trên hồ sơ dự luật tài chính lẫn trong vấn đề nâng trần nợ của Mỹ. Nhưng tất cả đều đã bị Nhà Trắng bác bỏ.

Để tránh trường hợp Hoa Kỳ bị vỡ nợ, Hạ viện đề nghị nâng trần nợ công của Mỹ, nhưng đó chỉ là một bộ luật mang tính tạm thời, có hiệu lực cho tới ngày 22/11/2013 mà thôi. Hành động này nhằm duy trì áp lực lên chính quyền Obama để buộc hành pháp phải tiếp tục mạnh dạn cải tổ ngân sách và đặc biệt là đòi Washington rút lại luật bảo hiểm y tế bắt buộc cho tất cả mọi công dân Hoa Kỳ.

Đảng Dân chủ và nhất là Nhà Trắng không thể chấp nhận những đòi hỏi của đối lập đang chiếm đa số tại Hạ viện. Tổng thống Obama tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên để chấm dứt khủng hoảng về ngân sách, nhưng không rút lại bộ luật bảo hiểm y tế còn được gọi là Obamacare. Hơn nữa, cả tổng thống Obama lẫn đảng Dân chủ cùng cho rằng, việc nâng trần nợ công trong ngắn hạn như đề nghị của bên đảng Cộng hòa không giải quyết được thực chất của vấn đề, mà chỉ tiếp tục mở ra những cuộc đọ sức chính trị khác tại Washington. Những tranh cãi đó càng làm mất niềm tin nơi cường quốc kinh tế số 1 thế giới, càng đe dọa đến quy chế ngoại tệ dự trữ của đồng đô la Mỹ.



No comments:

Post a Comment

View My Stats