Monday 14 October 2013

MIẾN ĐIỆN : HUY ĐỘNG NHỜ KẾT NỐI (Thu Hằng - RFI)




Thu Hằng  -  RFI
Chủ nhật 13 Tháng Mười 2013

Tờ báo phương tây International Herald Tribune lần đầu tiên được in ấn phát hành tại Rangoon Miến Điện ngày 23/9/2013.  REUTERS/Soe Zeya Tun

Hội nghị Thượng đỉnh Asean 23 khép lại tại Brunei, Miến Điện được Asean trao chiếc ghế chủ tịch luân phiên 2014. Đây là thành quả của chính sách dân chủ hóa được tiến hành từ tháng 3/2011. Báo Le Courrier international dẫn lại một số bài liên quan tới quá trình đấu tranh dân chủ tại đây, dưới tựa đề : « Miến Điện. Huy động nhờ kết nối ».

Trích dịch từ báo The Irrawaddy, bài báo cho biết điều kiện hoạt động của thế hệ 88 và giới trẻ hiện nay rất khác biệt. Những người đấu tranh cho dân chủ trước đây được đào tạo trong bí mật, nhờ sách vở truyền tay lén lút, còn thế hệ dân chủ trẻ hiện nay sử dụng internet. Thế hệ 88 có thể cập nhật thông tin nhờ đài BBC hay « tiếng nói châu Mỹ ».

Nhưng để mua được những quyển sách bàn về đối lập, họ phải nhờ vào mối quan hệ mật thiết với chủ hiệu sách, thường biết rõ nhu cầu của khách hàng. Những hiệu sách như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc cổ xúy tư tưởng cách mạng. Hiện nay, lượng thanh niên tham gia các phong trào chính trị lớn hơn so với trong quá khứ. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động dân chủ thế hệ cũ vẫn e ngại khả năng của giới trẻ trong việc cân nhắc những vấn đề chính trị.

Trên thực tế, các tổ chức các thanh niên dân chủ có đủ mọi phương tiện để hoạt động. « Thế hệ Làn sóng » (Generation Wave) là một tổ chức như trên được thành lập vào năm 2007. Họ đã tiến hành nhiều chiến dịch từ cuộc bầu cử năm 2010. Kết quả thu được là sự cởi mở chính trị của chế độ cầm quyền. « Thế hệ làn sóng » sử dụng chủ yếu trang mạng điện tử và Facebook của mình để thông tin mọi hoạt động, cổ động dân chúng và tổ chức biểu tình.

Họ được hưởng tự do truy cập Internet sau nhiều thập kỷ bị kiểm duyệt. Với hơn một nửa dân số dưới độ tuổi 30, Internet là công cụ hữu hiệu để truyền tải những ý kiến về chính trị và nền dân chủ. Nhờ đó, tháng 5 vừa qua, phong trào đã thu thập được 60 000 chữ kí qua trang Internet của mình, nhân chiến dịch đòi tổ chức đối thoại chính trị và chấm dứt « nội chiến » tại Miến Điện.

Một nhà dân chủ thời đó đánh giá rằng luôn có một mối quan hệ ràng buộc giữa thế hệ 88 hoạt động trong bí mật với thế hệ trẻ hoạt động công khai hiện nay. Một mặt, ông đánh giá cao các phương tiện truyền thông hiện đại mà giới trẻ đang sử dụng. Mặt khác, ông cho rằng thế hệ của mình vẫn đóng một vai trò quan trọng và giáo dục lịch sử sẽ rất hữu ích cho giới trẻ.

Trong cuốn « Những ngày ở Miến Điện » (Burmese Days), cố tiểu thuyết gia người Anh Georges Orwell phản ánh thực tế chế độ thời thuộc địa Anh và tình trạng tham nhũng. Tờ Mizzima News (Rangoon), khẳng định những nhận định của ông vẫn mang tính thời sự và thích hợp với tình hình hiện nay tại Miến Điện. Từ khi tổng thống Thein Sein lên nắm quyền, đất nước đã mở cửa và chính phủ hứa hẹn thực hiện dân chủ và cải cách kinh tế.

Tình hình tại Miến Điện được cải thiện hơn và nhiều dự án đầu tư đã được gửi tới chính phủ. Tuy nhiên, tác giả bài báo vẫn quan ngại và viện cớ nếu Orwell còn sống, ông có thể cũng nghi ngờ với những thành quả mang dáng dấp dân chủ đang diễn ra tại đây. Ông sẽ tìm ra những hành vi, ngôn từ hai lưỡi và chỉ ra cho người Miến Điện rằng còn lâu họ mới tới được cuối đường hầm.

Người Rom : họ làm gì ở nơi khác ?
Khách du lịch tới Paris thường được cảnh báo nạn móc túi, ăn xin và lừa đảo, chủ yếu do những băng đảng người du mục Rom. Những nhóm này thường hoạt động theo sự chỉ đạo từ xa của một hay nhiều trùm sò và phải mang một khoản chiến lợi phẩm quy định nếu không sẽ bị ngược đãi. Nhiều phóng sự điều tra đã phản ánh thực tế này. Người Pháp thường e dè về người Rom. Còn « Người Rom : họ làm gì ở nơi khác ? », Le Courrier international tổng hợp một loạt bài của các đồng nghiệp quốc tế để trả lời câu hỏi này.
Từ « Rom » là từ chung được Liên minh Rumani quốc tế và châu Âu sử dụng để chỉ những nhóm người khác nhau, như : người Rom, Kalé, Gitan, Tsigane, Gypsy, Manouche, Sinti… Từ Tây sang Đông Âu, người Rom tập trung thành một cộng đồng, thường bị các chương trình xã hội quên lãng và bỏ qua. Bài báo : « Tại Rumani, một vòng luẩn quẩn đói nghèo », trích lại từ tờ Adevaral (Bucarest), khẳng định người Rom khác biệt và họ không hòa nhập được vào xã hội vì thiếu học vấn. Một phần tư dân Rumani mù chữ là người Rom. Trẻ em bỏ học trước khi lên cấp hai và chỉ 0,5% người Roms có bằng cấp.
Nhiều chương trình giáo dục và hội nhập cho người Rom đã được tổ chức. Nhưng tiền tài trợ của các nước thành viên Liên hiệp châu Âu thường không tới tay người nhận, hoặc bị sử dụng sai mục đích và đầu tư trang thiết bị một cách máy móc. Tác giả nêu ví dụ một trường học được trang bị máy tính trong khi gia đình học sinh còn chưa có điện sinh hoạt.
Bài báo : « Tại Sofia, cái nhìn dập khuôn lệch lạc », trích từ tờ 24 Tchassa (Sofia), đề cập tới tình hình người Rom tại nước láng giềng Bulgari. Hết ngày 31/12/2013, bẩy nước Tây Âu còn lại (trong đó có Pháp và Đức) sẽ phải dỡ bỏ hạn chế quyền lao động trên lãnh thổ của mình đối với người Bulgari và Rumani. Như vậy, công dân hai nước này được quyền tự do sang làm việc tại đây. Thế nhưng, rất ít người Rom tại Bulgari nắm được thông tin trên. Trái với những suy nghĩ dập khuôn, họ không muốn di cư.
Các quốc gia phát triển Tây Âu đang lo ngại phải đối đầu với làn sóng người thất nghiệp và lao động không có trình độ từ Rumani và Bulgari. Trong khi đó, họ lại từng trục xuất những công nhân có tay nghề và có giáo dục, gây thiếu lao động cho ngành công nghiệp. Tác giả bài báo kết luận việc trục xuất người Rom mà Pháp đang thực hiện chẳng giải quyết được vấn đề. Các chương trình chống Bulgari và Rumani chỉ tạo thêm một nạn nhân mới, đó là người Rom. Đi đâu họ cũng gặp khó khăn, chỉ tới khi nào toàn Liên hiệp nghĩ tới họ.
Tờ Vrij Nederland (Amsterdam) thì đề cập tới tình trạng phạm tội của người Rom trong bài : « Tại Hà Lan, các băng đảng tội phạm có tổ chức ». Một giáo sư đại học đã tiến hành điều tra thành phần cấu tạo, cách thức hoạt động, mục đích sử dụng tài sản cướp được của các băng đảng tội phạm Đông-Trung Âu hoạt động tại Hà Lan. Cuộc điều tra đưa ra kết luận là kẻ phạm tội lưu động cực kỳ chuyên nghiệp, có tổ chức, được huấn luyện và ăn trộm theo yêu cầu.
Tiền trộm cắp được chuyển về nước để đầu tư vào bất động sản và xe hơi. Phương thức hoạt động chính là móc túi, trộm đồ trong cửa hàng, ăn cắp xe hơi, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, lừa đảo, ăn trộm và ăn xin. Theo con số của cảnh sát Hà Lan, 21% các vụ trộm trong cửa hàng là do các nhóm trộm lưu động và đứng đầu là các nhóm người Rumani. Khi trả lời câu hỏi của bà : Tại sao không trộm đồ ở Bucarest ? », một tội phạm trả lời : « Không có gì để trộm ở Bucarest ».
Chắc chắn người Rom tại Tây Ban Nha là những người may mắn và hạnh phúc nhất. Bài báo : « Người Gitan ngày càng Tây Ban Nha hơn », trích từ báo El País (Madrid), khẳng định quá trình hội nhập vào xã hội của cộng đồng thiểu số này. Giữa những năm 1980, gần như không một trẻ em người Gitan nào tới trường. Hiện nay, gần như 100% trẻ học xong tiểu học. Số trẻ học xong cấp hai ít hơn, khoảng 80%. Vào năm 1978, 75% người Gitan sống trong các khu ổ chuột.
Hiện nay, chỉ còn 12% sống tại đây và 4% sống tại các trại. Kết quả này là nhờ vào chương trình phúc lợi của nhà nước. Dù được thực hiện tại Tây Ban Nha khá trễ, nhưng dự án không loại trừ một cá nhân nào. Chế độ giáo dục, y tế, nhà ở xã hội và hưu trí tối thiểu được áp dụng cho mọi người, kể cả người Gitan. Điều này đã giúp những người Gitan được hòa nhập, có cơ hội việc làm và thu nhập như những người khác.

Người Nga « khám phá » siêu nợ
Tại các vùng xa xôi, hẻo lánh của Nga, người dân « nghiện » vay tín dụng tiêu dùng. Không am hiểu về các mánh khóe ngân hàng và chịu ảnh hưởng của quảng cáo, những công dân cựu Xô Viết nhầm lẫn giữa vay ngân hàng và trợ giúp của nhà nước. Le Courrier international trích đăng bài « Người Nga "khám phá" siêu nợ » để giải thích rõ hơn hiện trạng phổ biến này. Theo Phòng tín dụng quốc gia, khoản vay của người dân đã tăng lên gần gấp đôi trong vòng hai năm gần đây. Khoảng 34 triệu người, chiếm khoảng 45% dân số lao động, gánh nhiều khoản vay không trả được. Tại một số vùng, gần 100% dân số lao động vay nợ ngân hàng.
Trong cuộc điều tra, phóng viên cho biết người dân vay ngân hàng để mua những sản phẩm rất tầm thường, chứ không phải là những khoản tiền lớn để chữa bệnh, hay phát triển kinh doanh hoặc trả nợ thế chấp. Những người được phỏng vấn đều không hiểu được rằng một khoản vay có thể là một sản phẩm đắt tiền, một dịch vụ tài chính. Phần lớn trong số họ, nhất là tại những thành phố nhỏ hay làng mạc, coi tín dụng tiêu dùng như những khoản trợ giúp của nhà nước. Họ nghĩ chúng là những quỹ tương ái theo kiểu thời Xô Viết và chỉ có một hình ảnh rất mù mờ về phương thức hoạt động của các ngân hàng.
Sự cám dỗ sống « sung túc » trên khả năng tài chính mạnh đến nỗi người Nga không sợ lãi suất cao. Người châu Âu sẽ không vay nếu lãi suất vượt trên 5-6%, trong khi ở Nga, một số người sẵn sàng trả gốc và lãi lên tới 30% tổng thu nhập của họ. Đa số người dân thấy xấu hổ khi nhận ra rằng họ đã phá sản, khi nhớ lại thời « cơn sốt mua sắm », hay lúc từ chối dự toán để vay tiền mua đồ. Hiện giờ, họ trút cơn giận dữ của mình lên chính phủ : « Chính phủ đã đẩy người dân vào cạm bẫy nợ nần bằng việc tạo quá nhiều tín dụng », « chính phủ của chúng tôi có thể xóa nợ của Algeria, giúp đỡ Ai-xơ-len nhưng quan tâm chăm sóc dân của mình, lại là một việc khác. Chúng ta phải tập hợp lại và phải để mọi người nói về chúng ta »…
Từ năm 2010, những người khiếu nại đang chờ luật phá sản cá nhân mà Duma sẽ nghiên cứu và mùa thu này. Tuy nhiên, luật này cũng sẽ không thuận lợi hơn cho cuộc sống của người bị thắt nợ. Theo những điều khoản sửa đổi, một cá nhân sẽ có thể công bố phá sản nếu nợ từ 300 000 rupi (tương đương với 6 900 euros), thay vì khoản nợ ban đầu được đưa ra là 50 000 rupi. Trong số những biện pháp được xem xét để giúp đỡ người bị xiết nợ, « giai đoạn đóng băng », 10 ngày không bị phạt, có thể được đưa vào. Trong khi đó, điều luật này đã rất phổ biến tại châu Âu.

Ở Paris, ai sở hữu gì ?
Sống tại Paris « Kinh đô Ánh sáng » là niềm mơ ước của nhiều người. Giá bất động sản ở đây, đặc biệt tại một số quận « tư sản », thuộc vào diện đắt nhất thế giới. Nhà sử học và cũng là nhà kinh tế học, Patrice de Moncan, vừa xuất bản tác phẩm : « Paris giá trị như nào ? Lịch sử và phân tích sở hữu bất động sản », giúp độc giả có một cái nhìn toàn diện về lịch sử lĩnh vực trên tại thủ đô.
L’Express có cơ hội đọc trước tác phẩm của ông, đồng thời phỏng vấn tác giả trong số tuần này. Tác giả không chỉ nêu danh tính chủ sở hữu của 87 836 tòa nhà tại thủ đô, mà còn nêu giá trị của chúng nhờ hợp tác với Fnaim Paris-Ile-de-France và ngân hàng BNP Paribas Real Estate. Đây là lần đầu tiên toàn bộ di sản của thủ đô được định giá, lên tới 700 tỉ euro, tương đương với GDP của Hà Lan.
Năm 2013, khối tài sản khổng lồ này thuộc về Nhà nước, thành phố, các chủ sở hữu tòa nhà, các tổ chức đầu tư, Nhà thờ và nhất là các nhóm đồng chủ sở hữu. Chỉ riêng nhóm này đã sở hữu tới 48 439 tòa nhà, hơn một nửa số nhà tại thủ đô. Tác giả cho biết, trước Cách mạng, Nhà thờ và giáo sĩ chiếm 55% lượng bất động sản tại Paris, hiện giờ chỉ còn 0,3%. Nhưng diện tích này vẫn lớn gấp hai lần Vatican.
Tầng lớp quý tộc sở hữu 35%, hiện giờ đã biến mất khỏi bảng thống kê. Nhà nước sở hữu 3,2% bất động sản tại Paris dù đã bán đi rất nhiều từ năm 2005. Các tòa nhà và công trình nổi tiếng vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước, như cung điện Louvre, nhà thờ Đức Bà, nhà hát Garnier, rừng Boulogne hay các bến tàu điện ngầm… Sở hữu của thành phố Paris khá đa dạng. Ngoài các bảo tàng, nhà hát, tòa thị chính, rạp hát xây trước năm 1905, thành phố còn có 200 000 nhà ở xã hội và tổng cộng là 7 800 tòa nhà. Thế nhưng, thành phố vẫn chưa dừng tại đây mà đang thực hiện nhiều dự án quy mô khác để tạo thêm 500 nhà ở xã hội.
Giá trị của các quận nội thành cũng được tác giả ước tính. Giá trị nhất là quận 15 trị giá khoảng 73 tỉ euro. Tác giả đưa thêm vài con số ước tính. Theo đó, quận 8 trị giá 52 tỉ euro, quận 12 : 42 tỉ, quận 7 : 38 tỉ, quận 19 : 32 tỉ, quận 6 : 19 tỉ. Các quận nằm ở phía bắc thủ đô tập trung chủ yếu nhà ở xã hội. Tác giả nhận xét dự án « Đại Paris » sắp được triển khai và sẽ biến khu vực ngoại Paris hấp dẫn và đắt hơn nữa.


No comments:

Post a Comment

View My Stats