Nguyễn T Bình
9-10-2013
Tuy “máy móc” còn rất tốt, nhưng vào đề bài viết này, xin
cho tôi được dài dòng chút đỉnh lấy chớn. Tôi dân Sài Gòn chính hiệu có cầu
chứng “gọi cha mẹ là ba má”, không bao giờ dám xưng “bố mày” với
các em hoặc với bất cứ ai – như thói quen sau 1975 của không ít người mình
ngoài Bắc.
Má tôi, một người mẹ VN bình thường, suốt đời tần tảo
nuôi con, tính tình nhân hậu, ngay thẳng, công tâm, công bằng, rất thương con
cái, trong suốt bao năm đất nước nồi da xáo thịt, má tôi tìm đủ mọi cách bảo vệ
tới cùng các núm ruột của mình – nghĩa là trong mắt nhìn của những người nhân
danh “giải phóng dân tộc”, má tôi không thuộc diện “Mẹ Việt Nam Anh
Hùng” chỉ có tiếng mà không có miếng, hòa bình rồi sống quạnh hiu đơn chiếc
hoài nhớ từng núm ruột của mình giờ chỉ là những tấm bằng “liệt sĩ” bất
động trong khói hương “lá vàng khóc lá còn xanh” thật bi thãm.
Má tôi không biết đọc không biết viết, lúc làm căn cước
chỉ biết lăn dấu tay. Nhưng rất ưa nghe radio, coi TV và đặc biệt là nghe được,
nói được tiếng Pháp đúng giọng Parisien. Hể ai thắc mắc thì má tôi trả lời gọn “nhờ
phong kiến thực dân đế quốc nó dạy”. Sau 30/4/ 1975 má tôi buồn nhiều, già
nhanh, tóc bạc trắng, lưng còng sâu hơn. Một phần cũng vì người ta công bố anh
hai tôi chỉ bị tập trung học tập cải tạo 10 ngày thôi, nhưng thực tế anh bị học
tới đúng 17 năm, ngày anh được thả ra thì má tôi đã qua đời, gặp lại nhau việc
đầu tiên anh kêu tôi “em ngồi xuống ghế để cho anh hai lạy em một lạy vì em
đã chịu đại tang má với tư cách con trưởng nam thay anh, anh tư, anh năm”.
Tôi khóc. Anh hai khóc. Cả nhà khóc. Nhưng nhìn di ảnh má tôi trên bàn thờ, tôi
thấy rỏ má tôi đang cười mãn nguyện. Vì lẽ, má tôi chỉ biết dạy dỗ con cái theo
đạo lý truyền thống thường tình của dân tộc, không biết dạy con theo “đạo
đức cách mạng” để rồi 10 đứa hết tối thiểu 5 đứa trở nên hung dữ, hiễm độc,
tỉnh bơ tự xưng “bố mày” với các em, “chúng ông”, “bọn tao”
với người nhiều tuổi hơn.
Trước lúc tắt hơi vĩnh biệt cuộc đời, không hiểu sao má
tôi trở nên tỉnh táo lạ lùng khi gọi các con đến căn dặn “anh chị em bây
phải hết lòng thương nhau, chín bỏ làm mười, hết chiến tranh rồi nhưng thời
cuộc còn nhiểu nhương lắm, phải cố giữ cho được ngôi nhà chung này, đừng hỏa
thiêu má vì má rất ghét chiến tranh nên sợ lữa, không được nhận tiền điếu của
bá tánh, bởi mọi nợ nần trần gian má đã trả xong, má biết mắc nợ gì cũng khổ,
má không muốn làm cho tụi con bị mắc nợ”. Dặn dò chu đáo đâu đó xong má tôi
ra đi. Hơn 23 năm đã trôi qua, tôi luôn ghi lòng tạc dạ lời má căn dặn trước
lúc đi xa. Đối với tôi, má là “tổng tư lệnh tối cao” duy nhất trong suốt
cuộc hành trình làm người.
Bởi vậy, hôm nay
ngày 8/10/ 2013, theo dõi nhiều nguồn thông tin, cũng như nhiều động
thái xã hội diễn ra xung quanh, tôi càng thấm thía lời má căn dặn “hết chiến tranh rồi nhưng thời
cuộc còn nhiểu nhương lắm”. Đúng là vậy. Sau cái chết của ông Võ Nguyên Giáp, tôi đã viết
hai bài tạm gọi là “bình luận” với cái nhìn khách quan tối đa đăng trên trang
mạng điện tử. Tôi tưởng vậy đủ rồi. Nhưng vì ông Giáp tắt thở vào chiều ngày 4/10 nhưng phải chờ tới chiều
ngày 13/10 thân xác ông mới thật sự được về với đất mẹ – đây có lẽ cũng
là một “đặc ân” dành riêng cho “cán bộ lãnh đạo cấp cao”, vì theo
qui định hiện hành của nhà nước CHXCNVN, nhà dân nào có đám tang để quá 3 ngày
đêm coi như vi phạm, bị xử phạt hành chính. Do vậy, tình trạng nhiểu nhương,
nhiểu sự xung quanh cái chết của ông Giáp vẫn cứ tiếp diễn, khiến nhiều người
có chút ăn học, biết phép lịch sự đã không cười, không muốn cười và không dám
cười trong không khí của bất cứ đám tang ai, nhưng đã buộc phải cười, không thể
không cười.
Thật là khổ cho
ông Giáp, chết rồi mà hồn vẫn chưa yên bởi đảng, chiến hữu, đồng hương, con
cái. Đối với bất kỳ cái chết nào tôi đều mong sao “chết là
hết”, “chết là về”, “chết là được giải thoát”. Thậm chí tôi
quan niệm, người già mà “bất đắc kỳ tử” hoặc “đột tử” là phước đức ông bà để
lại nên mới được “tàn mà không tạ”, không làm phiền hà người xung quanh. Ông
Giáp không được vậy. Có lẽ vì ông là đại tướng,
suốt hàng chục năm trường thống lỉnh ba quân tướng sĩ “quyết tử cho tổ quốc
quyết sinh”, do vậy, dù muốn hay không và dù cho các đồng chí, chiến hữu,
chiến binh của ông đã và đang ra sức biện minh ông là “vị tướng của hòa
bình, tràn trề nhân từ, bác ái” cách mấy đi nữa thì nhắc tới ông đương
nhiên là nhắc tới chiến tranh. Không có chiến tranh làm sao có đại tướng Võ
Nguyên Giáp ? Mà chiến tranh là gì, nếu đó không phải là máu đổ lệ rơi,
chết chóc tan thương, đổ nát hoang tàn, khăn tang trắng xóa đất trời ? Việc đại
tướng Võ Nguyên Giáp có cầm quân tấn công theo chiến thuật “hải nhân”
(biển người) của Mao Trạch Đông hay không, thiết nghĩ tự ông biết rỏ hơn ai hết
và có lẽ trong 1559 ngày đêm nằm liệt giường tại khoa A11 bệnh viện quân đội
cao cấp 108 giữa lòng thủ đô Hà Nội ông đã “thành khẩn kiểm điểm” với
chính lương tâm mình.
Nhưng luật nhân
quả thiệt là ghê gớm, không ngoại trừ bất kỳ ai. Đã là tướng thông thường ít đeo súng hoặc chỉ đeo súng chứ hiếm khi cầm
súng, bóp cò. Nhưng “xác cha máu mẹ” của ba quân ngã xuống, chảy ra bao
nhiêu, nhiều hay ít, tướng phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước tiên, hàng
đầu. Huống chi ai cũng biết chiến tranh và hòa bình là hai trạng thái đối
nghịch nhau tuyệt đối, xét mọi mặt. Báo chí lề đảng mấy ngày nay cho
rằng ông Giáp là “tướng của hòa bình” theo lập luận giống như lập luận
của ông TBT 2 năm Lê Khả Phiêu trong bài phát biểu khi tiếp chính thức Tổng
thống Bill Clinton vào năm 2001, rằng “Việt Nam đâu có mang quân đánh nước
Mỹ đâu, nhưng Mỹ đã mang quân đánh Việt Nam, do vậy Việt Nam buộc phải đánh
lại” (đăng nguyên văn trên báo Tuổi Trẻ TpHCM, tôi nhớ đại ý như vậy). Đúng
là thượng tướng Lê Khả Phiêu, TBT 2 năm của đảng. Trong thực tế không có “tướng
hòa bình”, chỉ có “tướng bàn giấy” mà ngày nay hay gọi là “tướng
phòng lạnh”. Bao năm
đề cao liên tục sự tích hàng vạn người tự nguyện “quyết tử cho tổ quốc quyết
sinh” dưới sự “chỉ huy tài ba” của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nay lại
cho rằng tướng Giáp là “vị tướng của hòa bình” cầm bằng còn hơn tố ông
Giáp trước sau chỉ là “tướng bàn giấy”. Đúng là “độc thoại” miết
quen tật không thể nào nhận ra cái dỡ, cái bậy, cái sai và thậm chí cả cái ngu
của bản thân. Chả trách trong dân chúng gần đây xuất hiện câu “ngu mà nguy
hiểm” !
Trên đất nước VN bao năm qua có nhiều điều phi lý, nhưng
có 1 điều phi lý dường như ít ai chú ý. Đó là, bất kỳ cấp lãnh đạo nào mở miệng
ra đều nói đất nước mình còn nghèo, nhân dân mình còn nhiều người khổ, đảng và
nhà nước, chính phủ, chính quyền, cấp ủy các cấp luôn nổ lực lo cho người dân. Nói miết mấy chục năm như vậy có nghĩa là – như lời một lảo nông ở tỉnh
Đồng Tháp đã phát biểu “tụi nó đéo làm được tích sự gì cho dân cho nước, chỉ
toàn tham ăn cố xực, kéo bè kết phái vinh thân phì gia”. Thế nhưng, mỗi khi
có “đồng chí cấp cao” nào lìa đời là y như rằng báo chí lề đảng đăng bài
kể lể toàn là thành tích trên cả bình thường. Chưa nói không ít trường hợp định
kỳ căn cứ theo ngày sinh hoặc ngày chết được đảng tổ chức hội thảo “khoa
học” “tìm hiểu thân thế sự nghiệp”, kết quả ứng dụng đâu không thấy,
chỉ thấy tiền dân đóng thuế bị coi như tiền chùa, xài thoải mái. Chắc chắn ông
Giáp, đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng sẽ được đảng tổ chức hội thảo “khoa học”
“tìm hiểu thân thế sự nghiệp” trong một ngày không xa.
Trước mắt, không ít người vừa đọc báo lề
đảng vừa đọc báo lề dân đang bàn tán “ông Giáp được các đồng chí mình ca
tụng là thiên tài quân sự, nghĩa là bộ óc của ông phải thần sầu quỷ khốc, nhìn
xa trông rộng, tính toán chắc cú, đánh trận nào thắng trận đó, đánh chắc thắng
chắc”. Vậy, xin hỏi vì sao ông đã không sắp xếp ổn thỏa trước trong
gia đình, cũng như đối với đảng ta về chuyện hậu sự của ông, trong khi ai cũng
biết ông lìa đời chẳng phải do “đột tử”, mà ngược lại ông có tới 1559 ngày đêm
chờ đợi cái chết trong sự minh mẫn, tỉnh táo cao độ như báo chí lề đảng mấy năm
qua đưa tin ? Có phải vì ông cũng giống như nhiều đồng chí mình quen sống được
đảng, nhà nước “bao cấp” tận răng, còn người dân nhăn răng mặc kệ tụi
bây ?
Bởi vậy, ông vừa tắt thở, có kẻ xưng danh trí thức vô
cùng kính trọng “cụ Giáp” nhào ra “cầm đèn chạy trước ô tô” gào thét
trên mạng đòi đảng, nhà nước, chính phủ ta phải tổ chức quốc tang, tổ chức quốc
tang cho “cụ Giáp”. Trong khi các “bình luận gia vĩa hè” ở phương Nam
ngay từ đầu đã nhìn thấu qua miền Trung tới tận miền Bắc mà phán đoán rằng “chắc
chắn là quốc tang, bởi chế độ được lập nên chủ yếu từ hai chiến thắng quân sự
Điện Biên Phủ 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975, trong đó công lao
đại tướng Giáp đứng hàng đầu, vấn đề chờ xem tiếp là nội tình gia đình và nội
bộ các chiến hữu, đồng hương của tướng Giáp”
Qua các “bình luận gia vĩa hè” phương Nam tuy không khoa bảng nhưng đầy
kinh nghiệm thực tiển. Có lẽ, cho dù bị xỉ mạ là “ngụy” dài dài suốt 38 năm
qua, nhưng không ai thuộc diện “oải nhân” hoặc “oải nhân khán trường”
(muốn biết nghĩa xin xem Từ Điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức, trang 1264). Ông
Giáp lìa đời ở tuổi đại thọ, không để lại di chúc. Thế là cái chết của ông trở
nên nhiểu sự, không phải từ những cuộc bình luận đương nhiên phải có đối với
một người đã được xác định thuộc về đám đông (hiện nay quen gọi là người của công chúng), mà nó đã đến từ trong gia đình
và trong các chiến hữu, đàn em, đàn cháu đồng hương đồng khói Quảng Bình của
ông. Nói cụ thể, gia đình ông Giáp muốn được an táng ông tại Vũng Chùa – đảo
Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nhưng chiến hữu,
đồng hương cùng xã “cha sinh mẹ đẻ” An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng
Bình với ông lại muốn an táng ông tại xã này “để bà con hàng ngày hương
khói, trăm năm tưởng nhớ, ngàn năm nhớ tưởng” !!?
Đọc trên mạng nội dung phản đối, tranh chấp của các chiến
hữu, đồng hương ông Giáp xung quanh địa điểm an táng ông, bà con cô bác phương
Nam không muốn cười cũng phải cười. Mấy cha nội này toàn là văn nhân thi sĩ tỏ
ra vô cùng “thần tượng” ông Giáp, nhưng vô tình hay hữu ý đã làm giãm
giá trị, tính chất quốc tang mà chính các cha nội này đã mong muốn được đảng,
nhà nước, chính phủ dành cho ông Giáp. Rỏ ràng thêm
một lần nữa có thể nói đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chết rồi mà hồn vẫn chưa
yên. Sống bị khổ vì
đồng chí. Chết bị khổ vì đồng hương. Có phải bởi ông Giáp là đại tướng nên
nghiệp chướng quá nặng, quá nhiều chăng ? Cuối cùng, sáng nay báo chí lề
đảng đưa tin gia đình tướng Giáp và Ban lễ tang nhà nước thống nhất an táng ông
tại Vũng Chùa- đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào
ngày 13/10/2013 – ngày Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường thăm Việt Nam nhằm mục đích “thắt
chặt mối quan hệ hợp tác toàn diện,đối tác chiến lược giữa hai nước XHCN
anh em TQ – VN” !!?
Coi mòi làm lãnh đạo, tướng lĩnh cấp cao ở Việt Nam tưởng
dễ mà khó. Bởi chế độ toàn trị, chỉ khoái “độc thoại”, không ưa “đối
thoại” đẻ ra quá nhiều “oải nhân” và “oải nhân khán trường”.
Các văn nhân trí thức chiến hữu đồng hương Quảng Bình với ông Giáp chắc chắn
rất khoái bất cứ ai đề cao ông là “đại tướng của toàn dân”. Thế mà chỉ
vì cái chỗ ông yên giấc ngàn thu cũng quyết liệt sử dụng chữ nghĩa nhân danh “ý
nguyện lòng dân” để tranh chấp với chính vợ con thân nhân ruột thịt của ông
– những người xét về đạo lý và pháp lý có toàn quyền quyết định an táng chồng,
cha, ông của mình ở đâu và đương nhiên họ phải chịu trách nhiệm đối với quyết
định của họ. Huống chi
thực tế đã cho thấy ông Giáp suốt đời tận trung với đảng, tận trung đến hơi thở
cuối cùng, vậy
thì nếu đảng chủ động quyết định hậu sự cho ông không cần hỏi ý kiến ai, cụ thể
chôn ông ở đâu chẳng hạn, là điều dễ hiểu, nếu không nói cũng hợp ý ông Giáp.
Cho rằng ông Giáp là “đại tướng của toàn dân”, nhưng toàn dân không giành, không tranh chấp, tại sao một số cá nhân lại xúm nhau giành ? Đúng là quái đản. Cùng là Quảng Bình với nhau, chỉ khác huyện
thôi, mà đao to búa lớn kịch chiến đến vậy chỉ vì chút tên tuổi của người vừa
khuất, liệu đối với chuyện quốc gia đại sự thì sao nhỉ ? Đã mạnh dạn đặt vấn đề
nếu chôn ông Giáp ở Hà Nội thì “chúng tôi không phản đối”. Vậy, tại sao “chúng
tôi không mạnh dạn đề xuất với đảng để ông Giáp nằm cạnh cụ Hồ luôn một thể cho
thầy trò mãi mãi bên nhau không bị ai chia lìa” ? Không biết nghệ sĩ
lừng danh Văn Hường năm xưa chuyên ca cổ bài “Đắc Kỷ Ho Gà” còn
hay mất, nếu còn xin anh ráng lấy sức già giả giọng Đắc Kỷ nhõng nhẻo với Trụ
Vương trong câu “xí lắc léo thiếp không còn mong chi sống nữa” ở đoạn
Đắc Kỷ đòi ăn trái tim của một vị tướng tài , nhưng Trụ Vương không chịu, thế
là Đắc kỷ làm mình làm mẫy – để cho mọi người nghe chơi anh Văn Hường !
No comments:
Post a Comment