Monday, 21 October 2013

CÁC VIỆN KHỔNG HỌC LÀ CÔNG CỤ NGOẠI GIAO CỦA TRUNG QUỐC HAY NHỮNG CON NGỰA THÀNH TROIA ? (Michael Ardaiolo - Exchange Diplomacy)




Michael Ardaiolo

Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Hai, 21/10/2013

Vào ngày 21 tháng Mười một 2004, Viện Khổng học đầu tiên đã mở cửa tại Seoul, Hàn Quốc. Sự thành lập này đã được sắp xếp, cũng như mọi khía cạnh của quá trình ngoại giao công chúng của một chính phủ Trung Quốc ngày càng tự tin. Ví dụ như vùng bán đảo Triều Tiên, từng có một lịch sử lâu dài gắn bó vớ hệ tư tưởng, xã hội và quan lại của Khổng giáo. Ý nghĩa hơn nữa là trước cuộc chiến tranh Trung - Nhật 1894-5, Triều Tiên là một phần của đế chế phong tục văn hoá Trung Hoa. Trên thực tế, nó là bộ phận cuối cùng bị tan rã. Như thường vẫn làm, chính quyền Trung Quốc nhìn lại đấy như là một cách thức để thể hiện đà đi lên mới có của mình. Họ xem Viện Khổng học Seoul như là một bước quay lại, như Don Starr (Học giả nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Đại học Durham - ND) “câu lạc bộ các nước thuộc thế giới thứ nhất sau một thế kỷ nằm ở vị thế bán thuộc địa và 50 năm thành viên của khối thế giới thứ ba.” Trung Quốc đang gửi một thông điệp đến thế giới rằng nó đã quay lại trong tư thế một cường quốc quan trọng.

Từ những năm sau đấy, kinh tế Trung Quốc đã tăng từ vị trí thứ năm trên thế giới đến hiện tại chỉ đứng sau Hoa Kỳ, một vị trí tạm thời nếu ta tin vào dự đoán. Sự tăng trưởng mau chóng này đã được xem như là một đe doạ đối với thế giới mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, vẫn thường kêu gọi “hoà bình và phát triển” và “một thế giới hài hoà”. Trong việc theo đuổi những vai trò đầy tham vọng trong vị thế lãnh đạo khu vực và xây dựng cơ chế quốc tế cũng như tăng cường quá trình hiện đại hoá và hoà nhập vào cộng đồng toàn cầu, chính quyền Trung Quốc đã xoay sang việc khai thác văn hoá chiến lược truyền thống như là biện pháp để đạt được quyền lực mềm. Viện Khổng học, được thiết kế theo khuôn mẫu của những học viện tương tự như Alliance Française của Pháp hoặc Viện Goethe của Đức, là phương tiện để truyền tải thông điệp này.

Theo trang mạng chính thức của nó, khuôn mẫu Viện Khổng học - khởi đầu được thiết kế, quản lý và tài trợ bởi chính quyền Trung Quốc - được thành lập để phục vụ một số mục tiêu: để phát triển các lớp dạy ngôn ngữ Trung Quốc cho những thành phần khác nhau trong xã hội; để đào tạo các giáo viên dạy tiếng Trung cho các học viện địa phương và cung cấp cho họ những nguồn tham khảo về tiếng Trung; để thiết lập các cơ sở nhằm phục vụ việc tổ chức các kỳ thi HSK (khảo thí trình độ tiếng Trung ) và để quản lý những thủ tục cấp chứng chỉ giáo viên tiếng Trung; để cung cấp các dịch vụ thông tin và tham vấn liên quan đến các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, kinh tế và xã hội Trung Quốc; và để quảng bá những nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại.

Việc mở rộng các Viện Khổng học đi song song với sự tăng trưởng kinh tế và vị thế toàn cầu của Trung Quốc. Cho đến tháng Bảy 2013, đã có 327 Viện Khổng học ở hơn 90 quốc gia và khu vực. Quản lý các Viện Khổng học là Văn phòng Uỷ ban Quốc tế về Tiếng Trung Quốc, gọi tắt là Hán Ban. Đây là một tổ chức quần chúng phi lợi nhuận được quản lý bởi một nhóm người xuất thân từ các bộ của chính phủ, bao gồm Hội đồng Nhà nước, Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá. Sự liên hệ với chính quyền Trung Quốc khiến cho các Viện Khổng học bị chỉ trích. Các Viện Khổng học được thiết lập với khuôn mẫu đối tác - một mối hợp tác giữa Hán Ban, một trường Đại học Trung Quốc và một trường Đại học nước ngoài - đặc biệt là tâm điểm của những quan ngại về quyền tự do giáo dục. Ví dụ như nếu các chủ đề mang tính nhạy cảm đối với chính phủ Trung Quốc - Tây Tạng, Đài Loan, quân đội Trung Quốc, Pháp Luân Công - được đưa ra tại Viện Khổng học nằm trong khuôn viên Đại học Kentucky thì liệu các học sinh và giáo sư được phép thảo luận không?

Những quan ngại này đã được đề cập đầy đủ trong điều trần của Steven Mosher, chủ tịch Học viện Nghiên cứu Dân số, tại phân ban Theo dõi và Điều tra thuộc tiểu ban Ngoại vụ Hạ viện Hoa Kỳ vào năm 2012:
Các Viện Khổng học được giải thích là những học viện phi lợi nhuận cùng hướng với chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc với mục đích là khuếch trương ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc, cũng như tạo điều kiện cho những trao đổi văn hoá. Mục đích có vẻ là vô hại này đã không đề cập đến một số những mục đích hiểm độc và nổi bật khác, cụ thể là làm trong sạch hình ảnh Trung Quốc ở nước ngoài, nâng cao “quyền lực mềm” của mình trên thế giới và tạo ra một thế hệ những người theo dõi tình hình Trung Quốc mới gần gũi với chế độ Cộng sản độc tài.

Tôi tin rằng bất chấp những lời lẽ của những người ưa cảnh báo như trên, thì hệ thống Viện Khổng học có tiềm năng để trở thành một nỗ lực ngoại giao công chúng hữu hiệu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hán Ban cần phải thực hiện những bước sau để bảo đảm các Viện Khổng học được xem là có uy tín trên toàn thế giới. Trước tiên, Hán Ban cần tách mình và tổ chức các Viện Khổng học xa hơn nữa khỏi chính quyền Trung Quốc, ngay cả khi nó đã tự nhận mình là “một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận có liên hệ với Bộ Giáo dục Trung Quốc.” Cơ chế mới này có thể được tài trợ bởi các đại học Trung Quốc, từ lệ phí thu từ thành viên, từ lợi nhuận có được từ việc bán các sách vở và tài liệu, cũng như khoản cung cấp dành cho giáo dục của chính quyền được xin một cách chính thức và không thiên vị. Hán Ban nên tách xa ra khỏi chính quyền càng nhiều càng tốt. Dù mọi tai tiếng sẽ không hoàn toàn bị xóa hết, nó cũng giúp dẹp bỏ quan điểm rằng nhà nước Trung Quốc đang sử dụng các khuôn viên Viện Khổng học như một phương tiện để phát triển điều mà phương tây lên án là tuyên truyền, để thực hiện những hoạt động tình báo, và để kiểm duyệt những chủ đề nhạy cảm. Các trường đại học không phải của Trung Quốc sẽ bớt ngần ngại trong việc hợp tác trực tiếp với các đại học Trung Quốc, qua đó làm tăng vị trí của các trường Trung Quốc trong hệ thống giáo dục toàn cầu, trong khi đo tiếng Quan Thoại và văn hoá Trung Quốc có thể được quảng bá và phát tán mà không bị trói buộc vào những hành động của chính quyền trong quá khứ.

Ví dụ như ngành dạy Tiếng Anh như một Ngôn ngữ thứ Hai (English as a Second Language - ESL) tại Đông Á. Có hàng chục nghìn trường ESL rải rác khắp khu vực. Đại đa số là không phụ thuộc vào bất kỳ chính phủ nào và tạo lợi nhuận rất đáng kể. Khi cha mẹ ghi danh cho con học các lớp ESL, họ không xem đấy như là một hoạt động tuyên truyền của Mỹ mà là những phương tiện dể chuẩn bị cho con cái mình bước vào thế giới toàn cầu hoá. Tuy nhiên, một số lớn các giáo viên ESL tại Đông Á đến từ Hoa Kỳ. Thêm vào đấy, tiếng Anh ngày nay gắn liền với những hình ảnh của Hoa Kỳ và giấc mơ Mỹ. Vì thế, hệ quả là trẻ em theo học các lớp ESL thường được tiếp cận nhiều với tư tưởng và văn hoá Mỹ cũng như cách phát âm kiểu Mỹ. Đây là một hoạt động ngoại giao công chúng không tốn kém của chính quyền Hoa Kỳ. (Thay thế các giáo viên Mỹ với giáo viên Anh Quốc hoặc Úc hoặc Ấn Độ, và hiệu quả vẫn tương tự cho các quốc gia ấy.)

Một tổ chức các Viện Khổng học độc lập có thể hoạt động để thiết lập nền tản cho một chương trình Tiếng Trung như một Ngôn ngữ thứ Hai (CSL). Chính quyền Trung Quốc không được quyền điều khiển tư tưởng của ngành này - rõ ràng là một viên thuốc đắng khó nuốt - nhưng nó sẽ có hiệu quả hơn cho ngoại giao công chúng của Trung Quốc hơn bất kỳ chương trình nào do nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Nhiều người sẽ trở nên quan tâm hơn vào tiếng Quan Thoại và văn hoá Trung Quốc, từ đó sẽ làm họ hào hứng để thăm viếng và du học ở Trung Quốc hơn.

Có thêm các Viện Khổng học tại nước ngoài, vừa độc lập lẫn hợp tác với các trường đại học cũng sẽ tạo lợi ích cho các quốc gia chủ nhà. Các nhân viên điều hành và giáo viên sẽ có được những kinh nghiệm trực tiếp khi làm việc và sinh sống tại quốc gia chủ nhà. Từ đó họ sẽ chia sẻ những kỷ niệm tích cực với mạng lưới bạn bè của mình tại Trung Quốc. Các Viện Khổng học, nếu được độc lập về quản lý và nội dung, sẽ có thể trở thành một phương tiện trao đổi thông tin song phương đối xứng, đấy cũng là mục tiêu tối thượng của chính sách ngoại giao công chúng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats