Một câu hỏi được đặt ra bởi Karl Marx, sau đó được
nối tiếp bởi các đàn em từ Lénine qua Staline tới Mao, Lưu thiếu Kỳ, Hồ chí
Minh, Lê Duẫn, là: "Cuộc tranh hùng tư bản - cộng sản, ai thắng ai?".
Câu trả lời của người cộng sản, bắt đầu từ Marx, là người cộng sản chắc
chắn sẽ thắng.
Có người cho rằng cuộc tranh hành hùng này, dưới
hình thức Chiến tranh Lạnh, đã chấm dứt với sự sụp đổ của Liên sô. Có ý kiến
lại cho rằng Chiến tranh Lạnh vẫn chưa chấm dứt, vẫn tiếp tục với cuộc tranh
hùng Hoa kỳ - Trung cộng, Hoa kỳ - Nga, điểm nóng mới đây với vấn đề vũ khí hóa
học ở Syrie. Và câu hỏi vẫn tiếp tục, đó là: “Trong cuộc tranh hùng này, ai sẽ
thắng ai?”
Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề trên từ đầu
cho tới ngày hôm nay.
Cộng sản, nếu chúng ta lấy mốc thời gian là năm
1848, khi quyển Tuyên Ngôn thư Đảng cộng sản, viết bởi K. Marx, được xuất bản ở
Anh vào năm này, cho tới nay là 165 năm; nếu chúng ta lấy mốc thời gian là năm
1917, khi Lénine cướp được chính quyền ở Nga, thì là 96 năm. Trong thời gian
đó, có nhiều biến cố lịch sử đã xảy ra, và quả thực trong đó có cuộc tranh hùng
tư bản và cộng sản.
Theo lời tiên tri của Marx và những người cộng sản,
thì tư bản chắc chắn sẽ thua. Karl Marx viết: "Vũ khí mà giai cấp tư
bản dùng để hạ bệ chế độ phong kiến sẽ quay trở lại chống họ ngày hôm nay. Giai
cấp tư bản không những tạo ra những vũ khí tiêu diệt họ, mà còn tạo ra những
người xử dụng vũ khí này: thợ thuyền hiện đại, giai cấp vô sản" (K.
Marx - le manifeste du Parti communiste -trang 27 - Nhà xuất bản Union générale
d’editions - Paris 1962).
Từ đó Marx đưa ra tư tưởng cách mạng tất yếu, không
thể tránh được, theo đó, trong xã hội tư bản, giai cấp chủ ngày càng ít và càng
giàu, giai cấp thợ ngày càng đông và càng nghèo; hố ngăn cách giàu nghèo ngày
một lớn, tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng.
Marx cho rằng cách mạng cộng sản sẽ xảy ra ở những
nước kỹ nghệ tân tiến, vì chỉ ở những nước này mới có giai tầng thợ thuyền. Lúc
đầu Marx hy vọng ở Anh, sau đó quay sang Đức. Nhưng Marx (1818 – 1883) chờ đợi
cách mạng cho tới khi chết. (1)
Ba mươi bốn năm sau, Lénine cướp chính quyền ở Nga,
thực hiện lý thuyết của Marx, vì vẫn tin tưởng cách mạng cộng sản tất yếu, vẫn
nghĩ rằng cộng sản sẽ thắng tư bản. Lénine viết: “Tụi tư bản vừa ngu lại vừa
tham. Chúng ngu và tham ở chỗ, người ta mua dây thừng để treo cổ chúng, thế mà
chúng vẫn sản xuất và bán cho người ta.”
Chính vì vậy mà Lénine đã thành lập ra Đệ Tam Quốc
Tế Cộng sản vào tháng 3 năm 1919, cho rằng Đệ Nhị Quốc tế Cộng sản, được thành
lập trước đó vào tháng 7 /1889, bởi những đảng Xã hội, Dân chủ Xã hội, với
những người như Bernstein, Kautski, Lassalle, đã bị đầu độc bởi tư bản; vì Đệ
Nhị, mặc dầu vẫn giữ tư tưởng giai cấp, nhưng bãi bỏ quan niệm độc tài vô sản
của Marx, điều mà Lénine chống lại.
Đệ Nhị sau trở thành Quốc tế Xã hội (Internationale
Socialiste), từ năm 1939, như chúng ta thấy ngày hôm nay.
Lúc đầu Lénine nghĩ rằng có thể làm cách mạng ở Âu
châu, nhưng những cuộc nổi dậy ở Âu châu như ở Đức năm 1919, ở Hung gia Lợi năm
1918, đều thất bại. Lénine nghĩ ra phương pháp xuất cảng cách mạng sang những
nước chậm tiến, qua câu nói ở Đại hội của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản kỳ IV: "Cách
mạng cộng sản sẽ qua cửa ngõ Tân đề ly (Ấn độ), Bắc kinh (Tàu), rồi mới tới
Paris và Luân đôn". Rồi Lénine chết năm 1924.
Ở đây, tôi không nói nhiều đến những cuộc đấu đá nội
bộ trong đảng cộng sản Liên sô. Chúng ta chỉ nên biết là Đảng và Nhà nước do
Lénine lập ra, mà bà Rosa Luxembourg, người của Đệ Nhị, bạn của Lénine, đã viết
cho ông, ngay từ lúc đầu vào năm 1919: "Cái Đảng và Nhà nước mà Anh (tức
Lénine, lời tác giả bài này) lập lên, Anh bảo là để phục vụ thợ thuyền và
nhân dân. Nhưng trên thực tế, nó chẳng phục vụ một ai, vì nó đã đi ngược lại
những nguyên tắc căn bản của xã hội chủ nghĩa: đó là tôn trọng tự do và dân
chủ."
Cái Đảng và nhà nước này nó còn là một chiến trường
để những người cộng sản đấu đá, thanh trừng, giết hại nhau, ngay từ cuối đời
Lénine.
Thật vậy, Lénine chết vào năm 1924, nhưng từ những
năm 22, 23, Lénine đã bệnh nặng, liệt nửa người, do mắc bệnh giang mai, đã ăn
sâu vào hệ thần kinh và óc, mà lúc đó chưa có thuốc trụ sinh, người ta chỉ chữa
cầm chừng, giảm đau qua việc cho uống "độc dược". Người lo chăm nom
Lénine, không ai hơn là Stalin, lúc đó đang làm thư ký đảng. Khi Staline biết
rằng Lénine không còn tin mình nữa, đang tìm cách loại mình ra khỏi Trung Ương
Đảng, thì Staline đã cho Lénine uống liều độc dược cao, đưa đến cái chết. Đây
là chính vợ của Lénine tố cáo. Sau khi Lénine chết những cuộc cuộc đấu đá trong
Đảng không ngừng xảy ra. Đầu tiên là đấu đá giữa Staline và Trotski, sau đó đến
những cuộc thanh trừng nội bộ do Staline thực hiện, đưa đến việc loại trừ 90%
những người trong Trung Ương Đảng, 90% sĩ quan cao cấp trong quân đội, đưa đến
20 triệu người chết (theo Stéphane Courtois, Nicolac Werth v.v... - Le
livre noire du communisme - Crimes, terreur, répression - trang 8 - nhà xuất
bản Robert Laffont - 1997 - Paris).
Trở về cuộc tranh hùng tư bản - cộng sản, chúng ta
nên nhớ là ngay sau khi Lénine cướp được chính quyền thì Anh, Pháp, Mỹ, Hoa kỳ
v.v... gửi quân đến Nga giúp đỡ những người Bạch Nga, nhằm lấy lại chính quyền,
nhưng thất bại, đi đến sự hòa hoãn tư bản - cộng sản. Bởi lẽ đó, Liên sô đã ký
Hiệp Ước thân thiện, buôn bán với Anh năm 1921. Ngay thời điểm này, Lénine đã ý
thức rõ sự không tưởng của lý thuyết Marx, trong thời gian áp dụng lý thuyết
này 3 năm từ 1918 đến 1921, đưa đến nạn đói, vì sự phản đối của dân, vì cảnh "Cha
chung không ai khóc. Ruộng chung không ai cày. Nhà chung không người chăm
sóc". Chính vì vậy mà Lénine đã phải cho ra Chính Sách Kinh tế mới
(NEP). Lénine còn nghĩ mình sai lầm qua việc cho Đảng đứng trên mọi tổ chức,
ngay cả trên Nhà nước và Quân đội, mà lúc đó người nắm nhà nước và quân đội là
Trotski; và người nắm đảng là Staline. Chính vì vậy mà Lénine muốn loại bỏ
Staline lúc sau này, nhưng không kịp, thì chết. Từ đó sự đấu đá giữa Trotski và
Staline đã được định sẵn là Trotski thua, vì Staline nắm Đảng, cao hơn mọi tổ
chức.
Tình hình thế giới lúc bấy giờ, ngoài sự thanh trừng
đẫm máu ở Liên Sô, người ta phải kể đến sự lên nắm quyền của Phát xít Ý, của
Mussolini vào năm 1923, và của Phát xít Hitler vào năm 1933 ở Đức.
Rồi
Đại Chiến thứ Nhì (1939 – 1945) xảy ra.
Trong thời gian đại chiến, sự hợp tác tư bản - cộng
sản lại xảy ra qua việc hợp tác Hoa kỳ, Anh và Liên sô để diệt Phát xít. Sau
khi đại chiến chấm dứt, thì chiến tranh giữa tư bản và cộng sản lại tái diễn,
dưới hình thức Chiến tranh Lạnh.
Có người nói Chiến tranh Lạnh bắt đầu từ năm 1947,
khi Churchil, Thủ tướng Anh, đọc bài diễn văn ở một đại học Hoa kỳ nói rằng: "Bức
màn sắt đã buông xuống ngăn chặn 2 thế giới tự do và cộng sản". Nhưng
thực ra thì Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu ngay lúc còn Đại Chiến thứ Nhì, ngay
sau khi Hội Nghi Yalta, họp từ ngày 4 đến ngày 11/2/1945, gồm có Roosevelt,
Staline và Churchill; vì trong Hội Nghị này, Roosevelt đã nhượng bộ Staline quá
nhiều, như nhiều người sau này than trách, và ngay sau hội nghị, trước khi chết
vào ngày 12/4/1945, 2 tháng sau khi dự Hội nghị, qua những bức thư của
Roosevelt gửi cho vợ và bạn bè thân, theo đó, ông đã bất mãn, vì nhận thấy rằng
Staline đã đồng ý trên lý thuyết ở bàn hội nghị, nhưng trên thực tế làm hoàn
toàn trái lại. Chỉ lấy thí dụ điển hình là nước Ba Lan, theo nguyên tắc, thì
sau khi thoát khỏi Đức Quốc xã, phải có một cuộc bầu cử tự do để chọn ra người
đại diện cho dân tộc này. Nhưng Staline đã ngầm giúp đỡ đảng cộng sản, xúi dục
đảng này nổi lên cướp chính quyền. Không những thế, khi tràn quân sang Ba lan, Staline
còn cho quân đội Liên sô ăn mặc giả dạng quân đội phát xít, tìm cách thủ tiêu
hơn 20 000 sĩ quan quân đội quốc gia Ba lan chống Đức. Sự kiện này chính
Gorbatchev, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên sô, tiết lộ sau này.
Có người còn cho rằng Chiến tranh Lạnh bắt đầu ở Hội
Nghị Potsdam, họp từ ngày 17/7 đến ngày 2/8/ 1945, giữa Truman, Staline và
Churchill, qua 2 sự việc:1) họ cho rằng tại hội nghị này, người Cố vấn cho Tổng
thống Truman là ông Paul Nitzé, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia và cũng là tác
giả của Chiến Lược Be Bờ (Containment Policy) suốt trong thời Gian Chiến tranh
lạnh, đã suy nghĩ về chiến lược này, ngay trong hội nghị; 2) Sự việc thứ hai đó
là chính trong Hội nghị này, Truman đã báo cho Staline về việc Hoa kỳ có bom
nguyên tử.
Thật vậy, Paul Nitzé đã mang theo quyển truyện Trại
Xúc Vật (Animal Farm) của nhà văn hào người Anh Georges Orwells, cũng là quyển
sách gối đầu giường của ông; và có người nói rằng chính ông đã đưa cho Staline
đọc.
Theo quyển truyện, và người đọc nhận ra rằng nhà văn
hào Anh này đã chỉ trích và nhạo báng cộng sản. Theo đó, trong một trại súc vật
nọ, nào là heo, gà, trâu, ngựa v.v... có một con heo già kia, mà người ta đoán
ngay ra rằng đó là ám chỉ K. Marx, vì con heo này vừa già, vừa lười biếng, vừa
ở dơ, hay ngủ trưa. Trong một giấc ngủ vào một đêm nọ, nó đã nằm mơ tới thiên
đàng súc vật, trong đó mọi con vật đều sung sướng, ăn uống đầy đủ, không phải
làm việc cực nhọc, còn được nghe âm nhạc, như nghe tiếng mẹ heo già ru con. Khi
bừng mắt dậy, con heo già nhận thấy thực tế quá trái ngược và đau khổ. Nó suy
nghĩ tìm ra nguyên nhân. Sau cùng nó đã tìm ra: đó là vì con người, tại con
người bóc lột súc vật. Nó đã qui tụ súc vật lại để thuyết phục và hô hào nổi
lên làm cách mạng súc vật. Lúc đầu ông chủ trại có kháng cự nhưng sức mạnh súc
vật quá mạnh, ông đành buông tay.
Nhờ kho thóc do ông chủ để lại còn nhiều, nên thời
đầu cách mạng, súc vật ăn uống hỉ hả, chia chác công bằng. Nhưng rồi sau đó, vì
súc vật không biết làm kinh tế, kho thóc cạn dần, sinh ra cắn quái nhau.
Georges Orwells còn viết quyển truyện mang tên số
“1984”, tố cáo sự độc tài của chế độ cộng sản và ông tiên đoán chế độ này sẽ
sụp đổ vào năm 1984, nên quyển truyện mang tên như vậy.
Chính Paul Nitzé, với sự cộng tác của Georges
Kennan, Thứ Trưởng Ngoại giao thời bấy giờ, đã lấy ý từ quyển truyện "Trại
súc vật" này, để làm ra Chính Sách Be Bờ (Containment Policy), được
gói ghém trong Chỉ thị mang tên Chỉ thị số 56 của Hội đồng An ninh Quốc gia, mà
tất cả những nhà ngoại giao Hoa kỳ, suốt trong thời gian Chiến tranh Lạnh, coi
như kim chỉ nam cho chính sách ngoại giao, và chỉ khi chiến tranh này chấm dứt,
Chỉ thị này mới được tiết lộ ra ngoài.
Theo đó: Phải kiên nhẫn chờ đợi. Cố làm thế nào để
Liên sô không dùng các nước Tây Âu để bắt chẹt Hoa kỳ. Phải hành xử khéo léo để
đưa Liên sô trở lại con đường tự do, dân chủ với cộng đồng thế giới. Phải làm
thế nào để ngăn chặn cộng sản tràn xuống vùng Đông Nam Á. Có người cho rằng
Chính Sách Marshall, giúp đỡ kinh tế Tây Âu, để các nước này không bị lâm vào tình
trạng đói nghèo, khủng hoảng kinh tế, bị những đảng cộng sản lợi dụng, xúi dục
thợ thuyền đình công cũng như Chính sách Dominos ở Đông Nam Á ngăn chặn cộng
sản, cả hai đều lấy ý từ Chính sách Be Bờ. Về việc Truman tiết lộ Hoa kỳ có bom
nguyên tử cho Staline, rồi sau đó, 2 trái nguyên tử thả xuống Hiroshima ngày
06/8/1945 và 9/8, ba ngày sau, xuống Nagashaki, có người đặt câu hỏi tại sao
Hoa kỳ làm vậy. Có nhiều câu trả lời, đại để là 3 câu chính: Vì Hoa kỳ muốn trả
thù Nhật đã oanh tạc Trân châu cảng trước đó vào ngày 7/12/1941, mà không tuyên
chiến với Hoa Kỳ; có người nghĩ rằng là để chấm dứt chiến tranh sớm, tiết kiệm
xương máu cho lính Hoa kỳ; người khác lại cho rằng là để cảnh cáo Liên sô, phải
giữ lời hứa, không thể xua quân chiếm đất thêm như đã hứa trong 2 hội nghị.
Qua nhiều tài liệu lịch sử, thì trước khi 2 trái bom
được thả, Liên sô đã sửa soạn và định đổ bộ quân lên một số hòn đảo của Nhật
gần với Liên sô, nhưng sau đó phải ngưng. Theo tôi nghĩ thì có cả 3 lý do.
Sở dĩ tôi nói rằng Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu ngay
trong Hội Nghị Potsdam là vì 2 lý do: Truman báo cho Staline rằng Hoa kỳ đã có
bom nguyên tử, vừa để thông báo, vừa để cảnh cáo; và lý do nữa là Paul Nitzé đã
suy ngẫm, ít nhất là từ lúc đó, về Chiến lược Be Bờ qua quyển truyện Trại súc
vật vừa nói. Nếu nói từ cuối Thế Chiến thứ Hai đến lúc Liên Sô sụp đổ vào đầu
năm 1991, thì như vậy là 46 năm, gần nửa thế kỷ. Trong thời gian nửa thế kỷ đó,
cuộc tranh hùng tư bản - cộng sản đã diễn ra dưới hình thức mà người ta gọi là
Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc chiến này, với thời gian lâu dài như vậy, tất
nhiên có nhiều biến cố lịch sử, chính trị, kinh tế và quân sự, có nhiều sự lên
xuống, lúc thì người ta nghĩ bên này thắng, lúc thì người ta nghĩ ngược lại bên
kia thắng. Cả 2 bên đều dùng chiến lược để đương đầu với nhau.
Có thể nói lúc đầu là phía cộng sản, đứng đầu bởi
Liên sô, dùng chiến lược tấn công, còn phía tư bản, đứng đầu bởi Hoa kỳ dùng
chiến lược phòng thủ, vì Chính sách Be bờ (Containment Policy) có nghĩa là
phòng thủ, người ta tấn công, mình phòng thủ, be bờ để đỡ vỡ phòng tuyến. Nhưng
sau đó, ngược lại, Hoa kỳ dùng chiến lược tấn công và Liên sô dùng chiến lược
phòng thủ. Chiến tranh Lạnh có thể được chia ra một cách rất tương đối làm 2
thời ký: Thời kỳ đầu từ cuối Thế Chiến đến năm 1975 với mốc điểm của Hội Nghị
Helsinski (1975); thời kỳ thứ nhì từ năm 1975 tới năm 1991.
Thời gian đầu của Chiến tranh Lạnh: Ở đây, có người
lấy mốc điểm thời gian là 1972, từ cuộc gặp gỡ Nixon - Mao ở Bắc kinh, điều này
cũng không sai; nhưng tôi lấy mốc điểm là 1975, với Hội nghị về An ninh và hợp
tác châu Âu họp ở Helsinki, thủ đô nước Phần lan, mà bản văn kiện được ký vào
ngày 1/8/1975, bởi tất cả những nước Âu châu, thêm sự có mặt của Hoa Kỳ và Gia
nã đại. Theo tôi đây là mốc điểm mà Liên sô gần như chính thức từ bỏ mộng tranh
hùng thế giới, từ thế công sang thế thủ, chấp nhận, và yêu cầu thế giới chấp
nhận những phần đất mà mình đã chiếm được, tiêu biểu là phần đất chiếm của Ba
Lan. Như chúng ta vừa trình bày, thời gian đầu của Chiến tranh Lạnh, cộng sản
Liên sô dùng chiến lược tấn công, mà người ta có thể nói tiêu biểu là cuộc
phong tỏa thành phố Bá Linh vào năm 1948. Sau Thế Chiến, nước Đức bị chia hai,
một bên tư bản, một bên cộng sản. Nhưng một điều oái oăm là thủ đô Bá linh, nơi
có đại diện của 4 cường quốc thắng trận là Hoa Kỳ, Liên sô, Anh và Pháp, lại
nằm trong phần đất thuộc về cộng sản Đông Đức.
Để bắt đầu chiến lược tấn công của mình, Liên sô
phong tỏa Bá linh, có nghĩa là chặn đường tiếp tế bằng đường bộ cho 3 Phái đoàn
Hoa Kỳ, Anh, Pháp ở Bá linh và cả người dân sống dưới sự ảnh hưởng của 3 phái
đoàn này. bắt buộc Hoa kỳ phải mở cầu không vận để tiếp viện.
Lúc này cũng là lúc chiến tranh quốc cộng giữa Tưởng
giới Thạch và Mao trạch Đông đang diễn ra khốc liệt ở Tàu. Có người cho rằng
cuộc phong tỏa Bá linh có ảnh hưởng đến cuộc nội chiến Tầu và cũng là một trong
những nguyên nhân chính đưa đến sự thất bại của Tưởng giới Thạch. Điều này
không sai. Bản cũ soạn lại, trên lý thuyết và nguyên tắc, thì Staline công nhận
Tưởng giới Thạch là đại diện chính thức của Tàu, quyền giải giới quân đội Nhật
ở Tàu là thuộc về Tưởng. Tuy nhiên ở Mãn châu, vùng đất gần Liên sô, Staline đã
ngầm báo cho quân đội cộng sản Tàu của Mao gửi quân tới sớm để hẫng tay trên
Tưởng giới Thạch. Chúng ta lấy một thí dụ đơn giản là trường hợp ông vua cuối
cùng đời Mãn Thanh, được Nhật dựng lên từ năm 1933 ở vùng này, sau đó, do quân
đội Liên sô đến trước, đã bắt ông này về Nga, sau mãi tới năm 1950, mới thả về
Tàu cho Mao trạch Đông.
Staline đã giải giới quân Nhật sớm ở Mãn châu rồi
trao vũ khí cho quân của Mao. Tưởng giới Thạch có gửi những đoàn quân tinh nhuệ
tới vùng này, nhưng đã trễ, bị lâm vào hoàn cảnh sa lầy, bị quân của Mao bao
vây, đường tiếp tế bằng xe lửa và xe hơi rất khó khăn, vì thường bị quân cộng
sản chặn đánh, cướp phá. Chỉ còn con đường tiếp viện bằng hàng không và chỉ
trông cậy vào Hoa kỳ. Tuy nhiên chính phủ Hoa kỳ, sau khi Nhật đầu hàng, thì
coi như đại Chiến thứ Nhì chấm dứt, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, thêm vào
đó không quân còn phải tiếp viện cho Bá linh. Tiếp theo vụ phong tỏa bá linh
năm 1948, là vụ sụp đổ chính quyền Tưởng giới Thạch ở lục địa 1949.
Đây là một biến cố lịch sử vô cùng to lớn, cán cân
chiến lược, quân sự ngả hẳn về phía cộng sản, vì ngoài những phần đất chiếm
được ở Đông Âu, Hàn quốc và Việt Nam, nay có thêm một phần đất lớn như nước Tàu
với một dân số cả nửa tỷ dân lúc bấy giờ. Tiếp theo cuộc nắm quyền của Mao, là
chiến tranh Triều Tiên năm 1950, quân đội của Kim nhật Thành đã tràn xuống phía
nam. Để ngăn chặn, Hoa Kỳ bắt buộc phải đổ quân vào bán đảo này. Để quân bằng
lại, Trung cộng cũng gửi quân sang giúp Bắc Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên,
có nhà bình luận cho rằng việc Mao chiến thắng Tưởng quá lẹ, lại cướp được
nhiều võ khi, khiến quân đội Mao trở nên lớn mạnh, được biểu hiện qua cuộc diễn
binh chiến thắng liền sau đó, làm cho Staline đã nghĩ đến việc thế giới cộng
sản sẽ bị hiểm họa chia hai, như chúng ta thấy sau này. Vì vậy Staline xúi dục
Kim nhật Thành gây chiến ở Triều Tiên, vừa làm cho Mỹ khó khăn, vừa làm cho
Trung cộng, nước sát bên cạnh, cũng phải gửi quân sang để giúp Kim nhật Thành,
làm cho Trung cộng không có thời giờ để lo chấn chỉnh, kiến thiết, xây dựng để
lớn mạnh, để có thể tranh quyền lãnh đạo thế giới cộng sản với Liên sô. Việc
gửi quân sang Triều Tiên đã có 2 khuynh hướng ở Bộ Chính Trị Trung cộng, như
nhiều nhà báo tiết lộ sau này: phe phản đối có Mao; phe ủng hộ, có tướng Bành
đức Hoài, mà sau đó Mao đã phê bình họ Bành: "Ông ấy vẫn còn giữ bản
tính của một người quân phiệt và tiểu tư sản".
Chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ ngày 25/6/1950 đến
ngày 27/7/1953. Theo như tinh thần Hội nghị Yalta (tháng 2/1945), thì Triều Tiên
được đặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp quốc trong 5 năm, phía bắc dưới sự bảo
trợ của Liên Sô, phía nam dưới sự bảo trợ của Anh, lấy vĩ tuyến thứ 38 làm ranh
giới. Cũng theo tinh thần Hội Nghị Yalta, Việt Nam cũng vậy, cũng được đặt dưới
sự bảo trợ của Liên Hiệp quốc trong vòng 5 năm, sau đó thì được độc lập, miền
bắc dưới sự bảo trợ của chính quyền Tưởng giới Thạch, miền nam dưới sự bảo trợ
của Anh, lấy vĩ tuyến thứ 16 làm giới tuyến. Đó là trên nguyên tắc và lý thuyết
ở hội nghị, nhưng trên thực tế, Staline và Đệ Tam quốc tế Cộng sản đã xúi dục
đảng cộng sản ở những nước địa phương nổi lên cướp chính quyền và gây hấn chiến
tranh. Staline chết ngày 5/3/1953.
Nhiều người cho rằng lịch sử là hữu lý, cá nhân
không đóng vai trò quan trọng. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Trong thời gian
Chiến tranh Lạnh, những lãnh đạo của các cường quốc, nhất là Hoa kỳ và Liên sô
giữ một vai trò rất quan trọng. Khrouschev (1953 – 1964), sau khi cùng Béria,
đầu độc Staline chết, theo lời tố cáo của con Staline, lại cho tay em bắt Béria
và xử tử ông này, lên nắm quyền ở Liên sô, vì nhận thấy những sự sai trái không
tưởng của lý thuyết Marx, thấy chủ nghĩa tôn thờ cá nhân quá độ của Staline,
nên chủ trương bên trong đóng cửa để sửa sai, bên ngoài hòa hoãn với tư bản.
Phía Hoa kỳ, Truman (1945-1952), đảng Dân chủ, bị thất cử cuối năm 1951,
Eishenhower (1952 – 1960), đảng Cộng hòa, lên thay thế, cũng chủ trương hòa
hoãn, trong cuộc tranh cử đã hứa với dân Mỹ là sẽ triệu hồi quân đội ở Triều
tiên về nước. Chính vì vậy mà có cuộc Họp Thượng đỉnh, bốn cường quốc Hoa Kỳ,
Liên Sô, Anh, Pháp ở Berlin vào năm 1953. Sau đó 4 cường quốc đồng ý họp lại ở
Genève để giải quyết vấn đề Triều tiên vào cùng năm. Theo lời yêu cầu của Pháp,
với sự đồng ý của Liên sô, với điều kiện là phải có sự hiện diện của Trung
cộng, hội nghị Genève về Triều tiên quay sang bàn về Đông Dương, mà dân Việt ai
cũng biết đó là Hội nghị chia đôi nước Việt Nam lấy vĩ tuyến thứ 17 làn ranh
giới.
Tuy nhiên sự hòa hoãn cũng chỉ được một thời gian,
rồi cuộc tranh hùng tư bản - cộng sản lại trở nên căng thẳng: căng thẳng vì
Việt cộng gửi quân vào miền Nam, thành lập ra cái gọi là Mặt trận giải phóng,
căng thẳng vì Kennedy (1960-1963) lên thay thế Eisenhower, sau đó gửi quân sang
Cuba định lật đổ Fidel Castro, nhưng thất bại trong vụ vịnh Con heo 1960; sau
đó Khrouschev đặt những giàn hỏa tiễn ở Cuba, Kennedy ép buộc Liên sô phải rút
khỏi, nếu không thì sẽ có chiến tranh thứ 3. Bên cạnh đó có sự tranh chấp Nga
Hoa ngày càng trở nên cao độ. Thêm vào đó có cuộc đảo chính ở miền Nam Việt Nam
1963.
Vì tình hình phía tư bản có vẻ bất ổn, phe bảo thủ,
muốn trở lại Chiến tranh Lạnh đã thắng thế ở Trung ương Đảng Cộng sản Liên sô,
đưa đến việc Khrouschev bị hạ bệ năm 1964 và Brejnev lên thay. Brejnev đã đưa
ra một kế sách gồm 2 sách lược đại ý như sau: Đừng nghĩ rằng phía cộng sản yếu
và phía tư bản mạnh, mà ngược lại cần quên đi khó khăn nội bộ, phải tấn công tư
bản ở mọi nơi để đưa cộng sản chiến thắng trên toàn thế giới. Đó là thượng
sách. Trung sách là cùng lắm sẽ chia đôi thế giới, lấy trục Sài gòn, Phnom Pen,
Bangkok, Kaboul, Moscou làm giới tuyến, phía đông thuộc về cộng sản, phía tây
thuộc về tư bản. Kế sách này đã làm mê hoặc Trung Ương đảng, chính vì vậy mà
Khrouschev bị hạ bệ, Brejnev lên thay. Theo kế sách này thì Liên sô dùng 3 con
chốt chính: ở Âu châu là Đông Đức, ở nam Mỹ là Cuba và ở Á châu là Việt Nam. Lê
Duẫn, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt nam, lúc đó đã hết sức tin tưởng vào Liên
sô, vào Brejnev. Ông đã viết trong tờ báo Học tập, sau này mang tên là Tạp Chí
Cộng sản, số tháng 2/ 1964, trang 1 đến trang 20, nói về Nghị quyết của Hội
Nghị Trung Ương Đảng lần thứ 9 (khóa 3), bài viết có tựa đề: "Một vài
vấn đề trong nhiệm vụ quốc tế của đảng ta", với những đoạn như sau: "Nhìn
tổng quát tình hình thế giới, phân tích những đặc điểm và những qui luật phát
triển của ba vùng (vùng cộng sản, vùng tư bản, vùng các nước thứ ba - lời chú
thích của tác giả bài này), chúng ta thấy rằng, lực lượng của cách mạng, lực
lượng của chủ nghĩa xã hội và của hòa bình hơn hẳn lực lượng của đế quốc phản
động và chiến tranh. Chúng ta mạnh hơn địch. Vì vậy cách mạng không phải ở thế
thủ, chiến lược cách mạng không nên ở thế thủ; mà cách mạng đang ở thế tấn
công; chiến lược cách mạng nên là chiến lược tấn công, phá từng chính sách
chiến tranh một, đi đến phá toàn bộ kế hoạch gây chiến tranh của chủ nghĩa đế
quốc do Mỹ cầm đầu, nhằm đánh lùi từng bước và đánh đổ từng bộ phận chủ nghĩa
đế quốc, đi đến thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa đế quốc". Cuộc Họp Trung
Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 9 (Khóa 3) là đúng vào đầu năm 1964, ngay
sau cuộc đảo chính 11/11/1963, đưa đến cái chết của 2 nhà lãnh đạo miền Nam Ngô
đình Diệm và Ngô đình Nhu. Sau đó 3 tuần thì Kennedy bị ám sát ở Texas. Điều
này chứng tỏ một lần nữa cộng sản Việt Nam quyết chiếm đánh miền nam, nên những
con bài như Mặt trận Giải phóng miền Nam chỉ là cái bình phong và những người
chủ trương trung lập miền Nam và hơn thế nữa chủ trương trung lập Đông Dương
qua diễn văn của tướng de Gaulle ở Phnom Penh vào năm 1965 chỉ là ảo tưởng.
Theo trên, Brejnev lên ngôi với kế hoạch gồm 2 kế
sách, thượng sách là toàn thắng, trung sách là chia đôi thế giới.
Thượng sách này được sửa soạn trong vòng 4 năm và
đợt tấn công tư bản đầu tiên và lớn nhất là vào năm 1968, mà chúng ta thấy có
vụ tấn công Tết Mậu thân 68 ở Việt nam. Trong khi đó ở Âu châu và ngay ở Hoa
kỳ, những tình báo của Đông Đức, Liên sô thâm nhập vào những phong trào phản
chiến, cùng với những người, những tổ chức, những đảng cộng sản sẵn có, nổi lên
biểu tình ở khắp nơi, từ Âu châu cho tới Mỹ châu. Cộng thêm với những cuộc đảo
chính của những phần tử quân đội, thân cộng sản, ở Phi châu và những cuộc ám
sát các chủ tịch, những chủ nhân các hãng xưởng như ở bên Ý và bên Đức.
Phải công nhận rằng Thượng sách của Brejnev có mang
lại một số kết quả ngoạn mục bề ngoài vào lúc ban đầu, nhưng cũng không thể làm
sụp đổ được chế độ tư bản. Trong khi đó thì những khó khăn nội bộ của cộng sản,
ngay từ chính Liên sô, ngày càng trở nên trầm trọng, việc tranh chấp Nga – Hoa
nổ ra càng lớn, kinh tế đình trệ, dân tình chán nản, tham nhũng hối lộ lan
tràn, để đến nỗi trước khi chết, Brejnev phải than lên: "Xã hội chủ
nghĩa gì mà 1/3 xe chạy ngoài đường là ăn cắp săng của công, 1/3 bằng cấp là
bằng cấp giả, công chức đến sở làm việc là để chỉ có mặt, sau đó là đi coi hát
hay làm việc riêng". Brejnev chết năm 1983. Chiến lược tấn công tư bản
của Brejnev ngừng vào năm 1972, trở về thế thủ, khi có cuộc gặp gỡ giữa Nixon
và Mao ở Bắc Kinh, rồi có bản Tuyên bố chung ở Thượng hải. Từ thời điểm này,
một cách tổng quát và tương đối, người ta có thể nói là tư bản, dẫn đầu bởi Hoa
kỳ, đã từ bỏ chiến lược phòng thủ, để bước sang chiến lược tấn công cộng sản.
Hoa kỳ cũng tấn công cộng sản trên 3 bình diện: ý thức hệ, kinh tế và quân sự.
Về ý thức hệ, Hoa kỳ tăng cường những đài tiếng nói
tự do về phía cộng sản, chứng minh cho người dân cộng sản và thế giới thấy
rằng:
a) Lý thuyết Mác Lê chỉ là ảo tưởng, không đưa đến
việc giải phóng con người mà chỉ đưa đến sự đàn áp, tù đày, chém giết, không
những người dân mà ngay cả đối với người cộng sản qua những sự đấu đá nội bộ.
Chính ở điểm này mà có người cho rằng sự phản công của tư bản bắt đầu từ tháng
8/1975, với Hội nghị An ninh châu Âu, vì ở hội nghị này Liên sô chấp nhận không
phá sóng những đài tiếng nói tự do, chấp nhận có giao thương kinh tế; nhưng
ngược lại Âu châu và thế giới phải chấp nhận biên giới sẵn có của Liên sô, đó
là biên giới với Ba Lan, vì vào Đệ Nhị thế Chiến, Liên sô đã chiếm một phần đất
phía đông của Ba lan. Một người tướng Liên sô, trong phe bảo thủ, chống Hội nghị
này, đã nói: "Với Hội nghị Helsinski, địch thủ đã chọc thủng phòng
tuyến của chúng ta".
b) Lý thuyết Mác Lê không những không dẫn đến thiên
đàng cộng sản, mà dẫn đến các nước anh em cộng sản cắn quái lẫn nhau, không
phải là "Môi hở, răng lạnh", mà là răng cắn vào môi, như vụ tranh
chấp Nga – Hoa; tranh chấp Việt – Hoa, đánh nhau ở biên giới năm 1979; tranh
chấp Việt – Căm bốt, cộng sản Việt Nam xua quân đánh Căm bốt năm 1978.
c) Về kinh tế, tư bản tìm cách buôn bán với cộng
sản, bắt đầu bằng coca cola, quần jeans, rồi đi đến lập các hãng xưởng, để biến
kinh tế cộng sản từ kinh tế quốc doanh, thành kinh tế tư doanh làm kinh tế từ
từ vuột khỏi tay nhà nước.
d) Về quân sự, thì Hoa kỳ tìm cách làm cho cộng sản
Việt Nam sa lầy ở Căm bốt, cộng sản Liên sô sa lầy ở A phú hãn, khai thác tối
đa sự bất đồng giữa cộng sản Liên sô và cộng sản Trung quốc.
Quả thật phía cộng sản bị vô cùng khó khăn, sa lầy
không những ở thế giới mà sa lầy trong chính nội bộ của mình: kinh tế, xã hội,
chính trị trở nên trì trệ, khó khăn ở ngay chính tại Liên bang Cộng Hòa xã hội
Chủ nghĩa Nga, sa lầy giữa anh em với nhau. Chính vì vậy, mà khi lên ngôi năm
1964, Brejnev lạc quan bao nhiêu, thì trước khi chết, năm 1983, lại bi quan bấy
nhiêu, nên mới có lời than như trên.
Bejnev chết, kế tiếp là Andropov (1983 -1984), rồi
Tchernenko (1984 – 1985), hai người này nắm quyền không được lâu, trong vòng
không dầy 3 năm, thì năm 1985 Gorbatchev lên, đưa đến sự sụp đổ của Liên sô và
các nước Đông Âu, khi Gorbatchev tuyên bố từ chức Chủ tịch Liên bang Liên viết
vào đầu năm 1991.
Có người cho rằng Gorbachev không phải là cộng sản
thì không đúng. Gorbatchev lên nhận lãnh một gia tài cộng sản đầy thối nát và
khó khăn. Khrouschev chủ trương chính sách sửa sai nội bộ, nghĩ rằng hãy hòa
hoãn với tư bản và đặt ưu tiên cho sự sửa sai trong nước trước. Nhưng ngược
lại, Brejnev cho rằng chính sách này không đúng, hãy dập đi khó khăn nội bộ,
tấn công tư bản trước, sau khi toàn thắng, rồi trở về sửa sai cũng chưa muộn.
Vì lẽ đó mà Brejnev đã dồn hết nỗ lực trong cuộc chạy đua vũ trang, sản xuất
đầu đạn nguyên tử hơn cả Hoa kỳ, sản xuất mỗi năm 7 000 chiếc xe tăng, bằng
tổng số còn lại của toàn thế giới kể cả Hoa kỳ, bỏ tiền giúp đỡ những đảng cộng
sản, những tổ chức phản chiến, khủng bố, giết người trên toàn thế giới, lâm vào
cảnh « Con ếch muốn to bằng con bò «, thi đua tiêu tiền với kẻ giàu, thi đua
chạy với anh lực sĩ khỏe, dài hơi. Chính vì vậy nên khi Liên sô ngừng chạy đua
vũ trang thì hết hơi và quị ngã. Thực tế, ít nhất là cho tới năm 1991, khi đế quốc
cộng sản Liên sô sụp đổ, cho thấy cộng sản đã thua. Tuy nhiên, có người cho
rằng cuộc tranh hùng tư bản - cộng sản đã chấm dứt. Nhưng có người lại cho rằng
chiến tranh lạnh chưa chấm dứt và vẫn tiếp tục kéo dài với cuộc tranh hùng Mỹ -
Trung và gần đây nhất với sự đối đầu Mỹ - Nga qua vụ Syrie.
Những người cho rằng, từ năm 1991 cho tới nay không
còn cuộc tranh hùng tư bản cộng sản nữa, hay nói khác đi là không còn Chiến
tranh Lạnh nữa, với những lý do như sau:
Thế giới cộng sản, với sự lãnh đạo của Liên sô, với
khí thế mạnh mẽ và to lớn như vậy, nhất là sau Đệ Nhị Thế Chiến, cộng với Phong
trào Độc lập, thế mà còn thua, nay mấy nước cộng sản còn lại, tiêu biểu là
Trung cộng và Việt nam, không dám nghĩ mình là cộng sản, không có lãnh đạo,
ngay cả Trung cộng cũng không dám nhận vai trò này, huống chi những nước như
Việt nam, Bắc Hàn, Cuba, thì làm sao dám đương đầu với tư bản, trở về Chiến
tranh Lạnh.
Tuy nhiên gần đây, với vấn đề vũ khí hóa học ở
Syrie, có người cho rằng Chiến tranh Lạnh lại trở lại, qua sự đối đầu Nga - Mỹ:
một bên là Hoa Kỳ và Pháp muốn dùng bom hay hỏa tiễn để oanh tạc những căn cứ
dự trữ hay chế tạo vũ khí hóa học của Tổng thống Assad, bên kia Nga và Trung
cộng nhất định phản đối. Sự kiện này làm cho bang giao giữa Hoa Kỳ và Nga trở nên
khó khăn, Tổng thống Obama không muốn gặp riêng Tổng thống Putin, trong cuộc
Họp Thượng đỉnh G8, rồi G20 ở tại Saint Péterbourg thuộc Nga.
Chúng ta hãy cùng nhau xét phải chăng thực sự có
chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ - Nga, rồi Hoa kỳ - Trung cộng:
Sự
đối đầu Nga - Mỹ qua vấn đề Syrie:
Syrie là một quốc gia Trung Đông, phía bắc giáp Thổ
nhĩ Kỳ, phía nam giáp Arabie Sahoudite, phía đông giáp Iran, Irak và phía tây
nhìn ra địa trung hải, thủ đô là Damas. Diện tích vào khoảng 185 000 Km2, bằng
hơn ½ Việt Nam, dân số là 22,5 triệu dân vào khoảng ¼ Việt
Nam, sản lượng hàng năm tính theo đầu người là 3 050
$, tổng sản lượng là gần 65 tỷ $. Lãnh đạo Syrie là một chế độ độc tài quân
phiệt hữu, cha truyền con nối, từ bố đến con cách đây cả ba bốn chục năm, chẳng
khác nào chế độ độc tài cộng sản tả của bắc hàn. Chế độ này vô cùng tàn bạo,
đàn áp dân và giết đối lập không gớm tay, tuy nhiên vẫn khoác áo chủ nghĩa dân
tộc và chủ nghĩa Ả rập. Nội chiến Syrie bắt đầu cách đây hơn 2 năm, vào mùa
Cách mạng Ả rập, với những cuộc cách mạng đã xảy ra ở một số nước Ả rập, như
Lybien, Ai cập, Tunisie. Nó bắt đầu bằng một cuộc biểu tình của dân ở thủ đô
Damas. Chính quyền của Tổng thống Assad đã dùng công an, cảnh sát và quân đội
đàn áp một cách dã man. Cuộc nội chiến bắt đầu từ đó và kéo dài cho tới bây
giờ, đã làm cho 110 000 người chết, cả triệu người phải đi tỵ nạn. Nhưng biến
cố làm rúng động thế giới, đó là vụ dùng vũ khí hóa học để giết dân vào ngày 21
tháng tám vừa qua.
Hoa kỳ và Pháp có một thái độ cứng rắn, kết án chính
quyền Assad là thủ phạm dùng vũ khí hóa học, muốn trả đũa lại. Anh lúc đầu ủng
hộ, nhưng chính quyền Anh của Thủ tướng Cameron đã yêu cầu Quốc hội biểu quyết
xem có nên can thiệp hay không. Kết quả là không.
Nga và Trung cộng hoàn toàn ủng hộ chính quyền
Assad, chống sự can thiệp bằng võ lực của Hoa kỳ và Pháp. Tình hình đã trở nên
căng thẳng vì thế có người cho rằng Chiến tranh Lạnh đã trở lại giữa Hoa kỳ và
Nga. Mặc dù có sự căng thẳng giữa bang giao Nga - Mỹ, nhưng nói rằng chiến
tranh lạnh đã trở lại với Nga - Mỹ thì không đúng. Vì nhiều lý do: Lý do thứ
nhất là Nga hiện nay không còn là một siêu cường hạng nhất nữa, mà chỉ là một
cường quốc bậc trung. Một vài con số thống kê có thể làm sáng tỏ như tổng sản
lượng của Nga là 1875 tỷ, trong khi đó của Hoa kỳ là 15 000 tỷ. Nga thua cả
Trung cộng, 7 000 tỷ, Nhật, 5 000 tỷ, Đức, 3 000 tỷ, Pháp 2 600 tỷ. Ngân sách
quốc phòng của Nga là 53 tỷ, trong khi của Mỹ là 750 tỷ, chỉ gần bằng số lẻ.
Kinh tế Nga gần như kiệt quệ, không có khả năng cạnh tranh, chỉ dựa vào việc
xuất cảng dầu và khí đốt. Chính quyền thì thối nát, tham nhũng từ trên xuống
dưới. Thời gian qua uy tín của Putin đối với dân Nga đã xuống thấp nên Putin tỏ
vẻ ra đương đầu với Obama, đương đầu với Hoa kỳ là vì chính trị nội bộ, vì uy
tín cá nhân, muốn làm ra vẻ Nga vẫn là một đại cường quốc với mục đích làm tăng
uy tín của mình.
Lý do địa lý chiến lược: Lúc còn chiến tranh lạnh,
không những còn khối Liên sô và cộng sản, quân đội Nga đóng tại Đông Đức, Ba
lan, sát nách với Tây Đức, chỉ trong một thời gian rất ngắn là quân đội Nga có
thể đe dọa các nước Tây Âu, và những căn cứ quân sự của Mỹ ở những nước này,
nhất là ở Tây Đức. Nay các nước quanh Nga như Ukhaine, Géorgie v.v… đã độc lập,
quân Nga để đe dọa các nước Tây Âu, phải di chuyển một chặng đường dài. Nói như
một nhà nghiên cứu quân sự là với một ngân sách quốc phòng 53 tỷ, Nga chỉ đủ
dùng để bảo trì một kho vũ khí khổng lồ do Liên sô cũ để lại, không còn sức để
bung ra ngoài, nói chi đương đầu với Mỹ hay trở về chiến tranh Lạnh.
Về phía Hoa kỳ thì ông Obama rất là đắn đo trong
việc can thiệp quân sự vào Syrie vì ông không muốn trở thành hình ảnh một tổng
thống "chiến tranh", như nhiều lần ông tuyên bố, vì qua kinh nhiệm
Irak, A phú hãn và gần nhất là kinh nghiệm ở Tunisie và Ai cập, sau các cuộc
cách mạng, phe Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền. Tình hình ở Syrie còn phức tạp
hơn nhiều. Phe chống lại chính quyền Assad thì năm phe bảy cánh, mà trong đó
những lực lượng khủng bố lại có ưu thế. Tuy nhiên Obama bị đứng trước một tình
trạng khó xử. Là một đại cường quốc dân chủ mà làm ngơ trước sự kiện một chính
phủ độc tài tàn sát dân mình qua nội chiến đã đi đến cả trăm ngàn người chết và
cả triệu người phải đi tỵ nạn. Thêm vào đó, tuy chưa rõ là phía nào dùng vũ khí
hóa học, nhưng sự kiện là có việc dùng vũ khí hóa học vào ngày 21/8 vừa qua,
đưa đến cả ngàn người chết. Chính vì lẽ này mà phe Cộng hòa ở Thượng cũng như
Hạ viện tố cáo Obama không có một đường lối rõ rệt ở Trung Đông, không dám lấy
quyết định, quá chần chờ.
Để trả lời lại, Obama yêu cầu thông qua quốc hội để
quyết định có oanh tạc Syrie hay không. Việc này là một mũi tên nhằm nhiều mục
đích: Về phương diện quốc tế chứng tỏ Hoa kỳ là một nước dân chủ, mặc dầu tổng
thống có quyền quyết định ngoại giao, nhưng vẫn hỏi ý kiến cơ quan lập pháp,
khác với một số quốc gia, cơ quan hành pháp lấy quyết định một mình. Về phương
diện quốc nội, những Nghị sĩ của Đảng Cộng hòa thường trách cứ Obama là không
cứng rắn, quá mềm yếu, không chứng tỏ được là một đại cường dân chủ trước sự
kiện một chính quyền độc tài đàn áp giết dân của họ, và hơn thế nữa lại vi phạm
luật quốc tế đã được qui định cả trăm năm nay là việc cấm dùng vũ khí hóa học.
Nếu quốc hội bỏ phiếu chấp nhận, thì đó là một thành công của Obama. Nếu không
thì ông có thế tố cáo ngược lại các nghị sĩ Cộng hòa đã tố cáo ông trước đây.
Việc này Obama nhằm tạo uy thế cho đảng Dân chủ để sửa soạn cho việc bầu cử lại
quốc hội vào năm 2 014. Tuy nhiên gần đây Nga đã ép được tổng thống Assad của
Syrie chấp nhận phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hóa học, chấp nhận để cho thanh
tra Liên hiệp quốc trở lại Syrie quan sát và hủy bỏ vũ khí hóa học mà chính
quyền Assad đang sở hữu.
Nhưng đây cũng chỉ là lý thuyết trên giấy tờ, còn
việc trao vũ khí hóa học cho Liên hiệp quốc và phá hủy nó còn là một chặng
đường dài. Trong vụ này, nga trở về truyền thống ngoại giao thời đối đầu tư bản
- cộng sản của Staline, cứ chấp nhận trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế có thể
du di hay làm ngược lại. Đấy là chưa nói đến việc để phá hủy những kho vũ khí
hóa học này cần đến tiền, theo như tuyên bố của Assad thì là gần một tỷ $. Ai
sẽ gánh chịu phí tổn này. Vì vậy nên vấn đề Syrie còn kéo dài và việc quan
trọng đó là sau khi Assad sụp đổ, chính quyền chuyển tiếp nào sẽ cai quản kho
vũ khí này. Nếu vũ khí hóa học lọt vào những tổ chức khủng bố, thì là một đe
dọa to lớn cho thế giới nhất là những nước lân cận, trong đó có Nga.
Sự
đối đầu Mỹ - Trung qua vấn đề kinh tế và biển Đông Nam Á.
Ngày hôm nay, trước sự kiện Trung cộng là cường quốc
kinh tế thứ nhì thế giới nếu tính theo tổng sản lượng với hơn 7 000 tỷ $ một
năm, là chủ nợ của Hoa kỳ, Hoa kỳ nợ Trung cộng khoảng 1 200 tỷ, là cường quốc
xuất cảng lớn nhất thế giới, trước sự kiện trục kinh tế thế giới hướng về châu
Á Thái bình dương, trước sự kiện Trung cộng đưa ra chính sách ngoại giao hàng
hải với "Đường lưỡi bò", đòi kiểm soát cả vùng biển Đông, nhiều người
nghĩ rằng chiến tranh Lạnh không những còn tồn tại giữa Trung Cộng và Hoa kỳ,
mà còn đi xa hơn nữa cho rằng chỉ trong vòng mấy chục năm nữa kinh tế Trung
cộng bằng kinh tế Hoa kỳ về tổng sản lượng, thì cán cân chiến tranh Lạnh sẽ ngả
về phía Trung cộng.
Thực ra nói chiến tranh lạnh vẫn còn giữa Hoa kỳ và
Trung cộng, và về sau này sẽ ngả phần thắng về Trung Cộng là nói hơi quá. Đây
là quan điểm của những người cho rằng kinh tế quyết định tất cả. Đành rằng kinh
tế rất quan trọng, nhưng nó chỉ là điều kiện ắt có để tạo thành một cường quốc,
chứ không phải gồm cả yếu tố đủ.
Chúng ta lấy những thí dụ lịch sử, ngay của nước Tàu
để chứng minh là vào giữa thế kỷ thứ 18 (1750), tổng sản lượng nước Tàu chiếm
32,8% tổng sản lượng thế giới, tiếp theo đến đầu thế kỷ 19 (1800), là 33,3%,
đến giữa thế kỷ 19 (1830) vẫn còn là 29,8%, thế mà vào giữa thế kỷ này, nước
Tàu bị liệt cường xâu xé, trong đó có nước Nhật với tổng sản lượng là 2,8% và
nước Nga với 5,6%. (Theo Paul Kennedy – The Rise and Fall of the Great Powers –
trang 190 – nhà xuất bản Fontana Press – 1988).
Đấy là về vấn đề kinh tế, còn vấn đề quân sự và
ngoại giao thì sao?
Về vấn đề quân sự ngoại giao, người ta có thể nói
Trung cộng hiện nay chưa có thể so sánh với Liên sô thời chiến tranh Lạnh và xa
hơn nữa với nước Nhật thời Đệ Nhị thế Chiến. Thật vậy, về ngoại giao, Trung
cộng không khôn khéo và xảo quyệt bằng Liên sô thời Staline. Bằng cớ là về đường
lối "Đường lưỡi bò", Trung cộng đưa ra nhưng không tính trước, tính
sau, vẫn giữ thái độ của “ Thiên triều “ thuở nào, không dè được phản ứng của
các nước lân bang, không đo được phản ứng của Hoa kỳ, kết cục Trung cộng chỉ tự
cô lập mình, gây thù với tất cả những nước chung quanh. Trung cộng không tiên
đoán được rằng, một khi trục kinh tế thế giới hướng về châu Á Thái bình dương,
thì biển Đông đóng một vai trò quan trọng, vì trong kinh tế, vấn đề vận chuyển
là quan trọng, mà trong đó vận chuyển hàng hải giữ 80%. Không thể nào thế giới
nói chung và nhất là các cường quốc như Hoa Kỳ, Anh, Pháp Đức có thể khoanh tay
chấp nhận sự kiện trung cộng khống chế biển Đông, kiểm soát đường vận chuyển
quan trọng của thế giới.
Về quân sự, theo con số chính thức thì ngân sách
quốc phòng của Trung cộng là 100 tỷ $, con số bán chính thức là 150 tỷ, đứng
thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa kỳ, hơn cả Nga. Nhưng chúng ta cũng không thể chỉ
dựa vào con số này mà suy đoán quá xa. Tình trạng về hải quân Trung cộng còn
thua Liên sô thời chiến tranh Lạnh và thua Nhật thời Đệ Nhị thế Chiến. Trong
khuôn khổ bài này tôi không thể đi sâu vào chi tiết, tôi chỉ xin nêu ra một vài
thí dụ điển hình: về tàu ngầm và hàng không mẫu hạm, tự mình đóng thì Trung
cộng đang tiến hành, tốt xấu ra sao, thì chưa rõ; nhưng những tàu ngầm và hàng
không mẫu hạm đang dùng là mua của Nga. Riêng về hàng không mẫu hạm đầu tiên
mang tên Thi Lang đang hoạt động, thì đây là hàng không mẫu hạm mua của nước
Ukhraine. Sau khi đế quốc cộng sản Liên sô sụp đổ, những nước chung quanh Nga
trở nên độc lập, trong đó có Ukhraine, được Nga chia phần gia tài về quân sự,
và đã cho Ukhraine một chiếc hàng không mẫu hạm do Nga đóng, nhưng có một số
nhược điểm về kỹ thuật. Vì điểm này và để duy trì một chiếc hàng không mẫu hạm
rất là tốn kém, nên Ukhraine đã rao bán. Trung Cộng mua với giá khoảng 12 triệu
$, nhưng không dưới dạng quốc gia - quốc gia, về quân sự, mà dưới dạng dân sự,
do hai sòng bài của Macao, nhưng đứng đằng sau là chính phủ Trung cộng, mua,
nói rằng là để làm sòng bài nổi. Một khi mua rồi, Trung cộng sửa thành hàng
không mẫu hạm quân sự. Nhưng mục đích chính của hàng không mẫu hạm quân sự là
một sân bay, để những máy bay quân sự đáp xuống và cất cánh khi cần, để tấn
công địch thủ. Tuy nhiên cho tới giờ này, theo tin tức đáng tin cậy, thì vấn đề
hạ cánh máy bay của hàng không mẫu hạm này của Trung cộng vẫn còn là một vấn đề
khó khăn. Ở điểm này, ta có thể nói Trung cộng còn thua ngay cả Nhật vào thời
Đệ Nhị Thế Chiến. Vào thời đó hàng không mẫu hạm Nhật không thua gì Hoa kỳ.
Gần đây Nhật và ngay cả Ấn độ, mỗi nước cho hạ thủy
một hàng không mẫu hạm, do tự mình đóng để cảnh báo trung cộng, rằng về hải
quân, chúng tôi không thua kém mà còn hơn anh. Bởi lẽ đó cho rằng có chiến
tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung cộng thì cũng hơi quá đáng. Đồng ý là có sự
căng thẳng.
Nhưng
cũng có ý kiến cho rằng cộng sản – tư bản chung sống hòa bình.
Nếu nhìn vào hiện tình xã hội, kinh tế của 2 nước
Trung cộng và Việt Nam thì người ta thấy không có gì là cộng sản, mà là"tư
bản hơn tư bản", người dân nhắm mắt chạy theo lợi nhuận, không còn e dè,
nể nang một cái gì, ngay cả việc dối trá, lừa lọc, làm hàng giả, sao chép trái
phép, đi đến chỗ giết người như vụ sữa Mélanine ở Trung cộng, đầu độc cả trăm
ngàn trẻ em. Nhiều người cho rằng Trung cộng và Việt Nam không còn là cộng sản
nữa khi bước chân xuống Bắc Kinh, Thượng hải hay Sài gòn, Hà nội với những cửa
hàng ngoại quốc và những ngôi nhà chọc trời, đây chỉ là cái nhìn hời hợt bề
ngoài, hay là luận điệu đưa ra bởi giới cầm quyền cộng sản để che giấu cái đuôi
cộng sản của mình. Nếu xét kỹ, chúng ta thấy hiến pháp của hai nước vẫn ghi rõ
lấy triết lý Mác Lê và tư tưởng Mao hay Hồ làm nền tảng. Về chính trị ở hai
nước vẫn là độc khuynh, độc đảng, độc tài, vẫn tiếp tục đàn áp dân, vẫn là cộng
sản. Sau này có thêm tư tưởng của Đặng tiểu Bình, "Kinh tế thị trường theo
định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây chỉ là một cách chơi chữ, vì đã là kinh
tế thị trường, thì không có định hướng xã hội chủ nghĩa, vì kinh tế xã hội chủ
nghĩa là kinh tế nhà nước, không tôn trọng quyền tư hữu, kinh tế thị trường là
kinh tế tư nhân, tôn trọng quyền tư hữu. Cho rằng, thời họ Đặng, kinh tế Trung
cộng không còn ở trong tay nhà nước là không đúng hoàn toàn, vì kinh tế được
phép lọt vào tay Tám Đại Gia, sau đó là con ông cháu cha của những người đang
nắm quyền nhà nước.
Tám Đại Gia đó là: Đặng tiểu Bình, người nói câu:
"Mèo trắng hay mèo đen; miễn là mèo bắt chuột." Tướng Vương Chấn
(Wang zhen), người đã lo lương thực cho quân đội của Mao. Trần Vân (Chen Yun),
người phụ trách kế hoạch kinh tế khi Mao lên nắm quyền 1949. Lý tiên Niệm (Li
Xiannian), người cốt cán trong mưu đồ làm kết thúc Cách mạng Văn hóa. Bành Chân
(Peng Zhen), người xây dựng lại hệ thống luật pháp Trung cộng sau 1980. Tống
nhậm Cùng (Song Renqion), Trưởng ban tố chức đảng, người giám sát việc phục hồi
các cán bộ bị thanh trừng, sau Cách mạng Văn hóa. Dương thiệu Côn (Yang
Shangkun), người ủng hộ mạnh nhất Đặng tiểu Bình trong việc đàn áp Thiên an Môn
1989. Bạc nhất Ba, cựu Phó Thủ tướng, và là công thần chết cuối cùng ở tuổi 98,
vào năm 2007. (Theo Bloomberg).
Ngày hôm nay, tới đời con, đời cháu, Tám Đại Gia này
trở thành 80 Đại Gia, thực ra là 103 Đại Gia. Trong lúc 8 Đại Công thần này phỉ
báng chủ nghĩa cá nhân tư sản của các nước tư bản, thì gần một nửa con cháu của
họ sống, học tập hoặc làm việc ở nước ngoài, một số ở Hoa kỳ, Úc, Anh và Pháp.
Hoa kỳ, nước thiết lập ngoại giao với Trung cộng năm 1979, là điểm tới hàng đầu
của con ông cháu cha, nhất là của nhóm Đại công thần. Trong số 8 người thì 3
người có con cháu học ở đại học Harvard, 4 người ở đại học Stanford; đó là 2
đại học nổi tiếng nhất của Hoa kỳ, theo như bảng xếp hạng của đại học Thượng
hải năm 2013. Ngoài ra còn rất nhiều người theo học ở những đại học khác.
Theo dữ kiện của Bloomberg cho biết: Có 26 hậu duệ
của các Đại Công thần nắm giữ các chức vụ hàng đầu trong các công ty nhà nước
thống trị nền kinh tế.
Vào đời con, chỉ riêng 3 người con – con trai tướng
Vương Chấn, ông Vương Quân, con rể Đặng tiểu Bình, ông Hà Bình (He Ping) và ông
Trần Nguyên, con trai Trần Vân; 3 người con này đứng đầu điều hành các công ty
sở hữu nhà nước với tài sản cộng chung khoảng gần 2000 tỷ $, gần bằng 1/3 tổng
sản lượng quốc gia. Ngày hôm nay tới đời cháu, trở thành 103 Đại Gia, trong đó
có 43 người điều hành những doanh nghiệp riêng hoặc trở thành giám đốc điều
hành trong các công ty tư nhân. "Có ít nhất 18 người con cháu các Đại
công thần làm việc ở những hãng xưởng lớn Hoa kỳ, nhất là trong ngành kinh tế
tài chính." (Vẫn theo Bloomberg).
Từ những dữ kiện trên có người cho rằng "Tư bản
và cộng sản ngày hôm nay chung sống hòa bình". Nhưng có người ngược lại
nghĩ là vẫn còn đấu tranh tư bản - cộng sản, Chiến tranh Lạnh vẫn tiếp diễn, ít
nhất là giữa Hoa kỳ và Trung cộng cùng với Việt Nam. Họ đưa ra những lý lẽ sau:
Chiến tranh Lạnh ngày hôm nay không diễn ra dưới
hình thức tư bản - cộng sản, mà diễn ra dưới hình thức chiến tranh giữa 2 mô
hình tổ chức nhân xã: một bên là mô hình tổ chức nhân xã dân chủ tự do và kinh
tế thị trường, một bên là mô hình tổ chức nhân xã độc tài phát xít quân phiệt
và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực vậy, vào thời kỳ sắp chấm dứt Chiến tranh Lạnh
Mỹ - Liên sô cuối thập niên 80 đầu 90, ông Francis Fukuyama, một người Mỹ gốc
Nhật bản, đã viết quyển sách nổi tiếng "La Fin de l’Histoire et le
dernier Homme" (Sự Kết thúc Lịch sử và Con người cuối cùng), (Bản
dịch tiếng Pháp – do nhà xuất bản Flammarion, ấn hành năm 1992), đây là một
quyển sách nổi tiếng vào thời ấy, nó là đường lối đấu tranh của nhóm Tân bảo
thủ Hoa kỳ, theo đó lịch sử nhân loại không phải là lịch sử của những biến cố,
mà là lịch sử của tiến trình tổ chức xã hội của loài người đi từ tổ chức thô sơ
gia tộc cho tới bộ lạc, qua quân chủ phong kiến tới độc tài phát xít, cộng sản
và kết thúc ở mô hình tổ chức nhân xã dân chủ, tự do và kinh tế thị trường.
Mô hình này đã chiến thắng mô hình phát xít, đang
chiến thắng mô hình cộng sản (vào thời điểm cuối những năm của thập niên 80),
và phải được coi là mô hình tổ chức nhân xã cuối cùng của nhân loại.
Con người cuối cùng là con người của mô hình tổ chức
này.
Tư tưởng của Fukuyama đã được Trường phái Tân Bảo
thủ theo và áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Georges Bush (con) (2000
– 2004), với những người đi theo mà có thể nói bắt đầu bằng tổng thống, phó tổng
thống, bộ trưởng quốc phòng, và thứ trưởng quốc phòng Paul Wolfowick, người làm
ra Chiến lược Tiên hạ thủ vi cường, theo đó, vì chống khủng bố, vì lý tưởng tự
do dân chủ, Hoa kỳ phải hành động mau lẹ trên thế giới, ngay cả hành động một
mình, đã đưa đến việc đổ bổ vào A phú Hãn và đánh Irak. Ông Bush đã tuyên bố
"Kẻ nào không là bạn ta, thì là kẻ thù của ta".
Tuy nhiêm qua kinh nghiệm, ngay chính Fukuyama cũng
nhận thấy về tự do dân chủ, phải thực hiện từng bước một và phải để ý đến hoàn
cảnh địa lý, lịch sử, tâm lý của từng dân tộc một.
Từ đó nghĩ rằng giới lãnh đạo Hoa kỳ từ bỏ lý tưởng
cao đẹp của mình là đi truyền bá mô hình tổ chức nhân xã của Hoa Kỳ trên thế
giới, thì không đúng. Với Đảng Dân chủ, đặc biệt với Obama, việc thực hiện này
diễn ra dưới hình thức chính trị, kinh tế nhiều hơn.
Giới lãnh đạo và trí thức Hoa kỳ, họ không nói ra,
nhưng họ luôn nghĩ rằng cuộc chiến giữa 2 mô hình tổ chức này vẫn tiếp diễn, vì
nhiều lý do: Lý do thứ nhất là họ không bao giờ từ bỏ mô hình tổ chức nhân xã
của họ, vì họ biết rằng, qua lịch sử đã chứng minh, không những nó giúp họ làm
cho đất nước phát triển hài hòa, giúp cho một quốc gia mang nhiều chủng tộc,
màu da khác nhau, nhưng vẫn có thể đoàn kết, để thăng tiến. Lý do thứ nhì là
chừng nào còn độc tài, dưới hình thức này hay hình thức khác, độc tài cộng sản
hay độc tài phát xít, quân phiệt, thì vẫn có sự kình chống giữ 2 mô hình này.
Và lý do thứ ba đó là thực tế hiển nhiên, những người, những nhà lãnh đạo theo
mô hình tổ chức nhân xã độc tài và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa, miệng rao rác sự ưu việt của mô hình này, nhưng thực tế là hoàn toàn
làm trái lại, bằng cớ mà giới lãnh đạo và trí thức Hoa kỳ họ biết rất rõ, đó là
hàng năm số tiền các đại gia, con ông cháu cha, người trong Trung ương đảng và
Bộ chính trị gửi sang Hoa kỳ càng ngày càng tăng. Việc này đúng với Trung cộng
và Việt Nam: số con em các ông lớn muốn sang Hoa Kỳ du học, đã ghi tên là gần
200 000 người, hiện đang du học là 50 000, đó là Trung Cộng. Việt nam thì số
con em, con ông cháu cha, những đại gia là gần 50 000 người ghi tên, hiện là 15
000 người đang du học. Nếu họ nghĩ rằng mô hình tổ chức nhân xã của họ tốt đẹp,
thì tại sao chính họ, con cháu họ lại bỏ nước ra đi. Vào năm 2012, theo một
cuộc thăm dò « chui « của tờ Hoàn cầu thời báo, thì 63% dân số Trung cộng mong
muốn thể chế dân chủ như kiểu tây phương ở xứ họ. Cũng trong năm này, trước khi
thăm viếng một số nước Đông Nam Á, để xác nhận lập trường Hoa Kỳ sẽ trở lại
Châu Á Thái bình dương, bà Ngoại trưởng Hilary Clinton có tuyên bố: "Trung
cộng sẽ sụp đổ. Họ đang lo lắng và họ định ngăn chặn lịch sử. Đó là việc làm vô
ích, họ không thể làm được điều đó. Nhưng họ đang cố duy trì, kìm hãm càng lâu
như có thể… Họ đang làm trò cười."
Cuộc
tranh hùng Mỹ Trung, ai sẽ thắng ai?
Chúng ta không cần lý luận dài dòng, tìm lý do sâu
xa, chúng ta chỉ cần dùng một hình ảnh dễ hiểu, đó là chúng ta có thể so sánh
một chế độ như một cái cây, những người lãnh đạo và con cháu là những người
đứng dưới gốc cây, hưởng bóng mát của nó; nhưng thay vì mang đất ở ngoài vun
vào gốc cây, lại đào đất ở gốc cây thảy ra ngoài, bằng cách gửi tiền, cho con
cháu ra học nước ngoài rồi không về, thì sớm muộn cái cây sẽ trốc gốc. Vì vậy
chế độ Trung cộng và Việt Nam, hay nói khác đi mô hình tổ chức nhân xã độc tài,
độc khuynh, độc đảng, với nền kinh tế mâu thuẫn, kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ sớm ngày sụp đổ. Sụp đổ không vì ai đánh mà chính là
người của chế độ, con cháu của chế độ.
Nói như ông Lê xuân Tá, cựu Phó Chủ tịch Ủy Ban khoa
học và Kỹ thuật Đảng Cộng sản Việt nam, sau đó bỏ đảng, vào những năm 90:
"Sự ngu dốt và sự thấp hèn, tự nó không đáng
trách và không làm nên tội ác. Nhưng sự ngu dốt và thấp hèn mà được được trao
quyền lực và được cấy vào vi trùng ghen tị, thì nó trở thành quỷ nhập tràng. Và
con quỷ này, nó ý thức rất sớm và rất rõ rằng cái đe dọa quyền và lợi của nó
chính là sự hiểu biết, văn hóa và văn minh. Nên nó đã đánh những thứ này một
cách tàn bạo, vô nhân đạo và không thương tiếc. Cách mạng Hồng vệ binh ở bên
Tàu là thế, vụ Nhân văn Giai phẩm ở Việt Nam là vậy ». « Tuy nhiên vì nó là ngu
dốt và thấp hèn, nên những thứ này lâu ngày đã trở thành sỏi thận, sỏi mật, sơ
gan, cổ chướng, trong lục phủ ngũ tạng của chế độ, làm cho chế độ này không ai
đánh mà tự chết". (1)
Câu trên cũng chỉ đúng một phần, vì nhìn vào lịch sử
nhân loại, những chế độ, triều đại sụp đổ là tự mình làm mình sụp đổ trước, rồi
cũng phải có sức mạnh bên ngoài làm sụp đổ sau. Như đế quốc cộng sản Liên sô
gần đây, tự mình làm yếu mình trước, vì đi theo triết lý Mác Lê, phản tự nhiên,
phản kinh tế, lại đua đòi chạy đua vũ trang, đòi thắng tư bản, sau đó Hoa kỳ
mới tiếp tay làm sụp đổ.
Ngày hôm nay, Trung cộng và Việt Nam, vẫn còn giữ
căn bẳn triết lý Mác Lê, như hiến pháp của 2 nước này qui định, chỉ thêm "kinh
tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" là một nghịch lý,
đi theo chủ nghĩa tư bản một cách rừng rú, không luật lệ, làm hàng giả, sao
chép trái phép, cạnh tranh bất chính, thêm vào đó, một số dân, trí thức và lãnh
đạo vẫn đi theo duy vật chủ nghĩa, ở chỗ thấp hèn nhất, không coi trong trọng
đạo đức, giá trị tinh thần, đưa đến chỗ làm bất cứ chuyện gì, kể cả bán nước,
đầu độc nhân dân, để có "vật chất", có tiền, "Mèo trắng hay
mèo đen không quan trọng. Quan trọng là nó bắt chuột". Chính vì vậy mà
xã hội Trung cộng và Việt Nam xuống cấp trầm trọng về giá trị tinh thần. Đó là
lý do nội tại, tự mình làm mình yếu trước. Yếu đây không chỉ có nghĩa là yếu về
kinh tế, mà yếu về đủ mọi mặt.
Lý do ngoại tại, đó là một sức mạnh bên ngoài tới
làm sụp đổ sau. Đây chỉ có thể là Hoa kỳ, vì tự nguyên tắc hai mô hình tổ chức
xã hội, một bên là dân chủ tự do, kinh tế thị trường, bên kia là độc khuynh,
độc đảng, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bản chất
đã kình chống nhau. Chúng ta có thể nói đây là Chiến tranh Lạnh, dưới một dạng
khác.
Nói như vậy, không có nghĩa là những người dân Trung
cộng và Việt Nam, đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền khoanh tay ngồi chờ. Hãy
cố gắng đấu tranh mạnh hơn, để thúc đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa cho quê
hương, để bắt kịp đà tiến bộ của nhân loại là đa khuynh, đa đảng, tôn trọng dân
chủ, tôn trọng nhân quyền.
Paris ngày 17/10/2013
__________________________________
Xin xem thêm những bài về Marx, Việt Nam và Trung
cộng, trên: perso.orange.fr/chuchinam
No comments:
Post a Comment