Roger
Mitton
Diên Vỹ chuyển ngữ
16.09.2013
Trước đây người ta có thể mua
những bức tranh cổ động chính gốc thời chiến ở Việt Nam. Đa số có từ thời kỳ mà
người Việt gọi là cuộc Chiến tranh Chống Mỹ, ví dụ như như cặp tranh lớn vẽ hai
cô gái đang treo trên bức tường gần bàn làm việc của tôi.
Cô gái bên trái với vẻ mặt
thanh thản là một dân công Việt Cộng, cô mặc chiếc áo đen và khoác một khẩu
súng trường nặng nề sau lưng, bức tranh xuất bản năm 1975, khi cuộc chiến chấm
dứt.
Bên phải là một cô gái trẻ và
duyên dáng hơn, mặc chiếc áo dài xanh hợp thời trang và tay ôm một bó hoa đỏ,
bức tranh xuất bản vào năm 1995, gần một thập niên sau kế hoạch đổi mới kinh tế
được đưa ra.
Bộ tranh có tên Những Cô gái
trên Lịch, Ngày ấy và Hôm nay (Vẻ đẹp và Sức mạnh).
Rõ ràng là tôi không nên tiết
lộ danh tính của người hoạ sĩ để phòng hờ anh ta bị chính quyền trừng phạt vì
tác phẩm của mình.
Trường hợp như thế này xảy ra
rất nhiều tại Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những hoạ
sĩ, nhà văn, các học giả và nhà báo, và hầu hết những ai sử dụng mạng internet.
Nhiều người này đã tạo blog, sử
dụng bí danh để đăng những bài viết và hình ảnh bộc lộ sự giận dữ đối với việc
điều hành đất nước một cách yếu kém của chính quyền Hà Nội.
Họ tố cáo cuộc sống của họ hiện
đang bị kềm kẹp, và khẩu hiệu của họ rút ra từ lời bài hát nổi tiếng của Pink
Floyd “Another Brick in the Wall” (Một viên gạch khác trên tường) - “We Don’t
Need No Thought Control” (Chúng tôi không cần quản lý tư tưởng).
Thật là hay khi mường tượng đến
việc dán những lời ca trên lên bức tranh Vẻ đẹp và Sức mạnh như những
bong bóng đối thoại để miêu tả việc hai cô gái đang nói lên những điều ấy.
Nếu hai cô gái ấy thực sự nói
những câu này, chắc hẳn họ đã bị bỏ tù, vì chính quyền Cộng sản Việt Nam đang
tấn công vào những blogger trẻ và những ai dám, dù chỉ nhẹ nhàng, chỉ trích
hoặc châm biếm những chính sách của họ. Trên khắp nước, hàng trăm người viết
bài trên mạng đã bị bắt giữ vì các tội danh như bôi nhọ lãnh đạo đảng hoặc đe
doạ đến nền an ninh quốc gia.
Tháng trước, Phil Robertson,
phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã lên án việc bỏ
tù Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vì tội có những quan điểm chính trị
khác biệt.
Ông gọi việc này là “một bản
cáo trạng sâu sắc về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam”. Ông Robertson nói:
“Nó cho thấy một chính quyền bất công đang quyết tâm bịt miệng những người dân
của mình và một hệ thống pháp lý tay sai đang hết mình phục vụ những ông chủ
chính trị của mình.”
Ngay sau đó, chính quyền Cộng
sản còn đi xa hơn nữa bằng cách thông qua một biện pháp đàn áp mới có tên Nghị
định 72, cấm việc chia sẻ tin tức thông thường trên mạng xã hội. Điều này có
nghĩa rằng người sử dụng internet ở Việt Nam chỉ có thể chia sẻ thông tin cá
nhân, họ không thể trích dẫn, thu thập hoặc tóm tắt tài liệu từ các trang mạng
của báo chí hoặc chính quyền.
Và chắc chắn họ sẽ không thể
gắn những trích dẫn vào các bong bóng đối thoại trên các hình ảnh nhằm ám chỉ
việc Hồ Chí Minh thích các cô gái trẻ hoặc việc các uỷ viên Bộ Chính trị thích
rượu Whisky đơn cất.
Tuy nhiên, nói một cách tượng
trưng thì điều này hầu như tóm tắt được những thành công gần đây của quán Cà
phê Cộng tại Hà Nội - và cũng làm cho nó vướng sâu vào vòng phiền lụy.
Chủ tiệm là ca sĩ nổi danh Linh
Dung, tiệm được trang trí bằng những bức tranh cổ động xưa theo kiểu Vẻ đẹp
và Sức mạnh, đa số chúng được thêm thắt để tăng tính châm biếm.
Ví dụ như bảng thực đơn của
tiệm được viết trên những trang sách của Marx và Lê Nin, cũng như những trích
dẫn từ tuyên bố của các nhân vật vĩ đại này, bao gồm cả Hồ Chí Minh, được sửa
đổi để biến họ trông có vẻ, hừm, buồn cười. Tuy nhiên, các anh Cộng thích bê
tông nhưng lại ghét châm biếm. Nó cứ làm họ điên đầu.
Vì thế hiện nay cơ quan công an
đang điều tra tiệm cà phê của Dung vì những trang trí mang tính “báng bổ” của
mình. Thật ra họ làm việc này chẳng qua là vì tiệm cà phê quá nổi tiếng.
Chính quyền Hà Nội hoảng sợ
trước việc thế hệ trẻ người Việt sành sõi kỹ thuật đang hoàn toàn chán ghét nó.
Vì thế, nó đã phát động thêm một chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với quyền tự do
ngôn luận .
Đây là một hành động xấu xí về
đạo đức và yếu ớt về tinh thần. Và chắc chắn nó sẽ thất bại.
Vẻ đẹp và sức mạnh của những
blogger trẻ tuổi trong nước sẽ chiến thắng về lâu về dài.
No comments:
Post a Comment