Wednesday 18 September 2013

VẤN ĐỀ CẢI CÁCH TẠI VIỆT NAM (David Koh - DCV Online)




David Koh
Posted on August 25, 2013 by editor0 Comments

Trong một đất nước nói chung là nói không đi với làm, thì có cải cách Hiến pháp cũng không ăn thua, trừ khi Hiến pháp được mọi người, từ Tổng Bí Thư ĐCSVN đến mỗi một người đều tôn trọng và thực hiện.
David Koh

DCVOnline – Xin giới thiệu đến bạn đọc bài Bài phát biểu của T.s. David Koh tại Hội Thảo Hè 13/8/2013 trong tiết mục “Bàn tròn về cải cách Hiến pháp và cải cách nói chung / Roundtable on constitution reform and other reforms”. David Koh là người làm nghiên cứu (senior fellow) có tiếng tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu (ISAS) chuyên về chính trị Việt Nam, xã hội và văn hóa, chính quyền địa phương và các mối quan hệ nhà nước-xã hội, cải cách hành chính ở Việt Nam, chính sách đối ngoại của Việt Nam, Người Trung Hoa tại Việt Nam.

Bài phát biểu của David Koh tại Hội Thảo Hè 13/8/2013 Singapore Management University

Kính thưa chủ tọa, ban tổ chức, qúy vị đại biểu,

Hai hôm nay mọi người đã cất công đến đây, chắc không phải chỉ vì sự tò mò, đúng không ạ?  Tôi thấy mọi người đến dự hội thảo này đều có chung một nhiệt huyết và mong muốn là đưa nước Việt Nam tiến lên, như lời ông Hồ Chí Minh đã nói, để “nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu”.  Cái đó chứng tỏ người Việt yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng bào.  Nhưng nếu mà cứ theo phương châm này mà hành động, có khi lại là hại dân hại nước hơn.

Trong vài phút theo đây tôi muốn chia sẻ bốn điều với mọi người.

Hiện nay tôi thấy đang nổi lên một ý kiến chung, được phổ biến rộng rãi, rằng đầu mối của các vấn đề quốc kế dân sinh, quản lý đất nước, vận mệnh nước nhà, đều có nguồn gốc từ cải cách chính trị.  Trong ý kiến chung này, tôi lại thấy có vài trường phái hơi khác nhau. Nói tóm tắt là, có người muốn cải cách nhanh, có người muốn đi từ từ, có người cho rằng thế chế bây giờ là vừa, và cũng có người không suy nghĩ gì và chỉ thích sự bình yên. Tôi có đếm đến năm trường phái.

Trường phái thứ nhất cho rằng, phải cải cách toàn diện theo hướng dân chủ cởi mở tự do.  Về hành động cụ thể, trường phái này thấy cần phải bãi bỏ Đảng Cộng Sản Việt Nam, thiết lập một chính thể mới (thập chí có thể là quân chủ lập hiến).  Bởi vì mặc dù chế độ Cộng sản đã có công giành độc lập trong quá khứ nhưng mà cách làm của họ, dựa trên tư duy thời đại trước, nay đã hết thời rồi.  Mà thực tế là đã hết thời hơn 20 năm rồi chứ.

Trường phái thứ hai thấy cải cách phải từ từ để tránh xáo trộn trong xã hội. Vì việc này cũng giống như luộc khoai, “từ từ thì khoai mới nhừ”.  Cho nên, xã hội cần hạn chế quyền lực vô biên của Đảng Cộng Sản nhưng nên làm từng bước một.  Trong trường phái này thì có người coi sửa đổi Điều lệ Đảng là cơ bản, cho ra một thể chế dân chủ hơn trong Đảng; có người muốn dùng pháp luật của nhà nước để đưa quyền lực của Đảng vào khuôn khổ. Có người thì cho rằng pháp luật phải đứng trên Đảng và nên coi ĐCSVN như một đảng chính trị bình thường, bình đảng với các lực lượng chính trị khác.

Còn trường phái thứ ba lại kêu gọi một sự thỏa thuận xã hội (social compact) mới, giữa người cầm quyền và người dân, như một Hội Nghị Diên Hồng mới, một cuộc Phục Hưng để chấn hưng quốc gia.  Rồi Hội nghị đưa ra nghị quyết gì thì nghị quyết ấy phải được mọi người chấp thuận và tôn trọng.

Bước qua một dải phân cách lớn để đi sang chiều hướng khác là một trường phái nữa cho rằng vai trò lãnh đạo của ĐCSVN nên được giữ nguyên nhưng Đảng phải cải cách nội bộ. Và vấn đề không chi dừng lại ở việc sửa đổi điều lệ hay luật pháp mà còn được mở rộng đến cả lề lối làm việc, cách dùng người, cách tuyển chọn lãnh đạo, tư duy của người lãnh đạo, phát huy thực sự ý tưởng tập trung dân chủ để đoàn kết mọi người lại trong một cú đấm sắt thép đưa đất nước đi lên.  Và cả vấn đề ý thức hệ cũng phải xem xét lại – phải xem lại vấn đề mèo đen, mèo trắng, xem lại đầu óc con người có quá bảo thủ không?

Trường phái thứ năm cho rằng chỉ có ĐCSVN là đảng duy nhất có khả năng lãnh đạo đất nước tiến lên trong thời kỳ này bởi vì Đảng đã thể hiện tài năng lãnh đạo trong quá khứ. Thể chế, lề lối làm việc của Đảng sẽ tạo thuận lợi cho việc tập kết sức mạnh để tiến lên trong tình hình hiện tại.  Nhưng Đảng nên có những chính sách sâu sắc và gần gũi với nhân dân hơn.

Có trường phái nữa cho rằng thể chế vẫn hoạt động tốt. Đảng phải được bảo vệ kỹ lưỡng trong thời kỳ rối ren của đất nước.  Nếu Đảng bị sụp đổ thì Việt Nam sẽ bị đưa trở lại thời kỳ đồ đá tối tăm.  Nhất là trước tình hình vùng biển đang có nhiều đe dọa thì nước Việt Nam càng cần tập trung quyền lực chính trị vào Đảng. tập trung hơn trước. Về vấn đề chống ngoại xâm, ĐCSVN vẫn là đảng tiên phong, là niềm tự hào sáng chói trong lich sử.

Kính thưa qúi vị, mọi trường phái trên đều là tiên đoán. Đến thời điểm này rất khó có thể nói là về hiệu qủa cải cách, trường phái nào là đúng hay là sai. Và tất nhiên, không có một chính thể hoàn hảo. Ở mỗi một thời điểm lịch sử đều sẽ phát sinh những yêu cầu khác biệt về chính trị. Vấn đề là làm thế nào để thích ứng, cập nhật, phát triển.  Xã hội phải luôn luôn biết cạnh tranh, thích ứng thì mới phồn vinh được trong cuộc chạy đua toàn cầu.

Thay vì nêu ra đề nghị là đất nước Việt Nam nên đi theo trường phái nào, tôi nghĩ có lẽ nên bàn đến việc Việt Nam cần những biện pháp cải cách nào dể mang lại hiệu quả quốc gia (National Effectiveness) một cách tích cực nhất.  Nhưng sửa đổi Hiếp pháp theo tôi là không nằm trong những biện pháp này.  Trong một đất nước nói chung là nói không đi với làm, thì có cải cách Hiến pháp cũng không ăn thua, trừ khi Hiến pháp được mọi người, từ Tổng Bí Thư ĐCSVN đến mỗi một người đều tôn trọng và thực hiện. Nếu thể chế Đảng cứ đứng trên luật pháp, thì việc này coi như sẽ không bao giờ có được.  Đường đi của Hiến pháp vẫn con dài và lắm chông gai.  Cho nên, theo tôi cuộc tranh luận sửa đổi Hiến pháp chưa phải đi vào cốt lõi của vấn đề, nhưng nó lại là một vấn đề không thể bỏ mặc được.

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ hôm nay là tính cách không dễ chịu sự chỉ đạo của chính quyền, là một cản trở.  Văn hóa VN đa dạng, dân chủ, sức sáng tạo cao, biết phản biện, cần cù sản xuất, và nhiều cái đáng khen nữa.  Một xã hội có nền văn hóa như vậy có rất nhiều thuận lợi để tìm ra chân lý, đi đến xã hội hoàn thiện.

Đúng thế, sau khi có những cuộc tranh luận gay gắt cho ra nhẽ, người ta mới đặt ra là phải hành động như thế nào trong một sự đồng thuận toàn dân.  Nếu mà không có sự phản biện, tranh luận dẫn đến thỏa thuận, thì lý lẽ của các hành động do một trường phái nào đó đạt ra sẽ khó được trường phái khác chấp nhậnawj

Nhưng mà những điều nay có mặt trái.  Nếu xét về gốc độ hiệu quả quốc gia thì một nền văn hóa phản biện quá sẽ có tốc độ tiến lên chậm hơn.

Ý chính của tôi ở đây là văn hóa VN là một nền văn hóa biết phản biện, biết đấu tranh. Thậm chí đó là một nền văn hóa thích được đứng về phía thắng lợi, không dễ chấp nhận quan điểm, lập trường của người khác nếu đó là những quan điểm, lập trường không phù hợp với thế giới quan của minh.  Nói như một giáo sư của tôi đã nói hai chục năm trước về người HQ, rằng giữa ba người HQ, thi sẽ có 4 chính đảng được thành lập. Ở đám người Việt Nam chắc là cũng vậy thôi.
Những người dễ bất đồng và cứng rắn về lập trường như vậy, trong môi trường Độc Đảng, chính trị, kinh tế, xã hội không tự do và không có không gian cho ý kiến ngoài lề, thì sẽ hèn nhát và lựa chọn sự tách biệt, không quan tâm, thờ ơ với những cái chính thống nếu có thể thờ ơ được, hoặc chấp nhận những cái mà chính thống đang áp đạt nhưng cố tìm cách thắng lợi cá nhân trong môi trường không lý tưởng đó.

Tắt nhiên, nếu mà vấn đề ngoại xâm ở mức báo động , thì mọi người Việt Nam sẽ đoàn kết lại, kết hợp mọi lực lượng.  Khi đó mọi người sẽ gác mọi biệt phái sang một bên để đi theo một con đường chung.  Kẻ thù của Việt Nam mà khôn ngoan thì sẽ có những bước đi làm cho Việt Nam dở dang – vừa không đoàn kết nội bộ bởi vì độ nguy hiểm của việc ngoại xâm chưa đến độ báo động, nhưng lại khuyến khích nội bộ Việt Nam trăm hoa đua nở, khuyến khích dân chủ, rồi lại khuyến khích đàn áp.

Một xã hội luôn luôn phản biện để thể hiện mình sẽ luôn luôn bị hạn chế khả năng khai thác mọi nguồn lực của xã hội đối với bất kỳ việc gì trong thời gian nhanh nhất.  Nếu mà xã hội, trong đó có ĐCSVN và những cá nhân có suy nghĩ ủng hộ một trường phái độc tôn không tạo không gian sống cho người thua cuộc, và người thua cuộc lại không bao giờ chấp nhận kẻ thắng cuộc, thì xã hội sẽ luôn luôn có những cuộc xáo trộn lớn. Làm cách nào để khuyến khích một tư duy dân chủ thật sự, thay vì tư duy được làm vua, thua làm giặc?

Điều thứ ba tôi muốn chia sẻ hôm nay liên quan đến tinh thần tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền lợi của người khác.  Qua quan sát bao năm nay, tôi thấy trong xã hội Việt Nam quan hệ giữa cá nhân với nhau hết sức dân chủ và có sự tôn trọng nếu mà những quan hệ đó la quan hệ gia đình, người thân, quen biết, hợp tác, bề trên bề dưới, có lợi ích đan xen.

Mặt khác, tôi cũng đã chứng kiến, khi có xung đột về lợi ích thì có vẻ như ai có quyền lực thì sẽ cố gắng sử dụng quyền lực của mình để đạt được mục đích riêng. Có người đỗ xe chiếm dụng vỉa hè, đã không cho tôi đi bộ qua lại mà còn dọa giết nếu tôi không chịu đi xuống lòng đường. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng tôi thường xuyên nghe thấy, nhìn thấy, đọc thấy nhiều trường hợp khác.  Đó là biểu hiện của một xã hội có thói xấu quen sử dung quyền lực thay vì tuân thủ pháp luật. Câu nói “mạnh ai nấy làm” là câu nói tôi đã gặp từ rất sớm, khi tôi mới bắt đầu học tiếng Việt. Nhưng tôi không ngờ đây là một hiện tượng rất phổ biến trong xã hội Việt Nam. Nó thường dùng để chỉ những mặt tiêu cực, những pha biểu hiện quyền lực thuần túy, và tuyệt nhiên không có nể nang một chút gì với pháp luật cả.  Nhiều khi, tôi cảm giác là xã hội Việt Nam như một khu rừng rộng, mình phải liên kết với rất nhiều người để mà sống sót.  Cuộc sống có vô vàn khó khăn do cơ chế, do quan liêu mang đến, nhưng lại có những cách giải quyết vô cùng thoáng đãng dựa trên quan hệ và quyền lực.  Nhiều người Việt Nam hay nói rằng họ rất thích một chế độ pháp trị mạnh mẽ, công bằng với mọi người. Nhưng mà khi gặp phải những khó khăn trong đời sống thực tế thì họ lại hay nhờ vả, dùng cách này cách khác để giải quyết công việc đằng sau màn, ngoại pháp luật.

Điều thứ tư tôi muốn nói có liên quan, và to lớn hơn Điều Bốn của Hiến pháp. Lịch sử Việt Nam cho thấy, sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam sẽ tạo dựng lên một sức lực vô biên. Nó lớn hơn cả sức lực của ĐCSVN, lớn hơn bất kỳ dã tâm xâm chiếm nào.  Nhưng, ĐCSVN phải hiểu rằng thể chế và cơ chế về quản lý hiện tại đang gây ra sự chia rẽ khá nặng nề.  Không thể nói đây là vấn đề của Chính Phủ và chi cần thay người của Chính Phủ là mọi việc sẽ xong xuôi.  Như một câu nói cửa miệng của một người trong cuộc, đó là “lỗi hệ thống”.  Cho nên, người dân sẽ không nhận thấy sự cần thiết phải đoàn kết với chính quyền nếu cách làm của chính quyền theo cái mà tôi gọi là Ba Xa: xa dân, xa thực tế, và xa thời đại.  Dân luôn luôn như ngón tay của con người, có ngón dài, ngón ngắn. Mỗi ngón đều có những tác dụng và chức năng khác nhau. Chính quyền nên nhìn nhận nhân dân cho đúng.  Lúc nào cũng vậy, thực tế nên là kim chỉ nam cho mọi hành động. Chỉ khi chính quyền giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống hiện thực của người dân thì dân mới quý. Và làm thế nào tránh Ba Xa, mà vẫn đạt được hiệu quả quốc gia trong thời gian ngắn nhất?

Kính thưa các bạn,

Tôi đã bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1994, và sang năm sẽ tròn hai mươi năm. Thế mà tôi luôn luôn thích thú khi nghiên cứu về Việt Nam, chỉ vì những câu hỏi vừa nói trên.

Để thay lời kết, tôi xin cám ơn ban tổ chức đã cho phép tôi tham gia vào cuộc thảo luận bàn tròn này.  Tôi xin gửi lời chào thân thiết nhất đến tất cả bạn Việt Nam có mặt hôm nay.  Chúc mọi người vạn sự tốt lành, chúc Việt Nam sớm ra khỏi cơn suy thoái, ra khỏi vòng xoáy Ba Xa.
Cám ơn các bạn.


Nguồn Bài phát biểu tại Hội Thảo Hè 13/8/2013. David Koh Facebook. August 15, 2013 at 12:39pm. Tựa của DCVOnline.



No comments:

Post a Comment

View My Stats