Friday, 20 September 2013

ĐỨC PHẬT TRỞ THÀNH TÂM ĐIỂM CỦA SỰ ĐỐI ĐẦU TRUNG - ẤN (Minh Anh - RFI)




Minh Anh   -  RFI
Thứ năm 19 Tháng Chín 2013

Không chỉ đối đầu trên các vấn đề biên giới, năng lượng và trên lãnh hải, cuộc cạnh tranh Trung - Ấn giờ còn lan sang cả lĩnh vực tinh thần : Tranh giành ảnh hưởng lên cộng đồng Phật giáo trong khu vực châu Á và bên ngoài. Chủ đề này được tờ phụ san địa chính trị của báo Le Monde đề cập đến qua bài phân tích hấp dẫn đề tựa « Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu nhau xung quanh tượng Phật ».

Theo Le Monde, giờ đây « quyền lực mềm » đang là một mặt trận mới giữa hai cường quốc châu Á, mà Phật giáo chính là một tiềm lực không một lãnh đạo châu Á nào có thể bỏ qua. Ấn Độ có Liên đoàn Phật giáo Quốc tế IBC (viết tắt từ International Buddhist Confederation) mà đại hội vừa diễn ra từ ngày 09/09 cho đến 12/9 vừa qua tại New Dehli, quy tụ nhiều phái đoàn đến từ 40 quốc gia trên toàn thế giới.

Nhưng cách đây bảy năm (2006), Trung Quốc đã cho mở Diễn đàn Phật giáo Thế giới WBF (viết tắt từ World Buddhist Forum) tại Hàng Châu, phía nam Thượng Hải. Một công cụ giúp Bắc Kinh tìm cách tán tỉnh cộng đồng Phật giáo. Điển hình cách đây khoảng một chục năm, nhiều chương trình trưng bày « xá lợi » Phật đã được tổ chức tại Trung Quốc hay Hồng Kông.

Nhìn trên tổng thể, WBF của Trung Quốc thu được nhiều thành công hơn là IBC Ấn Độ mà nguyên nhân chính nằm ở vấn đề Tây Tạng. Trung Quốc muốn thông qua WBF để tạo tính chính đáng cho vị Ban thiền Lạt Ma, người ủng hộ Bắc Kinh và khẳng định Tây Tạng là thuộc về Trung Quốc. Chỉ có điều, nhân vật do Bắc Kinh đưa lên lại bị cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, và những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma phản đối dữ dội.

Qua WBF, Trung Quốc muốn phô trương thanh thế là quốc gia có cộng đồng Phật giáo đông nhất hành tinh. Đổi lại, Ấn Độ tự hào là nguồn cội của đạo Phật. Tuy nhiên, niềm tự hào của Ấn Độ lại khiến cho quốc gia lân bang là Nepal cảm thấy phật lòng, vì Đức Phật vốn dĩ được sinh ra và lớn lên tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini), địa danh thuộc một quận biên giới Nepal.

Tuy nhiên, bài viết công nhận rằng tại Ấn Độ vẫn còn nhiều vết tích về các chuyến hành hương của Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Và Ấn Độ bắt đầu đổ tiền của vào để phát triển ngành du lịch hành hương tại nước mình.

Chính trên lãnh vực này diễn ra trận đấu tay đôi giữa Bắc Kinh và New Dehli. Năm 2011, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hồng Kông, thân chính quyền Bắc Kinh - Asia Pacific Exchange and Cooperation Foundation (APECF) - đã đề nghị với chính quyền Nepal cho đầu tư ba tỷ đô la nhằm phát triển khu vực Lâm Tỳ Ni.

Trong con mắt của chính quyền New Dehli, tham vọng đầu tư của Bắc Kinh vào Lâm Tỳ Ni, một thánh địa có uy tín nhất của Phật giáo, nằm cách biên giới Ấn chỉ có vài km, rõ ràng một thách thức lớn về địa chính trị.

Ấn Độ nghi ngờ là một khi dự án được hoàn tất, Bắc Kinh sẽ thu phục được ảnh hưởng cộng đồng tu sĩ tại Hy Mã Lạp Sơn. Đồng thời hậu quả có thể có là khả năng kiểm soát cả khối cộng đồng người Tây Tạng di tản một khi đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời.

Cuối cùng, bài viết trích dẫn nỗi lo lắng của vị quan chức cao cấp về hưu cho rằng « Thông qua Lâm Tỳ Ni, Trung Quốc có nguy cơ gầy dựng cột thứ năm ngay trước cửa nhà Ấn Độ ». Giờ đây, « Lâm Tỳ Ni đã trở thành tâm điểm » của cuộc đấu lớn Trung - Ấn, theo như nhận xét của một vị chức sắc Phật giáo Nepal.

Chỉ có điều tâm điểm này lại quá nóng bỏng, Le Monde kết luận.

Giáo hội Công giáo Cuba yêu cầu cải cách chính trị
Hơn bao giờ hết người dân và Giáo hội Công giáo Cuba mong muốn chính quyền La Habana thúc đẩy nhanh hơn nữa công cuộc cải cách đất nước, nhất là trên bình diện chính trị. Chủ đề này được nhật báo Le Monde hôm nay 19/09/2013 phản ảnh lại qua bài viết « Tại Cuba, Giáo hội công giáo kêu gọi cải cách chính trị ».
Trong thư ngỏ công bố hôm thứ Hai 16/9, Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Cuba đã đưa lên hàng đầu « tính khẩn cấp » của việc cải cách hệ thống chính trị trong nước. Giáo hội nhắc lại những tiến bộ gần đây đã được Nhà nước thực hiện : trả tự do các tù nhân chính trị nhờ vào sự trung gian của Đức Hồng y Jaime Ortega ; trao trả lại đất đai cho nông dân ; trao quyền tự lập doanh nghiệp, quyền tự do thực hiện ước mơ cá nhân kể cả việc đi ra nước ngoài. Tuy nhiên, bức thư cũng lưu ý là sự nghèo khổ và hệ tư tưởng cũ vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Các vị giám mục viết rằng « Cuba mong muốn trở thành một xã hội đa thể chế. Quyền hạn khác nhau phải lan rộng đến cả trong tư tưởng, tính sáng tạo, sự tìm tòi sự thật ». Bằng cách nhấn mạnh đến « những lộ trình đối thoại mới » với các kiều dân Cuba tại Hoa Kỳ, Giáo hội bày tỏ ước nguyện « một xã hội dân sự vững chắc ».
Bức thư của Hội đồng Giám mục chỉ trích « một nhà nước gia trưởng », nhất thiết phải được thay thế bằng một « Nhà nước tham vấn » : « Không nên lo sợ sự phát triển của một quyền tự chủ xã hội vững mạnh và có trách nhiệm ». Bởi vì trên thực tế, quyền hội họp và tự do ngôn luận vẫn còn bị kiềm hãm bởi những quy định do độc đảng đề ra.
Le Monde cho rằng bức thư trên phản ảnh sự nóng lòng của người dân Cuba đối với nhịp độ thay đổi hiện nay và sự thiếu vắng một nền chính trị mở. Bức thư ngỏ này được đăng trên tờ tạp chí Espacio Laical, một tạp chí độc lập duy nhất được phép ấn bản tại Cuba và được đại bộ phận dân chúng, nhất là những người ủng hộ cải cách đón nhận nhiệt tình.

Indonesia : Nếu muốn đi học phải còn trinh tiết ?
Chính quyền một thành phố tại Indonesia đề nghị thực hiện xét nghiệm trinh tiết các nữ sinh. Xét nghiệm này được xem như chiếc chìa khóa để vào các cổng trường trung học cấp 3, hợp thức hóa các năm học và thậm chí để nhận bằng cấp. Chủ đề này được nhật báo cộng sản L’Humanité chú ý đến qua hàng tựa « Tại Indonesia, hãy làm xét nghiệm trinh tiết trước đã ! »
L’Humanité cho hay, lấy cảm hứng từ ý tưởng này, Hội đồng Giáo lý Indonsia tại Java còn đi xa hơn đề nghị đưa vào kiểu xét nghiệm nhục nhã và phân biệt vào cả trong Hiến Pháp. Sự việc gây bất bình đến mức Bộ trưởng Giáo dục phải lên tiếng đính chính cho là đề nghị trên không có ý nghĩa gì. Ông phải trấn an dân chúng là nếu chính quyền bang nào thông qua quy luật trên, ông cũng sẽ có biện pháp can thiệp.
Theo tờ báo, ý tưởng xét nghiệm trinh tiết nữ sinh thường xuyên xuất hiện trong các cuộc tranh luận công khai.Ý tưởng này cũng đã được đề cập đến cách đây 13 năm. Dựa vào lập luận là ngày càng có nhiều phim khiêu dâm được trình chiếu trong xã hội, một số thị trưởng đã đưa ra ý tưởng này nhưng không bao giò đề cập đến các trường hợp các nữ sinh bị hãm hiếp, đồng thời chối bỏ việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn, một loại tội phạm đang ngày càng gia tăng tại Indonesia.
Bài viết kết luận, việc trở lại mạnh mẽ trật tự đạo đức, nhắm vào nữ giới, chứng tỏ một lần nữa các căng thẳng đang lan rộng trong lòng xã hội Indonesia vốn đang trong giai đoạn chuyển biến.

Đông và Tây Đức : Vết thương vẫn chưa lành
Còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử Quốc hội Đức, phụ san Địa chính trị của Le Monde và nhật báo Công giáo La Croix cùng có bài điều tra về tình hình xã hội và kinh tế tại Đức. Cả hai tờ báo nhận thấy là dù đã hợp nhất lại từ hơn hai thập niên qua, dù sự bất bình đẳng đã có giảm đi đôi chút nhưng sự khác biệt về cấu trúc và định kiến xã hội vẫn còn tồn đọng lại.
Đối với Le Monde, « Nước Đức, sự hợp nhất chưa hoàn tất ». Còn với La Croix « Tại Đông Đức cũ, các vết thương vẫn chưa lành lặn ». Dù đã hơn hai mươi năm trôi qua, nhưng những định kiến về Đông và Tây vẫn còn đó. « Giữa người dân phía Đông và phía Tây, cứ như là người xa lạ », theo như nhận định của tác giả Peer Steinbruck được Le Monde trích dẫn. Một điều tra cho thấy có đến khoảng 20% người dân phía Tây chưa một lần đặt chân đến các vùng đất phía Đông. ¾ người dân phía Tây nhìn thấy có « sự khác biệt về tâm tính » của người dân phía Đông.
Theo cả hai tờ báo, mức sống của dân phía Đông vẫn còn thấp hơn nhiều so với người đồng hương phía Tây. La Croix trích một nghiên cứu của Quỹ Bertelsmann tiết lộ cho biết có đến 38,3% trẻ em dưới 15 tuổi sống trong một gia đình phải hưởng tiền trợ cấp xã hội. Con số này cao hơn mức trung bình quốc gia là 28,3% và cao hơn các khu vực giàu có đến hơn 10 lần.
Đã hơn hai mươi năm trôi qua, nhưng nền kinh tế phía Đông vẫn đang trong tình trạng tái thiết : tư hữu hóa các doanh nghiệp Nhà nước do lợi nhuận kém, chậm trễ trong công nghệ và tình trạng thất nghiệp cao. Đó là chưa kể đến tình trạng trường học bị đóng cửa, bác sĩ thiếu trầm trọng. Theo báo La Croix, tại nhiều vùng phía Đông, do việc làm rất bấp bênh và lương rất thấp, giới trẻ có tay nghề hay có bằng cấp lần lượt bỏ đi sang các khu đô thị lớn giàu có phía Tây để tìm kiếm vận may. Kết quả, dân số tại các khu vực này ngày một già đi. Nhà đầu tư cũng không có do thiếu công nhân lành nghề.
Chính vì điều này mà cho đến nay các thành phố Đông Đức cũ vẫn còn lệ thuộc nhiều vào sự trợ giúp từ một số chính quyền của thành phố giàu có phía Tây. Và đương nhiên là sự đóng góp đó dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi không bao giờ chấm dứt vì cho rằng có sự bất công. Bởi vì, trẻ con ở một số thành phố giàu có đi học phải đóng học phí trong khi tại những thành phố phía Đông, nhà trẻ lại được miễn phí hoàn toàn.
Cuối cùng, cả hai tờ báo còn nhận thấy sự khác biệt vẫn còn hằn sâu trong ý thức hệ của người dân giữa hai bên. Người phía Tây có tư tưởng tiến bộ khi ủng hộ các trào lưu như dân chủ tự do hay bảo vệ môi trường. Trái lại tại phía Đông, các đảng chính trị có nguồn gốc từ Đảng Cộng sản Đông Đức cũ hay các phe cực tả là chiếm ưu thế tại các khu vực này.

Mỹ coi trọng châu Á hơn châu Âu
Một nghiên cứu do Quỹ German Marshall (GMF) thực hiện từ ngày 03/7 cho đến ngày 27/7 năm nay, cho thấy người dân Mỹ xác định châu Á như là đối tác quan trọng hơn là châu Âu. Chủ đề này được La Croix trích lại qua bài viết đề tựa « Hoa Kỳ nhìn sang châu Á, còn châu Âu lại nhìn về phía Mỹ ».
Theo kết quả thăm dò, 45% người dân Hoa Kỳ đánh giá châu Á nhỉnh hơn châu Âu (44%) một chút trên phương diện quyền lợi quốc gia. Đổi lại, 64% người châu Âu được hỏi lại cùng nhận thấy là Hoa Kỳ có tầm quan trọng hơn so với châu Á.
Nhìn chung, điều tra của GMF cho thấy quan hệ Âu-Mỹ vẫn còn khá hữu hảo trong con mắt người châu Âu. Hơn phân nửa người Pháp vẫn còn đánh giá cao vai tròn « sen đầm » quốc tế của Mỹ, so với con số 50% người châu Âu ủng hộ tính độc lập của châu lục già đối với Mỹ. Bên cạnh đó, đa số người châu Âu vẫn tiếp tục nghĩ rằng NATO rất cần thiết cho an ninh quốc gia.
Có điều nghịch lý là chỉ có 29% số người châu Âu và Hoa Kỳ được hỏi là ủng hộ tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương trên các hồ sơ an ninh và ngoại giao. Một điểm khác cũng cho thấy có sự thay đổi trong quan điểm của người Âu-Mỹ là thông thường họ rất ủng hộ nguyên tắc sử dụng « vũ lực » để « thực thi công lý » thì nay trên hồ sơ Syria, 62% người Mỹ và 72% người châu Âu phản đối một hành động quân sự vào quốc gia này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats