Sunday, 8 September 2013

TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN NGUYỄN THỤY LONG (Nguyễn Mạnh Trinh)




Nguyễn Mạnh Trinh
2013-09-06




Có nhà văn đang viết giở cuốn tiểu thuyết về nơi mình đang sống, nhưng không phải là chốn dương thế mà là nơi âm cảnh, của những hồn ma. Ông viết trong cái bối cảnh của vùng đất mà xưa kia là trường bắn của bót Hàng Keo, nơi mà các oan hồn của những tử tù như không bao giờ siêu thoát. Tiểu thuyết ấy là “Vùng Mả Động” và tác giả cũng vừa rời dương thế ra đi là Nguyễn Thụy Long. Ông từ trần khi viết dang dở cuốn tiểu thuyết mà ông cho là đắc ý nhất của mình.
“Theo tiết lộ của Nguyễn Thụy Long, ông chỉ viết về chuyện những người sống người chết quanh nhà, cuốn tiểu thuyết đã lên cả mấy ngàn trang.
- Vùng Mả Động viết được bao nhiêu trang rồi?
- Mới viết chừng nửa truyện đã hơn ngan 2trang
- Bao giờ hoàn tất?
- Chỉ cuối năm thôi
- Viết có đắc ý không?
- Rất đắc ý vì các nhân vật, vừa người cõi âm, vừa người cõi dương. Nhân vật nào cũng có nét riêng, không lẫn vào đâu được. “Đểu” có, tử tế có, lưu manh có, vô học có, trí thức có… các nhân vật cứ quyện vào nhau sống, “chửi bố nhau, yêu thương nhau…””

Nhà văn An Nam đã viết đoạn văn trên cùng với những câu thơ khóc bạn như:
“Chia tay nhau lũ người lận đận
nhìn nhau buồn chẳng nói năng chi
cùng một kiếp thương vay khóc mướn
được thua gì rồi cũng phải đi
cuộc thế trăm năm là vậy đó
khóc cười ư cũng chuyện thường tình…”

Có người nói Nguyễn Thụy Long là một nhà văn đóng vai trò chứng nhân của một thời thế đặc biệt của lịch sử. Mà số phận của người chứng ấy dường như có nhiều bất hạnh. Trước năm 1975,vì thời cuộc, bị bỏ tù vì làm công việc của một người lính KQ trực phi đạo giúp cho chiếc phi cơ chở những người lãnh đạo cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960 đào tẩu, cũng là một số phận bất hạnh. Làm văn, làm báo trong một thời kỳ đầy bão lửa, trải qua bao nhiêu cuộc đổi dời để kết cuộc làm một người hứng chịu tất cả những nghiệt ngã của cuộc sống của một thời kỳ xã hội xuống cấp trầm trọng nhất của lịch sử Việt Nam, lại là một số phận bất hạnh khác. Sau năm 1975, bị đầy ải, giam cầm, rồi viết văn, để trang trải tâm sự, mà không đăng tải được ở nơi chốn mình đang sống mà phải lén đưa ra nước ngoài để phổ biến, hầu như bất chấp hệ thống đe nẹt công an trị, lại cũng là một số phận bất hạnh, của những tâm tình bất đắc chí, của những nỗi niềm dằn vặt của người bị đẩy vào cùng đường tuyệt lộ…

Nguyễn Thụy Long là một trong những nhà văn của hai mươi năm văn học miền Nam bị chế độ mới ghép vào tội biệt kích văn nghệ. Những đám viết văn Cộng sản nằm vùng như Lữ Phương, như Vũ Hạnh, như Nguyễn Trọng Văn,… đã thẳng tay tố giác để lập công hầu thi hành chính sách xóa bỏ nền văn học miền Nam. Và, một tay đao phủ thủ khác, viết cuốn “Văn Hóa Văn nghệ Nam Việt Nam 1954-1975”, là Trần Trọng Đăng Đàn, lại là em vợ của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Trong Hồi Ký Viết Trên Gác Bút, ông kể:
“…Một cậu em vợ tôi ăn nằm dầm nằm dề ở nhà tôi.” Tự nhiên “như người Hà Nội”. Nghiên cứu, ghi chép cả một tủ sách vĩ đại trong nhà. Trong đó có cả mấy chục tác phẩm của tôi đã xuất bản và của bạn bè đồng nghiệp viết trong nhiều năm. Cậu ta nói, cậu là người tập tành làm văn hóa cần nghiên cứu làm luận án tiến sĩ văn hóa miền Nam thời tạm chiếm.
Ngày nhà nước phát động phong trào diệt văn hóa đồi trụy, phản động, tủ sách tôi bị dọn sạch, lớp lấy đi, lớp bị thiêu hủy. Chiến dịch ấy vẫn chưa chấm dứt.
Sau này một số tác phẩm của tôi và bạn bè thấy trưng bày chung với súng đạn, xe tăng, máy chém ở nhà Trưng Bày Tội Ác Mỹ Ngụy. Cũng thời gian ấy, đại tác phẩm “Vạch mặt những tên biệt kích văn nghệ” luận án dọn thi bằng tiến sĩ của cậu em vợ tôi ra đời. Trong đó có nhiều tác phẩm mang tên tôi và bạn bè làm nghề viết văn ở miền Nam. Tác phẩm bị mổ xẻ, vạch vòi thẩm tra và giống như lời lấy khẩu cung tội phạm. Ngài tiến sĩ được phong vị giáo sư. Đơn giản thế thôi, như một quả đạn pháo kích rơi nổ vào giữa đám máu thịt bầy nhầy…”

Thời tiền chiến, nhà thơ Nguyễn Vỹ đã cảm khái “Nhà văn An Nam khổ như chó!!”. Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nhà văn Vũ trọng Phụng,… cũng đã nhiều lần than thở về cái túng cùng, cái kiết xác của nghề cầm bút. Thời Cộng Sản, những Quang Dũng, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang,… vì cái nhọc nhằn của nghiệp văn chương mà cả gia đình suốt đời mịt mù với sự khốn khó. Hình như, chuyện văn chương không hợp với kẻ sang giàu…
Huống chi, với Nguyễn Thụy Long, một người cầm bút bị ghi tên vào sổ đen văn nghệ, thì đời sống lại càng thê thảm hơn. Là một nhà văn nổi tiếng của văn học miền Nam trước 1975 đã in chừng hai mươi tác phẩm, ông là một mục tiêu dòm ngó của chế độ mới.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung của Đại Học Văn Khoa cũ,trong tập hồi ký “Nhìn lại những chặng đường đã qua” đã viết về trường hợp tác giả “Loan Mắt Nhung”:
“…Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật có kể cho tôi hồi 1975, ông là cán bộ của Tuyên huấn Trung Ương vào miền Nam tiếp thu về văn hóa. Ông rất phục Nguyễn Thụy Long và ca tụng quyển truyện “Loan Mắt Nhung “của tác giả. Ông hỏi tôi đã đọc chưa, tôi nói chưa vì thực ra ở miền Nam trước đây không thể đọc, biết hết những sáng tác vì rất đa dang, riêng Nguyễn Thụy Long tôi có nghe tiếng nhưng chưa đọc. Ông khuyên tôi nên đọc. Ông trở ra Hà Nội, gặp ông Tố Hữu, đưa cho ông đọc và xin ý kiến. Gặp lại ông Tố Hữu, ông Tố Hữu có nói với ông: “miền Bắc đã không thể có người viết văn như thế này…” Đánh giá trong nội bộ thì như vậy, nhưng một cách công khai, chính thức vẫn kết án, vùi dập. Hầu như toàn bộ nền văn học miền Nam kể như không có. Và những người như Nguyễn Thụy Long trở thành những kẻ sống bên lề xã hội, thồ xe chở củi từ Long Thành về Saì Gòn bán kiếm sống. Tại sao? Bất lực vì sức ỳ, vô ngã của thể chế guồng máy hay vì say mê quyền lực? Xin để những người có trách nhiệm như Tố Hữu, Nguyễn Linh… trả lời.”

Nguyễn Thụy Long đã viết những tác phẩm như Giữa Đêm Trường, như Thuở mơ làm văn sĩ, như Hồi ký viết trên gác bút, như Thân phận ma trơi,… là những tác phẩm hiện thực một đời sống thực của một nhà văn bị cuốn lôi trong cơn lốc nghiệt ngã của lịch sử.

Đó là những thiên hồi ký của một người cầm bút rất yêu nghề ngiệp của mình nhưng phải đành gác bút. Đó có phải là chứng từ của một thời đại Việt Nam đặc biệt đầy biến cố.
Tác giả đã viết bằng cái tâm sự chất chứa từ những ngày tháng thăng trầm sau ngày tháng tư năm 1975. Tai ương đổ ập xuống cả một dân tộc, tiêu hủy tất cả những gì đã gầy dựng được để quốc gia, dân tộc bị phá sản đến tột cùng. Tác phẩm của ông là dòng chữ của niềm u uất khôn nguôi. Con người đành xuôi tay cam chịu, và cuộc sống với cái đói, cái nghèo vây bọc đã có bộ mặt của một nơi địa ngục.
“Viết hồi ký, viết hoài về chuyện chết chóc, sự khốn khổ của kiếp người, chính người viết cũng thấy nản. Nhưng làm sao được, vì chính những người nằm xuống đó là chỗ thân tình của tác giả, anh em, bạn bè, hoặc là người mà tác giả ngưỡng mộ, một nhà văn, một nhà báo, một thi sĩ nào đó. Tôi nghĩ cũng là chuyện thường thôi, không oán trời trách đất gì hết, hay đổ lỗi cho ai. Con người ta chẳng qua có một số mạng, trời cho sướng thì được sướng, trời bát khổ thì phải khổ mà thôi. Như một lần nhà văn Lê Xuyên đã nói với tôi…”
Tác giả luôn luôn nghĩ tới bạn bè, những người cùng phải chia sẻ và gánh chịu với nhau những lầm than cơ cực của kiếp nhân sinh, của những người sinh lầm thế kỷ. Còn gì đau đớn cho bằng phải giả ngu giả dại để cho qua ngày tháng. Có tai có mắt mà như người điếc người mù. Tâm sự thì ngút ngàn mà bút mực thì đã thành đồ quốc cấm. Tù tội, đầy ải cũng vì nghiệp văn chương. Trang giấy trắng mở ra, hàng hàng tâm tư, nhưng bàn tay cầm bút như bị cùm giữ lại. Đời sống này, phải học chữ nhẫn nhục, nhưng như thế sống để làm gì. Ai đã trải qua những cảnh hỗn mang.? Ai đã chua xót đi qua con đường gai nhọn? Có phải là Tú Kếu Trần Đức Uyển, là Trần Lê Nguyễn, là Lý Phật Sơn, là Dương Hùng Cường, là Hoàng Vĩnh Lộc, là Minh Đăng Khánh, là Uyên Thao, là Lê Xuyên,…??? Thời đại này, là thời quỷ dữ ngự trị, là những chuyện vô lý nhất cũng có thể diễn ra. Những cuộc đời ở tận cùng của đêm tối. Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân. Tất cả gió bão đều quật vào một người để thảm kịch cứ dài ra đến khi nhắm mắt.

Chúng ta hãy nghe Nguyễn Thụy Long và chuyện kể về Trần Lê Nguyễn:
“…mấy năm sau tôi nghe Trần Lê Nguyễn bị bệnh. Bệnh tai biến mạch máu não như tôi đã từng bị. Anh đau khổ hơn vì bị bán thân bất toại, nói năng ngọng nghịu. Vợ anh Nguyễn phải làm thông ngôn mỗi khi đi đâu hay có người tới thăm. Có hôm tôi với Tú Kếu đang ngồi ở quán báo của Nguyễn Kinh Châu ở đường Bà Huyện Thanh Quan thì Trần Lê Nguyễn đi xích lô đến. Anh nói chuyện với chúng tôi mà chúng tôi chẳng nghe được câu nào. Anh bị ngọng quá sức rồi.
Một lần khác anh đi xích lô đến nhà Tú Kếu, bà vợ đi cùng, hôm ấy tôi cũng có mặt. Chị Nguyễn phải thông ngôn chúng tôi mới hiểu được. Nội dung anh hỏi nhà Tú Kếu còn tranh không, nếu bán thì anh mua. Trời đất, anh cẫn còn nghĩ đến chuyện ấy, chuyện nghệ thuật mà anh đam mê từ mấy chục năm trước, thuở lêu bêu chợ trời. Buôn bán mà không bao giờ có lời, bán một tác phẩm mình mua được tiếc đứt ruột. Con người Trần Lê Nguyễn thế đó.”

Cám cảnh bạn nhìn lại thân phận mình, Nguyễn Thụy Long kể chuyện Chú Tư Cầu Lê Xuyên, buồn rầu, cảm khái và chia sẻ:
“Nhìn cái quầy thuốc lá cũ rích, long đinh, tróc sơn thấp lè tè của Lê Xuyên, tôi lại lo lắng cho anh trong trận mưa chiều ngày 9 tháng 11 vừa qua nhiều con đường ngập lụt, hàng hóa chợ Bình Tây bị nước úng hư hỏng thiệt hại bạc tỉ. Lê Xuyên cũng chỉ cười.
Anh cố ép tôi hút một điếu thuốc Con Mèo. Trong câu chuyện của anh, tôi rút ra được có một câu: “Tớ suy sụp toàn diện rồi”. Tôi cũng được biết hoàn cảnh gia đình anh, bà vợ bị mắc bệnh hiểm nghèo từ mấy năm nay, một đứa con gái của anh đã chết vì ung thư bỏ lại hai đứa con và cái quầy thuốc lá này cho anh, anh là ông ngoại của chúng. Tôi hỏi về sự học của hai đứa cháu mồ côi, anh có vẻ ngạc nhiên. Qua câu nói của anh, tôi biết anh không đủ sức nuôi hai cháu ăn học. Một quầy bán thuốc lá lẻ như vậy ở đầu đường kiếm chác được bao nhiêu, nuôi bao nhiêu miệng ăn, đã thế lại phải lo thuốc thang cho người bệnh. Tôi cũng đang mệt nhọc vì còn ba đứa con đi học nên rất đồng cảm với anh…”

Và chuyện nhà thơ Bùi Giáng, một người điên nhưng lại tự nhận mình tỉnh nhất thế gian. Ông cợt đùa với bạo lực, đã tạo ra biết bao nhiêu giai thoại về một thời đại quá nhiều bi thảm:
“Ông thi sĩ Bùi Giáng lại đâm đầu vào chuyện oan nghiệt ấy, không hề sợ hãi, phom phom nhận mình là sĩ quan quân đội chế độ cũ, sĩ quan cao cấp kia, từng có “nợ máu với nhân dân”, bây giờ “ngã ngựa” rồi xin được đi học tập cải tạo để được trở thành người tốt đủ tư cách xây dựng đất nước đẹp bằng mười ngày xưa.
Ông lang thang khắp các chợ trời, trên người đeo lỉnh kỉnh đủ các thứ đồ.
Có hôm ông đeo cả mấy chục cái lon đồ hộp trên người. Ông nói ông là người có nhiều “lon” nhất trên đời vậy mà ông vẫn yên ổn.
Có hôm ông vào chợ cá Trần Quốc Toản, khi ấy trở thành chợ xe đạp. Ông “thó” một cái ghi đông xe cũ rích, rồi bỏ đi, người ta la lên ông ăn cắp.

Ông trả lại liền, càu nhàu:
“Mẹ tụi bay, bị mất tất cả mà phải câm, tau chỉ ăn cắp cái ghi đông mà la rầm trời, có kẻ đang ăn cắp đấy... làm gì nó nào?
Ai mà chấp một người điên, khi biết người đó là thi sĩ Bùi Giáng. Hình ảnh Bùi Giáng trở thành quá quen thuộc với thị dân kể cả những người mới giữ gìn trật tự trong thành phố này…””

Tác giả còn kể về nhiều người văn nghệ sĩ khác. Như Lý Hoàng Phong, như Nguyễn Đình Toàn, như Uyên Thao, như Duy Trác, như vợ chồng Hồ Thành Đức Bé Ký,… Mỗi người mỗi vẻ nhưng hình như tất cả chung nhau nỗi niềm mà thi sĩ Vũ hoàng Chương đã viết “lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ…”

Đọc xong những trang sách, rồi giở những tấm bìa sau của một loạt những tác phẩm trước mặt tôi đọc những dòng chữ, một cảm giác nghe như ê chề, nghe như xót xa chợt có. Chẳng lẽ, cuộc đời chỉ toàn một màu đen tối thẳm như thế sao? Văn chương có phải chỉ là những bi quan than thở? Không, nhà văn vẫn “vịn vào thơ và đứng dậy “như Nguyễn Thụy Long đã viết:
“Tôi phải sống, tôi từng tự chúc cho tôi năm Mậu Dần được sống lâu trăm tuổi để làm nốt những gì còn dở dang hay chưa làm được. Khi tôi chết tôi được nhắm mắt, không trừng mắt nhìn cõi hư vô như người bệnh mới qua đời nằm bên cạnh giường bệnh tôi. Tôi sẽ ra khỏi đây để về căn gác bút, ngồi vào bàn viết làm việc thâu đêm suốt sáng như thuở nào. Bạn hãy nắm lấy bàn tay tôi đi, những ngón tay này còn cầm nổi cây bút mà. Đề tài cho nhà văn khai thác thì mênh mông vô tận. Quanh tôi có bạn bè bằng hữu kia mà… Xin cho tôi cám ơn đời…”
Có phải như câu thơ Phùng Quán “Bút mực tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ khắc thơ tôi vào đá…”
Có người viết báo phê bình về những nhận xét có phần phẫn uất của tác giả Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen,... về những bất toàn của xã hôi miền Nam như những tệ nạn tham nhũng, hoặc nhắc đến chế độ Ngô Đình Diệm với những chê bai nặng nề như một chế độ độc tài gia đình trị. Nhưng theo tôi, những câu văn đầy chủ quan như thế chỉ là một phần rất ít trong tổng số tác phẩm của ông. Có thể, ông bị tù oan khi làm lính KQ thi hành nhiệm vụ của mình nên có ác cảm với chế độ ấy?

Tôi đọc Nguyễn Thụy Long, những Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen, Ven Đô,... thời trước 1975 hay những tác phẩm sau này được in ở hải ngoại vẫn hình dung ra được một nhà văn đã mang nghiệp cầm bút nặng nề cho đến cuối đời.  
Hay, đọc trần Trọng Đăng Đàn, với một cuốn sách đầy chất độc ác, để thấy những bản cáo trạng của chế độ mới gài lên những tên tuổi của hai mươi năm văn học lừng lẫy. Tên văn nô đóng vai đao phủ của chế độ mới đã phê phán với cung cách một chiều hãnh tiến về những Tuổi Nước Độc của Dương Nghiễm Mậu, Hồ Thùy Dương của Doãn Quốc Sỹ,Vách Đá Cheo Leo và Giấc Ngủ Chập Chờn của Nhật Tiến,Ngựa Chứng Trong Sân Trường của Duyên Anh, Ven Đô, của Nguyễn Thụy Long,… với mưu định là xóa sạch, xóa hết di sản văn học ấy. Nhưng xem ra, tới bây giờ, mưu định ấy rõ ràng đã thất bại…
Với tôi, Nguyễn Thụy Long (1938-2009) là một nhà văn mà có lẽ trong văn chương bất hạnh tràn đầy và hạnh phúc nhỏ nhoi. Văn chương của ông không có chất làm dáng, không triết lý vụn với đời sống, mà, ở một phản ánh nào đó cũa cuộc sống không phải chỉ riêng ông. Ông viết cho những người cùng chung thời đại. Viết và mô tả hiện thực, để trong con chữ có sự sống, có nhịp đập của trái tim và tiếng thở của bờ ngực, để cảm xúc và suy tư của tim và óc hòa nhịp cùng nhau.

Ông viết về cuộc đời của một chứng nhân, của chính cá nhân mình, có phải là để trong cố gắng nhìn từ góc cạnh mình một toàn cảnh thời thế, của những người Việt Nam mà tia rọi nhấp nhen của hoàng hôn nhiều hơn là ánh nắng tươi hồng của bình minh?





No comments:

Post a Comment

View My Stats