Việt-Long
- RFA
2013-09-10
2013-09-10
Qua 15 phút nói chuyện với người dân Hoa Kỳ trên
toàn quốc, Tổng thống Barack Obama giải thích lý do ông quyết định sử dụng quân
lực để cảnh cáo và ngăn chặn bàn tay gây tội ác của chế độ al Assad, lý do vì
sao ông muốn có sự đồng thuận của Quốc hội trứoc khi ra lệnh hành động, đồng
thời ông cũng trình bày lý do vì sao ông đã yêu cầu Quốc hội hoãn biểu quyết về
hành động quân sự đó để tiến hành sách luợc ngoại giao quốc tế, hầu tiêu huỷ
kho vũ khí hoá học của Syria mà không cần đến võ lực.
Trong 5 phút đầu tiên của bài diễn văn, Tổng thống
Obama xác định ông đã quyết định sử dụng biện pháp quân sự sau một thời gian
dài áp dụng những bịên pháp ngoại giao và kinh tế, cho đến khi chế độ al-Assad
khởi sự gây tội ác bằng vũ khí hoá học vào ngày 21 tháng 8.
Ông nói trong 4 năm ruỡi làm tổng thống ông đã chỉ
lo dứt chiến ở Iraq, Afghanistan, không muốn lâm chiến một lần nữa dù
chỉ lâm chiến giống như ở Kosovo, Libya.. nhưng nước Mỹ phải
có hành động quân sự để ngăn chặn bàn tay tội ác của al-Assad trong tưong
lai, giảm thiểu khả năng gây hại và chứng tỏ rằng hành động của Syria không thể
được dung thứ. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh hành động quân sự của Hoa Kỳ
chỉ để bảo vệ người dân lành, bảo vệ quân đội Hoa Kỳ trên các chiến
trường và bào vệ người dân Mỹ ở hậu phương trước nguy cơ sử dụng vũ khí
hoá học do những nước độc tài và quân khủng bố.
Ông nhấn mạnh, quân khủng bố al-Qaeda chỉ lợi dụng
được tình hình Syria khi quốc tế khoanh tay nhìn xứ này trong rối loạn, quân
chính phủ dùng vũ khí hoá học mà không ai làm gì được. Nếu không làm gì,
các chế độ độc tài sẽ không phải suy nghĩ gì khi dùng vũ khí hoá học, và quân
khủng bố càng dễ có được thứ vũ khí tàn sát đó. Chế độ al Assad đã phạm
tội ác chống nhân loại, và không thể chối bỏ được bằng chứng họ đã sử dụng vũ
khí hoá học.
Tổng thống Mỹ nhắc lại ông đã quyết định
về một hành động quân sự giới hạn, ngắn hạn, không sử dụng quân bộ
chiến,có một mục tiêu rõ ràng, và đủ để chế độ al Assad không sử dụng được vũ
khí hoá học nữa.
Nói về nỗ lực ngoại giao để Syria giao nạp vũ khí
hoá học và tham gia công ứoc quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống
Obama nhấn mạnh rằng nước Nga đã đề nghị kế hoạch ngoại giao đó sau khi ông nói
chuyện với Tổng thống Putin, và kế hoạch ấy đã không thể được Syria đáp ứng nếu
không có mối đe doạ quân sự mà Hoa Kỳ đã tác động trong những
ngày gần đây. Ông nhấn mạnh áp lực quân sự đó cần phải được duy trì trong
những ngày sắp tới trong thời gian áp dụng biện pháp ngoại giao.
Tổng thống Obama nói: nay còn quá sớm để biết nỗ lực
ngoại giao đó thành công hay không, nhưng có thể Syria sẽ không còn vũ khí hoá
học mà không cần dùng tới võ lực. Góp phần vào nỗ lực đó, ông yêu cầu Quốc
hội hoãn biểu quyết về hành động quân sự, và sẽ đưa Ngọai trưởng Kerry hội họp
với Ngọai trưởng Lavrov của Nga vào ngày thứ năm này. Ông kết luận, nhiều
khi những nghị quyết và tuyên cáo lên án không phải là đủ.
Bài nói chuyện chấm dứt sau gần đúng 15 phút, từ toà
Bạch ốc được truyền hình đi khắp nước Mỹ và thế giới qua các hệ thống truyền
thông chính của Hoa Kỳ.
----------------------------------------
BBC
11-9-2013
Tổng thống Mỹ Barack Obama
phát biểu trước toàn dân vào lúc 21:00 giờ Washington, tức 08:00 ngày
11/9 giờ Hà Nội
--------------------------------------
Thứ tư 11 Tháng Chín 2013
Trong diễn văn gửi đến người dân Mỹ từ Nhà Trắng, tối
qua, 10/9/2013, Tổng thống Barack Obama đã phát đi thông điệp mong muốn dành
một cơ hội ngoại giao cho Damas sau khi có đề nghị của Nga đặt kho vũ khí hóa
học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế và đề nghị đã được chính quyền
Bachar al-Assad chấp thuận.
Sau những hoạt động ngoại giao
quốc tế cấp tập trong suốt 48 giờ nhằm cố gắng tháo ngòi nổ cuộc tấn công trừng
phạt Syria, Tổng thống Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận một giải pháp phi quân sự. Ông
đánh giá đề xuất của Nga đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của
quốc tế là một dấu hiệu “khích lệ”.
Thận trọng với kết quả có thể
mang lại của sáng kiến Nga, ông Barack Obama tuyên bố: “Sáng kiến này có thể
giúp chấm dứt mối đe dọa vũ khí hóa học mà không dùng đến vũ lực, nhất là bởi
vì Nga là một trong những đồng minh quan trọng của Assad”.
Cho dù yêu cầu Quốc hội chưa
vội bỏ phiếu cho phép khả năng chính phủ sử dụng vũ lực đối với Syria, nhưng
Tổng thống Mỹ nhắc lại là giải pháp quân sự vẫn còn để duy trì áp lực. Ông
tuyên bố : “Tôi đề nghị quân đội của chúng ta duy trì tư thế của mình để
tiếp tục gây áp lực đối với Asad và có thể phản ứng nếu ngoại giao thất bại”.
Trong bài diễn văn , ông Obama
nhắc lại nguyên nhân dẫn đến ý định can thiệp quân sự vào Syria, đó là vì ông
tin chắc Damas đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân mình. Tổng thống Mỹ lập
luận rằng nếu “chúng ta nhắm mắt làm ngơ thì những kẻ khủng bố và độc tài
trên hành tinh này sẽ được khuyến khích lặp lại hành động ghê tởm này”.
Tổng thống Mỹ đã cử ngay Ngoại
trưởng John Kerry tới Genève để hội đàm với người đồng cấp Nga Serguei Lavrov
vào ngày 12/9, nhưng ông cho biết vẫn quyết tâm duy trì áp lực lên chế độ hiện
nay của Syria.
Tổng thống Mỹ khẳng định việc
đưa quân tấn công Syria không nhằm mục đích lật đổ chế độ Assad như đã làm với
Irak. Chấp nhận một giải pháp ngoại giao, ông Barack Obama cũng khẳng định ủng
hộ nghị quyết của Pháp trình Hội Đồng Bảo An.
*
*
Thứ ba 10 Tháng Chín 2013
Nga đã đề nghị đặt kho vũ khí
hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế để vô hiệu hóa các vũ khí này,
nhưng muốn làm như thế thì phải có sự hợp tác toàn diện của Damas, một chế độ
mà cho tới nay vẫn giữ bí mật về kho vũ khí của họ. Đây sẽ là một kế hoạch rất
khó thực hiện trong bối cảnh nội chiến ác liệt tại nước này.
Nếu đề nghị của Nga được thực
hiện, điều đó có nghĩa là phải có sự thay đổi triệt để lập trường của chính
quyền Tổng thống Assad, cho tới nay vẫn không tham gia Tổ chức Công ước cấm vũ khí
hóa học, để khỏi phải khai báo về kho vũ khí mà cho tới gần đây họ vẫn chối là
không hề có.
Như vậy, bước đầu tiên sẽ phải
là Damas ký ngay lập tức Công ước cấm vũ khí hóa học, có hiệu lực từ năm 1997
và nay quy tụ gần như toàn bộ các quốc gia trên thế giới. Khi gia nhập Tổ chức
Công ước cấm vũ khí hóa học, chính quyền Syria sẽ phải khai báo toàn bộ kho vũ
khí của họ và chấp nhận cho các thanh tra quốc tế đến tận nơi để kiểm tra thật
chi tiết.
Nhiệm vụ kiểm tra đó có thể
được giao cho các thanh tra Liên Hiệp Quốc, như phái đoàn đã từng đến Syria vào
tháng trước để điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hoặc như phái đoàn
đã từng đến thanh tra Irak sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Nhưng trước hết, chính quyền
Damas phải bảo đảm an ninh cho các thanh tra viên quốc tế và bảo đảm an toàn
cho kho vũ khí hóa học trong thời gian giải trừ kho vũ khí này.
Các cơ quan tình báo Pháp đánh
giá kho vũ khí hóa học của Syria là một trong những kho vũ khí hóa học quan
trọng nhất thế giới với hơn 1000 tấn. Các chuyên gia được hãng tin AFP trích
dẫn hôm qua đều cho rằng rất khó mà phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria ngay
giữa lúc nội chiến ác liệt như vậy. Cho dù trong điều kiện tối ưu, thực hiện
việc này cần phải huy động rất nhiều người, chỉ để bảo vệ 24 giờ /24 mỗi cơ sở
sản suất và tồn trữ vũ khí hóa học.
Ở Syria hiện có rất nhiều cơ sở
sản xuất và tồn trữ vũ khí hóa học, mà phần lớn vẫn chưa được xác định vị trí
chính xác và các nước phương Tây vẫn rất sợ chính quyền Tổng thống Bachar al
Assad mất sự kiểm soát những cơ sở đó và các vũ khí hóa học rơi vào tay quân
nổi dậy Hồi giáo cực đoan.
Tiếp theo sau đề nghị của Nga,
hôm qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon đã kêu gọi thiết lập các vùng
đặt dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, để cất giữ một cách an toàn các vũ khí
hóa học của Syria và phá hủy chúng.
Cho dù diễn ra suôn sẻ, kế
hoạch vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Syria sẽ kéo dài nhiều năm và tốn hàng
tỷ đôla: Hoa Kỳ đã chi ra gần 35 tỷ đôla để phá hủy gần 90 % kho vũ khí hóa học
của họ và phải đến năm 2021 mới hoàn tất việc này. Nói chung, sản xuất vũ khí
hóa học thì dễ, nhưng phá hủy chúng thì tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều.
Ấy là chưa kể việc vô hiệu hóa
còn tùy thuộc vào yếu tố là tác nhân hóa học có đã được gắn vào các rocket hay
các tên lửa ( như trường hợp của Hoa Kỳ ) hay vẫn còn được tàng trữ dưới dạng
sẵn sàng được sử dụng ( như trường hợp của Nga ).
Trong trường hợp đầu tiên, các
vũ khí hóa học sẽ được tiêu hủy trong các nhà máy thích hợp, còn trong trường
hợp thứ hai, việc vô hiệu hóa sẽ được thực hiện bằng cách bơm vào một hợp chất
hóa học để làm mất tác dụng của những vũ khí hóa học đó.
Theo tiết lộ của các cơ quan
tình báo Pháp vào đầu tháng 9, kho vũ khí hóa học của Syria một phần được tồn
trữ dưới dạng kép, tức là dưới dạng hai sản phẩm hóa học được chế sẵn, để chờ
trộn với nhau ngay trước khi được sử dụng. Phương pháp này gần với phương pháp
của Nga, quốc gia bị nghi là đã giúp chế độ Damas phát triển vũ khí hóa học vào
thập niên 1970.
Sáng kiến của Nga "đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế" thực chất là sự thỏa hiệp giữa các nước lớn Nga và Mỹ. Mới chỉ cách đây hơn 2 tuần, tổng thống Putin còn tuyên bố nếu Mỹ tấn công Syria thì Nga sẽ tấn công Arap Saudi. Đây là hành động bỏ rơi đồng minh của Nga. Trong một thế giới mà lợi ích là tối thượng, Việt Nam không nên bị phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào dù là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ...Chỉ có con đường đa phương như hiện nay mới dắt VN đến thành công.
ReplyDelete