Sunday, 1 September 2013

TÍNH HỢP LUẬT CỦA VIỆC LẬP ĐẢNG & THAM GIA ĐẢNG NGOÀI CỘNG SẢN (LS Nguyễn Văn Đài / Huyền Trang - VRNs)




Huyền Trang, VRNs ghi
Đăng bởi lúc 1:47 Sáng 2/09/13

VRNs (02.09.2013) – Hà Nội – Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết: “Trong lịch sử của các đảng phái chính trị ở VN kể cả đcs VN – đảng cầm quyền VN hiện nay, chưa có một cơ quan Nhà nước nào của VN có thẩm quyền, để cấp giấy phép cho đcs VN thành lập. Những đảng được thành lập trước đây, hoặc hoạt động song hành với đcs trong suốt những năm trước như đảng Dân Chủ Xã Hội thì hoàn toàn không có giấy phép hoạt động. Và, trải qua lịch sử, đcs cũng đã nhiều lần đổi tên hay thay đổi những trụ sở khác mà hoàn toàn không có ngành luật hay một cơ quan nào điều chỉnh vấn đề này. Vì thế, về khía cạnh pháp lý, cũng như khía cạnh lịch sử và thực tiễn thì rõ ràng công dân VN hoàn toàn có quyền thành lập nên các đảng phái chính trị hoặc có quyền tham gia vào các đảng phái chính trị khác, ngoài đcs VN.”

Ls Đài nhận định: “Trong Điều 4 HP quy định, đcs VN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội, trong khi tại Điều 2 quy định mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, của dân, do dân và vì dân. Cho nên, khi công dân VN thành lập hoặc tham gia các đảng phái chính trị khác mà họ tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội và nếu như, người đó được đa số nhân dân lựa chọn và bầu vào Quốc hội thì họ có quyền thành lập nên một chính phủ mới. Pháp luật VN không cấm điều này. Vì thế, những công dân VN đã từng tham gia các đảng phái chính trị ngoài đcs VN mà bị bắt, bị truy tố, bị xét xử và bị cầm tù trong những ngày tháng qua, thì những hành động này của nhà cầm quyền hoàn toàn áp dụng sai về mặt pháp lý. Sau này, những người này hoàn toàn có quyền khởi kiện những cơ quan đã tiến hành bắt giữ, cũng như truy tố và xét xử họ.

Sau đây, mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VRNs với Luật sư Nguyễn Văn Đài, sống tại Hà Nội. Hoặc quý vị có thể theo dõi trên chương trình Việt Nam Tuần Qua.

VRNs: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Đài, thời gian qua, Ls Trần Vũ Hải công bố “Bản ý kiến về thành lập và tham gia đảng phái dưới góc độ pháp luật VN hiện hành”. Ls có thể cho biết nội dung văn bản này bàn đến những vấn đề gì? Và Ls bình luận như thế nào về nội dung văn bản này ạ?

Ls Nguyễn Văn Đài: Trong thời gian qua, sau khi có tuyên bố kiến nghị thành lập đảng Dân Chủ Xã Hội, thì Ls Trần Vũ Hải có một bài viết phân tích quyền thành lập và quyền tham gia các đảng phái chính trị, ngoài đcs VN dưới góc độ pháp luật VN. Trong bài viết, Ls Trần Vũ Hải đã đề cập đến tất cả các ngành luật khác như: Luật Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật lập Hội năm 1957, Luật Mặt trận Tổ quốc, Luật Công đoàn 2012, Luật Thanh niên, Pháp lệnh về Cựu chiến binh, Nghị định 45 quy định về tổ chức thành lập và hoạt động hội, Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà VN đã tham gia ký kết vào năm 1982. Đây là một bài viết phân tích sâu sắc, rất kỹ về các quyền công dân VN được phép làm, đặc biệt có quyền thành lập và tham gia các đảng phái chính trị khác. Ls Trần Vũ Hải dùng tất cả các Điều luật được trích dẫn từ Hiến pháp cho đến các ngành luật khác nhau, để chứng minh cho một minh chứng hiển nhiên là công dân VN hoàn toàn có quyền thành lập cũng như tham gia các đảng phái chính trị khác, ngoài đcs VN bởi vì từ Hiến pháp đến tất cả các ngành luật hoàn toàn không cấm công dân VN điều này.
Tôi xin nhắc thêm về lịch sử mà Ls Trần Vũ Hải không đề cập đến trong bài viết này. Trong lịch sử của các đảng phái chính trị ở VN kể cả đcs VN – đảng cầm quyền VN hiện nay, chưa có một cơ quan Nhà nước nào của VN có thẩm quyền, để cấp giấy phép cho đcs VN thành lập. Những đảng được thành lập trước đây, hoặc hoạt động song hành với đcs trong suốt những năm trước như đảng Dân Chủ Xã Hội thì hoàn toàn không có giấy phép hoạt động. Và, trải qua lịch sử, đcs cũng đã nhiều lần đổi tên hay thay đổi những trụ sở khác mà hoàn toàn không có ngành luật hay một cơ quan nào điều chỉnh vấn đề này. Vì thế, về khía cạnh pháp lý, cũng như khía cạnh lịch sử và thực tiễn thì rõ ràng công dân VN hoàn toàn có quyền thành lập nên các đảng phái chính trị hoặc có quyền tham gia vào các đảng phái chính trị khác, ngoài đcs VN.

VNRs: Thưa Ls, trong bản ý kiến này, Ls Hải nhận định “không có điều khoản nào trong HP và các luật của VN cấm công dân VN thành lập và tham gia một đảng phái khác ngoài đcs”. Vậy tại sao một số công dân tham giả đảng Việt Tân hay các đảng phái khác, thời gian qua đã bị bắt và bị kết án nặng nề?

Ls Nguyễn Văn Đài: Một trong những lý do mà các cơ quan Tư pháp VN dùng để truy tố và xét xử những người đã tham gia các đảng chính trị khác như đảng Việt Tân, đảng Dân Chủ, đảng Dân Chủ Nhân Dân… đó là nhà cầm quyền sử dụng Điều 79 trong Bộ luật Hình sự tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đồng thời căn cứ vào Điều 4 HP cho rằng, đcs lãnh đạo Nhà nước và Xã hội, cho nên các đảng phái nào tranh giành quyền lực lãnh đạo đối với đcs thì đều có mục đích thay đổi chế độ và lật đổ chính quyền. Đây là một sự hiểu biết và áp dụng sai lầm về khía cạnh pháp luật. Bởi, trong Điều 4 HP quy định, đcs VN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội, trong khi tại Điều 2 quy định mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân, của dân, do dân và vì dân. Cho nên, khi công dân VN thành lập hoặc tham gia các đảng phái chính trị khác mà họ tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội và nếu như, người đó được đa số nhân dân lựa chọn và bầu vào Quốc hội thì họ có quyền thành lập nên một chính phủ mới. Pháp luật VN không cấm điều này. Vì thế, những công dân VN đã từng tham gia các đảng phái chính trị ngoài đcs VN mà bị bắt, bị truy tố, bị xét xử và bị cầm tù trong những ngày tháng qua, thì những hành động này của nhà cầm quyền hoàn toàn áp dụng sai về mặt pháp lý. Sau này, những người này hoàn toàn có quyền khởi kiện những cơ quan đã tiến hành bắt giữ, cũng như truy tố và xét xử họ.

VRNs: Thưa Ls, việc hoạt động thành lập và tham gia đảng phái chính trị không nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không bị coi là bất hợp pháp. Như vậy, mục tiêu của đảng phái chính trị như thế nào thì được xem là hoạt động hợp pháp? Và tiêu chuẩn nào để đánh giá các mục tiêu hoạt động này?

Ls Nguyễn Văn Đài: Hiện nay, chính quyền VN vẫn căn cứ vào Điều 4 HP, cũng như Điều 79 BLHS để quy kết những người tham gia vào các hoạt động của các tổ chức đảng phái chính trị khác với mục đích nhằm lật đổ chính quyền – đcs cho nên, nhà cầm quyền đã xử lý những người tham gia các đảng phái chính trị về mặt hình sự. Nếu như, các đảng phái chính trị muốn tránh nhà cầm quyền hiểu sai và áp dụng sai luật khi thành lập một đảng phái chính trị mới ở VN, hoặc đã từng có các thành viên hoạt động ở VN thì cần phải sửa đổi những đường lối cương lĩnh và điều lệ của đảng, để tránh nhà cầm quyền và các cơ quan Tư pháp căn cứ vào đó chụp mũ và dẫn đến việc bắt giữ và xét xử.
Không chỉ ở VN mà còn có ở các nước trên thế giới, khi có hệ thống chính trị đa đảng thì một đảng phái muốn có quyền lãnh đạo đất nước đều phải thông qua sự ủng hộ của nhiều người dân. Vì vậy, hiện nay, các đảng phái chính trị ở VN đang hoạt động bí mật hoặc bán công khai phải có đường lối phù hợp, để thu hút sự ủng hộ của người dân và khi có sự ủng hộ của người dân thông qua các cuộc bầu cử hoặc các cuộc vận động của người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế thì chúng ta có một vị trí, một chỗ đứng trong lòng xã hội ở VN. Lúc đó, chúng ta mới có thể đối thoại được với đcs VN.
Không có một tiêu chí cụ thể nào để đánh giá mục tiêu của một đảng phái, bởi vì mỗi đảng phái chính trị đều có mục tiêu và tiêu chí hoạt động khác nhau và, mỗi đảng phái có một lực lượng cử tri hay những người dân ủng hộ khác nhau. Do vậy, đảng nào được nhiều người dân ủng hộ thì chắc chắn đường lối và mục tiêu của đảng đó phù hợp với đa số quần chúng nhân dân. Chúng ta chỉ dựa vào số đông người ủng hộ. Nếu như trong một cuộc bầu cử tự do, dân chủ, công bằng mà đảng phái chính trị nào đó dành thắng lợi thì những mục tiêu và đường lối chính sách của họ phù hợp với đa số người dân.

VRNs: Thưa Ls, mỗi đảng phái có một quan điểm chính trị và động cơ riêng. Vậy người dân nên tôn trọng sự khác biệt này như thế nào hầu giúp đất nước được dân chủ và tự do hơn?

Ls Nguyễn Văn Đài: Như chúng ta đã biết, các nước xung quanh khu vực chúng ta như Campuchia, Myanmar… là những nước có hệ thống dân chủ đa đảng. Trong đất nước của họ không chỉ có một vài đảng mà có đến vài chục đảng như Campuchia có thời kỳ lên đến 100 đảng hoặc, khi Myanmar chuyển sang chế độ Dân chủ đa đảng thì họ có trên 40 đảng. Rõ ràng, mỗi đảng phái chính trị đều có quan điểm và đường lối chính sách riêng về kinh tế đối ngoại, an ninh quốc phòng… họ sẽ thu hút được một số cử tri nhất định nào đó. Cho nên có những nhóm công dân ủng hộ đảng phái chính trị này, hoặc có những nhóm công dân ủng hộ đảng phái chính trị khác tạo nên một nền sinh hoạt chính trị dân chủ và nền văn hóa chính trị. Nhưng cần phải trải qua một thời gian, chứ không thể một sớm một chiều đang từ chế độ độc tài quân sự hay từ một chế độ độc đảng toàn trị chuyển sang một chế độ dân chủ là chúng ta có thể có ngay nền văn hóa chính trị.
Một vài kinh nghiệm của một số nước ở Bắc Phi – Trung Đông, khi họ chuyển từ chế độ độc tài sang một chế độ dân chủ, rõ ràng, họ phải chịu một khoảng thời gian xáo trộn do chiến tranh, hay do những cuộc xung đột có thể gây đến chết người… Nhưng với quan điểm của tôi, thì tôi tin rằng, người dân VN có một truyền thống văn hóa nghìn năm mà cha ông chúng ta đã để lại, cũng như hệ thống dân chủ đa đảng ở VN xuất phát từ năm 1930, đặc biệt từ năm 1945 – 1988 đã hình thành nền dân chủ đa đảng ở VN, đặc biệt hơn ở dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã hình thành chế độ sinh hoạt dân chủ đa đảng ở VN.
Ngoài ra trong thời buổi giao lưu và hội nhập với quốc tế thì có hàng triệu người dân VN đi du lịch, đi lao động và học tập ở nước ngoài nơi các nước có nền dân chủ văn minh nên họ sẽ tiếp thu được nền văn hóa sinh hoạt chính trị văn minh đó. Do đó, tôi hy vọng, đất nước VN sẽ không phải trải qua những tháng năm xáo trộn khi chuyển từ một chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ Dân chủ đa đảng. Chúng ta mong rằng, tất cả người dân dù chúng ta khác nhau về quan điểm chính trị, hay về lập trường, hoặc về các chính kiến mà chúng ta ủng hộ đảng này hay đảng khác trong tương lai, thì mong rằng chúng ta đặt lợi ích Quốc gia Dân tộc lên trên hết và tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, đất nước VN sẽ vận hành trong một chế độ Dân chủ đa đảng và mang lại cho người dân sự hạnh phúc, tự do và dân chủ.

VRNs: Xin cám ơn Luật sư Nguyễn Văn Đài.

Huyền Trang, VRNs ghi


No comments:

Post a Comment

View My Stats