Friday, 13 September 2013

SYRIA : SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ & ĐỀ XUẤT NGỚ NGẨN CỦA NGA (Vũ Đức Khanh)




12.09.2013

Đề xuất mới đây của Nga - đặt vũ khí hoá học của Syria dưới sự kiểm soát của Liên Hợp Quốc - đã được chính phủ Syria và Trung Quốc chấp nhận. Mặc dù là một bước tiến, song đề xuất này vẫn chỉ là một giải pháp tạm thời không hơn không kém, một biện pháp tình thế. Đó không phải là một giải pháp lâu dài cho một cuộc xung đột đã kéo dài hơn hai năm mà mãi tới gần đây vẫn chưa xuất hiện vũ khí hoá học.

Quốc gia được lợi nhiều nhất từ đề xuất này là Nga, nước không muốn đồng minh của mình ở Syria bị lật đổ bằng cuộc tấn công quân sự tiềm tàng do Mỹ lãnh đạo; là Tổng thống Bashar Al-Assad và chính phủ Syria, những người có thể không còn phải đối mặt với cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn dắt; và cả Tổng thống Obama, người sẽ không phải đối mặt với một công chúng cực lực phản đối bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào vào Syria.

Không còn nghi ngờ gì, đề xuất này sẽ được nhiều người ở Washington hoan nghênh. Nếu Syria từ bỏ vũ khí hoá học thì động cơ cho hành động can thiệp của Hoa Kỳ sẽ không còn nữa. Hình ảnh những thường dân đã chết hoặc đang chết sẽ không còn tiếp tục tràn ngập bản tin thời sự buổi chiều. Sự phẫn nộ về đạo lý và nghĩa vụ phải can thiệp của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống – điều không nói lên một thực tế là việc sử dụng vũ khí hoá học trước đó đã đóng vai trò tập hợp công chúng Mỹ đằng sau một sứ mạng lật đổ Al-Assad và chấm dứt cuộc nội chiến. Hơn thế, nếu người ta có thể đảm bảo rằng những thứ vũ khí hoá học này được trông nom cẩn thận thì khả năng chúng lọt vào tay những đối tượng bất hảo sẽ suy yếu, giảm bớt mối lo ngại của những người theo phái chủ chiến về an ninh quốc gia.

Như vậy, những kẻ thất bại trong đề xuất này thật dễ nhận thấy, bắt đầu với những người nổi dậy ở Syria vốn mong muốn Al-Assad ra đi, cùng dòng người Syria lũ lượt rời bỏ đất nước của mình. Giải giáp vũ khí hoá học có thể ngăn ngừa việc sử dụng chúng trong tương lai, song cuộc chiến vẫn sẽ tiếp diễn, số lượng người chết vẫn không ngừng tăng và dòng người tỵ nạn vẫn tiếp tục tràn ngập các nước láng giềng của Syria.

Vậy thì đề xuất của Nga có tác dụng gì ở đây?

Chẳng có tác dụng gì, ngoại trừ đủ sức làm hài lòng những ai vẫn tỏ ra quan ngại ở Washington, những người không muốn chứng kiến việc vũ khí hoá học được tiếp tục sử dụng nhưng lại không sẵn sàng (hoặc không chắc chắn là làm thế nào) chấm dứt cuộc đổ máu ở Syria. Đề xuất của Nga không nên được coi như một giải pháp chính trị cho nhân dân Syria mà là cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ. Với việc vũ khí hoá học bị loại khỏi cuộc chơi, một cuộc nội chiến bằng bom đạn rồi sẽ quay trở lại bằng đạn bom.

Rõ ràng là việc loại trừ vũ khí hoá học sẽ không làm chấm dứt tình trạng thù địch, vậy thì cộng đồng quốc tế hy vọng sẽ giải quyết cuộc xung đột này như thế nào đây?

Người ta có thể đặt câu hỏi là liệu cộng đồng quốc tế có quan tâm gì đến cuộc xung đột này hay không? Rốt cuộc, tính mạng của người Syria thì có lợi ích gì nếu đem so với tính mạng của người Mỹ, người Nga hay người Anh, và vân vân?

Hai năm sau khi cuộc nổi dậy nổ ra, người ta có thể đi đến kết luận rằng Syria và người dân Syria ít quan trọng, bất kể Al-Assad có tiếp tục ngồi trên chiếc ghế quyền lực hay không. Hình ảnh những người tỵ nạn Syria sống trong điều kiện kham khổ, cũng như cuộc chiến và sự đổ vỡ không dứt ở Syria, sẽ đánh động trái tim của mỗi người trong niềm hy vọng là cuộc chiến sẽ chấm dứt; tuy nhiên, những hình ảnh đó vẫn chưa khiến bất kỳ ai theo đuổi hành động nghiêm túc cả. Vì thế, cuộc nội chiến ở Syria dường như đã mang diện mạo của một cuộc xung đột vô danh khác ở Châu Phi, nơi mà bao sinh mạng bị tổn thất và huỷ hoại, còn cộng đồng quốc tế thì buồn bã nhưng lại không hy vọng gì vào phản ứng của mình.

Tuy nhiên, cho dù người ta có thể cảm thấy dễ dàng quy sự không hành động của cộng đồng quốc tế là do tâm lý dễ bị sốc hay thái độ bàng quan, cuộc nội chiến Syria cũng không phù hợp với kiểu phân biệt trắng - đen, người tốt và kẻ xấu. Với những tội ác do cả hai
bên gây ra, và sự thiếu chắc chắn về chuyện “ai” là kẻ nổi loạn, người ta chỉ thấy hơi dễ hiểu rằng mức độ ủng hộ cho sự can thiệp tốt lắm cũng bị hạn chế. Trong những vùng nước đen ngòm như thế, bạn phải bước chân cẩn thận, song việc phung phí quá nhiều thời gian sẽ chỉ cho phép những tội ác đó tiếp diễn.

Sự kết thúc trông giống thế nào? Cuộc nội chiến Syria rốt cuộc sẽ kết thúc như thế nào đây? Người ta chỉ có thể đoán, nhưng một điều chắc chắn là bất kỳ giải pháp ôn hoà nào cũng sẽ đòi hỏi Bashar Al-Assad phải từ bỏ quyền lực.

Nếu cuộc xung đột này đã làm nổi lên điều gì thì đó là: nó cho thấy các phe phái khác nhau ở Syria đang cạnh tranh nhau để giành một vị trí trong một nước Syria mới, từ nhóm đa số Sunni bị thiệt thòi, nhóm thiểu số Alawite trước kia bị thiệt thòi và đã được nhiều lợi lộc dưới chế độ Al-Assad, cũng như những người Công giáo và các nhóm tôn giáo khác. Bạo lực phe phái trong một Syria hậu Al-Assad sẽ chỉ trở nên tồi tệ thêm khi mà đường hướng và bản chất của đất nước trở thành mối quan tâm hàng đầu. Nếu Hoa Kỳ không tham gia bây giờ thì sau này chắc chắn họ cũng sẽ tham gia.

Đề xuất của Nga là một bước tiến, song cuộc xung đột Syria đã diễn ra với các vũ khí quy ước lâu hơn rất nhiều so với thời gian mà vũ khí hoá học được sử dụng. Nếu chỉ đơn thuần ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hoá học thì chẳng khác nào dùng kẹo cao su để trám cái đập bị vỡ. Bất kể thứ vũ khí nào được sử dụng – đạn, bom hay khí độc – người Syria vẫn sẽ tiếp tục ngã xuống cho đến khi cuộc chiến kết thúc. Đúng là Syria với số phận nghiệt ngã, phải không nào?

Bởi vậy, những người ở Washington không nên nhìn nhận đề xuất của Nga như một thời cơ để khỏi can dự vào Syria, mà đúng hơn đây là một cơ hội để Hoa Kỳ khám phá thêm những giải pháp bền vững hơn.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.



No comments:

Post a Comment

View My Stats