Sunday 22 September 2013

ĐÔI ĐIỀU MUỐN NÓI NHÂN ĐỌC BÀI CỦA ÔNG TRƯƠNG NHÂN TUẤN & ÔNG DƯƠNG DANH HUY về MỐC GIỚI TRÊN BỘ GIỮA VIỆT NAM & TRUNG QUỐC (Tô Oanh - Bauxite VN)




Tô Oanh
23/09/2013

Tôi đã đọc các bài của ông Dương Danh Huy và Trương Nhân Tuấn xoay quanh việc cắm mốc biên giới. Đặc biệt là các lược đồ của ông Dương Danh Huy đã bị ông Trương Nhân Tuấn phê phán và yêu cầu dỡ bỏ khỏi website.

Trước hết, xin nói rằng cho dù 90 triệu dân ta đều là các nhà toán học tài năng và đồ họa vi tính đã phát triển đến tột đỉnh thì cũng chẳng ai có thể vẽ được tấm bản đồ lên giấy chính xác 100% như trên thực địa. Nguyên nhân là bề mặt lồi lõm của trái đất hình khối cầu này. Vì vậy người ta đã nghĩ ra nhiều phép chiếu đồ khác nhau để thể hiện bề mặt trái đất lên trên giấy. Phương pháp chiếu đồ Bonn, Mercator, Gauss… và dựng mạng lưới kinh-vĩ theo toán học, rồi “tọa độ ô vuông” (bản đồ tỉ lệ lớn), mỗi loại chiếu đồ đều có ưu nhược điểm của nó. Vì thế quốc gia nào cũng phải xây dựng mạng lưới trắc địa quốc gia với những cột mốc quy định bất di bất dịch. May mắn là Việt Nam nằm gần xích đạo nên vẽ bản đồ theo phép chiếu đồ nào cũng hạn chế rất nhiều những khiếm khuyết của nó, nghĩa là độ chính xác cao so với việc vẽ bản đồ tại các nước vùng ôn đới.

Những lược đồ của ông Dương Danh Huy thể hiện để minh họa cho bài viết, tôi thấy có thể chấp nhận được. Phép chiếu đồ Mercator có ưu điểm là đúng phương hướng, chính xác tọa độ địa lý, nhưng càng xa xích đạo thì diện tích càng sai nhiều. Nhưng ông Huy chỉ muốn minh họa vị trí cột mốc với tọa độ địa lý của nó (một cách tổng thể) thôi mà!

Ông Tuấn đã lầm rằng phương pháp Mercator là lạc hậu khi chưa biết trái đất hình cầu ư. Không biết trái đất hình cầu thì sao họ biết lấy tâm trái đất làm điểm chuẩn để chiếu (phối cảnh) các điểm trên bề mặt trái đất lên trên một bề mặt hình trụ (tưởng tượng) bao quanh trái đất để xây dựng hệ tọa độ địa lý cho phương pháp vẽ Mercator? Ngày nay nhiều bản đồ phục vụ cho giao thông, hàng không và quân sự vẫn phải dùng đến loại chiếu đồ này và bản đồ nào cũng có ghi chú là càng ra xa trung tâm bản đồ thì độ chính xác càng không cao. Phi công ném bom, xạ thủ pháo mặt đất mà dùng bản đồ có lưới kinh vĩ tuyết cong thì “ toi đời “, quân ta bắn quân mình mất thôi! Là một thủ khoa duy nhất của ngành địa đồ học Việt Nam năm 1966, tôi không coi thường một loại chiếu đồ nào trong khi thể hiện mặt đất lên trên giấy cả. Mỗi loại chiếu đồ đều có một công dụng hữu ích cho một ngành, một việc cụ thể nhất định nào đó.

Đọc xong ý kiến của hai ông, tôi cứ nghĩ mãi: Tại sao người Việt mình hay lý sự cùn và nặng lời quy chụp nhau đến thế. Cái điều quan trọng ở đây là cần lên án thái độ lập lờ, né tránh của cơ quan chức năng về vấn đề biên giới thì các ông lại không nêu ra! Tại sao đã hơn 10 năm ký kết hiệp định biên giới mà Nhà nước chưa dám công bố bản đồ chi tiết minh họa cho Hiệp định? Ta được lợi, hay bị thiệt về đất đai mà đã không dám công bố bản đồ tỷ lệ lớn vùng biên giới đã được ký kết! Nhà khoa học, người dân rất cần Nhà nước công bố tập bản đồ tỷ lệ lớn (theo tọa độ ô vuông chứ không phải kinh, vĩ tuyến là đường cong) đính kèm Hiệp định biên giới Quốc gia. 

T. O.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

-----------------------------------------------

VỀ VẤN ĐỀ “BẢN ĐỒ MỐC GIỚI VIỆT – TRUNG”
Trương Nhân Tuấn     22/09/2013
Dương Danh Huy     21/09/2013
Trương Nhân Tuấn     jeudi 19 septembre 2013
Trương Nhân Tuấn    mercredi 18 septembre 2013
Bauxite Việt Nam     17/09/2013
Bauxite Việt Nam     15/09/2013




No comments:

Post a Comment

View My Stats