Ông
Lê Hiếu Đằng, một đảng viên cao cấp trên duới 45 tuổi đảng, một người sau khi
hưu trí đã tự biến mình thành một nhà chống đối đã từng nhiều lần xuống
đường biểu tình chống Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt
Nam, một người đã đưa lên mạng nhiều bài viết phê phán
nặng nề ĐSCVN, gần đây “từ giường bịnh” đã đưa ra một đề án thành lập một Đảng
Dân Chủ Xã Hội (ĐDCXH) (1).
Cảm tưởng đột xuất đầu tiên của nhiều người, trong đó có người viết bài này, sau khi đọc bài viết của ông Lê Hiếu Đằng là: việc gì đang xảy ra đây? Tại sao bây giờ ông lại gồng mình kêu gọi mọi người hãy cùng ông lập một đảng mới ? Tại sao ông lại kêu gọi như thế khi, qua trên bốn thập niên phục vụ đắc lực ĐCSVN tại Mặt Trận Tổ Quốc, ông thừa biết trong chế độ toàn trị đo ĐSCVN áp đặt tại Việt Nam, không ai có quyền nói hay làm chính trị mà không được phép ĐCSVN và không ở trong một trong những tổ chức được Mặt Trận Tổ Quốc quản lý? Hay là ông không còn “biết sợ” nữa hay sao? Hay là, hay là…
Thế nhưng, khi cộng đồng mạng trong và ngoài nước
rền vang vạn lời khen vạn lời chê dự án của ông Lê Hiếu Đằng, khi ông Nguyễn
Huệ Chi, chủ biên trang mạng chống đối Boxitvn.com đã không ngần ngại giúp sửa
chữa bài viết, viết lời giới thiệu, và tung bài viết của ông Lê Hiếu Đằng lên
mạng, và nhất là khi ông Lê Hiếu Đằng, như một lời trăn trối, đã viết ra những
dòng sau:
“Những điều tôi viết trong bài này cũng như bài Suy
nghĩ trong những ngày nằm bịnh là lời tâm huyết mà tôi đem cả tim óc để bộc
bạch cho bạn bè, đồng đội và những người đã cùng nhau chiến đấu trước hoặc hiện
nay, cũng như những người chưa quen biết trong và ngoài nước. Bệnh tôi chưa
biết sẽ diễn biến ra sao, nhưng tôi hạnh phúc được nhiều người – kể cả các vị
lãnh đạo cao của Đảng, Nhà nước – thăm hỏi, chăm sóc, có người còn cho những
loại thuốc quý. Trong tình hình bất an hiện nay, nếu biết đâu tôi bị một tai
nạn nào đó thì xin mọi người xem đây như những gì tôi để lại cho những người
thân trong gia đình, những người mà tôi thương yêu, cho bạn bè, đồng đội và cho
đời. Đó là tâm nguyện của tôi, rất mong mọi người hiểu cho.” (2)
ta có thể xem dự án thành lập một ĐDCXH là một đề
xuất có nội dung nhất định, và do đó, có thể nghiêm túc đặt hai câu hỏi về đề
án này. Hai câu hỏi đó là: 1) nguồn gốc và nội dung cốt lõi của đề án đó là gì
và có thể đánh giá chúng ra sao, và 2) phải nghĩ gì về đề án này?
Bài viết này trả lời hai câu hỏi trên, đồng thời
trình bày một số tư liệu về các đòi hỏi dân chủ đa đảng cho Việt Nam trong thời
gian gần đây.
Trước tiên, hãy bàn về nguồn gốc và nội dung đề án
thành lập một ĐDCXH.
NGUỒN
GỐC – Theo ông Lê Hiếu Đằng, đề án của ông bắt nguồn từ
các yêu cầu liên quan đến các điểm sau:
1. Nhu
cầu đa nguyên đa đảng: Ông Lê Hiếu Đằng lý luận như một nhà mác-xít: “một
khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có
nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu
tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Đó là quy luật tất yếu: không thể không đa
nguyên đa đảng được.”
2. Độc
lập dân tộc bị thách thức: Ông Lê Hiếu Đằng lập lại các
bức xức người dân trong và ngoài nước đã có từ lâu về việc Trung Quốc ngang
ngược xâm lăng Việt Nam. Ông cho rằng “Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam
thì dường như chưa thấy hết sức mạnh của dân tộc Việt Nam”, “quá nhu
nhược”, “quá “hiền lành” đối với một Trung Quốc.
Ông đánh giá Trung Quốc là một “nước lớn nhưng
rất “tiểu nhân” (chữ nghĩa của các truyện Tàu), miệng thì xoen xoét
nói về “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” trong lúc hành động thực tế là uy hiếp, săn
đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam đang hành nghề trong ngư
trường truyền thống của mình, hoặc hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí
của chúng ta”, trong khi đó thì "lãnh đạo Việt Nam thì quá nhu nhược: chỉ
là lời phản đối lặp đi lặp lại nghe quá nhàm tai và khó chịu của người phát
ngôn viên Bộ Ngoại Giao”.
3. Dân
chủ, tự do, và hạnh phúc: Ông Lê Hiếu Đằng nói hơi
vòng vo về các điểm này và chủ yếu chỉ nhắc lại thành tích của ông
trong quá khứ đồng thời chỉ trích các thiếu sót trầm trọng của ĐCSVN khi tìm
cách – hay không tìm cách – thực hiện những điều này. Ông khẳng định chung
chung vấn đề bây giờ là “vấn đề con người” (ông không dùng các
từ “nhân quyền” hay “quyền làm nguời”) và cho rằng đã đến lúc “thực
hiện một chủ trương cực kỳ quan trọng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh: Khai
dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” vì đó là xu thế của thời đại không ai
có thể cưỡng lại được.
4. Các
sai trái của ĐCSVN: Theo ông Lê Hiếu Đằng, vì “đang rơi vào tình
trạng khủng hoảng về lý luận và đường lối nghiêm trọng”, ĐCSVN đã “lãnh
đạo và điều hành yếu kém” đất nước Việt Nam và gây nên những hậu quả tai
hại như:
a. “tạo ra một tầng lớp cán
bộ, một loại “giai cấp mới” với nhiều đặc quyền đặc lợi để vì lợi ích cá nhân
và gia đình mà sống chết bảo vệ chế độ”
b. “sự phân hóa xã hội giàu
nghèo ngày càng dữ dội.”
c. “đưa đất nước chúng ta vào
một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện chưa có lối ra”
d. Không bảo vệ được “Độc lập
Dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ” khi đối tác với nhà “cầm quyền Bắc Kinh mà bản
chất bành trướng, xâm lược không hề thay đổi”
NỘI
DUNG – Về nội dung, tức là 1) mục tiêu, 2) phương pháp
tranh đấu, và 3) thành viên, ông Lê Hiếu Đằng đưa ra các ý sau.
1. Mục
tiêu của ĐDCXHVN
a. Đối
nội: ĐDCXHVN sẽ vận động:
i. Hủy bỏ điều 4 của hiến
pháp CHXHCNVN vì “Điều 4 Hiến pháp hiện nay là đi ngược lại với sự vận động của
thực tiễn, cản trở sự phát triển của đất nước”.
ii. Thiết lập “nhà nước cộng hòa với
tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập và kiểm soát lẫn nhau”
iii. Thiết lập “một nền tư
pháp độc lập” để chống tham nhũng có hiệu quả.
iv. Đòi hỏi “Quốc hội lập
hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới”
v. Tiến hành “thực
hiện một cuộc bầu cử dân chủ để bầu quốc hội lập pháp”
vi. Đòi hỏi ĐCSVN “trả lại những
gì của lịch sử, của tiền nhân để lại” ví dụ như trả lại tên các đường phố như
Võ Văn Tần trở lại thành đường Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Chiểu thành trở lại
đường Phan Đình Phùng v.v. ….
b. Đối
ngoại: ĐDCXHVN sẽ liên kết với các nước dân chủ để
đấu tranh chống thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc về Biển Đông.
2. Phương
pháp đấu tranh:
ĐDCXH sẽ đấu tranh với “phương châm công
khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động,
bạo lực khiêu khích gây chiến tranh”. Theo ông Lê Hiều Đằng, công tác đầu
tiên trong dự án thành lập ĐDCXH là “thành lập một ban vận động để sơ thảo
cương lĩnh, điều lệ để có cơ sở cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tổ chức này
như thế nào, đường hướng ra sao để ủng hộ hoặc không ủng hộ và cũng là cơ sở
khi đăng ký với chánh quyền để họ xem đây có phải là một tổ chức khủng bố, phản
động”.
3. Đảng
Viên:
ĐDCXH sẽ là nơi quy tụ:
a. các “đảng viên đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc
không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo)”, các
người “chủ trương đấu tranh cho một thể chế dân chủ cộng hòa”
b. Các cựu đảng viên và những người thuộc thế hệ ông
Lê Hiếu Đằng, chủ yếu là “những người, mặc dầu đời sống kinh tế đã khá giả,
có những người là giàu có nhưng không thể yên tâm thụ hưởng tất cả những tiện
nghi của đời sống đã dũng cảm chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm cho bản thân mình
cũng như gia đình, dấn thân vào cuộc chiến đấu mới để tiếp tục thực hiện lý
tưởng thời trai trẻ của họ”
c. Các người trẻ: “lớp trẻ hăng hái, nhiệt
tình bao gồm những blogger, những sinh viên đang có những hoạt động ở các
trường Đại học hoặc nhiều tổ chức khác.”
Khi đánh giá nguồn gốc đề án thành lập một ĐDCXH của
ông Lê Hiếu Đằng, điều nổi bật nhất về các lý do ông Lê Hiếu Đằng đưa ra để
biện minh cho dự án thành lập một ĐDCXH là chúng không có gì mới lạ, không có
gì đột phá. Trái lại, với bất cứ ai từng theo dõi dù chỉ hời hợt các bài viết
trên mạng đòi hỏi Việt Nam phải có một thể chế đa đảng, hay phải có một đảng
khác hơn là ĐCSVN, ví dụ như ĐDCXH, những lý do ông Lê Hiếu Đằng nêu ra đều đã
được các nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ, và nhân quyền Việt Nam ở trong và
ngoài nước nói rồi, nói rất nhiều, và trong nhiều trường hợp, đã phải trả một
rất đắt như bị nhà nước bắt bỏ tù.
Về nội dung của đề án thành lập một ĐDCXH, thật sự
cũng không có gì mới, không có gì nổi bật. Lập lại quan điểm của hầu
hết các nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ, và nhân quyền tại Việt Nam trong và
ngoài nước, ông Lê Hiếu Đằng đòi bỏ điều 4 của Hiến Pháp, kêu gọi việc soạn
thảo một hiến pháp mới làm cơ sở cho việc thành lập một chế độ có tam quyền –
lập pháp, hành pháp, và tư pháp – phân lập rỏ rệt, và một chánh sách đối ngoại
thân thiện hơn đối với các nước mà ông lững lờ gọi là các nước “dân chủ” để đối
đầu với Trung Quốc.
Bây giờ, hãy tìm cách trả lời câu hỏi thứ
hai, tức là nên nghĩ gì về đề án này. Có hai cách trả lời câu hỏi trên.
Một
là, nếu không bỏ qua được quá trình 45 năm phục vụ
ĐCSVN của ông Lê Hiếu Đằng, nếu không thể tin chắc ông đã hoàn toàn thoát ly
ĐCSVN để từ đó có thể chấp nhận và xem ông như là một nhà chống đối đích thật,
sẽ có ít ra là ba cách để trả lời câu trả lời này.
· Cách thứ nhất: đây là một góp ý cá nhân
hoàn toàn tự nguyện viết theo lối nói “thuốc đắng dã tật” của ông Lê Hiếu Đằng
trong cương vị một đảng viên nhằm thúc đẩy ĐCSVN thay đổi để thích ứng với tình
thế mới. Cách giải thích này giản dị nhất, không vướng mắc bất cứ “lý thuyết âm
mưu” (conspiracy theory) nào, và do đó có theo thuật lý luận “lưởi dao cạo của
Occam”, có thể đúng nhất. Người viết bài này nghiêng về cách giải thích này.
· Cách thứ nhì: đây là ông Lê Hiếu Đằng đang
phát ngôn như là một đại diện cho một nhóm quyền lực/lợi ích nào đó trong ĐCSVN
muốn tung quả bong bóng thăm dò du luận trong và ngoài đảng về việc họ muốn lèo
lái đảng về một hướng khác cởi mở hơn. Việc ông Lê Hiếu Đằng hé lộ việc chủ
tịch nước Nguyễn Tấn Sang biếu ông thuốc qúy hiếm chỉ dành cho các thành viên
Bộ Chính Trị có thể xem như là một bằng chứng gián tiếp cho cách giải thích
này. Cách giải thích này giả định có nhiều nhóm quyền lợi/lợi ích trong ĐCSVN
đang tranh đấu gay gắt dànhy ảnh hưởng ở trong và ngoài đảng.
·
Cách thứ ba: Qua ông Lê Hiếu Đằng, một nhóm quyền lực/lợi ích nào
đó trong ĐCSVN đã muốn công khai hóa cuộc đấu đá giửa nhóm họ và các nhóm khác
bảo thủ và giáo điều hơn. Các giải thích này gần giống như cách giải
thích thứ nhì nhưng đi xa hơn qua việc công khai hoá các khuynh hướng đối chọi
và các tranh chấp nội bộ rất gay gắt trong ĐCSVN.
Dù giải thích
cách nào, nếu nhà nước không bắt ông Lê Hiếu Đằng và đưa ông ra toà
sau khi gán cho ông các tội danh vu vơ và vi hiến ví dụ
như “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2, Điều 79,
của Bộ luật Hình Sự, dự án thành lập một ĐDCXH của ông Lê Hiếu Đằng trong
chừng mực nào đó có thể xem là một phát ngôn gián tiếp và không thể kiểm chứng
được của ai đó hay một nhóm quyền lực/lợi ích nào đó trong ĐCSVN nhằm có
những tác dụng sau:
a) Giúp hoá giải phần nào áp lực của các thành phần
chống đối trong đảng và ngoài đảng ở trong và ngoài nước;
b) Giúp chứng minh với Liên Hiệp Quốc – nơi mà nhà
nước Việt Nam đang tranh thủ giành một ghế trong Hội Đồng Nhân Quyền Quốc Tế –
là Việt Nam cũng biết tôn trọng các quyền làm người đã quy định trong tuyên ngôn
Quốc Tế Nhân Quyền;
c) Giúp chứng minh với Hoa Kỳ là ĐCSVN cũng có dân
chủ nếu đó là một điều kiện để ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên
Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP);
d) Tránh không bị Nhà Trắng, Quốc Hội Hoa Kỳ, các
nước Tây Phương khác, và các tổ chức phi chính phủ quốc tế lên án hay gây khó
khăn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo;
e) Giúp ĐCSVN (và bất cứ ai quan tâm đến vấn đề này)
thăm dò dư luận trong và ngoài nước về vấn đề dân chủ đa đảng.
Hai
là, nếu bỏ qua được quá trình 45 năm phục vụ ĐCSVN và
chấp nhận ông như là một nhà chống đối đích thật – và đây là một điều không dể
làm - ta có thể xem dự án của ông Lê Hiếu Đằng là một thiện ý, một
đề án can đảm của một người bệnh nặng đang đối mặt với tử thần và do đó
không còn gì để mất hay để sợ hải nửa, và vì thế có thể là “một bước trong quá
trình vận động” cho một nước Việt dân chủ đa đảng. Tuy thế, trong tình trạng
phân hóa của ĐCSVN hiện nay thành nhiều nhóm quyền lực/lợi ích khác nhau, đề án
ông Lê Hiếu Đằng đưa ra chỉ có thể quan trọng ngang tầm với quá trình hoạt động
cho ĐCSVN của ông mà thôi. Lý do là đa số những người nghe ông chủ yếu sẽ là
các đồng nghiệp cũ của ông tại Mặt Trận Tổ Quốc, thay vì là những thành viên
của các nhóm quyền lực/lợi ích hay tổ chức khác.
Về phía nguời dân, họ đã nghe nhiều về những đòi hỏi
dân chủ và đa đảng, đã thấy rỏ những gì xảy ra cho bất cứ ai đưa ra những đòi
hỏi đó, cho nên điều có thể xảy ra sẽ như sau. Người dân sẽ nghe đó, để đó; một
số người sẽ ngầm ủng hộ ông Lê Hiếu Đằng, trong khi đó đa số sẽ tiếp tục đọc
các báo lề phải lẫn lề trái và theo dõi các còm sĩ trên mạng xem họ chửi hay
khen ông Lê Hiếu Đằng tới mức nào, và nhất là chờ xem công an có hốt ông Lê
Hiếu Đằng về tội chống đảng hay không, rồi tính sau.
Có một điều cần lưu ý là việc ông kêu gọi thi hành
chương trình chính trị của cụ Phan Châu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu
dân sinh”. Vào thập niên thứ nhì của thế kỷ thứ 21, có một người
cọng sản nhớ được và muốn thi hành chương trình chính trị do một nhà tranh đấu
dân chủ Việt Nam đề xuất vào đầu thế kỷ thứ 20, gần một trăm năm về trước, là
một điều hơi kỳ lạ. Kỳ lạ, nhưng có thể không vô lý.
Ta cần nhớ cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh, khác với cụ
Sào Nam Phan Bội Châu, đã đòi phải quét sạch chế độ quân chủ nhà Nguyễn trước
khi tiến hành chương trình chính trị đã dẫn (3). Trong bài sớ “Thư
Thất-Điều” hài tội vua Khải Định được viết tay và lưu truyền trong dân gian
trên giấy bổi vào năm 1922 và in ra sách lần đầu vào năm 1958 tại Huế, cụ Phan
Châu Trinh viết:
“…Dân ta bây giờ phải đánh thức nhau dậy, phải đồng
lòng hiệp sức mà chống cự với lũ vua dữ quan nhơ, phải phá nó cho tan, đạp nó
cho đổ, lại phải lấp tận nguồn, cắt tận rễ, làm cho tiệt hẳn sức ma quỉ chuyên
chế, nó đã ám ảnh chúng ta mấy ngàn năm nay, nếu không làm như thế thời không
bao giờ trông thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng nữa !”(4).
Ông Lê Hiếu Đằng có đòi quét sạch ai đây không hay
ông chỉ muốn lập một đảng để cạnh tranh với ĐCSVN trong vòng pháp luật? Dù cho
ông chỉ muốn như thế, xác xuất ĐDCXH của ông sẽ có một tương lai sáng lạn sẽ
rất thấp.
Trong quá khứ, ĐCSVN đã cho phép hai đảng hoạt động
hợp pháp trên dưới 40 năm liên tục từ 1944 đến 1988. Hai đảng đó là: Đảng Xã
Hội Việt Nam (Thành lập: 22 tháng 7, 1946, Giải tán: 22 tháng 7, 1988) (5)
và Đảng Dân Chủ Việt Nam (Thành lập: 30 tháng 6, 1944, Giải tán: 20
tháng 10, 1988) (6).
Hai đảng này hoạt động trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt
Nam và do đó đã không đóng góp gì vào việc tạo dựng một nước Việt thực sự dân chủ
đa đảng. Chúng chỉ cho người dân ăn bánh vẽ, nhái lại các chính sách và đường
lối của ĐCSVN, và làm công cụ để nhà nước trình làng dối gạt cộng đồng quốc tế.
Dù chúng chỉ là bù nhìn, nhưng nhà nước đã cẩn thận
cho cả hai đảng trên chui vào nhà mồ vào năm 1988. Tại sao? Với những ai đã
từng sống tại Việt Nam vào thập niêm 80, họ sẽ nhớ năm 1988 là thời điểm nền
kinh tế Việt Nam – đang vận hành theo mô hình bao cấp ở miền Bắc và mô hình học
tập cải tạo/cải tạo tư sản ở miền Nam – đang suy sụp ở mức độ cao nhất.
Khi tình hình kinh tế trở nên rất khó
khăn, ĐCSVN đương nhiên sẽ không muốn bất cứ ai có một chỗ đứng để
công khai phê phán đảng và nhà nước. Dẹp tiệm hai đảng bù nhìn vừa tiết kiệm
ngân sách vừa trừ được một mối họa tiềm ẩn, dù là một mối họa rất nhỏ vì các
người lãnh đạo các đảng này chủ yếu cũng là đảng viên ĐCSVN, thế thì tại sao
không!
Vào năm 2013, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu
vẫn chưa ra thoát khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng bắt đầu từ năm 2008, nội tình
Việt Nam còn rối rắm hơn vào năm 1988 rất nhiều, và vì rất nhiều lý do.
Trong các lý do đó, có thể kể sự tăng trưởng của các
phong trào quần chúng chống ĐCSVN đã nhu nhược dâng dất và biển cho Trung Quốc,
và các nạn tham nhũng và yếu kém quản lý tại nhà nước và các doanh nghiệp nhà
nước. Trong bối cảnh vừa kể, xác xuất ĐCSVN sẽ cho ông Lê Hiếu Đằng thành lập
một ĐDCXH cũng sẽ rất thấp. Xác xuất đó sẽ càng thấp hơn khi ĐCSVN tăng cường
trấn áp trù dập các nhà tranh đấu đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, và một chế độ đa
đảng cho Việt Nam, cho dù họ có tranh đấu bất bạo động và trong khuôn khổ của
luật pháp.
Có hai đối tượng nay đang được nhà nước đặc biệt lưu
ý và trù dập. Đó là những đảng phái hay các tổ chức không chịu nằm trong Mặt
Trận Tổ Quốc, và những người tranh đấu ĐCSVN nghi ngờ là có dính
dáng đến các đảng phái hay tổ chức đó. Có nhiều ví dụ chứng minh cho điều trên.
Vào ngày 11 tháng 5 năm 2010, nhà nước
Việt Nam xét xử và kết án ông Trần Huynh Duy Thức 16 năm tù, Lê Công Định 6 năm
tù, và Lê Thăng Long 6 năm tù vì tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân”, theo Điều 79 Bộ luật Hình Sự. Trong cáo trạng, nhà nước cáo buộc các
người này đã âm mưu thành lập một “Đảng Dân Chủ Việt Nam” tại Việt
Nam (7).
Cụ thể hơn nửa là thái độ thù nghịch của ĐCSVN đối
với Đảng Việt Tân.
Việt Tân – chính danh là Việt Nam Canh Tân Cách Mạng
Đảng – là một đảng chính trị thành lập ở hải ngoại. Trong thời gian qua, nhà
nước Việt Nam truy lùng, bắt bớ, và xét xử nặng nế bất cứ ai có dính dáng đến
đảng này mặc dù chủ trương của đảng này tranh đấu bất bạo động cho các lý tưởng
của họ.
Ta
có thể ghi lại tại đây:
1. Vụ án 14 người ở Nghệ An. Vụ này đã xử lần đầu vào tháng 9 năm 2012 (6) và phúc thẩm
vào ngày 23 tháng 5 năm 2013. (8). Trong vụ án này, 14 người xứ Nghệ
bị cáo buộc là “đã được tổ chức Việt Tân kết nạp, đặt bí danh, nhận nhiệm vụ,
nhận tiền và phương tiện của Việt Tân giao để về nước hoạt động”, đã “nhiều lần
ra nước ngoài dự các khóa huấn luyện về đấu tranh “bất bạo động” của tổ chức
“Việt Tân“, và nhất là đã “viết bài xuyên tạc quan điểm, đường lối chính sách
của Ðảng; lợi dụng chiêu bài đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển
đảo để thực hiện các mưu đồ chính trị nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 14
người trong vụ án này và những án tù họ phải gánh chịu là: Lê Văn
Sơn (28 tuổi), 4 năm tù; Nguyễn Văn Duyệt (33 tuổi), 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn
Xuân Anh (31 tuổi), 2 năm tù; Hồ Văn Oanh (28 tuổi), 2 năm 6 tháng
tù; Hồ Đức Hoà (39 tuổi), 13 năm tù; Nguyễn Đình Cương (32 tuổi), 4
năm tù; bị cáo Trần Minh Nhật (25 tuổi), 4 năm tù và xử phạt bị cáo Thái Văn
Dung (25 tuổi), 4 năm tù. Cã thế giới đã lên án việc nhà nước Việt Nam trắng
trợn vi phạm Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền, và các quyền tụ do ngôn luận và
hội họp của những người này khi nhà nước bắt và giam giữ họ.
2. Trục xuất ông Nguyễn Quốc Quân
khỏi Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Quân, 60 tuổi, Việt Kiếu quốc tịch
Mỹ, đả bị bắt vào tháng 4 năm 2012 và sau đó qua các vận động của Quốc Hội Mỹ,
đã được nhà nước trục xuất về Mỹ. Ông Nguyễn Quốc Quân đã bị kết án
là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 – Bộ luật hình
sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” Nhà nước đã cáo buộc ông “tham
gia tổ chức phản động lưu vong “Việt Tân.” (9)
3. Truy tố ba blogger về hành vi chống
phá Nhà nước. Bất chấp sự chống đối của công luận quốc tế,
trong đó có lời bênh vực của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, tại
phiên toà phúc thẩm ngày 18 tháng 12 năm 2012, nhà nước Việt
Nam đã kết án ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày, 60 tuổi), 12 năm
tù; ông Phan Thanh Hải (43 tuổi), 4 năm tù; và bà Tạ Phong Tần (44 tuổi),
10 năm tù. Trong các tội danh nhà nước liệt kê ra cho ông Nguyển Văn Hải,
có cáo buộc ông đã “trực tiếp quan hệ với các phần tử phản động ở nước ngoài và
tham gia khoá huấn luyện do tổ chức khủng bố “Đảng Việt Tân” tổ chức tại Thái
Lan tháng 3-2008”. (10)
4. Ba năm tù cho ông Phạm Minh Hoàng. Ông Phạm Minh Hoàng bị nhà nước cáo buộc là một thành viên
của Việt Tân và bị kết tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo
khoản 2, Điều 79, Bộ luật Hình Sự. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 29
tháng 12, ông Phạm Minh Hoàng bị kết án 17 tháng tù giam và 3 năm quản chế tại
gia (11).
5. Bắt giữ các ông Nguyễn Tiến Trung và
Trần Anh Kim. Hai ông Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim bị
bắt vào ngày 7 tháng Bảy năm 2009 vì vi phạm điều 88 về các hành vi chống nhà
nước của Bộ Luật Hình Sự. Riêng ông Trần Anh Kim, 64 tuổi, bị nhà nước kết tội
có liên hệ đến Đảng Dân Chủ Việt Nam, Khối 8406, và Đảng Việt Tân (12).
Xem như thế, dự án thành lập ĐDCXH của
ông Lê Hiếu Đằng có thể là một điều không tưởng. Không biết ông Lê Hiếu Đằng có “Kế Hoạch B” nào không. Nhưng rỏ ràng là
con đường đi đến một nước Việt dân chủ đa đảng vẫn còn rất gian nan, vẫn đòi
hỏi rất nhiều hy sinh, và những người đã kể tên ở trên đã chấp nhận hy sinh.
Nhưng rốt ráo, dân chủ đa đảng là con đường người Việt phải đi qua nếu không
muốn bị diệt vong hay bỏ lại phía sau trong tiến trình của lịch sử.
Con đường đi đến một nước Việt dân chủ đa đảng có
thể rất quanh co và gai góc. Nhưng con đường đó cũng có thể rất giản đơn, bởi
vì lịch sử hay gây kinh ngạc.
Vào ngày 29 Tháng Giêng năm 1989, ông Pozsgay Imre,
một ủy viên bộ chính trị Đảng Cọng Sản Hungary (ĐCSH), đơn phương tuyên bố cựu
thủ tướng quá cố Nagy Imre, – người đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy của quần chúng
chống lại quân đội Liên Sô đã kéo vào thủ đô Budapest của Hungary vào năm 1956
– là một anh hùng dân tộc thay vì là một kẻ phản động tay sai nuớc
ngoài và do đó đã bị xử tử như ĐCSH vẫn tuyên truyền suốt 30 năm qua
(13).
Lời tuyên bố của ông Pozsgay Imre hình như đã vang
vọng trong lòng yêu nước và những khát vọng công lý sâu xa nhất của người dân
Hungary. Chỉ trong vòng hai tháng, các vụ việc sau đây đã xảy ra: người dân lên
tiếng đòi nhà nước phải đối thoại với những tổ chức và nhân vật chống đối vào
dịp biểu tình mừng Quốc Khánh Hungary; nhà nước xúc tiến Thảo Luận Bàn Tròn với
các tổ chức và nhân vật đối lập; và vào ngày 16 tháng 6 năm 1989, trên 100.000
người Hungary đã tham gia lễ truy điệu và cải táng ông Nagy Imre ngay tại quãng
trường lớn nhất ở Budapest (14).
Vào tháng 10 năm 1989, dưới muời tháng sau ngày ông
Pozsgay Imre phát ngôn, Quốc Hội Hungary quyết định thu hồi hoàn toàn các quyền
lãnh đạo đất nước của ĐCSH, cập nhật hiến pháp, khẳng định Hungary sẽ có một
chế độ dân chủ đa đảng với tam quyền phân lập rõ rệt, và cam kết bảo vệ các
quyền dân sự và quyền làm người của người dân. Và sau cùng, vào ngày 7 tháng 10
năm 1989, ĐCSH tự xóa tên và biến thành Đảng Xã Hội Hungary (15).
Lịch sử có thể tái diễn được hay không?
Có một
Pozsgay Imre nào trong bộ Chính Trị ĐCSVN sẽ là người ra phố mời rao từng nhà,
từng nhà, lập bàn thờ trên đường phố để cả nước cùng có được một ngày công khai
tưởng nhớ và tri ơn những người anh hùng nước Việt đã vệ quốc vong thân trong
những cuộc chiến biên giới 1979-1987 và việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa
Trường Sa từ 1974 đến nay?
Và có ai nghe
được, phía sau bài viết của Lê Hiếu Đằng, là lời kêu gọi người Việt hãy đi tìm
“ánh sáng mặt trời mặt trăng” của tiền nhân?
Chấn
Minh
August
29, 2013
Chú
Thích:
1. Lê Hiếu Đằng, (2013), “Suy Nghĩ Trong Những Ngày
Nằm Bịnh (bản có sửa chữa)”, Internet: http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/suy-nghi-trong-nhung-ngay-nam-binh_17.html.
Truy cập ngày 26/8/2013
2. Lê Hiếu Đằng, (2013), “Suy Nghĩ Trong Những Ngày
Nằm Bịnh”, Internet: http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/nhung-ieu-noi-ro-them.html.
Truy cập ngày 26/8/2013
3. Vi.Wikipedia, (2013), “Phan Châu Trinh”,
Internet: http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Ch%C3%A2u_Trinh. Truy cập
ngày 26/8/2013
4. Phan Châu Trinh, (1922), “Thư Thất-Điều”,
Internet: http://nonnuocbinhkhe.blogspot.com/2013/06/thu-that-ieu.html.
Truy cập ngày 26/8/2013
5. Vi.Wikipedia, (2013), “Đảng Dân Chủ Việt Nam”,
Internet: http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A3ng_D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7_Vi%E1%BB%87t_Nam.
Truy cập ngày 26/8/2013
6. Vi.Wikipedia, 2013, “Đảng Xã Hội Việt Nam”,
Internet: http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A3ng_X%C3%A3_h%E1%BB%99i_Vi%E1%BB%87t_Nam.
Truy cập ngày 26/8/2013
7. Tiền Phong Online, (2009), “Bắt tạm giam hai đối
tượng có hành vi chống nhà nước”. Internet: http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/165588/Bat-tam-giam-hai-doi-tuong-co-hanh-vi-chong-nha-nuoc.html. Truy
cập ngày 26/8/2013
8. Công An Nhân Dân, (2013), “Xét xử phúc thẩm vụ án
Hồ Đức Hoà và đồng bọn “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
Internet: http://www.cand.com.vn/vi-VN/phapluat/2013/5/199669.cand.
Truy cập trên mạng ngày 27/08/2013.
9. Tiền Phong Online, (2013), “Trục xuất Nguyễn Quốc
Quân khỏi Việt Nam” Internet: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/612527/Truc-xuat-Nguyen-Quoc-Quan-khoi-Viet-Nam-tpol.html, Truy
cập trên mạng ngày 27/08/2013.
10. Tiền Phong Online, (2012), “Truy tố ba blogger
về hành vi chống phá Nhà nước”, Internet: http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/573486/Truy-to-ba-blogger-ve-hanh-vi-chong-pha-Nha-nuoc-tpp.html , Truy
cập trên mạng ngày 27/08/2013.
11. Tiền Phong Online, (2010), “Bắt một thành viên
Việt Tân”, Internet: http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/513944/Bat-mot-thanh-vien-Viet-Tan.html , Truy
cập trên mạng ngày 27/08/2013.
12. Tiền Phong Online, (2009),
“Bắt tạm giam hai đối tượng có hành vi chống nhà nước”, Internet: http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/165588/Bat-tam-giam-hai-doi-tuong-co-hanh-vi-chong-nha-nuoc.html, Truy
cập trên mạng ngày 27/08/2013.
13. Wikipedia. (2013). “Revolution of 1989 –
Hungary”. Internet: https://en.wikipedia.org/wiki/Fall_of_communism#Hungary.
Truy cập trên mạng ngày 27/08/2013.
14. Wikipedia. (2013) “Imre Nagy”. Internet: http://en.wikipedia.org/wiki/Imre_Nagy.
Truy cập trên mạng ngày 27/08/2013.
Bạn trích lại lời của ông Lê Hiếu Đằng: "Đảng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về lý luận và đường lối nghiêm trọng”, ĐCSVN đã “lãnh đạo và điều hành yếu kém” đất nước Việt Nam và gây nên những hậu quả tai hại" để chứng minh rằng cần đa đảng là không hợp lý. Tham nhũng là vấn nạn của tất cả các quốc gia. Đảng cộng sản không hề dấu diếm tham nhũng. Vấn nạn tham nhũng được đại hội XI của Đảng xác định là vấn nạn tạo lớn. Tham nhũng không liên quan đến thể chế đa đảng hay một đảng như bạn nói. Singapore chỉ một đảng lãnh đạo nhưng tham nhũng rất ít. Điều này cho thấy tham nhũng tồn tại lớn hay nhỏ phụ thuộc vào phương pháp chống tham nhũng chứ không phụ thuộc vào thể chế.
ReplyDelete