NÔNG DÂN… CHÁN RUỘNG:
Thứ Bảy, 07/09/2013 22:32
Vừa
lẩm bẩm câu ca dao Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy
nhiêu, một lão nông vừa đưa tay chỉ cánh đồng vắng hoe người, chỉ có vài đàn bò
đang thong dong gặm cỏ rồi cám cảnh: “Với nhiều nông dân, bây giờ tấc ruộng là…
tấc nợ”
Đến nhiều vùng quê ở miền Trung và miền Bắc, chúng
tôi chứng kiến một bức tranh ảm đạm chung: Trong khi trên đồng ruộng trống
hoang, vắng bóng người canh tác thì ở nhiều gia đình cũng hết sức quạnh quẽ do
các lao động chính đã bỏ quê lên phố tìm công việc khác mưu sinh.
Nhà
không, đồng trống
Gần một năm nay, anh Hồ Viết Xuyên - ngụ xã Hưng
Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - đã từ bỏ công việc đồng áng để lên TP
Vinh phụ hồ. “Không chỉ riêng tôi đâu, nhiều người khác cũng bỏ ruộng tỏa đi tứ
tán làm thuê, làm mướn. Phụ hồ tuy vất vả nhưng mỗi ngày tôi cũng kiếm được
180.000 đồng, tính ra gấp mấy lần ở nhà làm ruộng” - anh so sánh.
Nhiều cánh đồng bỏ hoang ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam vắng bóng
nông dân Ảnh: THÚY PHƯƠNG
Anh Xuyên cho rằng nông dân không ai muốn bỏ ruộng
nhưng dù có đầu tắt mặt tối đến đâu thì làm lúa vẫn không thể giúp duy trì cuộc
sống nên buộc họ phải tìm công việc khác. “Giống, vật tư, phân bón... liên tục
tăng, trong khi giá lúa quanh quẩn chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Lúa thu hoạch bán
ra không đủ bù chi phí, cứ kiểu này, nông dân còn bám ruộng thì đói khổ vẫn cứ chực
chờ” - anh buồn bã.
Cũng như nhiều vùng quê khác, các thôn xóm ở Nghệ An
và Hà Tĩnh hầu như vắng bóng đàn ông và cả những phụ nữ khỏe mạnh. Họ đến TP Hà
Tĩnh, Vinh làm thuê hoặc vào miền Nam làm công nhân ở các KCN, ai chạy được
tiền thì lo đi xuất khẩu lao động.
“Gia đình tôi 5 người thì ông xã đã ra Hà Nội làm
“thợ đụng”, 2 con lớn vào Bình Dương làm công nhân may, chỉ còn tôi và thằng út
ở nhà. Ở xã này hầu như gia đình nào cũng có người bỏ ruộng đồng đi làm ăn xa”
- chị Ngô Thị Lan - ngụ xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - cho
biết.
Tại Thanh Hóa, nơi có trên 1.000 hộ nông dân bỏ
ruộng để đi làm nghề khác, tình trạng “nhà không, đồng trống” cũng dễ dàng bắt
gặp ở nhiều nơi. Chị Lê Hồng Phương - ngụ xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc - phân
trần: “Nhà tôi có gần 5 sào ruộng, vài mùa gần đây chỉ làm 1 sào để lấy gạo ăn,
còn lại bỏ hoang. Chồng tôi đã vào TP HCM làm công nhân nửa năm nay rồi, sắp
tới, tôi cũng đi theo chứ làm ruộng bao năm nay có khi nào khỏi cảnh túng thiếu
đâu…”.
Còn đâu
tấc đất, tấc vàng...
Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Hải Dương, cho biết chỉ tính riêng vụ mùa
2012, toàn tỉnh có khoảng 250 ha đất ruộng bị bỏ hoang. “Đất canh tác manh mún,
thiếu lao động, chi phí sản xuất quá cao nên nông dân không có lãi. Trong khi
đó, người dân phải chịu quá nhiều khoản đóng góp” - ông giải thích.
Vừa lẩm bẩm câu ca dao Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao
nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu, ông Trần Văn Tư - ngụ xã Tiên Phong, huyện
Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - vừa đưa tay chỉ cánh đồng vắng hoe người, chỉ có
vài đàn bò đang thong dong gặm cỏ rồi cám cảnh: “Với nhiều nông dân, bây giờ
tấc ruộng là… tấc nợ”.
Theo ông Đinh Thương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện
Tiên Phước, toàn huyện có 2.450 ha đất trồng lúa nhưng vụ hè thu 2013 có đến
400-500 ha bỏ hoang, tập trung chủ yếu ở xã Tiên Phong. “Tính ra mỗi sào lúa,
nông dân lãi 100.000 đồng là cùng, thua cả một ngày làm công nhân. Vì vậy,
người dân không còn trông đợi gì ở ruộng đồng. Nhiều người giờ vẫn giữ đất
nhưng sản xuất cầm chừng, chủ yếu để khỏi mua gạo và có rơm cho trâu bò ăn” -
ông lo ngại.
Tại tỉnh Nghệ An, nơi có đến hàng ngàn hecta đất
ruộng bỏ hoang, nhiều nông dân quan niệm thà không canh tác chứ không chịu đầu
tư kiểu “hên xui”, chỉ nắm chắc lỗ hoặc hòa vốn. Ông Từ Trọng Kim, Trưởng
Phòng Trồng trọt - Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An, giải thích: “Nhiều người bỏ ruộng
hoang nhưng không trả vì đất nông nghiệp không phải đóng thuế. Nông dân chán
ruộng cũng dễ hiểu và là điều tất yếu vì bao lâu nay làm lúa vẫn không thoát
khỏi đói khổ”.
Ông Trần Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Hà Tĩnh, cho rằng nhiều nông dân bỏ ruộng để tìm công việc khác dẫu bấp bênh
nhưng họ vẫn chấp nhận vì thu nhập cao hơn hẳn. “Có bấp bênh đến đâu thì cũng
chẳng bằng làm lúa! Tuy nhiên, đây là thực tế đáng báo động. Hiện nay, bên cạnh
việc tuyên truyền, khuyến cáo không nên bỏ ruộng, chúng tôi đang tìm kiếm những
mô hình sản xuất hiệu quả để đưa vào áp dụng nhằm nâng cao đời sống của bà con”
- ông cho biết.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày
7-9
*
*
Loay hoay tìm lối thoát
Chuyện nông dân bỏ ruộng
không phải mới xảy ra nhưng điều đáng nói là tình trạng này ngày càng trầm
trọng, bất chấp nhiều nỗ lực tìm lối ra từ các địa phương cũng như bộ, ngành
liên quan. Đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề rằng liệu chúng ta có nên giữ 3,8
triệu ha đất trồng lúa theo nghị quyết của Quốc hội hay cần chuyển đổi sang các
loại cây có giá trị cao hơn. Đã có nhiều mô hình thí điểm, chương trình, phương
án, kế hoạch... được áp dụng nhưng thực tế là nông dân vẫn chưa sống được với
ruộng đồng.
Ngày 10-6-2013, Thủ tướng
Chính phủ đã ký Quyết định 899 phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” với 3 mục tiêu làm
ấm lòng nông dân. Thế nhưng, để đề án này đi vào thực tế và những mục tiêu tốt
đẹp của nó đạt được, đòi hỏi nhiều thời gian với bao quyết tâm thực hiện...
Mới đây, trong chương
trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời trên VTV1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát
cho rằng để ngăn chặn thực trạng nông dân bỏ ruộng, biện pháp chính là phải tạo
điều kiện cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. “Chúng ta tiếp tục chủ trương
duy trì quỹ đất lúa vì lợi ích trước mắt và lâu dài nhưng trên đất lúa, bà con
có thể chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, như cây ngô
(bắp). Đã đến lúc chúng ta phải chuyển từ nền nông nghiệp tập trung cho sản
lượng sang một nền nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, đặc biệt là giá
trị gia tăng, để làm tăng thu nhập cho nông dân. Điều đó thể hiện rất rõ trong
đề án mà Thủ tướng đã phê duyệt” - ông nói.
NHÓM
PHÓNG VIÊN
No comments:
Post a Comment