Đỗ Quý
Toàn (*)
8/09/2013
Hình bìa sách “Văn Học Cổ Cận Đại Việt Nam : Từ góc nhìn văn hóa đến các
mã nghệ thuật”
Đáng lẽ phải dành ra ít nhất một năm đọc cuốn Văn
học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật(**),
nhưng tôi đã cố gắng đọc trong vòng một tháng. Phải nói rằng thời gian ngắn
ngủi đó không đủ để học hỏi suy ngẫm về những công trình kết quả một quãng đời
gần nửa thế kỷ chuyên tâm nghiên cứu văn học của tác giả. Chắc nhiều nhà nghiên
cứu trong cùng ngành xứng đáng hơn tôi để đánh giá cuốn sách này. Cho nên bài
này chỉ là những ý kiến của một độc giả có tấm lòng thiết tha muốn hiểu thêm
văn học Việt Nam.
Đọc cuốn sách dày 1.200 trang của Giáo sư Nguyễn Huệ
Chi, thấy như lại gặp người viết, gặp lần đầu, để nghe ông nói chuyện. Mỗi bài,
mỗi trang sách mở một cửa sổ mới cho mình nhìn tác giả rõ hơn, vừa đọc vừa làm
quen với người bạn tinh thần. Qua cuộc gặp gỡ, chuyện trò không kể ngày đêm,
mặc dù ngắt quãng nhiều lần để được nghỉ ngơi; đầu óc, tầm mắt mình mở rộng
thêm. Dần dần qua những câu chuyện ông “kể”, càng biết rõ hơn những kiến thức,
những công phu, những dồn nén trầm tư mặc tưởng của tác giả; cho đến lúc như
thấy cách nói năng, cách tỏ thái độ, những tâm sự, những lo âu; rồi cả tư cách
con người và cả tính tình, hoài bão… tất cả từ từ hiện ra, mỗi trang, mỗi bài
bộc lộ một khía cạnh, có lúc đọc mà ngạc nhiên về bao nhiêu thứ phong phú chứa
chất trong một con người. Tựu trung là hình ảnh một tài năng toàn diện hơn
những gì mình biết lúc sơ giao, một nhà nghiên cứu văn học đáng mến nhưng cũng
dễ gây lòng kính trọng, một nhân cách độc đáo, một con người “tài hoa và uyên
bác”, như đánh giá của Giáo sư Vũ Khiêu trong Lời giới thiệu đầu sách.
Trong Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn
văn hóa đến các mã nghệ thuật có ba phần với đề mục “tiếp cận”: với các
hiện tượng văn học, với các tiến trình văn học – và chúng ta được tác giả
giúp tiếp cận với rất nhiều dạng văn bản (textes), nhiều “gương mặt văn thi sĩ”
– rồi tới các bài thuộc phạm vi lý thuyết văn học.
Nghiên cứu văn bản là một sở trường của Giáo sư
Nguyễn Huệ Chi. Ông đã chứng tỏ ưu điểm đó ngay từ lúc biên tập một số quyển
trong bộ Thơ Văn Lý – Trần. Trong cuốn sách mới này, khi “giải mã” bài
thơ nổi tiếng của Trần Quang Khải (Tụng giá hoàn Kinh sư) ông đã giúp
chúng ta hiểu rõ hơn con người “anh hùng” viết “Đoạt sáo Chương Dương độ” bằng
cách tìm các mối quan hệ liên hoàn giữa 20 câu thơ hùng hồn này với thời đại
ông sống, hành trạng của ông, và nhất là với cảm hứng thẩm mỹ biểu lộ trong các
bài thơ khác của ông cũng như của những tác giả sau ông viết về cùng một sự
kiện, để nhìn thấy một nhân vật “nội lực thâm hậu” với nghệ thuật của một “thi
nhân” đích thực, buột miệng thành thơ.
Nhưng ấn tượng mạnh nhất về công phu nghiên cứu văn
bản của Nguyễn Huệ Chi được chứng tỏ khi ông “đi tìm một văn bản cổ” của cuốn Lĩnh
Nam chích quái. Ông viết bài này vào năm 1974 khi mới 36 tuổi, có lẽ cũng
là tuổi sung mãn nhất trong một cuộc đời để làm những việc đòi hỏi đức kiên
trì. Mà quả thật, ông cho thấy một cuộc truy cứu rất công phu. Trong gần hai
chục trang sách, Nguyễn Huệ Chi đã đóng vai nhà thám tử đi điều tra một vụ án
bắt đầu từ những “lời chứng” của các Giáo sư Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San
từ năm 1960: Ai, những ai, đã góp phần vào việc trước tác và hiệu đính Lĩnh
Nam chích quái? Hai người thường được công nhận đã xây dựng nên tập truyện
này là Vũ Quỳnh và Kiều Phú. Nhưng Trần Thế Pháp đóng vai trò gì? Những nhà
nghiên cứu văn học đời xưa như Vũ Phương Đề, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đã nói gì
về vấn đề này? Nhà thám tử đã truy tầm đến tất cả tám văn bản khác nhau. Ông đã
so sánh số truyện kể trong mỗi bản, so sánh tên và nội dung các truyện, có lúc
xét chi li từng chữ, từng câu, từ đó bỗng phát hiện ra ba “tín hiệu ngôn từ” có
giá trị “thiết chứng” mà những “thám tử” trước ông vì sơ ý nên đã không nhìn
thấy, để xếp chúng khá đắc địa vào ba loại dị bản với những đặc trưng riêng,
nhằm soi sáng một cách có phương pháp, căn cứ vào cả khung quy chiếu
văn hóa-lịch sử ở thời điểm giả định mỗi loại dị bản ra đời, và dẫn bạn
đọc đến chỗ xác tín được loại dị bản nào có khả năng còn gần với bản gốc, và
loại dị bản nào đã bị/được đời sau hiệu đính, thêm, bớt, làm phai mờ nguyên
văn. Sau cùng thì chúng ta được nghe kết luận của tác giả. Theo lệ thường
khi viết về một cuốn truyện trinh thám, chúng tôi thường không tiết lộ hồi kết
cục ra sao, nhưng ở đây tưởng cũng cần nêu lên thái độ khiêm cung của tác giả
khi ông nói rằng, bản thân việc truy tầm – tử công phu – như thế
kia vẫn… “chỉ mong gợi ý một hướng phân loại… cung cấp… một đôi điều bổ
ích”. Hóa ra ông muốn dành lại, để cho lớp hậu sinh tiếp bước ông. Thì đây quả
là một đề tài còn hứa hẹn nhiều cuộc điều tra tiếp theo. Nhưng không rõ từ năm
1974 đến nay đã có sinh viên nào làm luận án Tiến sĩ về đề tài này, khai mở
thêm những “gợi ý” lý thú của Nguyễn Huệ Chi hay chưa?
Nguyễn
Huệ Chi lại chứng tỏ tài “thám tử điều tra” của ông khi tiếp cận với một thi sĩ
đời Trần, là Tuệ Trung Thượng sĩ, không phải trong phạm vi nghiên cứu văn bản
mà bước sang nghiên cứu lịch sử và văn học. Bài này viết năm 1977, sửa lại năm
2010; ông thú nhận từ lâu vẫn theo vết các nhà nghiên cứu trước, khởi đầu từ Bùi
Huy Bích, đinh ninh Tuệ Trung là Trần Quốc Tảng, một người con của Hưng Đạo
vương Trần Quốc Tuấn. Nguyễn Huệ Chi đã đối chiếu các sách sử tìm ra những mâu
thuẫn trong giả thuyết Trần Quốc Tảng là tác giả Thượng Sĩ ngữ lục; sau
cùng mới đi đến một kết luận chắc nịch: nhà thiền học Tuệ Trung tên thật là
Trần Tung. Nguyễn Huệ Chi đối chiếu các chi tiết trong cuộc đời của hai người,
Trần Tung và Trần Quốc Tảng, để xem ai bắt đầu đi vào Thiền đạo vào lúc nào, ai
có khả năng thủ vai một người thầy dạy Thiền cho Trần Nhân Tông như sử sách đã
ghi. Ông cũng tìm ra cặn kẽ vì lý do nào người ta đã gán nhầm tên Trần Quốc
Tảng cho Tuệ Trung Thượng Sĩ; trong cố gắng này ông cũng sử dụng tài nghiên cứu
văn bản sẵn có, với óc phê phán vô cùng tinh sâu. Đọc qua những công phu của
Nguyễn Huệ Chi khi “phanh phui” các nguyên ủy của “vụ án” đã gây hiểu lầm về
tên thật của Tuệ Trung trong lịch sử văn học nước ta kể từ cuối thế kỷ 18, lại
thấy bộ óc “điều tra” mẫn tiệp và lý luận rành mạch của ông trong bất cứ cuộc
truy cứu nào. Ông đã kiểm tra nhiều chi tiết trong văn bản hay trong các sách
sử của Ngô Sĩ Liên và Lê Trắc, để trả lời câu hỏi “Hưng Ninh vương tên thật là
gì?” Viết bài tổng kết những khám phá của mình, ông không quên nhắc đến những
người đã đi một bước trước như Nguyễn Lang (1973) hoặc đã gợi ý cho mình, như
Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (1968); chúng ta thấy tư cách chính trực của một nhà
nghiên cứu nghiêm túc, tự trọng.
Con
mắt “tinh đời” của Nguyễn Huệ Chi càng hữu dụng khi ông phân tích những chữ
“Nét ngài” và “Mày ngài” dùng trong Truyện Kiều. Đọc bài này chúng ta
hình dung một Nguyễn Huệ Chi đang tủm tỉm cười khi cân nhắc hai cặp chữ đã được
Nguyễn Du dùng nhiều lần, để tả những khuôn mặt từ Thúy Vân, Từ Hải, đến “mấy ả
mày ngài”. Người đọc được dẫn đi theo con đường tìm kiếm của ông, qua các bản Kim
Vân Kiều mà Kiều Oánh Mậu, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh,
cho tới Nguyễn Quảng Tuân, vân vân, đã sử dụng. Chưa đủ, Nguyễn Huệ Chi còn tìm
tới Kinh thi, Ly tao, Thủy hử, qua mấy bộ Từ hải, Từ nguyên,
thơ Nguyễn Đình Chiểu, Tự điển Việt-Bồ-La, Đại Nam quấc âm tự vị, cho
tới Tướng thư, và cả một tiểu thuyết võ hiệp thấy trên mạng Lan Hương
các mới xuất hiện gần đây (2005); tất cả chỉ để soi rõ từ căn của
những chữ “Nét ngài” và “Mày ngài” của Nguyễn Du mà khả năng thấu thị các biểu
cảm thẩm mỹ hay sắc thái tu từ ở mỗi người đọc đến đâu sẽ cho phép người đó đi
từ nhận chân đến ngộ nhận về chúng. Nghe tác giả bàn luận dí dỏm
về một câu chuyện nho nhỏ này thôi, người đọc cũng thấy được hình ảnh con người
“tài hoa và uyên bác” đúng như Giáo sư Vũ Khiêu nhận xét.
Một
điều quan trọng là khả năng điều tra tinh vi không trở thành một chướng ngại có
thể gây vướng mắc khiến nhà nghiên cứu bị mất tầm mắt nhìn vào toàn thể. Nguyễn
Huệ Chi cho thấy óc tổng hợp sáng tạo của ông trong hầu hết các bài in trong
cuốn sách mới này.
Nguyễn
Trãi là một trường hợp để Nguyễn Huệ Chi dùng con mắt nhìn tổng hợp và toàn
diện, qua mấy bài nghiên cứu trong sách. Qua các tập thơ của Nguyễn Trãi, ông
đã nhận ra Ức Trai “chưa hề có bài thơ nào làm để chơi”, cho nên nhìn thấy
“Niềm thao thức lớn” của Nguyễn Trãi, một con người vừa suy tưởng, vừa hành
động, với những thao thức của một thần dân của nhà Hồ, nhưng sau nhiều cân
nhắc, duyệt qua một lượt các phong trào cứu nước ở khoảng đầu thế kỷ 15, lại đã
có quyết định sáng suốt đột xuất là ra giúp Lê Thái Tổ dựng cơ nghiệp triều đại
mới. Nguyễn Huệ Chi cũng thấy con người tầm vóc tư tưởng bứt lên rất xa đó lại
cũng là một con người biết giá trị của thú vui ẩn dật, còn hơn thế, không kém
sành điệu trong việc dùng ngôn từ ẩn dật một cách đầy mỹ cảm – thiên nhiên,
chim muông, cây cỏ… – để tỏ lộ cái “tôi”. Thế nhưng kinh qua mọi giằng mắc rất
nung nấu bên trong, rốt cuộc người đó vẫn nóng lòng với hoài bão “Tráng hoài
hô khởi bán phàm phong”. Ông kết luận “vị trí của nhà thơ nhất định phải là
giữa cuộc đời” và trớ trêu thay, bi kịch của nhà thơ cũng là ở đó.
Cũng
vậy, khi bàn đến Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ Chi
đã nhìn thấy “tính chất hệ thống” của những bức thư gửi cho các tướng sĩ quân
Minh trong thời gian còn đang kháng chiến. Theo thứ tự thời gian, ông xem xét
các bức thư theo một “kết cấu chặt chẽ” của các ý kiến, tư tưởng nằm sâu bên
trong đủ mọi kiểu thức phát ngôn, cho tới tài lý luận của Nguyễn Trãi, thông
qua nhiều vấn đề mà Ức Trai đặt ra trong mấy chục lá thư, khi bày tỏ lẽ thiệt
hơn để thuyết phục, dụ hàng đối thủ. Tư tưởng và lý luận trong những bức thư
này quan hệ mật thiết nội tại với nhau; nội dung sử dụng chính là các quy tắc
Nho giáo để vạch ra con đường chính, tà, phân minh và đanh thép. Nguyễn Trãi đã
nhân danh các đạo nghĩa và tư tưởng được nền văn minh Hán tộc đề cao nhằm
thuyết phục chính những viên tướng người Hán (nhà Minh): Nhân, Nghĩa, Thành,
Tín, biến Dịch, tùy Thời, vân vân. Đồng thời, cụ cũng vận dụng những lý lẽ thực
tế để chinh phục các loại đối tượng, có lúc trình bày thế mạnh của nhân dân
Việt Nam, có lúc dùng hẳn những sự tích trong sử sách Trung Hoa và tình hình
rối ren bên Trung Quốc xảy ra đúng vào lúc đó. Mỗi bức thư Nguyễn Trãi viết phù
hợp khít khao với hoàn cảnh của từng viên tướng nhà Minh đang ở vào thế mạnh
hay yếu; ngay cả lời văn cũng thay đổi theo tánh khí người nhận và khuynh hướng
hiếu thắng hoặc ôn hòa của mỗi người; cho nên đã có sức thuyết phục áp đảo. Tư
duy phân loại sắc bén của Nguyễn Huệ Chi áp dụng có hiệu quả trong việc phân
tích tập văn luận chiến không chỉ ở chỗ ông phân chia đích đáng từng loại đối
tượng thuyết phục của Nguyễn Trãi dựa trên biến thái bút pháp trong văn bản
(tức là không mất tỉnh táo để đi ra ngoài đối tượng nghiên cứu của mình), mà
còn ở chỗ ông biết so sánh luận lý học loại suy (logique de l’analogie) của
Nguyễn Trãi với luận lý học mà ông gọi là “không theo loại” (non analogie) của
Khổng Mạnh, giúp người đọc thấy được chỗ Nguyễn Trãi tiếp thu Khổng Mạnh, hoặc
lợi dụng Khổng Mạnh, và chỗ Nguyễn Trãi đã vượt lên Khổng Mạnh. Nguyễn Huệ Chi
rõ ràng mở ra những cánh cửa giúp độc giả “tiếp cận” đến chỗ độc đáo thâm sâu
của tác phẩm và tác giả. Tuy nhiên, ông vẫn thấy một “tư tưởng nền” trong Quân
trung từ mệnh tập là tấm lòng yêu nước, thương dân nồng nàn của Ức Trai.
Cách
nhìn toàn diện khi tiếp cận với các nhà thơ, nhà văn đời trước còn thấy khi
Nguyễn Huệ Chi tìm hiểu Chu An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, vân vân.
Đọc những nhận xét của ông về thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đọc phải
thấy thèm thuồng, ước ao sẽ có thêm những công trình dịch thuật, chú giải về
kho tàng hàng ngàn bài thơ chưa được nghiên cứu đúng tầm mức giá trị này. Trong
khi đó, qua mười hai bài thơ Chu An còn để lại sau khi quân Minh đã tiêu hủy
các tác phẩm do người Việt trước tác, Nguyễn Huệ Chi trình bày đủ rõ khả năng
“hỗn dung được cái đẹp của Nho – Phật – Lão”, và nhìn thấy tính chất “dự báo”
trong thơ Chu An – bậc thầy – cho các thi gia đời sau. Trong khi nghiên cứu về
Trương Hán Siêu, Nguyễn Huệ Chi lại tìm thấy dấu vết một đặc trưng của văn hóa
nước ta là khả năng dung hợp các luồng tư tưởng, tín ngưỡng từ xa tới. Ông cũng
rất chú ý đến tư liệu gốc, thuật lại hai lần đi khảo sát thực địa, như khi tìm
lại được bản thần tích của đền thờ Trương Hán Siêu, đã bị phá trong thời tao
loạn, hay khi thực hiện một chuyến đi điền dã tại núi Non Nước để nhìn thấy tận
mắt tấm bia khắc bài ký của ông về Tháp Linh Tế.
Đọc
bài phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu qua cách phân tích tham chiếu kết
cấu từ ngữ, âm vận, nhịp điệu và nắm bắt “nhãn tự” của Nguyễn Huệ Chi, nhìn
trong những “nghịch lý của thời gian và không gian nghệ thuật”, chúng ta cảm
động khiến tấm lòng yêu nước sôi lên. Đọc bài ký trên tháp Linh Tế ở đoạn mà
Nguyễn Huệ Chi nhấn mạnh, lòng chúng ta lại chùng xuống để suy ngẫm những vấn
đề sâu xa muôn thủa của kiếp người. Nhà nghiên cứu đã điểm thêm một dòng trữ
tình ngoại đề như một thoáng hồi cố bất chợt. Ông ngậm ngùi nhắc tới “60 năm
qua chúng ta đập phá đi biết bao di tích của ông cha để lại” trong lúc tính làm
cuộc “cách mạng long trời lở đất”; phản ảnh “một tầm nhìn thiển cận”. Nghiên
cứu văn học theo Nguyễn Huệ Chi là một cố gắng hoàn nguyên lại những nhân cách
như Trương Hán Siêu, con người “viễn kiến cao nhân”.
Nói
về Trương Hán Siêu xong rồi, không thể không nhắc tới một bài nghiên cứu dài
của Nguyễn Huệ Chi về “trường thơ Bích Động” xuất phát từ một “trung tâm Phật
giáo” ở chùa Quỳnh Lâm. Bởi vì Trương Hán Siêu đã từng được bổ làm “Giám tự”
(Giám đốc) cho ngôi tự viện quan trọng nhất nhì trong thời Lý – Trần này. Điều
này đáng kinh ngạc, vì Trương Hán Siêu cũng được tiếng là một nhà nho từng đả
kích mạnh mẽ hành vi của một số đông tăng sĩ đương thời. Những lời phê phán của
ông còn ghi trên tấm bia chùa Khai Nghiêm, nói đến “những kẻ giảo hoạt trong
đám sư sãi… chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt, cảnh đẹp… ”. Nhưng rất tinh
tế, Nguyễn Huệ Chi lưu ý: các lời chỉ trích này lại được khắc trong bia của một
ngôi chùa. Điều đó cho thấy bản chất bài ký của Trương không chống đạo Phật;
ngược lại, có thể nhằm mục đích khôi phục lại tinh thần đích thực của Phật
giáo. Và đó mới là chỗ đáng lưu ý đối với một nho gia như Trương Hán Siêu, ở
trong một thời đại cởi mở về ý hệ như thời đại Trần. Nguyễn Huệ Chi nhận
xét, khi triều đình nhà Trần chọn Trương Hán Siêu làm Giám tự cho chùa Quỳnh
Lâm, việc đó có thể đưa tới tác dụng hai chiều: Nhà nho đã hiển đạt sẽ có cơ
hội thấu hiểu “lẽ sắc không” nhiều hơn, và chính ngôi chùa sẽ được bảo vệ, gìn
giữ tính chất tôn nghiêm chặt chẽ hơn.
Phần
đóng góp cũng đáng kể của Nguyễn Huệ Chi trong bài đang đề cập là tìm hiểu về
thi xã mang tên của am Bích Động, một trong ba phần của tự viện Quỳnh Lâm. Ông
chú ý đặc biệt đến nhà thơ Trần Quang Triều, nhân vật chính trong trường thơ
này, một người “ngoảnh mặt với công danh” trong lúc nhà Trần đang hưng
thịnh. Tuy nhiên, những thi nhân trong nhóm vẫn giữ bản chất của nhà nho, tuy
rút ra ngoài vòng danh lợi nhưng không bi quan yếm thế. Dòng thơ Bích Động,
theo Nguyễn Huệ Chi, cho thấy kết quả một “hiện tượng hội nhập” giữa các luồng
tư tưởng Phật, Đạo, và Nho trong thời Lý – Trần; mà đó cũng là hiện tượng đặc
biệt khi tác giả khảo sát trong một số bài khác (chẳng hạn bài: Các yếu tố
Phật, Nho, Đạo được tiếp thu và chuyển hóa như thế nào trong đời sống tư tưởng
và văn học thời đại Lý – Trần). Tuy nhiên Nguyễn Huệ Chi không dừng lại ở
việc quan sát hiện tượng hội nhập văn hóa, tư tưởng. Ông còn nhìn xa và rộng
hơn để nhận ra một “diện mạo khoáng đạt” của con người sống trong thời đại đó.
Tính khoáng đạt tự do này là hệ quả của một bầu không khí “tự do dễ thở của một
xã hội có sự bình đẳng… giữa các vương hầu… cũng như giữa các tầng lớp dân
chúng… ”.
Một
người bụng đói chắc nhạy cảm với mùi cơm, mùi bếp núc từ rất xa, trước những
người no bụng. Một người phải sống trong bầu không khí cần một nhu cầu tự do
hẳn dễ dàng cảm thấy “mùi tự do” ngay khi vừa thoáng gặp. Nguyễn Huệ Chi chính
là một nhà nghiên cứu đã nhạy bén khám phá ra “những chuyển động mới trong dòng
chảy văn học” dưới thời Nhà Mạc. Đây là một giai đoạn thường bị bỏ quên trong
văn học sử, vì người ta hay ghép vào các giai đoạn trước và sau đó. Nguyễn Huệ
Chi đã vạch ra trong 60 năm làm vua, nhà Mạc đã tổ chức thi cử, góp phần đào
tạo giới trí thức nước ta; mà nếu đếm số kỳ thi và số sĩ tử hiển đạt thì không
thua kém gì thành quả trong thời Lê Thánh Tông. Về văn học, thời Nhà Mạc có
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, hai đỉnh cao của thơ và văn làm mốc cho đời sau
trông vào. Văn học thời này cũng làm chứng cho một “bước rẽ ngoặt” khi các tác
giả bắt đầu đi xa hơn lối mòn Nho giáo và lối viết ước lệ, nhiều công thức,
trừu tượng; để tìm tòi những đề tài trong cuộc sống hàng ngày, trong dân gian,
nhìn thấy đầy đủ tính phức tạp trong con người. Đặc biệt, các tác giả
thời Mạc biết tìm đề tài trong đám những người dân nghèo hèn, đứng vào bậc thấp
nhất trong xã hội; có thể coi là bắt đầu tính chất bình dân và hiện thực trong
dòng văn học nước ta. Với sự chuyển hướng đó, văn học thời này đã phát triển đa
dạng, “đa thanh” hơn so với thời trước. Đi tới chặng đường này, Nguyễn Huệ Chi
lại khám phá ra một “sức nặng” của giai đoạn văn học Nhà Mạc: “thời đại này đã
bước đầu xây dựng nên hình tượng con người tự do”. Thời Lê sơ, Nho giáo độc tôn
gò bó khiến tinh thần tự do không phát triển. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, vân
vân bắt đầu một xu hướng suy nghĩ mới, mà Nguyễn Huệ Chi gọi là “Dòng mạch tư
duy tự do tự tại”. Trong xu hướng này, “con người không bị lệ thuộc trăm phần
trăm vào quyền lực nữa… ”, có thể gọi là đã giải thoát.
Cách
nhìn xuyên sâu vào mặt chìm của hiện tượng văn học khiến Nguyễn Huệ Chi cũng
nhìn thấy trong Tự Lực Văn đoàn một “khát vọng dân chủ trong đời sống
văn học” (tác giả in nghiêng); ngoài những đặc tính của nhóm này mà hầu hết mọi
người đã công nhận. Tinh thần dân chủ được thể hiện qua việc thực hiện đúng các
tôn chỉ mà họ đã nêu ra từ đầu; trong lối làm việc tập thể để mọi ý kiến đều
được đưa ra thảo luận; nhất là nhờ tư cách của Nhất Linh, “ông không bao giờ
lạm dụng uy thế” của mình, như khi nhận một số lương bằng các anh em khác, gánh
vác tất cả mọi việc không khác gì anh em. Trong Tự Lực Văn Đoàn người ta thấy
“một sự thăng hoa tập thể”, không tùy thuộc một cá nhân nổi bật nào, như các
nhóm văn chương và báo chí trước đó. Nhờ thế bảy người trong văn đoàn ai cũng
nổi trội hơn người trong phạm vi sáng tác của mình. Nguyễn Huệ Chi nhận xét,
“tinh thần dân chủ đã như một chất men kỳ lạ kích thích niềm phấn hứng sáng
tạo… ” để kết luận: “Tác động liên hoàn giữa khát vọng dân chủ (dẫn) đến bùng
nổ sáng tạo chính là như vậy”.
Qua
những nhận định của Nguyễn Huệ Chi về thi phái Quỳnh Lâm, về văn học thời Nhà
Mạc, cho tới Tự Lực Văn đoàn, chúng ta cũng nhìn thấy một khát vọng dân chủ nằm
trong đáy lòng của chính người viết. Nỗi khát khao này hiển lộ rõ trong bài tác
giả bàn về việc Đổi mới Phương pháp nghiên cứu văn học cổ (1990). Ông
nhận thấy có những hiện tượng trì trệ trong công việc nghiên cứu, mà theo ông,
“những lý do của sự trì trệ chính là cái quan niệm sai lầm thống trị quá lâu:
muốn đồng nhất các chuyên ngành khoa học xã hội với chính trị”. Hậu quả nhãn
tiền là ngay việc đào tạo đội ngũ chuyên gia ngày càng bị sút giảm, nói chính
trị lấy được mà chuyên sâu về văn hóa, khoa học thì rất “loạng choạng”. Và cũng
vì thế có chuyên ngành như sử học, từ lâu đã vấp phải không ít “trọng bệnh”
trong phương pháp nghiên cứu: nào huyền thoại hóa, hiện đại hóa, cắt xén lịch
sử…; đang tìm hiểu người và việc ở một thời điểm cách chúng ta hàng mấy trăm
năm vậy mà lại cứ ra sức tô điểm cho giống với mặt mũi, hành động, suy nghĩ của
con người và sự việc hôm nay (vì mục tiêu… “công lợi”, hay nói thẳng ra là mục
tiêu chính trị chứ chẳng phải kiếm tìm khoa học). Khốn nỗi, mỗi thời có dặc thù
của nó, con người và sự việc hôm nay chắc đâu đã là mẫu mực giá trị cho con
người và sự việc thuở xa xưa. “Cũng có thể thông cảm, nhiều khi ngòi bút người
bình luận lịch sử vô tình bị chính trị hóa bởi áp lực của thói quen: hàng loạt
khái niệm “lợi ích quần chúng”, “nhiệm vụ cách mạng”, “chiến tranh nhân dân”…
đã ghim sâu vào trí nhớ trong các bài giảng chính trị suốt bao nhiêu năm nên ta
không thể rứt khỏi chúng khi buộc phải nhập thân vào một quá khứ khác xa thời
đại mình đang sống, phải phục dựng diện mạo và khí hậu thực của những thời kỳ
vốn chưa hề biết đến các “khái niệm tân tiến” loại này. Song cũng vì thế, hơn
lúc nào hết, yêu cầu tỉnh táo đối với một sử gia có trách nhiệm trước bạn đọc
càng phải đặt ra một cách nghiêm túc” (bài Đổi mới nhận thức lịch sử trong
nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, nghiên cứu văn học nói riêng, 1990).
Có thể thấy được tinh thần bác bỏ xã hội học dung tục chi phối quan điểm
nghiên cứu trong bộ sách của Nguyễn Huệ Chi.
Mối
quan tâm của Nguyễn Huệ Chi đối với những vấn đề có tính quy luật cho cả ngành
nghiên cứu văn học còn bộc lộ trong nhiều bài khác ở phần cuối cuốn sách Văn
học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật: vấn đề
tiến trình vận động của các thể loại văn học (bài rất đáng chú ý: Từ nghĩa
rộng và hẹp của hai chữ “văn học” trong quá khứ đến việc phân loại các loại
hình văn học Lý – Trần); vấn đề tiếp thu và sáng tạo trong mối quan hệ giữa
văn học Việt Nam và văn học thế giới – với văn học Trung Quốc trong hàng
ngàn năm, với văn học Pháp trong ngót 100 năm… (bài Trở lại câu chuyện
so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn
Thành và bài Trường Viễn đông bác cổ Pháp và bước tiến của ngành nghiên
cứu văn học Việt Nam Cổ trung đại); vấn đề đột phá và sức ỳ trong
phương pháp tư duy khoa học (bài Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học
thuyết Einstein); vấn đề các bước chuyển nội tại của chính văn học hay là
quan điểm phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam (bài Một vài vấn đề phân kỳ lịch
sử văn học nhìn từ điểm đầu của thế kỷ XXI), vân vân. Đây là một tác phẩm
đồ sộ, gom lại những bài tiêu biểu trong cuộc đời nghề nghiệp của tác giả, mà
một vài nhận xét ngắn ngủi như thế này không thể nêu lên đầy đủ giá trị xứng
đáng với hơn ngàn trang giấy và nửa thế kỷ làm việc của người viết. Trong bài
này, chúng tôi chỉ trình bày một số điều đặc biệt nhìn ra trong con người
khoa học gia Nguyễn Huệ Chi, một tác giả mà tôi đã làm quen qua bộ Thơ
Văn Lý – Trần nhiều tập, trước đây một phần tư thế kỷ. Cuốn sách này là
công trình thứ hai tôi đọc của Nguyễn Huệ Chi. Khi đọc một lượt hết các bài
viết chúng tôi cảm thấy như được gặp một người bạn mới, được nghe trò chuyện
mỗi ngày một vài giờ, dần dần khám phá ra nhân cách của một học giả, một người
“lao động thứ thiệt” trong nghiên cứu khoa học, và một tâm hồn thiết tha với
đất nước và văn học của đất nước. Trong bài này chúng tôi không bàn về toàn thể
tác phẩm – đặc biệt là phần đề xuất lý luận-lý thuyết xứng đáng có những bài
viết riêng – mà chỉ cố nhìn thấy tác giả rõ hơn, qua tác phẩm. Cho nên không có
dịp đưa ra những nhận định khác để phụ họa với Giáo sư Vũ Khiêu và Tiến sĩ Đặng
Thị Hảo trong hai bài giới thiệu công phu, tinh xác của họ. Chẳng hạn, chỉ các
đồng nghiệp của Nguyễn Huệ Chi mới nhận định đúng về vai trò lãnh đạo của ông
trong công tác nghiên cứu tập thể ở Viện Văn học (bảng index cuối sách
cũng đủ cho thấy thao tác này đã theo đúng chuẩn mực quốc tế mà nhóm học giả tập
thể ở Viện làm rất thành thạo). Tiến sĩ Đặng Thị Hảo còn nhìn thấy Nguyễn Huệ
Chi như một “cây bút dịch thuật tinh tế”. Chúng tôi muốn nói hơn nữa: Trong
việc dịch thuật, Nguyễn Huệ Chi chứng tỏ là người có hồn thơ và thấu hiểu được
nội lực của ngôn từ – tiếng nói của cha ông lưu lại. Đọc các bài thơ do
chính ông dịch, chúng ta thấy nhiều bài có thể coi cũng giá trị như những bài
thơ sáng tác trọn vẹn, không kém gì nguyên tác. Tâm hồn thi sĩ đã khiến Nguyễn
Huệ Chi rất khó tính khi lựa chọn chữ nghĩa để dịch các bài thơ cổ, biết đặt
mỗi từ vào những vị trí khá đắt. Cho nên, với một bài thơ hai đoạn Mộng
đắc thái liên của Nguyễn Du, ông đã chọn bản dịch mỗi đoạn từ hai người
dịch khác nhau, khổ đầu chọn Đào Duy Anh, khổ sau do Phạm Khắc Khoan và Lê
Thước dịch. Đến bài Trấn doanh kỳ vũ của Lê Quý Đôn, ba đoạn do Nguyễn
Huệ Chi dịch cả, nhưng riêng hai đoạn đầu và cuối thì lại có công thôi xao do
Đào Phương Bình góp phần. Sự cẩn trọng của tác giả cũng là một đặc tính của các
nhà thơ, những “người yêu chữ nghĩa”.
Chúng
tôi không thể nói hết những gì mình khám phá ra trong con người Nguyễn Huệ Chi
qua cuốn sách mới xuất bản. Chỉ xin mạo muội nêu lên mấy khía cạnh nhìn ra sau
chỉ mới một lần đọc, về nhân cách một nhà nghiên cứu văn học. Ông làm
việc kỹ, cẩn trọng, tinh vi, sử dụng đến cùng tài uyên bác và học vấn của mình,
không chấp nhận lối “nấu cơm chưa chín”. Ông có tầm mắt nhìn sâu và rộng, với
óc tổng hợp để thấy cái toàn diện vượt trên các chi tiết, sử dụng cùng với óc
phân tích rạch ròi để tìm thấy những sợi dây nhất quán trong từng kiểu người
(tác giả và nhân vật), từng dạng thức văn bản (tác phẩm thơ và văn),
cũng như từng thời kỳ văn học. Với những đức tính quý báu đó, ông còn
cảm nhận được trong các tiến trình văn học những khát vọng tự do và dân chủ –
dầu đôi khi chỉ mới là mầm mống – nhằm giải phóng con người.
*
*
Tôi
đã hết duyên nợ với văn học Việt Nam từ hơn ba thập niên nay, sau khi đã học
Ban Việt Hán tại Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó, quay sang học hỏi
những ngành khác, dạy học và nghiên cứu về lý thuyết kinh tế tài chánh; tôi
không còn chú tâm theo dõi văn học nữa, ngoài việc đọc từng tác phẩm lẻ, hoàn
toàn vì tò mò chứ không vì nhu cầu nghiên cứu. Tôi viết bài này chỉ xin đóng
góp những nhận xét nông cạn về một phần công trình của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi,
của một độc giả không chuyên tâm nghiên cứu. Hy vọng có thể chứng tỏ rằng cuốn
sách mới này không phải chỉ có giá trị và ích lợi cho các nhà nghiên cứu chuyên
sâu mà còn rất lý thú cho các độc giả bình dân như tôi có thể đọc, để hiểu thêm
về cái đẹp sâu thẳm của tiếng nói dân tộc, của đất nước và tổ tiên chúng
ta.
Đ.Q.T.
(*)
Đỗ Quý Toàn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, dạy môn quốc văn tại các trường
trung học từ 1962. Từ năm 1975 sống ở Canada, đổi sang học ngành quản trị xí
nghiệp; chuyên về lý thuyết tài chánh; sau đó dạy và nghiên cứu về môn này;
cũng dạy về tài chánh áp dụng, thị trường chứng khoán, tại các đại học ở thành
phố Montréa, Canada, trong đó có Đại học McGill, Université du Québéc à
Montréal; và Trường Võ bị Hoàng gia ở St Jean. Nghỉ hưu từ năm 1995, qua sống
tại tiểu bang California, nước Mỹ, để theo đuổi nghề viết. Tác phẩm nghiên cứu
văn chương có Tìm thơ trong tiếng nói, NXB Thanh văn, Hoa Kỳ, 1992.
(**)
NXB Giáo dục, 2013.
Nguồn:
Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 251, 25-8-2013. Đầu đề do NHNA đặt.
No comments:
Post a Comment