Phạm
Xuân Nguyên
04-09-2013
Trong tiếng Việt của nước ta hiện nay có một từ đang
bị chính trị làm hỏng khi dùng trong đời sống xã hội. Đó là từ “nhạy cảm”. Một
từ chỉ khả năng tinh nhạy của các giác quan cũng như cảm xúc, tinh thần của con
người đã bị làm méo nghĩa, lạc nghĩa. Bị gom vào dưới từ này là các hiện tượng,
vấn đề, con người, tác phẩm bị canh chừng, bị ngăn chặn, bị cấm đoán, không
được nói, không được bàn, không được viết. Nào là “vấn đề nhạy cảm”, “khu vực
nhạy cảm”, “vùng nhạy cảm”, “ý kiến nhạy cảm”, vân vân và vân vân.
Mới đây nhất từ “nhạy cảm”
lại xuất hiện trong công văn số 2896 / CXB – QLXB ngày 31.7.2013 do ông Chu Văn
Hòa, Cục trưởng cục Xuất bản ký, gửi đến NXB Lao Động và công ty Alpha Books,
đề nghị hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ
tiểu thuyết Đại gia”. Nhưng trước khi
bàn vào chuyện đó, ta hãy xem các định nghĩa về từ “nhạy cảm” trong từ điển.
Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb
Khoa học Xã hội, Hà Nội 1988, tr. 734, giải nghĩa:
Nhạy
cảm t. Có khả
năng nhận biết nhanh và tinh bằng các giác quan, bằng cảm tính: Da nhạy cảm với nhiệt độ; Nhạy cảm với cái đẹp của thiên nhiên; Trái tim nhạy cảm của người mẹ.
Từ điển Oxford (Advanced
Learner’s Dictionary, 2000) tr. 1212 giải thích từ “Sensitive”
(“Nhạy cảm”) có 6 nghĩa như sau:
Về cảm giác của con người.
1) nhận biết và có khả năng hiểu được người khác và
cảm xúc của họ: Cô ấy rất nhạy cảm với
cảm xúc của người lạ.
Về nghệ thuật / âm nhạc / văn học.
2) có khả
năng hiểu biết nghệ thuật, âm nhạc và văn học và thể hiện được mình
thông qua chúng: Một nhà thơ rất nhạy cảm.
Dễ khó chịu.
3) dễ gây bực mình hay khó chịu: Cô ta rất nhạy cảm khi bị phê phán.
Thông tin / Vấn đề.
4) khiến anh phải xử sự hết sức cẩn thận vì có thể
khiến người khác bực mình hoặc nổi giận: Chăm
sóc sức khỏe là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị.
Về lạnh / sáng / thức ăn.
5) phản ứng nhanh hoặc hơn lệ thường về điều gì đấy:
Răng tôi rất nhạy cảm đối với đồ ăn lạnh.
Về những thay đổi nhỏ.
6) có khả năng đo được những thay đổi rất nhỏ: Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm trước sự
thay đổi chính trị.
Có thể thấy, cách chính trị nước ta dùng từ “nhạy
cảm” hiện nay ứng với nghĩa 3 và 4 của từ “Sensitive” trong từ điển Oxford,
nghĩa là coi mình dễ bị thương tổn, bị đụng vào đâu cũng là “nhạy cảm”, nên
phản ứng chống lại mọi hành vi gây sự “nhạy cảm” đó đối với mình mà không thèm
quan tâm đến sự “nhạy cảm” của toàn thể mọi con người trong xã hội. Con số trên
50.000 văn bản luật được ban hành sai quy phạm pháp luật trong mười năm qua đã
cho thấy sự khác biệt thế nào giữa “nhạy cảm” của quan và “nhạy cảm” của
dân.
Hình bìa sách “Đại Gia” và nhà văn Thiên Sơn
Trở lại việc đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết Đại gia như một trường hợp tiêu biểu gần
nhất của cái gọi là “nhạy cảm”. Theo công văn trên đây, cục Xuất bản đưa ra ý
kiến: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả
những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các
quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ
chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ
máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc
thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với
nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục ruỗng đạo đức xã hội. Việc phản ánh
hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất
cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của
tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.
Đọc đoạn viết này có ba câu hỏi được đặt ra:
1) Đoạn đầu công văn đã nói đúng nội dung của bộ
tiểu thuyết Đại gia. Thế nhưng tại
sao lại coi những vấn đề đó là “nhạy cảm”?
Có phải “nhạy cảm” là vì những vấn đề đó có thực nhưng không được nói vì
đụng chạm đến những ai đó, những nhóm nào đó? Nhưng đây là một tác phẩm văn
học, nhà văn phản ánh hiện thực đời sống bằng hệ thống nhân vật và thế giới
nghệ thuật của chúng, ở đó các hiện tượng và vấn đề đã được điển hình hóa và
khái quát hóa theo quy luật văn chương, từ đó độc giả có sự tiếp nhận riêng của
từng người làm nên ý nghĩa tác phẩm. Chẳng lẽ nhà văn khi viết phải hỏi ai đó
đâu là vùng “nhạy cảm” để trừ ra và độc giả khi cầm cuốn sách lên phải hỏi ai
đó nó có “nhạy cảm” không để bỏ xuống?
2) Công văn đề nghị “đình chỉ phát hành để tổ chức
thẩm định nội dung” bộ tiểu thuyết. Thế tức là phải có một hội đồng gồm các
chuyên gia văn học được lập ra để đọc hơn một nghìn trang của tác phẩm này, rồi
phân tích, đánh giá, và đưa ra kết luận, từ đó Cục Xuất bản mới có căn cứ để ra
quyết định cho phát hành hay không. Nhưng trong công văn Cục đã tự mình phán
quyết tác giả Đại gia viết “với tính
chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một
chiều”. Đây là sự quy kết chủ quan, có tính áp đặt, phản lại chính nội dung của
công văn. Nếu thế thì còn cần gì phải thẩm định? Mà nếu hội đồng thẩm định đưa
ra một kết luận khác hẳn thì Cục tính sao?
3) Mệnh đề “sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và
gây bất lợi cho xã hội” là một mẫu câu đầy phi lý, ngụy biện, giả danh luôn
được dùng cho những trường hợp như thế này. Ai cho phép Cục Xuất bản được nhân
danh công chúng độc giả, nói thay độc giả về sự tiếp nhận của họ đối với một tác
phẩm văn học? Căn cứ vào đâu khi cuốn sách chưa ra thị trường, mà ngay cả có
phải giám định thì khi hội đồng giám định chưa thành lập và chưa đánh giá, Cục
dám nói nó sẽ gây ảnh hưởng không tốt và gây bất lợi? Đó là cách nói hồ đồ,
trùm lấp, đổ vấy.
Bộ tiểu thuyết Đại
gia của Thiên Sơn (Công ty Alpha Books & Nxb Lao Động, quý III/2013)
viết trực tiếp về hiện thực xã hội hiện tại của nước ta gồm hai tập: tập 1, Tam giác ngầm (543 trang), tập 2, Quyền lực đen (575 trang). Trong hơn một
ngàn trang sách tác giả đã dựng lên cả một liên minh lợi ích giữa đại gia và
quan chức nhà nước. Đại gia là Tấn Đạt, người đứng đầu công ty Đại Á, liên tục
bành trướng thế lực của mình về kinh tế, và cả chính trị, nhờ cấu kết với bộ
máy chính quyền. Quan chức là Lê Đức, một lãnh đạo cao cấp, người mở đường,
vạch lối cho đại gia thao túng nền kinh tế, chiếm đoạt các lợi ích. Quan hệ
giữa Lê Đức và Tấn Đạt là giữa “voi” và kẻ “chăn voi”. Bên cạnh Lê Đức là Thu
Quỳnh, bên cạnh Tấn Đạt là Vân Chi, cả hai nhân vật nữ này vốn là gái chơi,
“gái gọi”, sau trở thành vợ và trợ thủ đắc lực cho hai nhân vật đại diện cho
hai thế lực cố kết nhau. Vây quanh hai (hay bốn) nhân vật chính này là giới
kinh doanh và giới chính trị với những âm mưu, thủ đoạn làm ăn và hoạt động cả
trong và ngoài nước, với những chuyện hậu trường bên trong mỗi gia đình. Đọc
xong ĐG cảm giác rùng mình, lo sợ trước một hiện thực tàn bạo của những kẻ
không từ một thủ đoạn bẩn thỉu và độc ác nào để độc chiếm quyền lợi và quyền lực. Trong truyện tác giả có để xuất
hiện một vài nhân vật trong chính giới biết thức tỉnh, dám đấu tranh, nhưng họ
rốt cuộc đều bị bóp chết bởi guồng máy lợi ích nhóm. Kết thúc bộ tiểu thuyết là
cái tin Vân Chi báo cho Tấn Đạt biết mình mang thai nhưng được chẩn đoán cái
thai không có tim. Một cái kết chỉ do tác giả nghĩ ra, không đúng với nhân vật
và nội dung truyện, không thể làm yên lòng được độc giả.
Nhà văn Thiên Sơn năm nay ở độ tuổi bốn mươi, đã có
một số sáng tác xuất bản, trong đó có một tiểu thuyết (Dòng sông chết) đã được giải cuộc thi viết thể loại này (2006-2010)
của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh viết Đại
gia trong suốt mấy năm liền trăn trở suy tư, tìm kiếm chất liệu, cấu trúc
nghệ thuật tác phẩm, những mong phơi bày ra ánh sáng công luận “nỗi đau của
những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực
đen” với khát vọng cháy bỏng chung tay cùng mọi người cắt bỏ “sự méo mó này,
ung hoại này” (đây là lời tác giả in ở bìa bốn cả hai tập) trên cơ thể xã hội
chúng ta đang sống. Đó chính là sự nhạy cảm của lương tri nhà văn trước vận
mệnh và số phận của đất nước, nhân dân. Sự nhạy cảm của văn chương trước nỗi
đau của nhân quần. Sự nhạy cảm đó chính là muối của văn chương. Nhà văn muốn
làm muối mà không mặn thì sao ướp mặn được cho đời. “Đã đi với nhân dân / Thì thơ không thể khác / Dân máu lệ không cùng /
Thơ chết áo đắp mặt” (Phùng Quán). Những nhà văn dám xông vào cuộc sống, đi
sâu vào hiện thực, dám khổ công lao động nghệ thuật để văn chương không véo von
ca hát, không cam chịu làm “ánh trăng lừa dối” (Nam Cao) trên sự bần cùng khốn
khổ của nhân quần bởi những kẻ có tiền và có quyền, đó là họ thực hiện đúng
chức phận người cầm bút “thiên lương” của mình, đó là họ làm đúng nhiệm vụ thức
tỉnh xã hội về nỗi đau nhân sinh. Thiên Sơn và bộ tiểu thuyết Đại gia là một nhà văn đúng nghĩa đó.
Tại sao sự nhạy cảm như vậy của nhà văn lại không được tôn trọng, đề cao,
khuyến khích mà lại cấm đoán tác phẩm của họ với sự quy kết là động đến những
vấn đề “nhạy cảm”? Câu hỏi rốt cuộc lại trở lại câu mà tôi, và chắc có nhiều
người nữa, đã đặt ra cho Cục xuất bản, rộng hơn là cho các cấp quản lý tư tưởng
văn hóa: thế nào là “vấn đề nhạy cảm” và vì sao lại là “nhạy cảm”?
Cứ cách dùng từ và hiểu khái niệm “nhạy cảm” thế này
thì sẽ dẫn xã hội nói chung, văn chương nói riêng, đến chỗ trơ cảm, vô cảm
trước nỗi đau của đồng loại, của nhân dân, của đất nước, và biến tiếng Việt
thành cùn mòn, khô cứng. Tôi muốn mọi người sẽ đọc được Đại gia, một bộ tiểu thuyết chưa phải xuất sắc về mặt văn, nhưng đã
có phần sâu sắc về mặt đời. Nói theo ngôn ngữ chính trị hiện hành, tiểu thuyết Đại gia đã phóng bút vào sự suy thoái
của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, vào sự lộng hành của quốc nạn
tham nhũng, lợi ích nhóm. Tôi nghĩ Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham
nhũng và Ban nội chính trung ương cần biểu dương tác giả cũng như nhà xuất bản Lao Động cùng công ty Alpha Books và cho
phổ biến tác phẩm này. Điều đó ích lợi cả cho chính trị và văn học. Còn Cục
xuất bản vẫn muốn tổ chức hội đồng thẩm định nội dung Đại gia thì tôi muốn mình được tham gia hội đồng đó để cùng tranh
biện xem nó đã đủ “nhạy cảm” chưa.
Hà Nội Quốc Khánh 2013.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của
tác giả
No comments:
Post a Comment