Chris Brummitt | Associated Press 19.9.2013
Bản
dịch của Lê Anh Hùng (Defend the Defenders)
Posted
on September 20, 2013 by VNHRDs | Leave a comment
(Hà
Nội) – Giữa lúc cơn bùng nổ bất động sản đầu tiên đổ vỡ xung quanh mình, nhà
phát triển bất động sản người Mỹ Edward Chi vẫn hứa hẹn với các nhà đầu tư là
những căn hộ hào nhoáng vẫn sẽ đến tay họ theo đúng kế hoạch. Thậm chí, doanh
nhân này còn nói là ông sẽ bán tài sản ở California để hoàn tiền cho họ nếu
công việc thi công những dự án mà một công ty bất động sản danh tiếng của Mỹ
tiếp thị rầm rộ này phải dừng lại.
Nhưng
rồi ông Chi lại trốn khỏi một cuộc họp căng thẳng với các chủ nhà tương lai vào
năm ngoái và không bao giờ quay lại nữa, để lại những móng nhà của khu chung cư
hoen rỉ cùng ít nhất 128 nhà đầu tư đang tức giận, nhiều người trong số họ đã
đặt cọc hơn 150.000USD từ tiền tiết kiệm hay tiền vay ngân hàng. Công an nói
ông Chi đã rời khỏi Việt Nam và không liên lạc được.
Ông
Chi là một trong hàng loạt nhà phát triển bất động sản bị cuốn hút vào thị
trường BĐS Việt Nam cuối những năm 2000, khi giới chức cộng sản khuyến khích
các ngân hàng quốc doanh cung cấp tín dụng dễ dãi cho các nhà đầu tư và các nhà
phát triển BĐS như một phần của nỗ lực kích thích nền kinh tế, mà kết quả là
giá đất đã tăng mạnh. Đây là một hiện tượng mới đối với Việt Nam, đất nước mới
chỉ bắt đầu mở cửa nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung những năm 1980. Nhiều nhà
phát triển BĐS là DNNN không có kinh nghiệm về BĐS. Bất chấp những kỳ vọng là
quyền sở hữu nhà ở sẽ đến với quảng đại quần chúng, những người mua nhà vẫn
thường là các nhà đầu cơ, họ tìm cách mua thông tin về quy hoạch và nhanh chóng
kiếm lợi nhuận.
“Bỗng
nhiên ai nấy đều ngừng hoạt động sản xuất giày dép, dụng cụ, hay bất kể thứ gì,
rồi trở thành các nhà phát triển bất động sản sau một đêm”, Marc Townsend –
giám đốc điều hành bộ phận Việt Nam của tập đoàn BĐS toàn cầu CB Richard Ellis
Group – nhận xét. “Và quanh thành phố nhan nhản những công trình dở dang.”
Như
vô số nước đã nhận ra, giá nhà đất có thể xuống nhanh như khi lên. Việt Nam
cũng đã rút ra bài học đắt giá đó vào cuối năm 2010 khi nền kinh tế rơi vào
đình trệ. Ở một số vùng, giá cả giảm tới 50%, và không ai tiên đoán về một sự
hồi phục. Các ngân hàng thì ngập trong nợ xấu, với nhiều món nợ có thế chấp
BĐS, và ngại cho vay – điều này kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế từng một
thời phát triển rất nhanh.
Với
những toà nhà chọc trời và khu phức hợp nhà ở chưa hoàn thiện tạo nên bức tranh
nham nhở tại nhiều khu vực của Hà Nội và những nơi khác, những câu chuyện về
các nhà phát triển BĐS “bỏ của chạy lấy người” đang xuất hiện trên các diễn đàn
trực tuyến cũng như trên các phương tiện truyền thông vốn bị kiểm soát chặt
chẽ, mở ra một kênh mới để người ta trút giận vào giới chức cộng sản, những
người chịu trách nhiệm quản lý trước tình trạng đầu cơ tràn lan này.
“Chúng
tôi bị lừa dối và cũng cảm thấy thất vọng với chính quyền, những người chưa hề
tỏ dấu hiệu cho thấy là họ sẽ điều tra về thực trạng này”, ông Trần Thanh Hải –
người đã nộp tiền lần đầu 180.000USD để mua một căn hộ 210m2 trong dự án quan
trọng nhất của ông Chi là Tricon Towers nằm ở ngoại vi phía Tây Hà Nội – bày
tỏ.
Trong
bối cảnh các nhà phát triển BĐS thiếu kinh nghiệm cũng như những ngân hàng yếu
kém với các khoản cho vay dựa trên thế chấp là các dự án BĐS thua lỗ vẫn còn
phải chịu thêm nhiều áp lực, các nhà môi giới BĐS lo ngại là các nhà đầu tư BĐS
khác đang chuẩn bị đón nhận một sự ngạc nhiên hãi hùng khác. Chính phủ đã thành
lập một công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu và đưa chúng ra khỏi bảng cân đối
tài khoản của các ngân hàng, song ít người trong ngành tin rằng nó có đủ quyết
tâm và quyền lực để giải quyết triệt để vấn để.
Các
ngân hàng, mà nhiều trong số đó lại nằm dưới sự điều hành của các vị chủ tịch
và cổ đông có nhiều mối quan hệ chính trị ảnh hưởng, dường như không sẵn sàng
chấp nhận thua lỗ; họ ưa dấu giếm mức độ rủi ro của mình và đặt cược rằng một
cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ dẫn đến hiện tượng tăng giá tài sản. Hai năm
sau khi cuộc khủng hoảng trở nên rõ ràng, người ta vẫn chưa biết một khoản nợ
xấu nào đã được bán và cũng chưa có sự tính toán chuẩn xác nào về số nợ trong
hệ thống.
“Để
thay đổi thì bạn cần phải nhận ra vấn đề, mà ở đây người ta lại không nhận ra
là có vấn đề”, Sameer Goyal (điều phối viên tài chính và khu vực tư của Ngân
hàng Thế giới ở Việt Nam) nhận xét.
Chi,
một người Mỹ gốc Việt, là nhân vật nổi tiếng trong giới kinh doanh và đầu tư ở
Hà Nội và Tp HCM trước khi đột ngột rời Việt Nam năm ngoái. Một nhà môi giới
BĐS biết ông ta nói rằng ông Chi (theo giấy phép kinh doanh thì năm nay 49
tuổi) từng làm việc trong ngành bảo hiểm trước khi khởi nghiệp kinh doanh BĐS.
Hãng
tin AP đã vài lần cố gắng liên lạc với ông Chi bằng cách sử dụng các số điện
thoại gắn với địa chỉ ở California mà ông ta sử dụng khi xin cấp giấy phép kinh
doanh ở Việt Nam và thông qua gia đình cũng như các đồng nghiệp cũ. Tuy nhiên,
tất cả đều bất thành.
Minh
Việt, công ty do ông ta thành lập, dường như chỉ gặp đôi chút khó khăn trong
việc thu hút các nhà đầu tư khi dự án của ông ở Hà Nội khởi công giữa năm 2009.
Họ quảng cáo về ba toà tháp 44 tầng “siêu hiệu đại” với 734 căn hộ và thời hạn
bàn giao là cuối năm 2011. Chúng được xây dựng ở ngoại vi phía Tây Hà Nội, khu
vực được chính phủ thúc đẩy để trở thành một trung tâm thương mại và dân cư
mới. Sau đó, Minh Việt tiếp thị và nhận tiền đặt cọc cho dự án thứ hai trông ra
Vịnh Hạ Long, một điểm du lịch ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, công việc thi
công không bao giờ diễn ra ở đây cả.
Những
ai nghi ngờ về mức độ tin cậy của ông Chi lại cảm thấy tin tưởng đối tác nước
ngoài nổi tiếng của ông ta. Chi nhận được nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam
từ Coldwell Banker, và sử dụng thương hiệu của nhà môi giới bất động sản Hoa Kỳ
này một cách rộng rãi trong các dự án của mình. Coldwell Banker cho biết họ đã
chấm dứt hợp đồng với Chi năm 2012 và từ chối bình luận thêm, viện cớ là cảnh
sát đang điều tra ông ta.
Một
nhà đầu tư Việt kiều cho biết bà tin tưởng dự án Vịnh Hạ Long vì cái tên
Coldwell Banker. Bà nói bà cũng từng cho rằng dự án được chính phủ Việt Nam hậu
thuẫn, và dẫn ra những quảng cáo trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Bà
cho hay ông Chi xuất hiện trong một cuộc điện thoại video với đội ngũ bán hàng của
mình để ký kết hợp đồng.
“Tôi
tin tưởng nó vì danh tiếng của Coldwell Banker, nhưng bây giờ họ lại phủi tay
khỏi dự án, y như những gì mà chính phủ Việt Nam đang làm”, nhà đầu tư này nói
(bà cho biết tên bà là Ngọc).
Trên
trang mạng bóng bẩy quảng bá cho các bất động sản, ông Chi vẫn duy trì chính
sách bán hàng “rắn” (hard sell) ngay cả khi hoạt động thi công trở nên phập phù
và tranh chấp giữa Minh Việt và Coteccons, nhà thầu xây dựng Việt Nam, xuất
hiện. Các bản tin truyền thông nói Minh Việt nợ Coteccons 7,5 triệu USD. Công
ty này từ chối bình luận.
Nguyễn
Ngọc Tuấn, một kỹ sư 37 tuổi, cho biết ông đã trả 180.000USD cho Minh Việt,
80.000USD từ tiền tiết kiệm và số còn lại vay từ một ngân hàng sở tại. Ông sử
dụng hợp đồng ký với Minh Việt để thế chấp cho khoản vay. Ông hiện đang thuê
một ngôi nhà, và dự kiến là thất nợ.
“Lương
của vợ chồng tôi không đủ để trả lãi ngân hàng”, ông nói. “Tôi đã đề nghị ngân
hàng đóng băng khoản vay, nhưng họ không đồng ý. Trong tương lai, tôi dự định
sẽ không trả lãi bởi chúng tôi đơn giản là không đủ tiền để nuôi sống gia
đình.”
Một
quan chức công an cho biết họ đang điều tra ông Chi sau khi các nhà đầu tư nộp
đơn khiếu nại, nhưng ông ta lại rời Việt Nam năm ngoái. Ông ta không cho biết
tên bởi ông ta không được phép nói chuyện với truyền thông. Chưa rõ cuộc điều
tra đã đi đến đâu. AP đã nói chuyện với hai đồng nghiệp Coldwell Banker vẫn ở
Việt Nam của Chi. Cả hai đều nói cảnh sát chưa tiếp xúc với họ.
Trần
Thanh Hải, một nhà đầu tư, cho biết là trong một cuộc họp ngày 12.7 năm ngoái,
ông Chi hứa hẹn sẽ hoàn tiền cho khách hàng bằng cách bán nhà ở California nếu
cần. Ông và những người khác vẫn đang lần theo dấu vết của Chi, song lại chỉ
phát hiện ra thêm những sự lừa dối rõ ràng khác.
“Sau
đó chúng tôi kiểm tra trên mạng, ngôi nhà kia đã được bán vài lần kể từ năm
2006 và chủ nhân cuối cùng không phải là Edward Chi.”
Những
ngày này, showroom từng một thời nhấp nhánh ánh đèn của Tricon Towers đã bị bỏ
rơi, với một bảng hiệu rách nát phất phơ trong gió.
Những
cọc thép đang han rỉ cùng một khối bê tông là dấu hiệu duy nhất của tham vọng
mà ông Chi từng theo đuổi. Trên tuyến phố từng một thời là nơi mà các nhà môi
giới bất động sản đặt hàng dãy văn phòng, nay chỉ còn một văn phòng đang hoạt
động.
Nguyễn
Tuấn Lợi nói rằng ở đỉnh điểm của cơn bùng nổ bất động sản năm 2010, vài tháng
sau khi Tricon khởi công, ông bán lại các ngôi nhà chỉ 4 ngày sau khi mua. Giờ
đây ông nói là ông cảm thấy may mắn khi kiếm được mỗi tháng một vụ, và đã phải
bán chiếc ô tô để mua xe máy.
Nguồn: ABC News
US Developer Leaves Anger Behind in Vietnam
September 20, 2013
No comments:
Post a Comment