Sunday 15 September 2013

MỘT CỘT MỐC ĐÁNG SỢ (báo Tổ Quốc - Số 165 - Ngày 15-9-2013)




Phát hành : 15/09/2013

Một cột mốc trong cách phản kháng của người Việt Nam vừa đạt tới. Chiều này 11-9 vừa qua, một người uất ức vì bị cưỡng chế đất đã vào trụ sở Ủy Ban Nhân Dân thành phố Thái Bình dùng súng bắn các viên chức thuộc Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất Thành Phố làm một phó giám đốc cơ quan này chết và ba viên chức khác bị trọng thương. Hung thủ sau đó đã tự sát.

Biến cố này đã gây chấn động lớn và lập tức được thông báo và bình luận sôi nổi trên báo chí và trên mạng Internet. Như có thể chờ đợi nhiều người đã không ngần ngại ca ngợi hành động giết người này như là một hành động dũng cảm. Như cũng có thể chờ đợi, chính quyền cộng sản sẽ mô tả hung thủ như một người xấu và có vấn đề tâm thần mặc dù người này, anh Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, rõ ràng  đã chỉ hành động trong cơn phẫn nộ.

Lấy thân thể để phát biểu về quyền làm sống làm người

Đất nước ta đã chất chứa đầy rẫy phẫn nộ. Những vụ án chính trị thô bạo, đánh chết người vô tội tại đồn công an, sử dụng côn đồ để hành hung công dân, cướp đoạt đất đai trắng trợn, quan chức xa hoa lãng phí bên cạnh sự nghèo khổ cùng cực v.v. đã trở thành không khí thở hít của xã hội Việt Nam. Hầu như không còn người Việt Nam nào là không uất hận. Riêng khối dân oan mất đất mất nhà đã lên tới vài triệu người. Tuy vậy người dân Việt Nam đã rất hiền lành và nhẫn nhục. Những  người quá uất ức đã chỉ tự sát chứ không sử dụng cái tự do ghê gớm của một người đã quyết định kết liễu đời mình và vì thế không còn gì để mất và để sợ.  Bà Đặng Thị Kim Liêng, dù quá phẫn uất vì bị đối xử bất công và con gái, chị Tạ Phong Tần, bị bách hại, đã chỉ đến trụ sở chính quyền tỉnh Bạc Liêu để tự thiêu. Anh Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng cũng đã chỉ sử dụng bạo lực để gây sự chú ý chứ không có ý định giết người.

Hiền lành và nhẫn nhục là một đặc tính của dân tộc ta. Đặc tính đó khiến chúng ta có thể cần cảnh giác về sự năng động và tính phấn đấu nhưng cũng dễ giúp chúng ta sống chung hòa bình và có thể cho chúng ta sức mạnh của kỷ luật nếu có được một chính quyền lương thiện và trách nhiệm. Chính quyền cộng sản không phải là chính quyền đó. Trái lại nó tận dụng bạo lực để thống trị và ức hiếp.

Chủ nghĩa Mac-Lênin về bản chất cũng là một chủ nghĩa bạo lực và chính vì thế đã bị lên án là một chủ nghĩa tội ác. Chấp nhận kinh tế thị trường không đủ. Còn phải từ bỏ cả tinh thần của chủ nghĩa cộng sản, nghĩa là cái tinh thần coi luật pháp chỉ là dụng cụ đàn áp của người cầm quyền và nhìn mọi quan hệ xã hội dưới lăng kính bạo lực. Để nhìn các chính đảng và các kết hợp của xã hội dân sự như là những phương tiện để giải quyết các mâu thuẫn trong hòa bình. Nếu không đất nước sẽ không tránh được bạo loạn và chính đảng cộng sản, trước hết là những người lãnh đạo, cũng sẽ không bình yên.

Đặng Ngọc Viết đã hành động như một người tuyệt vọng không còn khả năng tự vệ nào khác. Anh cũng là một nạn nhân đáng thương như các nạn nhân của chính anh. Thảm kịch này là một báo động nghiêm trọng. Một cột mốc đáng sợ vừa được vượt qua. Không phải là một ngẫu nhiên mà đã có nhiều người coi hành động của Đặng Ngọc Viết như một phản ứng dũng cảm đáng khuyến khích. Nó có thể mở đầu cho nhiều hành động tương tự. Tâm lý của những người dân uất ức đã thay đổi.

Chớ để bạo lực trở thành một cách ứng xử bình thường, bởi vì không ai lường hết được mọi hậu quả.

Ban Biên Tâp Tổ Quốc


No comments:

Post a Comment

View My Stats