Saturday 14 September 2013

MẤY NHẬN XÉT QUA BÀI TRẢ LỜI CỦA TS TRẦN CÔNG TRỰC về "SỰ THẬT VỀ THÁC BẢN GIỐC" của ÔNG MAI THÁI LĨNH ( Thái Bình - Bauxite VN)




Thái Bình
15/09/2013

Nhận xét thứ nhất: Rất hoan nghênh Tiến sỹ Trần Công Trực đã phúc đáp kịp thời ông Mai Thái Lĩnh một cách rất cởi mở và thẳng thắn, tuy nhiên có một số nội dung cần chú ý sau.

Ông Trần Công Trực “chỉ mong muốn tìm kiếm sự đồng thuận thông qua việc NHẬN THỨC đúng đắn những gì đã diễn ra ngày hôm qua để rút ra bài học cho ngày hôm nay và ngày mai trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của dân tộc.” Nội dung điều này tự nó đã phản ánh tâm trạng thiếu tự tin về kết quả đàm phán, vì thế mới mong sự đồng thuận, rồi rút ra bài học có lợi hay có hại cho toàn vẹn lãnh thổ dân tộc thì mọi người đều rõ. Nếu kết quả đàm phán biên giới đất liền phía Bắc có lợi hoặc ít nhất cũng như biên giới Pháp-Thanh ký năm 1887 và 1895 thì có gì phải mong sự đồng thuận.

Ông Trần Công Trực nói nguyên tắc đàm phán “theo nguyên tắc thỏa thuận, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế”. Đã là thỏa thuận thì phải có nhượng bộ mà phần thiệt bao giờ cũng thuộc về kẻ yếu, kẻ mạnh lại là anh hàng xóm gian manh sảo quyệt; Về Thác Bản Giốc tôi chưa có căn cứ để khẳng định 100% của ta, nhưng những năm 70 của Thế kỷ trước tôi có cơ hội làm việc tại Cao Bằng thì người dân Đàm Thủy Trùng Khánh Cao Bằng khẳng định Thác Bản Giốc thuộc chủ quyền của ta. Còn Ải Nam quan(cửa khẩu Hữu Nghị) hiện nằm sâu trong đất Trung Quốc ước chừng gần 300m, vậy xin hỏi ông Trần Công Trục liệu đây có phải đường biên giới Pháp-Thanh không?

Nhận xét thứ hai:  Ông cho rằng các tài liệu sau năm 1979 của ta đưa ra có tính chất tuyên truyền khi hai bên lâm chiến là không khách quan. Ông viết “Mọi người đều biết rằng, hệ thống tài liệu tuyên truyền chính thức của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn này, trong đó có những nội dung đề cập đến đường biên giới trên bộ giữa 2 nước đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xu thế chính trị của cả xã hội thời kỳ đó. Hai nước giao tranh, việc phát hành tài liệu liên quan đến  đường biên giới, chủ quyền trong các tài liệu tuyên truyền ít nhiều đã mất đi tính khách quan, lại được tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi nên những thông tin trong đó ăn sâu vào tiềm thức người dân. Điển hình là việc ta luôn luôn nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam trong khi người Trung Quốc họ nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc mà họ gọi là thác Đức Thiên là của họ.”

Ông Trần Công Trục sai lầm cơ bản khi ông viết như trên. Vậy hỏi ông các công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta hiện nay cũng như tương lai thì sao? Nói như ông, người dân sẽ nghĩ: tất cả những điều Đảng, Nhà nước đang ra sức tuyên truyền như chân lý vĩnh cửu, bắt mọi người phải chấp nhận, ai cãi lại thì bị gán ngay là “phản động”, nhẹ nhất cũng là “suy thoái”, nhưng chẳng qua chỉ mang tính thực dụng nhất thời, rồi cũng sẽ có ngày bị nói ngược lại? Ông Trần Công Trục còn sai lầm rất lớn là đồng hóa luận điệu tuyên truyền của kẻ đi xâm lược và người chống xâm lược; chỉ có kẻ đi xâm lược vì không có chính nghĩa mới phải bịa đặt ra lý do để có cớ phát động chiến tranh xâm lược, ngược lại Việt Nam bị xâm lược thì có gì phải bịa đặt ra để tuyên truyền. Mặt khác, ông Mai Thái Lĩnh dẫn chứng là “bị vong lục”, nó như tuyên bố của một quốc gia, sao ông lại nhầm lẫn vậy, ông đánh giá thấp bị vong lục của Nhà nước ta là vì sao? Ông Trần Công Trực cho rằng Trung Quốc “nghĩ toàn bộ thác Bản Giốc mà họ gọi là thác Đức Thiên là của họ”, hỏi ông với lòng tham và mưu mô của Trung Quốc thì có phải nhờ ông tài giỏi quá trong đàm phán nên họ chia cho Việt Nam một nửa thác chính và toàn bộ thác phụ một cách dễ dàng thế?

Câu cuối cùng hỏi ông: Khi Hiệp định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực thì dân Trung Quốc đào cột mốc cũ có từ thời hiệp định Pháp-Thanh bỏ đi, xin ông giải thích cho dân Việt hiểu được vì sao lại có hành động đó từ phía Trung Quốc, còn ta thì không?

Tóm lại, câu hỏi cốt lõi mà tất cả người dân VN đặt ra vẫn chưa được ông trả lời minh bạch và thuyết phục: Với Hiệp định trên, Việt Nam có mất đất không?

Xin cảm ơn ông và mong được hồi âm.

Hà Nội ngày 13/09/2013
T.B.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN



No comments:

Post a Comment

View My Stats