Mẹ Nấm,
viết từ Việt Nam
2013-09-18
2013-09-18
Chiều ngày 11/09/2013, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi,
trú tại phường Kỳ Bá, Thái Bình xông vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố dùng
súng bắn 5 cán bộ thuộc Trung tâm phát triển Quỹ đất Thành phố Thái Bình khiến
một người chết, ba người bị thương.
Sau đó, ông Viết về quê ở huyện Kiến Xương, Thái
Bình và tự sát dưới chân tượng Phật trong buổi chiều cùng ngày.
Theo thông tin trên các báo, nguyên nhân bức xúc của
ông Viết có liên quan đến chuyện thu hồi đất đai và chính sách đền bù của chủ
trương xây dựng khu đô thị mới ở phường Kỳ Bá.
Sự việc gây chấn động này một lần nữa nhắc người ta
nhớ đến các bất cập trong những vụ giải phóng mặt bằng.
Trong nhiều năm gần đây, số lượng người đi khiếu
nại, khiếu kiện các vấn đề liên quan đến đất đai ngày càng gia tăng.
Đỉnh điểm là năm ngoái tại Hải Phòng, gia đình ông
Đoàn Văn Vươn cũng đã buộc phải nổ súng vào đoàn công an, cán bộ tham gia cưỡng
chế để bảo vệ tài sản của mình. Luật đất đai năm 2003 ở điều 7 có quy định:
“Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất
quản lý nhà nước về đất đai”.
Rất khó để viện dẫn, giải thích cho toàn dân hiểu vì
sao đất đai do mình sở hữu nhưng nhà nước lại đại diện quản lý.
Trên thực tế, trong những dự án giải phóng mặt bằng,
với những quy định có sẵn trong luật đất đai 2003, trong những dự án thu hồi
đất do nhà nước làm chủ đầu tư thì nhà nước sẽ áp giá đền bù, hỗ trợ tái định
cư…
Đối với các dự án phục vụ mục đích phúc lợi công
cộng như bệnh viện, trường học, chợ… thì hầu như người dân không còn cách lựa
chọn nào ngoài việc đồng ý với các thoả thuận do phía nhà nước đưa ra, nhanh
chóng nhận tiền đền bù hoặc chấp nhận di dời theo phương án tái định cư nếu
không muốn bị cưỡng chế giải toả trắng.
Nhưng vấn đề dễ gây cho người dân bức xúc nhiều nhất
đó chính là những dự án mà nhà nước đứng ra thu hồi đất để giao cho tư nhân đầu
tư xây dựng và quản lý.
Đây chính là kẽ hở lớn nhất để nhà nước và các chủ
dự án mập mờ đánh lận con đen với quyền lợi của người dân. Bởi khi nhà nước thu
hồi đất thì sẽ áp mức đền bù theo giá do nhà nước quy định (thường giá này thấp
hơn nhiều so với thị trường thực tế), sau khi đã có đất sạch (đất đã giải toả
xong) thì nhà nước giao lại cho chủ đầu tư tư nhân tiếp quản, toàn quyền định
đoạt.
Những mảnh đất đó thường sẽ được tư nhân bán lại với
giá cao gấp chục lần giá đền bù mà người dân nhận được. Đây chính là mấu chốt
của nhiều vụ việc bức xúc đã xảy ra.
Một nút thắt thứ hai thường gặp trong những vấn đề
liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng chính là quy trình, thủ tục triển
khai của các dự án. Theo quy định của luật đất đai và các nghị định hướng dẫn
thi hành luật này thì những trình tự pháp lý liên quan tới chủ trương, thu hồi,
đền bù, giải tỏa, hỗ trợ tái định cư... đất của người dân đều có những quy định
rất rõ ràng nhưng trên thực tế người dân hầu như không được biết (ví dụ như
quyết định thu hồi, đền bù, hỗ trợ học nghề, tái định cư..).
Theo quy định của pháp luật, tất cả phải được thông
báo công khai hoặc gửi tận tay người dân có quyền lợi liên quan, nhưng thực tế
nhiều dự án đã lơ đi chuyện này. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến các cán bộ làm
công tác giải phóng mặt bằng làm việc với các gia đình bị mất đất.
Thay vì làm rõ việc đảm bảo quyền lợi cho người dân,
đa số các văn bản, các thủ tục hướng dẫn lại thường chỉ muốn người dân đồng ý
ký vào các biên bản thoả thuận càng sớm càng tốt.
Đặc biệt với các biên bản giao nhận đất tái định cư,
hoặc biên bản đồng ý với việc nhận tiền đền bù. Thậm chí có những địa phương
còn áp dụng đủ thứ “lệ”, để lừa dân ký cho bằng được, và với quan niệm “một khi
đã ký nhận đền bù thì coi như kết thúc không thoả thuận, đàm phán gì nữa”.
Cũng có tình trạng các cán bộ đi vận động, “bỏ nhỏ”
với từng hộ dân rằng “khu này đã nhận đền bù hết, gia đình cũng nhận đi chứ
không khi tất cả đã đồng ý thì ở trên buộc phải ra lệnh cưỡng chế nhà anh
(chị)”.
Nhiều người dân không có đủ thông tin và không được
hỗ trợ về mặt kiến thức luật pháp đã chấp nhận ký kết thoả thuận.
Đến khi người dân có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông
tin, được tư vấn đầy đủ về pháp luật và biết được nhà nước hoặc chủ đầu tư lừa
mình thì đi việc khiếu nại, khiếu kiện sẽ diễn ra rất dây dưa và chậm chạp
trong khi dự án vẫn cứ triển khai, nhà cửa vẫn bị giải toả.
Chính điều này đã dẫn đến những hệ luỵ khó giải
quyết: Có nhiều người mất nhà cửa, mất ruộng vườn lặn lội khiếu kiện ròng rã từ
năm này sang năm khác. Có nhiều người im lặng trong cay đắng chấp nhận làm lại
từ đầu và góc nhìn của họ với xã hội thay đổi hẳn đi. Và cũng có người đã lựa
chọn cách hành động theo bản năng để giải thoát cho bản thân và gia đình như
ông Vươn, ông Viết.
Câu hỏi luôn được đặt ra là liệu luật pháp đã đảm
bảo được hoàn toàn quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những gia đình có
đất đai bị giải toả hay chưa? Pháp luật và những quy định của nó được tạo ra là
để đảm bảo quyền lợi của người dân, để hướng dẫn mọi người hiểu và thực hiện
nghĩa vụ công dân của mình chứ không phải để đánh lừa họ.
Vì sao những người như ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng
Ngọc Viết phải chấp nhận đổ máu để bảo vệ quyền lợi của mình? Phải chăng là họ
không còn tin rằng mình sẽ được bảo vệ bởi luật pháp nữa?
Một khi công dân mất niềm tin rằng nhà nước sẽ bảo
vệ được mình, thì vai trò của nhà nước nằm ở đâu trong xã hội này?
Với tình trạng người dân phải đổ máu để bảo vệ quyền
lợi của mình như hiện nay, liệu có tồn tại một nhà nước “do dân và vì dân” như
người ta thường được nghe tuyên truyền hay không?
* Tựa bài do RFA đặt
No comments:
Post a Comment