3-9-2013
Thư gửi bạn mình.
Bạn mình,
Đọc thư bạn, dù chỉ đôi ba dòng ngắn ngủi, có tài
thánh cũng không nén được tiếng thở dài.
Ngậm ngùi, và bắt nhớ nhiều điều…
Có lần, có duyên được thưởng trà với vị GS cựu Khoa
trưởng Kịch nghệ đại học Tamagawa, ở đoạn trồi gập khúc của một con suối khoáng
nước nóng dưới chân núi Phú Sĩ. Câu chuyện đưa đẩy từ nghi thức và các trường
phái trà đạo chuyển dần sang đề tài cá nhân và tập thể…
Ông ấy nói: “Chúng tôi rất ngưỡng mộ những người
VN, cả những vị đồng nghiệp lẫn những sinh viên ở Tokyo, mà tôi từng quen biết…
Mỗi người đều mang nặng trong lòng một nỗi đau VN. Mỗi người đều tài trí lấp
lánh như những viên kim cương. Ở tầm cá nhân thì, so với ánh sáng lấp lánh đó,
người Nhật chúng tôi thấy mình chỉ như… đất sét. Chỉ được mỗi điều an ủi, là
đất sét thì… dính được với nhau”.
Kịch tác gia có khác! Ông ấy phả chữ ra thành mây
nâng bổng người nghe như Boeing rời phi đạo, đợi lên chín tầng mây, xong búng
tay cho rơi tự do, như một phù thủy. Trà bột của Nhật vừa đặc vừa đắng, hòa với
lời nhận xét của ông ấy nữa thì quả không còn gì đắng bằng, chẳng dám nghĩ tới
vị đắng hơn. Cả những quả mứt mơ ướp hương trà cũng mất tiêu vị ngọt. Mà không
cãi được. Chỉ biết ghim chặt câu chuyện vào lòng, như một bài học có khi phải
học đi học lại suốt đời.
Mà cũng không chắc đó là bài học cho riêng mình. Bá
nhơn bá tánh. Trăm người trăm họ, nhưng cũng có thể hiểu là trăm người trăm
nết. Hai người bạn rất thân, thật ra chỉ thân nhau ở những điểm chung tích tụ
với nhau nhiều hơn là với những bạn (ít thân) khác, còn lại thì cũng toàn là
những dị biệt. Vợ chồng cũng không khác, mẫu số chung có nhiều mới cưới nhau,
rồi tăng thêm mớ mẫu số chung mới toanh là con cái, vậy mà vẫn khác nhau, tới
cuối đời vẫn còn ngạc nhiên về nhau. Huống gì những tập thể đông hơn hai người
(như bạn thân, như vợ chồng, vừa nói)?
Vậy thì, có khi phải ngẫm lại, với tất cả công bằng
có thể có: Điều gì đã khiến những cá nhân đầy khác biệt (lắm khi đến mức góc
cạnh với nhau) đó có thể đứng chung với nhau thành một tập thể?
Trước tiên, đó phải là những người có tâm,
chính xác là có cùng một tâm hướng (chứ chưa hẳn là chí hướng, bởi đồng tâm
khác xa đồng chí). Nôm na, nó phát xuất từ những tấm lòng có chung điểm đau và
điểm bật. Điểm đau thường kéo dài và làm thành cái gạch nối giữa những cá nhân.
Còn điểm bật thì không đứng một chỗ. Ban đầu đó là sức bật của riêng mình, biến
thành hành động nối liền ngay sau những suy nghĩ rất riêng. Sau đó, nó kết hợp
với bạn bè chung quanh thành sức bật của đám đông. Từ đó, nó bắt đầu thay đổi.
Nó biến dạng, tùy theo bối cảnh của “sự bật”. Cũng không hiếm những trường hợp
sức bật đủ mạnh để đẩy một vài cá nhân phóng vút lên tận một quỹ đạo đầy hào quang
nào đó, tự tạo, hay do nhiều người khác tạo ra… Tức là tự nới dây hay tự cho
phép mình tách rời khỏi cái gạch nối của điểm đau chung. Một phần của bi kịch
bắt đầu từ đây chăng?
Kế tới, đó là những người có tài, dù
ít dù nhiều, nhưng đều được bạn bè chung quanh trân quý, bởi cái sở trường rất
riêng đã làm giàu thêm cái khả năng chung của cả nhóm. Ngược lại, cái bối cảnh
chung của môi trường hoạt động cũng phần nào làm thăng tiến cái sở trường riêng
nhỏ nhoi của từng cá nhân, hay chí ít, giúp cho cái sở trường đó đạt được hiệu
năng cao hơn, so với khi nó hoạt động đơn lẻ một mình (và đó là một trong những
động lực lớn nhất của sự hợp đoàn). Cứ thế, nó dần dà khiến cho người ta dễ lầm
tưởng rằng cái tài của riêng mình quả thực thăng hoa so với chính nó năm xưa,
thậm chí, quả thực nổi trội hơn hẳn mọi người trong đám đông (và tự cho phép
mình sinh tật một cách mặc định, lại nghĩ rằng mọi người phải coi đó là chuyện
đương nhiên).
Mặt tích cực của sự thăng tiến là mức phát triển
chung, của cả nhóm; nhưng bên cạnh đó, mặt kia, ít tích cực hơn, của nó, là
khiến cho một vài cá nhân hoa mắt trước thành quả của chính mình, rồi tự rời vị
trí tốt nhất ban đầu, có thể là hậu vệ/trung vệ… để tự đuổi bóng ở mọi góc sân,
gọi là bao sân, quyết sút thủng khung thành địch thủ, một mình. Chính từ đó,
lâu dần, quên mất, hoặc không còn rõ cái tập thể “quay quanh mình” là thái
dương hệ hay cả dãy ngân hà… Thường, những cái rốn của vũ trụ nẻ ra từ chỗ này
chăng?
Thành ra, cho dù chẳng hề mặn mà chút nào với truyện
Kiều, người ta cũng vẫn nghe chừng dễ gật đầu với câu kết: “Chữ tâm kia mới
bằng ba chữ tài”. Biết thế, nhưng cũng biết cả chuyện kềm chế mặt tật của
cái tài sao cho đừng làm mờ cái tâm… quả không phải là điều dễ làm, bởi, không
một ai trong tập thể chúng ta là thánh.
Mà đã vậy thì chốt thế nào đây?
Tạm thế này xem sao:
Một, trong một tập thể, đã đành là mỗi người đều cần biết rõ việc mình làm
là gì, làm thế nào, làm khi nào, làm với ai, ảnh hưởng tới ai… mà còn cần phải
cùng thấy bức tranh chung của bối cảnh công việc, như nhau. Không ai thấy nó
lớn hơn hay nhỏ hơn cái kích cỡ như nó đang là. Không ai thấy mình quan trọng
hơn hay kém người khác, mà chỉ lo mỗi điều là làm sao cho khâu mình trách nhiệm
sẽ nối ngay vào khâu trước mình, và làm sao cho dễ dàng hơn cái khâu kế tiếp
sau mình. Khi đó, mỗi người sẽ thấy ra mình cần phát huy sở trường cho nhau, và
đừng quên tìm cách gia giảm sở đoản của nhau (sao cho càng ít mích lòng càng
hay, chứ không thể nào không va chạm, mà nếu chấp nhận được sự va chạm cần
thiết trong tinh thần cầu tiến chung này thì số một!).
Hai, riêng từng người, thỉnh thoảng duyệt lại bản thân mình xem cái chữ
“ngã” của mình có làm chậm bước đi chung của cả nhóm không? Bởi, trong bức
tranh chung, những cánh hoa rực sắc thường vênh và thường quên mất khúc rễ dẫn
nhựa nguyên và những chiếc lá hút nắng đổi nhựa nguyên thành nhựa luyện để nuôi
hoa. (Đức Đạt Lai Lạt Ma ví von cái tôi đó như những ba lô đá của từng người,
và ngài kêu gọi mọi người đừng tự chất thêm đá trên lưng. Buông xả là tốt
nhất!). Ngược lại, mỗi người đều hoạt động để tự làm đầy cái lý tưởng khao khát
của riêng mình, tức là, không một ai phải hoạt động để làm vừa lòng người khác
trong nhóm, do đó, cũng đừng chờ đợi người khác phải mau mau buông xả những
tảng đá của họ, cho vừa ý mình.
Ba, đừng muộn phiền vì bạn ta không chăm chú lo cái ba lô đá của chính họ
hơn là chăm bẳm vào cái ba lô đá của người khác, nghĩa là bạn ta thích bắt lỗi
hơn là tự sám hối. Mọi tính khí đều sẽ tự lộ ra, càng chăm chú đánh bóng hay
dát bạc, sẽ càng lộ rõ hơn với vận tốc nhanh hơn. Bộ máy sinh hoạt của thiên
nhiên và con người đều có những bộ lọc tự nhiên để loại dần hạng tính khí đó
(chứ không thì con người không có được vị trí ngày nay trong các loài động
vật). Cả trong những nhóm nhỏ, những tập hợp ít người, cho tới những chính
đảng, những phong trào, những quốc gia, thậm chí, cả những liên bang hay liên
quốc gia, đều thế. Có khi sự vận hành loại bỏ này kéo dài và gây thất vọng đó
đây/nhiều ít, nhưng nhất định là nó sẽ sớm muộn gì cũng xảy ra, cần nhất là tự
mình gạt bỏ những bực dọc làm phiền chính mình ngay từ bây giờ.
Bốn, quy trình hoạt động của các tập thể cũng chẳng đời nào “bất biến”. Nó
sẽ tự phình nở, tách đôi/tách ba, rồi mỗi phần sẽ phình nở tiếp, có khi lại tái
hợp, rồi lại tách lìa hay tự vật vã hoàn chỉnh… Như vậy thì mỗi cá nhân trong
đó sẽ không hề đứng yên. Mỗi người sẽ có một số bạn, rồi sẽ rời một số bạn, rồi
có thêm một số bạn khác… cứ thế, cứ thế. Điều làm mình dễ “xuống tinh thần” là
vì mình quá yêu cái nhóm nguyên thỉ và chưa thật sự chuẩn bị tâm lý cho sự thay
đổi vóc dáng hay tầm với của nó. Còn tình cảm và còn lương tri là còn thấy đau,
đã đành là vậy. Song có lẽ chẳng nên để cái đau nhất thời đó làm mờ lương tri, dẫn
tới những quyết định xa lìa tập thể hay tự thu rút ngược vào cái ốc vỏ trước
khi chính mình tự nảy ra sức bật. Tập thể chỉ là phương tiện. Đích nhắm trong
sáng (thường được gọi là lý tưởng) của mình muốn đạt, thông qua và cùng với tập
thể đó, mới là cứu cánh. Mỗi chúng ta đều cần một phương tiện, vào mỗi lúc, để
đạt được lý tưởng của chính mình.
Sau cùng, hy vọng đôi dòng viết vội này làm được cái
việc cần thiết giờ này là một bờ vai tình thế.
Be Strong! Hãy mạnh mẽ lên! Bạn mình.
03-09-2013
Blogger Đinh Tấn Lực
No comments:
Post a Comment