Vũ Hoàng
& Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2013-09-04
2013-09-04
Tuần này, bên lề Thượng đỉnh của khối G-20, năm quốc
gia trong nhóm BRICS sẽ thảo luận về việc lập ra một quỹ ngoại tệ trị giá 100
tỷ đô la để cấp cứu các nước nhất thời thiếu thanh khoản khi tư bản tài chính
rút khỏi thị trường các nước đang phát triển. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về đề
nghị đó nhưng với trọng tâm là chú ý đến tình hình Đông Nam Á. Xin mời quý vị
theo dõi cuộc trao đổi giữa Vũ Hoàng với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa
như sau:
Kinh
tế cũng là chính trị
Vũ
Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ Tháng Năm
vừa qua, khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cho biết là sẽ đảo ngược quyết định
bơm tiền kích thích kinh tế vì tình hình đã khả quan hơn, lãi suất tại Mỹ đã
tăng. Đi cùng sự kiện là đà tăng trưởng thiếu khả quan của các nền kinh tế đang
phát triển, biến cố ấy tại Hoa Kỳ dẫn tới một hậu quả là tư bản tài chính rút
khỏi các thị trường đang phát triển như diễn đàn này đã tìm hiểu vào chương
trình tuần trước. Vì tư bản triệt thoái như vậy, nhiều quốc gia mới bị nạn
thiếu thanh khoản. Tuần này, có tin là bên lề thượng đỉnh của 20 nền kinh tế
mạnh nhất, tức là khối G-20, được họp tại thành phố St. Petersburg của Nga, nhóm
BRICS sẽ đề nghị lập ra một quỹ dự phòng trị giá 100 tỷ đô la để cấp cứu xứ nào
bị thiếu thanh khoản. Xin ông trình bày cho bối cảnh của đề nghị này.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng đây là đề mục điển hình của
chuyện "kinh tế cũng là chính trị". Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu
về bối cảnh của vấn đề.
Từ năm 1999, các tổng trưởng tài chính và thống đốc
ngân hàng trung ương của vài chục nền kinh tế có sản lượng cao nhất địa cầu vẫn
có hội nghị hàng năm để thảo luận về tình hình kinh tế tài chính và yêu cầu
phối hợp về chính sách. Đó là nguyên ủy của nhóm G-20, gồm 19 quốc gia và Liên
hiệp Âu châu. Từ vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 rồi nạn Tổng suy trầm, lãnh
đạo ba nước là Anh, Pháp, Mỹ mới đề nghị hội nghị hàng năm ở cấp nguyên thủ
quốc gia, gọi đó là "Thượng đỉnh của Khối G-20", năm nay họp tại Liên
bang Nga, năm tới sẽ họp tại Úc, qua năm 2015 sẽ họp tại Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ,
tức là Turkey. Về bối cảnh thì đây là việc mở ra khỏi nhóm G-7, là bảy nước
công nghiệp Tây phương, với sự tham gia của các nền kinh tế đã phát triển vững
mạnh để có một khuôn khổ thảo luận và phối hợp rộng lớn hơn.
Thứ hai, trong các nước đang phát triển, có bốn nước
muốn lập ra khuôn khổ hợp tác khác, là nhóm B.R.I.C. là tên tắt gọi theo Anh
ngữ của Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Từ đầu thì đây chỉ là sáng
kiến đặt tên của một doanh gia Mỹ để ca ngợi bốn xứ này, có thể là để quảng cáo
cho việc đầu tư vào các thị trường đó. Nhưng bốn nước đó lại tưởng thật và còn
có tham vọng trở thành thế lực kinh tế toàn cầu, với việc lập ra một loại ngoại
tệ khác để thay thế đồng Mỹ kim. Từ năm 2010, bốn xứ này mời Cộng hòa Nam Phi
tham dự vì vậy mới có tên là B.R.I.C.S. Cuối Tháng Ba năm ngoái tại Thượng đỉnh
bên Ấn Độ, họ dự tính lập ra một ngân hàng phát triển với số vốn chừng trăm tỷ
đô la để tài trợ các nước nghèo và thực tế là nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Thế
giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Cuối Tháng Ba năm nay, tại Thượng đỉnh ở Nam
Phi, nhóm này lại đề nghị lập ra một quỹ dự trữ ngoại tệ, cũng với 100 tỷ đô
la, để giúp các nước khỏi bị chấn động tài chính vì thiếu ngoại tệ.
Vũ
Hoàng: Thưa ông, xét về bối cảnh như ông vừa trình bày
thì, thứ nhất các nước này có thực lực kinh tế không, thứ hai là họ có khả năng
phối hợp để đạt mục tiêu hay không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là quốc gia nào cũng muốn bảo vệ
quyền lợi và tranh thủ ảnh hưởng của mình, nhưng phải dựa trên thực tế hơn là
cảm quan. Các nước đó đã có ảo giác phát triển vững mạnh nhờ sự ca tụng của
thiên hạ mà tưởng thật cho tới khi đụng vào thực tế là kinh tế của họ đều sa
sút từ gần hai năm nay và vẫn lệ thuộc vào các thị trường Âu-Mỹ chứ chưa thể
tách rời và phát triển tự túc, chưa kể là Nam Phi vẫn còn quá nghèo và chẳng có
thực lực mà được mời vào vì là một nước Phi Châu da đen. Thứ hai là giữa các
nước đó với nhau thì cũng có nhiều mâu thuẫn và tranh chấp, thí dụ như tranh
chấp về mậu dịch giữa Trung Quốc với Brazil, mâu thuẫn về an ninh giữa Trung
Quốc với Ấn Độ, hay tranh chấp về tư thế giữa Liên bang Nga với Trung Quốc.
Then chốt nhất, hai xứ độc tài là Nga và Trung Quốc
đều có ẩn ý chính trị là nâng tầm ảnh hưởng quốc tế để ngầm chống lại các nước
dân chủ, là Hoa Kỳ, Âu Châu và cả Nhật Bản. Nhưng chẳng phải vì muốn giới hạn
ảnh hưởng của Hoa Kỳ hoặc các định chế tài chính quốc tế do Tây phương lập ra
mà họ đã có thể hợp tác chặt chẽ với nhau khi mà xứ nào cũng cần đến tư bản hay
kỹ thuật của Tây phương. Việc hợp tác có hiệu quả hay không khiến chúng ta liên
tưởng đến một tiền lệ là "Sáng kiến Chiang Mai"...
Sáng
kiến Chiang Mai
Vũ
Hoàng: Thưa ông, "Sáng kiến Chiang Mai" đó là gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Ta nhớ lại vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ tại
Thái Lan năm 1997 rồi lây lan thành khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 97-98. Khi
đó, các nước lâm nạn bị thất thoát ngoại tệ vì tư bản tài chính tháo chạy cũng
tương tự như ngày nay.
Vì thế, tại hội nghị năm 2000 của Ngân hàng Phát
triển Á châu ADB ở thành phố Chiang Mai của Thái, 10 nước của Hiệp hội ASEAN là
các quốc gia Đông Nam Á cùng ba nước đối tác của ASEAN là Nhật, Trung Quốc và
Nam Hàn mới đưa ra sáng kiến là từng nước ký kết với nhau một hiệp ước trao đổi
ngoại tệ để nếu nhất thời mà thiếu ngoại tệ thì có thể tạm vay trong quỹ đó. Từ
đấy đã có 16 hiệp ước song phương giữa từng nước với nhau. Đến năm 2009, sau vụ
khủng hoảng tài chính Âu-Mỹ, nhóm ASEAN+3 này mới khai triển và đa phương hoá
"Sáng kiến Chiang Mai Mở rộng" bằng cách lập ra một quỹ dự phòng trị
giá 120 tỷ đô la để xứ nào cần ngoại tệ thì có thể vay trong đó.
Vũ
Hoàng: Theo như chúng ta hiểu thì thế giới đã có Quỹ
Tiền tệ Quốc tế IMF với chức năng cấp cứu và ổn định các thị trường tài chính
khi có biến động. Thế thì vì sao lại có Sáng kiến Chiang Mai của riêng các nước
châu Á với nhau?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Câu hỏi đó hấp dẫn vì dẫn ta đến vụ khủng hoảng
thanh khoản hiện nay. Quỹ IMF có thể cấp cứu một nước lâm nạn nhưng nhìn sâu
hơn vào lý do vì sao lâm nạn nên đòi hỏi nhiều điều kiện cải cách cơ chế rất
khắt khe. Chính điều kiện cải tổ này mới khiến các nước bị khủng hoảng tài
chính lãnh thêm hậu quả bất lợi về chính trị nếu phải thi hành kỷ luật ngân
sách hay biện pháp khắc khổ. Vì vậy mà nhiều nước muốn tránh và khi đó Nhật Bản
nhân tiện đưa ra sáng kiến cấp cứu trong khuôn khổ Á châu với nhau và có gặp sự
chống đối của Hoa Kỳ lẫn Quỹ IMF. Thuần về kinh tế thì người ta cho rằng quốc
gia lâm nạn chỉ nhất thời thiếu thanh khoản nên cần được châm thêm tiền để vượt
qua sóng gió trong ngắn hạn. Trung Quốc cũng vin vào đó để mở ra sáng kiến khác
nhằm giới hạn ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Tây phương.
Vũ
Hoàng: Thưa ông, để thính giả hiểu ra cơ sự phức tạp
này và đối chiếu với hiện tại, chúng tôi xin tạm tóm lược như sau. Đầu tiên,
các nước đang phát triển đã tiếp nhận rất nhiều tư bản tài chính của khối công
nghiệp hóa Tây phương và đạt mức tăng trưởng cao. Nhưng, khi thị trường chuyển
động và tư bản triệt thoái thì nhiều nước lại thiếu ngoại tệ và vì vậy mới có
Sáng kiến Chiang Mai với 120 tỷ đô la và bây giờ có sáng kiến của nhóm BRICS
với 100 tỷ. Dường như đằng sau các sáng kiến này còn có cả suy tính về chính
trị nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Quỹ IMF hoặc của các nước Tây phương, đứng
đầu là Hoa Kỳ. Nói cách khác, thưa ông, có phải lồng trong vấn đề kinh tế còn
có yếu tố chính trị hay chăng?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Thưa rằng đúng vậy mà lại rắc
rối hơn vậy vì còn có vấn đề chính sách.
Sau vụ khủng hoảng 97-98, các nước Đông Á đều biết
thân biết phận mà cố thiết lập một khối dự trữ ngoại tệ dồi dào để không bị
thiếu hụt ngoại tệ. Nhờ vậy mà trong 15 năm, từ năm 97 đến năm ngoái, khối dự
trữ ngoại tệ của 10 nước trong khối ASEAN đã tăng gấp bốn, từ 200 lên đến 800
tỷ đô la, bình quân là đủ cho bảy tám tháng nhập khẩu. Thứ hai nữa, họ thi hành
một chính sách ngoại hối linh động chứ không neo giá đồng bạc vào đồng Mỹ kim
theo một tỷ giá nhất định để cuối cùng bị đứt neo mà khủng hoảng. Đấy là bài
học tích cực từ vụ khủng hoảng.
Nhưng nhiều quốc gia thật ra vẫn theo đuổi chiến
lược tiêu cực cố hữu là lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng mà không thấy ra
nhược điểm vì năm năm qua còn nhận được tư bản tài chính từ các thị trường Tây
phương. Luồng tư bản đó tạo ra sức đầu tư rất mạnh và khoả lấp sự thiếu cân đối
ở trong. Nói chung, trương mục vãng lai của các nước ASEAN bị thâm hụt mà họ
chả thấy vấn đề vì vẫn nhận được tư bản nước ngoài. Bây giờ khi nguồn tư bản đó
bị cạn thì nhiều xứ mới gặp vấn đề, nghiêm trọng nhất là Việt Nam, Indonesia,
Malaysia, Thái Lan và Philippines. Vì thế, khi lãi suất tại Mỹ bắt đầu tăng và
đô la lên giá thì đồng nội tệ của các nước mới mất giá. Chúng ta trở lại chuyện
viển vông của các nước trong nhóm BRICS vì sụt giá nặng nhất chính là đồng bạc
của Brazil và Ấn Độ! Đây là ta chưa nói đến một nguy cơ khác là nạn lạm phát,
có thể sẽ bùng lên rất mạnh.
Vũ
Hoàng: Nói cách khác, thưa ông, ta có vấn đề của nhiều
nước Á châu thuộc cơ cấu lâu dài, và các vấn đề này có thể phát tác vì sự
chuyển động ngược của luồng tư bản nhưng mọi sự lại bị khoả lấp đằng sau khẩu
hiệu chống Mỹ của một số quốc gia. Có phải là như vậy không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi nghĩ rằng ta không nên quên là nhiều nước cứ ôm
tham vọng chống Mỹ hoặc truất phế vị trí ngoại tệ mạnh của đồng đô la Mỹ mà
không thấy ra sự yếu kém trong cơ cấu kinh tế. Một thí dụ rất nóng là tuần qua,
IMF vừa công bố một báo cáo theo đó, Trung Quốc có thể bị nạn tẩu tán tài sản
rất nặng nếu họ giải tỏa chế độ kiểm soát tư bản. Muốn có đồng bạc khả dĩ cạnh
tranh với đồng đô la, đồng Euro hay đồng Yen của Nhật, thì trước hết phải có
chính sách ngoại hối tự do, là chuyện chưa thể có tại Trung Quốc. Vậy mà người
ta cứ đòi lung lạc nước khác với những sáng kiến hão huyền nhằm tranh giành vị
thế với Hoa Kỳ!
Vũ
Hoàng: Câu kết luận, thưa ông, Việt Nam nên làm gì
trong lúc này?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi cho là khi Mỹ kim lên giá thì đồng nội tệ của
mình sụt giá và kinh tế sẽ bị biến động lớn. Người ta lầm tưởng rằng khi đồng
bạc giảm giá thì sẽ dễ xuất khẩu hơn mà quên rằng hoá đơn nhập khẩu sẽ tăng và
lạm phát lại tái diễn. Việt Nam là nước đáng lo nhất vì có dự trữ ngoại tệ mỏng
nhất, bị nhập siêu và nạn đầu cơ đi cùng nguy cơ lạm phát với một hệ thống ngân
hàng yếu kém có thể sụp đổ vì nợ xấu và nạn tẩu tán tài sản trầm trọng. Việt
Nam cần cải cách khi kinh tế sẽ lại sa sút trong mấy năm tới, nên phải chú ý
vào hoàn cảnh của mình trong khối ASEAN chứ đừng nghe lời mộng mị của các nước
cứ nêu ra khẩu hiệu chống Mỹ và đổ lỗi cho Hoa Kỳ về mọi nhược điểm của mình.
Vũ
Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
No comments:
Post a Comment