Celia Hatton
BBC News, Bắc Kinh
Cập nhật: 10:10 GMT - chủ nhật, 8 tháng 9, 2013
Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc dường
như đang tăng nhiệt mỗi ngày. Người dân Trung Quốc đọc những những
dòng tít liên tục trên truyền thông nhà nước thông báo điều tra các
lãnh đạo doanh nghiệp cũng như quan chức chính phủ.
Đây là một số câu hỏi và trả lời giúp độc giả
hiểu được những gì đang diễn ra đằng sau chiến dịch chống tham nhũng
của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đảng đang điều tra thêm một quan chức cấp cao nữa
là ông Tưởng Khiết Mẫn. Điều này có dụng ý gì?
Sự sụp đổ của ông Tưởng là vấn đề lớn do vị
trí ông ấy nắm giữ và mối liên hệ của ông ấy trong Đảng.
Tưởng Khiết Mẫn leo được vào hàng ngũ lãnh đạo
các tập đoàn dầu mỏ nhà nước lắm tiền. Nhiều người tin rằng ông sa
lưới chiến dịch chống tham nhũng do vai trò lãnh đạo trước đây của
ông ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
“Các tập đoàn nhà nước kiểu này kiếm được rất
nhiều tiền, đó là lý do tại sao chiến dịch chống tham nhũng nhắm
vào những người này,” ông Lý Tân Đức, một quan chức điều tra tham
nhũng ở cơ sở, nói.
“Không chỉ có Tưởng Khiết Mẫn bị điều tra. Một số
lãnh đạo dầu khí khác cũng đã bị bắt giữ,” ông nói.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng không nên quên rằng ông
Tưởng không chỉ là một lãnh đạo doanh nghiệp. Ông ấy cũng là quan
chức cấp cao nhất bị sờ gáy trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động.
Sau nhiều lần cảnh báo rằng tình trạng tham nhũng
tràn lan đe dọa làm cho Đảng Cộng sản sụp đổ, ông Tập đã phát động
một chiến dịch chống tham nhũng mà ông hứa sẽ bắt giữ các quan chức
ở mọi cấp bậc trong Đảng, trong đó cả ‘hổ và ruồi’.
Nhưng cho đến nay, chỉ có mỗi một con ‘hổ’ là Bí
thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai phải ra trước vành móng ngựa.
Nhưng thậm chí trong vụ này cũng không có gì là
công của ông Tập bởi vì Bạc Hy Lai bị đánh đổ trước khi ông Tập lên
nắm quyền.
Chính vì vậy Chủ tịch Trung Quốc bị sức ép phải
tóm được một con hổ và ông Tưởng Khiết Mẫn là đối tượng thích hợp.
“Tập Cận Bình sẽ được khen rất nhiều về điều
này,” ông Lý Thành, một nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, nói về
cuộc điều tra ông Tưởng.
“Bây giờ thì không thể nói là họ chỉ bắt ruồi.
Họ còn bắt cả hổ nữa.”
Tuy nhiên, liệu ‘một con hổ’ ở vị trí cao như
Tưởng Khiết Mẫn có khả năng được an toàn không? Liệu phe cánh của ông
ta trong Đảng có giải cứu cho ông ta không?
Có lẽ không. Ông Tưởng leo lên được các vị trí
trong Đảng phần lớn là nhờ ông Chu Vĩnh Khang, ông trùm an ninh của
Trung Quốc hiện đã nghỉ hưu.
Lâu nay vẫn có tin đồn rằng ông Chu vẫn tiếp tục
là đối thủ của Tập Cận Bình và ông ta có lẽ là con hổ lớn nhất
sẽ sa lưới chiến dịch diệt tham nhũng của ông Tập.
Dẫn nguồn tin ẩn danh, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi
sáng ở Hong Kong cho biết ông Chu đã bị điều tra mặc dù Bắc Kinh vẫn
chưa xác nhận thông tin này.
Vậy thật ra ông Tưởng bị đổ là vì cái gì? Do
khoảng thời gian ông ta làm lãnh đạo ngành dầu khí hay là do các mối
liên hệ của ông ta ở trong Đảng?
Hiện điều này vẫn chưa rõ. Tưởng Khiết Mẫn dường
như nằm trong cả hai trường hợp trên.
“Các cuộc điều tra về Bạc Hy Lai và Tưởng Khiết
Mẫn thật ra rất giống nhau,” ông Hồ Tinh Đẩu, giáo sư ở Viện Công
nghệ Bắc Kinh, phân tích.
“Các vấn đề chính trị của Bạc Hy Lai với người
cựu giám đốc công an của ông là Vương Lập Quân đã dẫn đến việc ông
bị điều tra về các tội danh kinh tế. Trong vụ việc của Tưởng Khiết
Mẫn, ban đầu ông ta bị điều tra về các sai phạm kinh tế, bây giờ ông
ta gặp rắc rối vì các liên hệ chính trị.”
Động cơ thật sự đằng sau cuộc điều tra về ông
Tưởng Khiết Mẫn có thể sẽ được biết nếu như ông Chu Vĩnh Khang,
người đỡ đầu cho ông ta, cũng bị đưa ra tòa về tội tham nhũng.
Nhưng Chu Vĩnh Khang hiện đã nghỉ hưu. Tại sao Tập
Cận Bình lại mất công điều tra một người đã không còn nắm quyền
nữa?
Là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chu Vĩnh Khang
chấm dứt sự nghiệp trị khi nằm chót vót trên đỉnh của Đảng Cộng
sản Trung Quốc.
Cũng giống như các lãnh đạo khác đã lui về nghỉ,
ông Chu nhiều khả năng vẫn còn nắm rất nhiều ảnh hưởng trong hậu
trường. Có lẽ có người tin rằng Tập Cận Bình muốn kiềm chế điều
này, theo ông Andrew Wedeman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học
bang Georgia, người nghiên cứu về tham nhũng ở Trung Quốc.
Ông nói: “Tôi cho rằng có lý do Tập Cận Bình muốn
nhổ hết những người xung quanh Chu Vĩnh Khang nhưng vẫn không đụng đến
ông ta.
“Điều này sẽ cô lập Chu khiến ông ta phải lui vào
bóng tối và không can dự gì vào cuộc đấu đá xung quanh vấn đề sắp
xếp nhân sự.”
“Mặt khác, tôi
có thể thấy rằng Tập muốn xử lý Chu Vĩnh Khang để chứng tỏ với
thiên hạ rằng: Tôi sẵn sàng nhổ cả những người ở những vị trí cao
nhất,” ông nói thêm.
Có ai ở Trung Quốc thật sự tin vào chiến dịch
chống tham nhũng này không?
Dường như là có. Sự hoài nghi đang dâng cao ở một
quốc gia mà ai cũng nghĩ rằng quan chức là tham nhũng. Chiến dịch
được gọi là ‘thanh trừng dầu mỏ’ của Tập Cận Bình đã khiến ông
được nhiều người ủng hộ trên các diễn đàn trên mạng của Trung Quốc.
“Chống tham nhũng là khởi đầu của giấc mơ Trung
Hoa,” một người viết trên mạng xã hội Weibo.
“Số tiền tham nhũng này lẽ ra phải được sử dụng
để nâng cao năng lực quốc phòng và cải thiện cuộc sống cho người dân.
Ngài Tổng bí thư Tập! Cả nước ủng hộ và hoan nghênh ông!”
Các chuyên gia cũng tỏ thái độ lạc quan. Giáo sư
Hồ Tinh Đẩu cho rằng chiến dịch này khác hơn rất nhiều so với các
chiến dịch dẹp trừ tham nhũng tương tự trước đó.
“Đây là nỗ lực
chống tham nhũng chưa từng thấy và cấp bậc các quan chức bị điều tra
ngày một cao hơn,” ông cho biết.
Nhiều người tin rằng chiến dịch ‘Ruồi và muỗi’
của ông Tập dường như đã diễn ra lâu nay và nó đã tóm được rất
nhiều cán bộ khác nhau trong Đảng. Cho nên khó mà cho rằng đây chỉ là
một thủ đoạn chính trị suông.
Tuy nhiên nhiều quan chức hàng đầu đã leo được lên cao
trong một hệ thống hủ bại mà giờ đây họ đang muốn dọn sạch. Liệu
chính phủ Trung Quốc có thật lòng muốn triệt hết mọi tham nhũng?
Vâng, ở một mức độ nào đó. Sự tức giận của công
chúng đối với tình trạng tham nhũng trắng trợn như đã thấy ở các
quan chức đeo đồng hồ Rolex dường như đã chạm đến điểm sôi khiến cho
Đảng phải làm thật mạnh tay.
Ờ xã hội nào cũng tham nhũng, Tiến sỹ Wedeman
nói, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn giảm tình trạng tham nhũng
của nước này đến một mức độ mà họ có thể kiểm soát được.
“Đảng Cộng sản tập trung quyền lực vào tay các
lãnh đạo cho nên họ ở một vị trí vừa có thể tham nhũng vừa có thể
che giấu hành vi tham nhũng của mình,” Wedeman giải thích.
No comments:
Post a Comment