Friday 13 September 2013

HẬU TRƯỜNG DIỄN TIẾN ĐƯA TỚI VIỆC NGƯNG TẤN CÔNG SYRIA (Người Việt tổng hợp)




Wednesday, September 11, 2013 6:17:27 PM

WASHINGTON (Người Việt – Tổng Hợp)
Việc Syria chấp thuận đề nghị của Nga  để Liên Hiệp Quốc kiểm soát và sau đó phá hủy tất cả vũ khí hóa học, đã đưa vụ khủng hoảng từ bờ vực chiến tranh đến giải pháp ngoại giao.

Tổng Thống Obama trong bài nói chuyện với dân chúng Mỹ tối Thứ Ba xác nhận rằng “Hãy còn quá sớm để nói là đề nghị ấy có sẽ thành công hay không, nhưng  sáng kiến này có tiềm năng dứt bỏ được hiểm họa của vũ khí hóa học mà không cần sử dụng vũ lực”. Ông tiếp: “Do đó tôi đã yêu cầu các giới lãnh đạo Quốc Hội dời lại việc biểu quyết cho phép dùng biện pháp quân sự trong khi chúng ta theo đuổi giải pháp ngoại giao”.

Theo US Today, phương án thâu tóm vũ khí hóa học của Syria không phải là sáng kiến mới chỉ xuất hiện trong mấy ngày vừa qua, mà đã có từ hơn một năm trước,  khi hai Tổng Thống Nga – Mỹ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Los Cabos, Mexico ngày 18 tháng 6, 2012.

Lúc đó Tổng Thống Obama phàn nàn rằng Nga vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Syria làm kéo dài cuộc nội chiến đẫm máu. Nhưng Tỗng Thống Putin lập luận rằng thỏa thuận bán vũ là một phần trong mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa điện Kremlin và chế đô Bashar al-Assad.

Nhưng hai nhà lãnh đạo dường như có được một quan điểm chung là nhu cầu thâu tóm kho vũ khí hóa học của Syria, tuy nhiên không đi tới thỏa thuận nào.

Tổng Thống Obama trong cuộc phỏng vấn dành cho truyền hình Fox News nhắc lại chuyện này. Ông nói: “Tôi đã gợi ý là Nga và Mỹ cần hợp tác để đối phó với vấn đề, không phải là chấm dứt cuộc xung đột ở nội bộ Syria, nhưng chúng ta có thể giải quyết vụ vũ khí hóa học, mối đe dọa chung cho chúng ta và toàn thế giới”. Tổng Thống Obama cho biết là sau đó không có sự đồng ý  nào khác về việc chuẩn bị cho những thảo luận tiếp tục nữa.

Tháng 4 năm nay trong chuyến thăm viếng Moscow lần đầu tiên, Ngoại Trưởng John Kerry đề cập trở lại vấn đề vũ khí hóa học của Syria nhưng không có kết luận. Sau đó trong cuộc họp của 4 bộ trưởng ngoại giao – quốc phòng Nga – Mỹ tại Washington ngày 9 tháng 8, một ngày sau khi Tổng Thống Obama loan báo hủy bỏ chuyến đến Moscow, triển vọng kiểm soát vũ khí hóa học của Syria lại được đặt ra và cũng không đạt được thêm bước tiến gì.

Tới hội nghị G-20, Tổng Thống Obama cố gắng thuyết phục sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo quốc tế về một cuộc tấn công trừng phạt Syria, nhưng không đạt được mấy kết quả. Theo đề nghị của nước chủ nhà tổ chức hội nghị G-20, vấn đề Syria chỉ được thảo luận ngoài nghị trình.

Ngày Thứ Năm 5 tháng 9, các nhà lãnh đạo có nhiều sinh hoạt dài, bao gồm tiệc tối có trình diễn vũ ballet và xiệc rồi từ lâu đài mùa hè nhìn ra xem đốt pháo bông trên sông Neva lúc 2 giờ sáng. Tuy vậy những cuộc nói chuyện riêng về vấn đề Syria vẫn không thiếu trong suốt buổi này.

Theo chương trình dự định từ trước, một phần của quyết định hủy bỏ chuyến đến Moscow, Tổng Thống Obama sẽ không có cuộc thảo luận tay đôi bên lề hội nghị với Tổng Thống Putin.  Nhưng rồi, vào lúc quá nửa đêm, Tổng Thống Putin đến gần Tổng Thống Obama và hai người kéo ghế ra góc phòng nói chuyện trong vòng 20 phút, chỉ có thông dịch viên bên cạnh còn  các nhà lãnh đạo khác ngồi cách  xa chỉ có thể quan sát thấy.

Tổng Thống Obama và Tổng Thống Putin gặp nhau ở hội nghị thượng đỉnh G-20 năm 2012 tại Los Cabos, Tây Ban Nha. (Hình AP/Carolyn Kaster)

Người ta dự đoán rằng đó là lúc ý kiến từ hội nghị Los Cabos đã được đồng ý trở lại và cụ thể hóa, đồng thời để cho Ngoại Trưởng John Kerry và Sergei Lavrov xúc tiến thêm. Theo AP, biểu lộ bên ngoài của Tổng Thống Obama không thể cho hiểu là đã có chuyện gì, nhưng chắc chắn hạt mầm đã được gieo.

Ba ngày sau vào lúc Tổng Thống Obama đang vận động Quốc Hội và chuẩn bị nói chuyện với dân chúng, thì tại London, trong cuộc họp báo cùng với Ngoại Trưởng Anh, Ngoại Trưởng John Kerry đã trả lời câu hỏi của một phóng viên là Tổng Thống Assad có thể làm cách nào tránh khỏi cuộc tấn công.

Ngoại Trưởng Kerry đáp: “Có chứ. Ông ta có thể nạp hết tất cả mọi vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế trong tuần tới”. và ông nhấn mạnh: “Hãy nạp ngay, tất cả, không trì hoãn và để cho kiểm kê đầy đủ” nhưng ông cũng nói thêm: “Nhưng rõ ràng ông ta không sẵn sàng làm như thế và điều ấy không đạt được”. Nhiều người không ngờ rằng ông Kerry bằng câu trả lời chỉ dài 20 từ và đưa cả hai tay lên dể biểu lộ sự nhấn mạnh ấy, đã đưa ra tín hiệu nếu không phải là tối hậu thư.

Hai giờ sau trên đường bay về Washington, Ngoại Trưởng Kerry nói chuyện với Ngoại Trưởng Lavrov qua điện thoại. Lavrov nói đã nghe câu nói của Kerry ở London và Nga sắp đưa ra một tuyên bố.

Khi máy bay của Kerry đáp xuống đất Mỹ, Nga loan báo đã đề nghị Syria nạp hết vũ khí hóa học. Ngoại Trưởng Wallid al-Moallem đang ở Moscow tuyên bố hoan nghênh và hôm sau Syria loan báo chấp nhận đề nghị ấy.

Bản tin của Fox News chiều Thứ Hai cho rằng Ngoại Trưởng Kerry đã có một phát biểu bất ngờ ở London và những diễn biến tiếp theo Washington lúng túng. Nhưng qua những tin AP và bài báo của USA Today, có lẽ mọi người đều hiểu là không có chuyện gì tình cờ.

Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton chiều Thứ Hai cho rằng đề nghị của Nga là một sáng kiến hay nhưng còn phải tùy thuộc vào sự tuân hành nghiêm chỉnh của Syria. Trước đó trong cuộc phỏng vấn Tổng Thống Bashar al-Assad tại Damascus ngày Chủ Nhật, ký giả Charlie Rose của truyền hình CBS cũng đã đặt câu hỏi về vấn đề trao vũ khí hóa học cho Liên Hiệp Quốc để tránh bị tấn công.  Assad không có câu trả lời dứt khoát trước khi có đề xướng của Nga.

Công tác ngoại giao trong ngày Thứ Tư diễn ra ở hai trận tuyến. Tại Liên Hiệp Quốc, 5 nước hội viên thường trực Hội Đồng Bảo An gặp nhau thảo luận về nội dung một bản nghị quyết. Trong khi đó Ngoại Trưởng John Kerry và Ngoại Trưởng Sergei Lavrov chuẩn bị lên đường cùng với các phái đoàn chuyên viên đến Geneva ngày Thứ Năm bàn kế hoạch giải trừ kho vũ khí hóa học ở Syria. (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats