Sunday, 8 September 2013

HẬU TRƯỜNG DÀN DỰNG "PARIS BY NIGHT" (Ngọc Lan - Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
Wednesday, September 04, 2013 11:52:40 AM

Kỳ 1: Kinh phí và công việc chuẩn bị

LAS VEGAS (NV) - 11 giờ sáng Thứ Sáu, ngày 5 Tháng Bảy, trong khi nhiều du khách đến thành phố sống về đêm Las Vegas hãy còn ngủ vùi trong chăn, thì bên trong đại hí viện PH Live thuộc khách sạn Planet Hollywood, ca sĩ, diễn viên múa, những người phụ trách đạo cụ, trang trí sân khấu, ánh sáng, quay phim... dường như đều đã bắt tay vào công việc tổng dợt cho chương trình Paris By Night (PBN) 109 - Kỷ Niệm 30 Năm, từ lúc nào.
Nhà hát PH Live với hơn 7,000 chỗ ngồi chìm trong bóng tối. Chỉ có ánh sáng từ phía sân khấu mênh mông và những bóng người nhỏ bé đang di chuyển. Đạo diễn âm thanh, ánh sáng, quay phim,... cùng các cộng sự của họ làm việc một cách chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, trong sự phối hợp nhịp nhàng để chuẩn bị cho tiết mục tập luyện đầu tiên - một bài hát do Nguyễn Hưng trình bày có nội dung liên quan đến mưa.

Ca sĩ Nguyễn Hưng và một vũ công trong tiết mục trình diễn tại Paris By Night 109. (Hình: Huy Khiêm

Với sự điều khiển của ông Robert, “stage manager”, một chiếc khung lớn hình chữ nhật, cao vài inch, bao bọc bằng nhựa, được mang ra đặt nơi góc trái sân khấu. Những người trong nhóm chuẩn bị đạo cụ mang nước ra đổ vào chiếc khung đó. “More water! More water! (Thêm nước nữa! Thêm nước nữa!)” nữ đạo diễn múa Shanda Sawyer, người gắn bó với PBN từ bao nhiêu năm qua, yêu cầu.
Nguyễn Hưng đứng vào chiếc khung nước đó, nhảy thử vài động tác. Cô Shanda quan sát, chỉ lại cho người ca sĩ cách đá chân làm sao cho nước bắn lên, hướng về phía khán giả.
Rồi đến những chiếc đèn, như những cột đèn đường, được mang ra để đúng vào các vị trí người đạo diễn muốn. Đèn thắp lên. Mọi sự chuẩn bị sẵn sàng. Ánh sáng bừng lên. Nhạc trỗi lên. Nguyễn Hưng cùng nhóm vũ công say sưa trong tiết mục hát múa, y như đang trình diễn trước 7,000 khán giả. Đèn vẫn soi rọi khắp nơi. Người quay phim chăm chú trong công việc của mình.
Những người có trách nhiệm dõi mắt theo từng chuyển động của các nghệ sĩ trên sân khấu. Cô Shanda ngồi bên dưới ghế khán giả, cầm microphone, nhắc lại vài động tác cho các vũ công.
Tiết mục kết thúc, mọi người trao đổi với nhau cách làm sao những diễn viên khác có thể tránh được những vũng nước bắn ra trên sân khấu, để khỏi trượt té...
Tất cả bắt đầu lại từ đầu. Cảnh trí, ánh sáng, âm thanh, máy quay. Và diễn viên, ca sĩ.
Bài hát được xem là hoàn chỉnh sau 3 lần diễn thử ngay tại sân khấu PH Live.
Mọi người thở phào. Chuyển sang chuẩn bị cho tiết mục thứ 2, một bài song ca của Hương Lan và Giang Tử, có phần đơn giản hơn.
Đó là một phần hậu trường cho những gì mà khán giả từ bao năm qua vẫn xem Thúy Nga- Paris By Night trên sân khấu hay xem qua các băng đĩa, DVD.
Một lần đi theo tìm hiểu, quan sát từ lúc Thúy Nga bắt đầu có ý tưởng để thực hiện một chương trình thu hình PBN, đến lúc tập dợt, rồi tổng dợt tại phòng tập ở Hollywood và ngay tại sân khấu PH Live, mới hiểu tại sao chuẩn bị một chương trình phức tạp như thế nào.

Cảnh tập dợt cho một tiết mục trong chương trình PBN 109 tại phòng tập Srceenland Studio tại Los Angeles. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Công việc chuẩn bị

Dẫu có 30 năm kinh nghiệm nhưng mỗi lần chuẩn bị cho một chương trình Paris By Night là mỗi lần ông Tô Văn Lai, cô Tô Ngọc Thủy và những thành viên trong “gia đình Thúy Nga” lại thấy “cả một núi lo.”
“Ngay từ lúc tổ chức chương trình PBN 106 tại PH Live là mình phải lo ‘book’ luôn rạp này cho chương trình 109, kỷ niệm 30 năm, tức là ‘book’ rạp trước một năm, vì vào những dịp lễ lạt như July 4th thế này thì rạp của họ bận lắm, không lo trước là không có chỗ cho mình tổ chức như ý muốn.” Cô Tô Ngọc Thủy, con gái ông Tô Văn Lai, chủ nhân trung tâm Thúy Nga, cho biết.
Trình tự chuẩn bị cho một chương trình ca múa nhạc PBN được cô Thủy tóm tắt ngắn gọn, “Trước tiên là suy nghĩ chọn chủ đề (theme). Sau khi chú Nguyễn Ngọc Ngạn, anh Huỳnh Thi và tôi quyết định được chủ đề rồi thì bắt đầu chọn bài hát cho phù hợp với chủ đề đó.”
“Từ bài hát, mình phát triển thành những ý tưởng và gặp cô Shanda, người dàn dựng các tiết mục múa cho PBN từ bao năm qua, để nói ý tưởng mình muốn làm gì. Cảnh trí theo chủ đề thì nói chuyện với ông sếp ‘designer’. Sau đó mới gọi ca sĩ, chọn bài đưa cho ca sĩ. Như chương trình PBN 109 có tới 45 ca sĩ thì phải sắp xếp cho ca sĩ nào hát song ca với ca sĩ nào, chứ nếu mỗi người đều hát đơn ca thì không đủ thời gian. Cũng có khi trong đầu mình đã sắp người này hát chung với người kia, nhưng khi nói ra thì họ không chịu, bởi giữa các ca sĩ đôi khi có những chuyện tế nhị mà mình chưa biết, lại phải thay đổi.” Giám đốc điều hành trung tâm Thúy Nga giải thích thêm.

Những người tham gia chương trình Paris By Night 109 trong buổi tập tại Đại Hí Viện PH Live thuộc khách sạn Planet Hollywood, Las Vegas. (Hình: Huy Khiêm)

Đó là chưa tính đến việc ca sĩ đồng ý tham gia PBN thì phải theo quy định “trước và sau buổi diễn của Thúy Nga một tháng, ca sĩ đó không được nhận show ở quanh vùng Thúy Nga quay hình,” như PBN 109 quay ở Las Vegas thì ca sĩ không được hát ở Las Vegas và Orange County trước và sau ngày 7 Tháng Bảy một tháng để tránh “va chạm” quyền lợi.
“Nhưng riêng với các show từ thiện hay những show nhỏ, hát cho các phòng trà thì ca sĩ chỉ cần gọi điện thoại nói một tiếng thì chúng tôi cũng ok thôi.” Tô Ngọc Thủy nói.
Tiếp đến là phần làm việc cùng với các nhạc sĩ hòa âm tham gia trong chương trình, như với PBN 109 thì có nhạc sĩ Tùng Châu, Đỗ Sơn, rồi làm việc với các nhạc sĩ Mỹ, nhạc sĩ ở Việt Nam.
“Ý tưởng cho trang phục, dàn dựng cũng là điều người làm chương trình PBN phải nêu ra và thảo luận với các nhà thiết kế. Ví dụ như vải để may những bộ quần áo trong tiết mục của Như Quỳnh là mình chỉ 'order' công ty dệt may Thái Tuấn làm cho mình bấy nhiêu mẫu có hoa văn như vậy thôi, không có làm để bán ra ngoài.” Thủy cho biết
Chương trình trình diễn trước khán giả là ngày 7 Tháng Bảy, nhưng mọi sự chuẩn bị diễn ra từ Tháng Năm. Chỉ riêng lịch tập các tiết mục có phần phụ diễn của các vũ công và đạo diễn múa Shanda đã kéo dài gần một tháng.
Vừa chỉ vào lịch tập dợt trên laptop, cô Thủy vừa giải thích, “Mỗi ngày tập từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối. Như hôm 22 Tháng Sáu, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều là tập cho một tiết mục, từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối là tập bài của ca sĩ Anh Tú. Ngày hôm sau là bài của Dương Triệu Vũ, Hương Giang, và Anh Tú. Tập cho đến ngày 1 Tháng 7. Ngày 2 Tháng Bảy là ngày rehearsal ở Hollywood để xem có gì mình cần chỉnh sửa và cũng là ngày thử trang phục biểu diễn. Nguyên ngày 5 và nửa ngày 6 Tháng Bảy là tập ngay tại sân khấu PH Live, chiều ngày 6 là trình diễn trước khán giả xuất đầu tiên.”
Lịch tập dợt lên đúng ngày đúng giờ, tuy nhiên, “người không là máy,” hơn nữa, sân khấu ca nhạc Thúy Nga là nơi quy tụ nhiều ngôi sao, mà đã là sao thì càng không theo lịch trình đã đề ra!
Cô Thủy nói một cách ngao ngán, “Như mới hôm qua thôi, đến giờ tập, cô Shanda và các ‘dancer’ đều có mặt nhưng 3 người ca sĩ của bài hát đó không ai đến hết! Trong khi biết là lịch bay ‘show’ của ca sĩ rất nhiều nên mình đã ngồi xuống để cùng thống nhất ngày giờ nào họ có thể tập được. Họ đồng ý rồi, nhưng đến giờ tập thì báo là không đến được vì đi show chưa về.”

Kinh phí cho một chương trình

“Kinh phí là một bài toán mà mỗi lần sản xuất chương trình chúng tôi phải tính toán dễ sợ lắm, bởi chỉ cần tính trật một cái thì sau chương trình sẽ không có tiền để trả cho nhân viên, vũ công hay trả vé máy bay, trang phục, trang điểm.” Người điều hành trung tâm Thúy Nga nói.
Nhẩm tính sơ lược: tiền trang điểm, làm tóc khoảng $25,000; tiền thiết kế trang phục cho vũ công và ca sĩ trong các bài hát có múa minh họa khoảng $30,000; tiền thuê studio tập dợt trong hơn 3 tuần và để tổng dợt khoảng $15,000; tiền mướn rạp nguyên tuần là $45,000.
“Rồi tiền khách sạn cho đoàn 150 người, tiền vé máy bay cho những người ở xa, tiền thù lao cho những người tham dự… Nhưng chi phí nhiều nhất vẫn là ở phần kỹ thuật thu hình, bao gồm cả ánh sáng sân khấu, nguyên nhóm làm việc đó đều là người của Hollywood. Ước tính đến giờ này số tiền là $950,000 rồi.” Tô Ngọc Thủy cho biết.
Do chi phí đầu tư cao, nên theo cô Thủy, “Mỗi lần làm là phải mướn chỗ nào sức chứa từ 2,000 người trở lên mới đủ chi phí.”
“Đó cũng chính là lý do vì sao lúc sau này Thúy Nga thường làm chương trình ở các ‘casino,’ vì ở sòng bài có nhóm ‘Asian marketing’ họ có nhu cầu lôi kéo khách Á Đông tới nên tạo nhiều điều kiện cho mình hơn,” Tô Ngọc Thủy nhận xét.

Sân khấu đại hí viện PH Live thuộc khách sạn Planet Hollywood, nơi diễn ra chương trình Paris By Night 109. (Hình: Huy Khiêm)

Người giám đốc điều hành trung tâm Thúy Nga giải thích thêm về cách thu chi cho một chương trình PBN mà lâu nay mọi người vẫn nghe, vẫn xem:
“Tiền bán vé phần lớn trang trải được chi phí kỹ thuật thu hình. Phần bán DVD thì chỉ lo được cho vũ công, ca sĩ, cho những chi phí linh tinh như trang phục múa, trang điểm, thu băng thu audio, tiền tác quyền linh tinh...”
“Khi làm chương trình thì mình bỏ ra một số tiền lớn, khi thu vào thì thu nhỏ giọt. Nhưng mình làm theo kiểu ‘gối đầu’ tức khi ra cuốn DVD 108, thì tiền thu từ cuốn này sẽ dùng trang trải cho chương trình 109, khi ra DVD 109 thì lại dùng tiền đó chuẩn bị cho PBN 110. Thế nên mỗi lần chuẩn bị ra chương trình thì phải phát hành DVD để có tiền trang trải, cứ tiếp tục như thế.”
Có lẽ làm theo kiểu “gối đầu” như vậy nên việc có ra tiếp được các chương trình kế tiếp hay không là phải tùy thuộc vào tình hình khán giả mua vé, mua DVD. Thế nên, như ca sĩ Don Hồ, trong một lần trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, cũng nói, “Mình cứ nghe thỉnh thoảng Thúy Nga nói sắp đóng cửa là họ nói thật chứ chẳng phải đùa đâu! Bởi vì trong tình hình băng giả tràn lan như hiện nay, không ai nói trước được trung tâm sẽ kéo dài đến bao lâu. Phải có tiền thì họ mới tiếp tục được, chứ làm ra mà không thu tiền về được thì còn vốn đâu để làm tiếp. Mình đứng nhìn thấy cũng đau lắm!”
Liên quan đến vấn đề kinh phí đầu tư cho PBN, cô Thủy nói thêm, “Từ trước năm 2000 khi khách đưa quảng cáo tôi thường hay từ chối vì chỉ muốn đây đơn thuần là một sản phẩm nghệ thuật. Nhưng sau này tôi phải thay đổi suy nghĩ của mình vì Thúy Nga cần tiền để sản xuất chương trình chứ nếu không thì làm sao sống còn. Khi Thúy Nga có thêm mục tặng tiền đố vui cho khán giả thì khán giả thích mà nhà quảng cáo cũng muốn bảo trợ. Nên đó cũng là một phần kinh phí góp thêm cho Thúy Nga, giúp Thúy Nga có thể tiếp tục làm chương trình.”
Dĩ nhiên, để có thể tiếp tục tồn tại, để có thể kéo được khách đến xem qua mỗi chương trình PBN, Thúy Nga phải có sự đầu tư về nội dung và hình thức mà không một chương trình nào ở hải ngoại có thể so sánh được, theo đánh giá của những người trong nghề.

(Kỳ 2: Xem hậu trường PBN tại Hollywood và Las Vegas)

*

Ngọc Lan/Người Việt
Tuesday, September 03, 2013 6:24:08 PM

Kỳ 2 : Xem hậu trường PBN tại Hollywood và Las Vegas 

HOLLYWOOD (NV) - Như một qui luật của cuộc sống, cho dù một sản phẩm có hay và tốt đến đâu thì cũng không thể tránh khỏi những lời chê bai, dè bỉu, đặc biệt khi đó lại là một sản phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục tồn tại, để có thể kéo được khách đến xem qua mỗi chương trình Paris By Night, Thúy Nga phải có sự đầu tư về nội dung và hình thức một cách công phu và chuyên nghiệp, theo đánh giá của những người trong nghề.
Hai ngày tận mắt ngồi xem những người trong cuộc chuẩn bị phần cuối cùng cho Paris By Night 109 diễn ra vào dịp Lễ Độc Lập 2013 mới thấy rõ hơn công việc của trung tâm băng nhạc này.

Xem tổng dợt tại Hollywood

Trang phục đẹp nhưng khi "ban giám khảo" buổi tổng dợt thấy chưa được thì vẫn phải may lại toàn bộ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Rehearsal,” hiểu một cách nôm na là buổi tổng dợt hoặc trình diễn thử những tiết mục sẽ ra mắt khán giả để xem có cần phải chỉnh sửa, thêm bớt gì hay không trước khi lên sân khấu chính thức.
Một chương trình PBN, ngoài phần tập luyện riêng của từng người hay với đạo diễn, sẽ có thêm hai buổi tổng dợt, một buổi ở phòng tập nào đó tại Hollywood, một buổi ngay tại sân khấu sẽ diễn ra chương trình ca nhạc.
Theo lịch định, 5 giờ 30 chiều Thứ Ba, 2 Tháng Bảy, trước ngày diễn chính thức 4 ngày, tôi cùng vợ chồng Tô Ngọc Thủy-Huỳnh Thi, và John Nguyễn, người được xem là “cánh tay mặt” của Tô Ngọc Thủy, hay “quyển lịch sử sống của PBN,” đi xem tổng dợt tại Screenland Studio nằm trên đại lộ Burbank, phía Bắc Los Angeles.
Hơn một tiếng rưỡi lái xe từ Little Saigon qua chặng đường dài 50 dặm do kẹt xe giờ tan sở, vừa bước chân vào bên trong Screenland Studio là cả một không khí rộn ràng diễn ra.
Tóc Tiên mặc chiếc áo đầm đỏ, loại áo chỉ dành cho sân khấu, trông thật khêu gợi, đang ngồi trên ghế sofa, mặt không trang điểm, nói cười ríu rít với các bạn diễn. Mai Thiên Vân khoác trên người chiếc áo dài màu tím, bên dưới tà áo là một hình vẽ tựa bức tranh sơn thủy. Hương Thủy trông nhỏ nhắn hơn nhiều so với lúc cô xuất hiện trên sân khấu, có lẽ do chiếc quần legging ngắn ngang bắp chân và áo thun dài tay khiến cô trông “đời thường” hơn.
Bên trong một gian phòng, hai nhà thiết kế thời trang Calvin Hiệp và Thái Nguyễn gần như chìm trong vô số trang phục mà họ đang phải ráo riết hoàn tất cho cho ca sĩ lẫn vũ công, trên dưới 200 bộ quần áo. Một số “dancer” đang thử các bộ đồ mà mình sẽ mặc trình diễn xem có thể nhảy nhót, múa may, quơ tay quơ chân một cách thoải mái và “an toàn” hay không.
Studio D, nơi diễn ra buổi tổng dợt, là một phòng tập có diện tích 2,100 sqft, đủ lớn để đạo diễn múa Shanda Sawyer có thể sắp xếp vị trí cho các vũ công và ca sĩ sao cho gần giống sân khấu thật.
“Giám khảo” của buổi diễn tập này có Tô Ngọc Thủy, Huỳnh Thi, đạo diễn múa  Shanda, đạo diễn chương trình Ron De Moraes, thư ký đạo diễn, cô Jill Dove, và John Nguyễn. Mọi người ngồi sát tường, sau lưng là tấm gương lớn bằng chiều dài cả bức tường, để các ca sĩ, vũ công có thể nhìn thấy họ đang biểu diễn như thế nào.
Trên tay cô Jill là một “binder,” trong đó có sẵn các tờ giấy ghi tên của bài hát, tên ca sĩ, thứ tự tiết mục… bằng tiếng Anh.
“Cô là người nắm vững bài hát, sẽ nhắc cho đạo diễn biết trước chuyện gì xảy ra để đạo diễn chuẩn bị ‘shoot.’ Ví dụ như cô sẽ cho đạo diễn biết hai câu cuối mà Dương Triệu Vũ sẽ hát là gì, trước khi Hương Giang hát tiếp theo để đạo diễn chuẩn bị các máy quay,” John Nguyễn giải thích.
Không chỉ vậy, trong quá trình ngồi quan sát, người thư ký này còn vẽ lại trên tờ giấy vị trí đứng của các vũ công, nơi ca sĩ xuất hiện, và bất cứ điểm đặc biệt nào mà cô thấy cần thiết. Trong khi đó, đạo diễn Moraes, cô Shanda và Thủy-Thi trao đổi, góp ý về trang phục, vũ điệu, cách bố trí đội hình trên sân khấu.

Ca sĩ Nguyễn Hưng cùng các vũ công trong buổi tổng dợt cho PBN 109 tại Los Angeles. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tiết mục đầu tiên là một liên khúc lồng trong phần trình diễn thời trang.
Những ai là ca sĩ, vũ công cho tiết mục đó thì được vào bên trong studio. Khi cánh cửa đóng lại, nhiều người bên ngoài ghé mắt vào ô kính nhỏ để xem đồng nghiệp mình trình diễn thử. Có lẽ trước đó, trong quá trình tập dợt, giờ của người nào thì người nấy tập, chẳng ai biết tiết mục của người kia ra sao.
Phía bên trái studio, nhóm Thu Phương, Hồ Lệ Thu và Như Loan mặc những bộ áo dài cách điệu, đầu vấn khăn. Nhóm Mai Thiên Vân, Hương Thủy, Như Quỳnh có vẻ như trong trang phục Bắc-Trung-Nam. Tuy nhiên, bộ đồ của Hương Thủy chưa hoàn tất kịp nên cô mặc quần legging, áo thun, nhưng đeo nguyên bộ cánh gì phía sau nên trông rất ngộ nghĩnh.
Bên phải studio, Minh Tuyết, Lam Anh, Kỳ Phương Uyên, Hương Giang, Quỳnh Vy, người thì mặc áo đầm dài, người mặc áo đầm ngắn, người mặc áo dài trắng, người mặc trang phục cho tiết mục kế tiếp, người mặc quần jean, nghĩa là nhóm này mặc đồ… tự do, chỉ có giống nhau ở một điểm là trên tay ai cũng cầm nón lá. Lý do cũng là vì trang phục của họ các nhà thiết kế may chưa xong!
Khi mọi người ở vào vị trí sẵn sàng, nhạc được mở lên. Y như trên sân khấu. Nghĩa là gương mặt, cách diễn xuất của ca sĩ, vũ công đều như thể họ đang trình diễn trước bao nhiêu là khán giả. Kể cả hát.
Ai cũng biết, các chương trình PBN thu hình đều hát “lip-sync.” Thế nhưng, có ngồi nhìn các ca sĩ tập dợt mới biết, thì ra là họ vẫn phải hát bằng hết sức mình, mặc cho gân cổ nổi lên, mồ hôi tuôn xuống. Bởi vì chỉ có hát như thế thì họ mới diễn tả hết được cảm xúc của bài. Chứ nếu vẫn nghĩ một cách đơn giản “lip-sync” chỉ là lên lép nhép miệng thôi thì không thể nào ra được thần thái của bài hát được.
Kết thúc tiết mục, mọi người vừa thở hổn hển, vừa đứng lại để nghe nhận xét từ cô Shanda.
Tô Ngọc Thủy thì nhắc mọi người về cách cầm nón, chú ý đến tà áo như thế nào, chỉnh lại chiếc khăn vành cho Hồ Lệ Thu sao cho đẹp hơn, hay thấy cần phải sửa lại tay áo của Như Quỳnh sao cho khít hơn.

Đạo diễn Ron De Moraes, đạo diễn múa Shanda Sawyer (thứ ba và thứ tư, từ trái) và những người thực hiện Paris By Night 109 xem buổi trình diễn thử của ca sĩ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cứ thế ca sĩ hay vũ công chỉ thở phào, nói “thank you” sau khi nghe cô Shanda nhận xét “Very nice” và Tô Ngọc Thủy không nhắc nhở gì nữa.
Có những tiết mục, trước khi ca sĩ hát, vũ công múa, cô Shanda phải giải thích cho ông đạo diễn Moraes và người thư ký hiểu ý nghĩa của các vũ điệu đó là gì, ý tưởng thực hiện như thế nào.
Tất cả những điều đó, đều được người thư ký đạo diễn ghi nhận lại.
Buổi tổng dợt này chỉ gồm 10 bài hát có múa phụ họa.
Kết quả của buổi trình diễn thử là những người trong ban tổ chức phải suy nghĩ đến chuyện làm sao tìm mua cho được 10 chiếc dù màu “cream” dùng trong bài hát của Nguyễn Hưng. Bởi vì, những chiếc dù mua trước đó, chỉ vừa mới qua vòng múa thử đã… gãy mất mấy cái!
Mua dù trong mùa Hè đã là chuyện khó. Làm sao phải tìm mua cho đủ số dù cùng một màu như yêu cầu lại càng không dễ. Cuối cùng, những gì tôi nghe được qua cuộc nói chuyện bằng điện thoại giữa Tô Ngọc Thủy và một ai đó, thì, 10 chiếc dù sẽ được gửi thẳng đến địa chỉ nhà một người quen ở Las Vegas vào ngày Thứ Năm, vì qua Thứ Sáu phải có dù cho việc chuẩn bị trình diễn, với giá gần $500.
Chuyện thứ hai phải thay đổi sau buổi diễn thử này là màu áo dài của ca sĩ lẫn vũ công trong tiết mục của Thu Phương và Hồ Lệ Thu “không thích hợp.”
“Vậy là tôi phải thức cả đêm để may lại 8 chiếc áo dài,” nhà thiết kế thời trang Calvin Hiệp nói “một cách đau khổ.”
Chúng tôi về đến văn phòng của trung tâm Thúy Nga trên đường Moran cũng đã 11 giờ đêm. Tôi nhận tấm thẻ dành cho ban tổ chức để có thể vào xem tiếp buổi tổng dợt thứ hai tại sân khấu PH Live ở Las Vegas.

Buổi trình diễn thu hình được chuẩn bị ra sao?

Chương trình PBN 109 có hai xuất diễn vào tối Thứ Bảy và trưa Chủ Nhật. Nhưng ngay từ ngày đầu tuần thì rạp đã được mướn để những người có trách nhiệm trang trí sân khấu bắt tay vào công việc.
Theo cô Tô Ngọc Thủy, sân khấu nhà hát cho thuê hoàn toàn trống trơn, người tổ chức phải bỏ tiền ra để chuẩn bị hết mọi thứ, từ những giá đỡ để treo phông màn, hay những dụng cụ để nâng ca sĩ bay lên, uốn lượn, rồi cảnh trí, kích cỡ, màu sắc…
Như trong bài kỳ 1 đã nói, 11 giờ sáng Thứ Sáu, ngày 5 Tháng Bảy, bên trong đại hí viện PH Live thuộc khách sạn Planet Hollywood, ca sĩ, diễn viên múa, những người phụ trách đạo cụ, trang trí sân khấu, ánh sáng, quay phim... dường như đều đã bắt tay vào công việc tổng dợt cho chương trình Paris By Night 109 - Kỷ Niệm 30 Năm, từ lúc nào.
Có thể hình dung đây là một buổi quay thử trước khi quay thật.
Nếu ngày tổng dợt ở Hollywood, Bằng Kiều còn mặc quần short, áo thun, mang giày thể thao để tập, hay Tommy Ngô, Linda Trang Đài vẫn chưa có thời gian thử trang phục của mình, thì trong buổi quay thử này, chỉ có trang điểm là không được yêu cầu, còn lại ai mặc quần áo gì, mang giày gì, tóc chải ra sao trong ngày ra mắt khán giả thì phải ăn mặc, chải chuốt y như vậy để cho đạo diễn sân khấu, ánh sáng, quay phim chuẩn bị. Mục đích là làm thế nào để cuốn DVD khi đến tay người xem sẽ là một cuốn DVD hoàn hảo nhất.
Trong khi đạo diễn sân khấu cùng thư ký của ông điều khiển mọi chuyện diễn ra tại sân khấu, từ cảnh trí đến vị trí đứng của ca sĩ, thì Tô Ngọc Thủy lại quan sát mọi diễn biến trên sân khấu từ vị trí đặt các máy quay phim ở giữa nhà hát.

Một tiết mục trong buổi tổng dợt tại phòng tập Screen Studio ở Los Angeles. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Khi tiết mục trình diễn thử của Ngọc Hạ và Quang Lê vừa kết thúc, mọi người nghe tiếng của người giám đốc điều hành trung tâm Thúy Nga vang lên, “Ngọc Hạ, chiếc áo dài em đang mặc đã được dùng trong tiết mục biểu diễn thời trang của chương trình PBN 84 rồi. Em phải đổi áo khác.”
Chưa hết, “Ngày mai tóc em sẽ chải giống như vậy phải không? Nếu như vậy thì em phải đổi vị trí với Quang Lê, nếu không thì mặt em bị tóc che khuất.” Cô Thủy tiếp tục nhận xét.
Trong khi đó, với những tiết mục có vũ công, đạo diễn múa Shanda Sawyer ngồi ở hàng ghế thứ 4, trực diện sân khấu, vừa quan sát vừa chỉnh lại vị trí của các diễn viên sao cho cân xứng, không có khoảng trống.
Nếu trong buổi tổng dợt ở Hollywood mọi người chỉ xem 10 tiết mục có múa minh họa, thì tại buổi quay thử này, tất cả các bài đều được trình diễn thử hết. Kể cả ban nhạc cũng đều phải có mặt, trang phục chỉnh tề, violin, trống, kèn, sáo... gì cũng đều phải kéo, phải đánh, phải thổi thật sự theo bài bản đã có.
Trong buổi quay này, hai MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng phải có mặt. Thứ nhất là những chiếc áo nào Nguyễn Cao Kỳ Duyên chọn mặc lên sân khấu thì cô phải mặc vào thử cho đạo diễn ánh sáng biết màu sắc, kiểu dáng để mà chuẩn bị góc quay, ánh sáng.
Kế nữa, “Đây là lúc đạo diễn sẽ thông báo cho tôi biết bài nào cần bao nhiêu phút để chuẩn bị cảnh trí thì tôi và cô Kỳ Duyên sẽ lựa những đề tài nào nói cho đúng số phút họ cần.” MC Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết.
Dĩ nhiên, theo ông, “Vài ngày trước buổi diễn, khi có danh sách bài hát trong tay, tôi và cô Kỳ Duyên đã phải ngồi xuống để xem trước mỗi bài mình nên nói gì, điều gì chưa rõ lắm thì hỏi thêm Tô Ngọc Thủy, Huỳnh Thi. Hoặc có những bài có điển tích cần nhắc đến thì mình cũng phải giải thích cho khán giả biết.”
Buổi tổng dợt toàn bộ chương trình này diễn ra trọn ngày Thứ Sáu và kéo dài đến chiều ngày Thứ Bảy.
Khi sân khấu mở màn, khán giả ngồi kín nhà hát, là lúc mọi thứ đã chỉnh chu đến mức tốt nhất có thể.
Đến lúc này, chỉ còn chuyện người đạo diễn chính ngồi bên trong một chiếc xe truck màu trắng đậu bên ngoài nhà hát PH Live, trên xe đặt 12 màn hình quan sát, mỗi màn hình là góc quay của một camera. Đạo diễn nhìn vào đó và ra lệnh máy nào quay, quay ai,...
Và những gì diễn ra trên sân khấu lúc bấy giờ là điều mà mọi người khắp nơi đều có thể thấy, như bao lâu nay vẫn thấy. Sân khấu lộng lẫy. Âm Thanh hoàn hảo. Ca sĩ thật đẹp. Vũ công thật tươi.
Nhưng đằng sau ánh đèn rực rỡ đó, là cả một quá trình chuẩn bị công phu như thế.

---

Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com



No comments:

Post a Comment

View My Stats