Tiêu Dao Bảo Cự
16/09/2013
Thời gian gần đây có một số “hiện tượng” mang sắc
thái chính trị đáng cho mọi người quan tâm: Huy Đức xuất bản cuốn sách “Bên
thắng cuộc” bạch hóa một giai đoạn lịch sử Việt Nam, Nguyễn Đắc Kiên gay gắt
phê phán trực tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng Sản, Nguyễn Phương Uyên tuyên bố quan
điểm chính trị chống đảng trước tòa án, hoạt động của Mạng lưới blogger với
Tuyên ngôn 258 tố cáo với thế giới điều luật phản dân chủ của luật hình sự… và
gần đây nhất là hiện tượng Lê Hiếu Đằng. Những hiện tượng này không phải “đột
xuất” mà có nhưng chính là sự tiếp nối của quá trình đấu tranh dân chủ hóa đất
nước của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức, qua mấy thập niên và cũng
ghi dấu mở đầu cho một giai đoạn mới, trong đó điều nổi bật là một số người đã
vượt qua nỗi sợ hãi do chế độ độc tài toàn trị áp đặt nặng nề lên toàn xã hội,
nói lên chính kiến của mình ngược với quan điểm chính thống của chế độ.
Cũng đã gần một tháng trôi qua từ khi Lê Hiếu Đằng
công bố bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” (17/8/2013), dư
luận phản hồi từ nhiều phía đã phân tích, ủng hộ, phê phán bài viết cũng như
tác giả, lại một lần nữa làm lộ rõ các loại “lập trường chính trị” trước hiện
tình đất nước. Tuy nhiên trừ một số ít bài (như bài viết của Lữ Phương) nêu vấn
đề một cách khách quan, sát thực tiễn, phần lớn các bài viết từ hai cực chính
trị, tạm gọi là “chống cộng triệt để” và “cộng sản bảo thủ” đều không căn cứ
vào bản chất của sự việc mà chỉ áp đặt cách suy luận và diễn dịch theo quan
điểm chính trị của mình. Từ đó gán cho Lê Hiếu Đằng những gì ông không hề có
như cò mồi lừa bịp của đảng, cơ hội chủ nghĩa… hay ngược lại như phản bội chống
đảng, bị thế lực thù địch giật dây…
Thật đơn giản và rõ ràng khi người ta biết và chịu
nhìn vào chính bản thân bài viết, ngay từ tựa đề “Suy nghĩ trong những ngày nằm
bịnh”. Trong những ngày nằm bệnh Lê Hiếu Đằng có thời gian suy nghĩ để “tính
sổ” đời mình, một việc quá tự nhiên và thông thường. Hồi tưởng về thời tuổi trẻ
và quá trình cuộc sống, đấu tranh qua hai chế độ với những kỷ niệm và nhận thức
qua mỗi thời kỳ, ray rứt về hiện tình đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng
sản và một vài gợi ý để tìm lối thoát cho đất nước. Với ý tưởng chân thành,
hành văn mộc mạc, đề cập nhiều vấn đề, đây là bài viết của một người đang nằm
bệnh có tính cách tự sự chứ không phải chính luận hay cương lĩnh. Sao có thể
đòi hỏi những gì không thể có qua một bài viết trong hoàn cảnh này.
Bài viết chứng tỏ tác giả là một con người có trải
nghiệm thực tiễn, suy nghĩ tự do và tinh thần phản kháng. Mấy năm gần đây, Lê
Hiếu Đằng nổi lên như một “nhân vật phản biện” với các bài viết, các cuộc trả
lời phỏng vấn và cả việc tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Đối với
những người có hiểu biết về ông, thực ra Lê Hiếu Đằng đã nổi tiếng phản biện từ
nhiều năm trước trong các hoạt động ở guồng máy chính quyền Thành phố Hồ Chí
Minh (mà ông đã có nhắc tới vài việc trong bài viết “Suy nghĩ…”) và điều này
cũng là sự tiếp diễn của tinh thần đấu tranh và ý thức dấn thân thời trai trẻ.
Đó không gì khác hơn là lòng yêu nước, tinh thần phản kháng trước bất công áp
bức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam.
Bài
viết của Lê Hiếu Đằng có nhiều chi tiết dễ gây tranh luận nhưng điểm nút tạo ra
cơn sốt chính là lời kêu gọi tập thể từ bỏ đảng Cộng sản và thành lập một đảng
mới. Về đảng mới này ông chỉ viết “chẳng hạn như đảng
Dân chủ Xã hội”. Rõ ràng đây chỉ là một gợi ý đầu tiên. Có thể sự gợi ý này bắt
nguồn từ mấy nguyên nhân mà ông và bạn bè hay một số trí thức đã từng suy nghĩ
: Đã từng có hai đảng Dân chủ và Xã hội hoạt động song song với đảng Cộng sản
(cho dù chỉ là đảng cây cảnh); gốc gác của dân chủ xã hội cũng có chung cội
nguồn với chủ nghĩa xã hội của cộng sản nên những đảng viên Cộng sản dễ chấp
nhận; sự ưu việt hiện nay của các chế độ dân chủ xã hội, đặc biệt ở các quốc
gia Bắc Âu đã được thừa nhận và có sức thuyết phục đối với toàn thế giới. Chỉ
là một gợi ý, làm sao có thể đòi hỏi ông phải nêu cương lĩnh của đảng hay định hướng
gì khác trong một bài viết tự sự khi đang nằm bệnh. Ông cũng không khẳng định
đây là đảng mới duy nhất mà chỉ là thí dụ cho sự đối lập chính trị để kềm chế
sự độc tài toàn trị của đảng Cộng sản.
Dĩ
nhiên Lê Hiếu Đằng không còn ủng hộ đảng Cộng sản khi ông kêu gọi từ bỏ đảng
nhưng ông cũng không kêu gọi lật đổ đảng Cộng sản. Đây không phải là thái độ lập lờ mà là căn cứ vào thực tiễn, không
duy ý chí. Đảng CS còn tồn tại được bao lâu là điều không ai có thể nói trước
chính xác nhưng thực tế là họ đang cầm quyền với một thế lực hùng mạnh, một bộ
máy có mạng lưới rộng khắp, số đảng viên và những người ủng hộ chiếm thành phần
không nhỏ trong dân số. Dĩ nhiên dù hùng mạnh tới đâu cũng có ngày sụp đổ như
lịch sử của các đế quốc và các chế độ độc tài của loài người đã cho thấy. Giả
thiết ngay cả khi đảng bị lật đổ, nghĩa là không còn nắm chính quyền, thì số
đảng viên và những người ủng hộ họ vẫn còn đó như một thực thể chính trị. Trong
công cuộc dân chủ hóa đất nước, thoát khỏi nạn độc tài toàn trị, như một ước mơ
của đại bộ phận dân tộc, có nhiều cách nghĩ và phương thức để giải quyến nan đề
này. Lê Hiếu Đằng chọn phương thức hình thành sức mạnh đối lập để chuyển hóa
một cách hòa bình chứ không bạo loạn lật đổ. Không ai có thể đoan quyết phương
thức nào là duy nhất đúng và lựa chọn là quyền của mỗi người. Nếu cùng một mục
đích, các phương thức khác nhau có thể hỗ trợ cho nhau để tạo nên sức mạnh tổng
hợp.
Lê
Hiếu Đằng chỉ gợi ý chứ không phải tuyện bố tự mình đứng ra thành lập đảng mới. Ông chưa chuẩn bị sẵn sàng cho điều này. Việc thành lập đảng mới chỉ có
thể được thực hiện khi có rất nhiều người tán thành, liên lạc với nhau và cùng
chung tay hành động. Thời gian sẽ trả lời cho điều này. Nếu việc này được thực
hiện, hay sẽ gợi mở cho việc hình thành các tổ chức và hoạt động khác của xã
hội dân sự, đây sẽ là một đóng góp đáng kể vào việc tạo nên sức mạnh đối lập
với chế độ toàn trị.
Trong việc dân chủ hóa chế độ và dân chủ hóa đất
nước, những người cộng sản cấp tiến có thể đóng một vai trò đáng kể. Tuy nhiên
lại có người nói cộng sản không thể thay đổi, chỉ có thể xóa bỏ. Đây cũng là
vấn đề cần thảo luận.
Trước đây khi những người cộng sản nói về cộng sản,
người ta thường trích dẫn các “ông Tây cộng sản râu dài râu ngắn”. Bây giờ
những người chống cộng lại trích dẫn các ông Tây khác, cộng sản cũng như không
cộng sản. Các kiểu trích dẫn này thực chất cũng không khác mấy với các kiểu “Tử
viết” (Khổng tử nói rằng) thời phong kiến, phần nào mang tính chất nô lệ về tư
tưởng. Dĩ nhiên những tư tưởng lớn đáng cho mọi người suy gẫm nhưng không phải
tất cả đều là chân lý phổ quát. Một tư tưởng cần hiểu trong bối cảnh của nó và
khi áp dụng cần so sánh, đối chiếu với thực tiễn. Từ đó trở lại với câu hỏi
cộng sản có thể thay đổi không?
Cộng sản từ Karl Marx đến Lenine, Staline, Khrutchov
rồi Gorbachov, Eltsine có gì khác biệt và thay đổi? Cộng sản từ ước mơ thế giới
đại đồng đến “chủ nghĩa xét lại hiện đại” rồi đế quốc cộng sản Nga, đế quốc
cộng sản Tàu, chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc có gì thay đổi? Cộng sản
Việt Nam từ kinh tế tập thể sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
có thay đổi không? Người vạch trần rõ ràng nhất “bản chất phản động” của chủ
nghĩa cộng sản trong tác phẩm “Giai cấp mới” có phải là Milovan Djilas,
một lãnh tụ cộng sản cấp cao, Phó tổng thống nước Nam Tư? Người góp phần
quyết định làm sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới có phải là
hai tay cộng sản gộc Gorbachov và Eltsine? Những công thần cộng sản kiên định
như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Hộ cuối đời đã khước từ chủ nghĩa cộng
sản, những đảng viên cộng sản nhiệt thành cũ và mới đã quyết định từ bỏ đảng
như Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Hải, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Chí Đức có phải đã
thay đổi? Đó là nói cộng sản một cách chung chung chứ đúng ra phải phân tích
một cách rạch ròi về lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa cộng sản, chế độ cộng sản,
đảng cộng sản, đảng viên cộng sản ở từng quốc gia, từng thời kỳ mới có thể kết
luận cộng sản có thay đổi hay không.
Sự vật trên đời này chẳng có gì không thay đổi sao
lại khẳng quyết cộng sản không thể thay đổi trong khi thực tế đã không là như
thế. Xóa bỏ được cộng sản là điều tốt nhưng khi không hoặc chưa xóa bỏ được thì
làm cho nó thay đổi hướng về điều thiện phải chăng là việc cũng nên làm? Đó
không phải là thỏa hiệp với cái ác mà chính là hóa giải cái ác một cách hòa
bình.
Vấn đề trung tâm của đất nước ta là dân chủ hóa,
thoát khỏi độc tài toàn trị. Chế độ này do đảng cộng sản cai trị nhưng thực ra
hiện nay chất cộng sản còn rất ít, chỉ là một bộ máy thống trị hà khắc của
những kẻ nắm quyền lực muốn “muôn năm trường trị” để trục lợi cho cá nhân và
phe nhóm. Những người nắm quyền lực thống trị kiểu này không phải chỉ có cộng
sản. Các “lãnh tụ độc tài” ở các nước Bắc Phi và Trung Đông đã và đang bị lật
đổ gần đây đều từng là anh hùng dân tộc được nhân dân ủng hộ và tôn vinh nhưng
về sau trở thành tội đồ dân tộc. Có người đã nói đại ý khi quyền lực tuyệt đối,
tha hóa cũng tuyệt đối. Và lòng tham của con người là vô đáy, bất kể cộng sản
hay tư bản. Chuyện “lương khủng” (lương một năm của giám đốc bằng 83 năm của
nhân viên bình thường) của mấy công ty nhà nước ở TP/HCM vừa được phát hiện gợi
nhớ đến chuyện các ông trùm ngân hàng gây ra khủng hoảng kinh tế ở Mỹ mấy năm
trước khi ngân hàng phá sản còn tự thưởng cho mình hàng triệu đô la. Một số
công ty tư bản nước ngoài hối lộ cho quan chức Việt Nam để trúng thầu, các công
ty khác trốn thuế, gây ô nhiễm mội trường để tăng lợi nhuận và một viên chức
Tòa Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn cũng nhận hối lộ hàng triệu đô la để cấp visa lậu vào
nước Mỹ. Chế độ nào cũng có kẻ xấu.
Việc cần làm là xây dựng một chế độ chính trị pháp
trị thực sự có cơ chế hãm để ngăn chặn lạm dụng và lòng tham cá nhân. Trên thế
giới có nhiều mô hình nhưng không có mô hình nào là tuyệt đối hoàn hảo và còn
cần phải phù hợp với đặc điểm riêng của từng dân tộc, không thể bắt chước một
cách máy móc. Với Việt Nam để tiến đến đó sẽ phải qua những bước nào? Chuyển
hóa, diễn biến hòa bình hay bạo loạn lật đổ? Cách mạng nhung, cách mạng hoa lài
hay diễn biến từ thượng tầng? Có nhiều phương thức nhưng chắc chắn điều tốt
nhất là không hay ít tốn xương máu, không gây nội chiến, không kéo dài thù hận.
Lê Hiếu Đằng chọn điều này nên ông đã đưa ra gợi ý thành lập đảng mới để đối
lập với đảng cộng sản. Dĩ nhiên việc này không phải là lối thoát duy nhất cho
tình hình và chưa biết lúc nào có thể được thực hiện nhưng đó là một gợi ý tốt
và khả thi, ít ra đối với những đảng viên cộng sản cấp tiến, khi họ có đủ nhiệt
tình, dũng cảm và số đông cần thiết. Gợi ý này cũng có thể “kích hoạt” hình
thành các tổ chức xã hội dân sự để từng bước xây dựng xã hội công dân có khả
năng kháng cự lại những lạm dụng của nhà cầm quyền.
Trong ba bài viết của Nguyễn Minh Cần nhân chuyện Lê
Hiếu Đằng (Chuyện dài ra Đảng và đa đảng), tác giả có trích câu nói của Viện sĩ
Andrei Sakharov khi trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài trong thời kỳ
đen tối của phong trào dissident dưới chế độ toàn trị Liên Xô: “Giới trí thức
biết làm gì? Họ chỉ biết làm một việc là xây dựng lý tưởng, cứ để cho mỗi người
làm được điều gì anh ta có thể làm được”. Suy nghĩ một lúc, ông nói thêm: “Nên
biết rằng những con chuột chũi đào hang ngầm dưới đất có thể làm sụp đổ những
thành trì lịch sử”. Điều này có lẽ thật đúng cho Lê Hiếu Đằng và những trí thức
có tâm huyết với đất nước như ông. Không thể đòi hỏi nhiều hơn vì chuyện đất
nước là trách nhiệm của toàn xã hội, không của riêng ai.
Biến cố mới nhất (ngày 9/11/2013) là vụ Ông Đặng
Ngọc Viết xông vào trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Thái Bình dùng súng bắn vào 5
cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất, làm hai người chết, sau đó tự sát. Nguyên
nhân là do việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù không được đáp ứng thỏa đáng. Đây
là sự phản kháng quyết liệt trong bước đường cùng, gióng lên một hồi chuông báo
tử cho chính nạn nhân và cả chính sách thất nhân tâm của nhà cầm quyền. (Trong
cùng thời gian này, hàng ngàn thanh niên nam nữ háo hức mong đợi gặp “Trai đẹp
Ả Rập bị trục xuất” và đã đội mưa hàng giờ liền dưới sân khấu ngoài trời để chờ
xem chàng trai đẹp người mẫu này xuất hiện chừng 10 phút ướm thử chiếc áo???!!!)
Có
lẽ đã đến lúc những người cộng sản phải nghĩ đến khẩu hiệu “thay đổi hay là
chết”. Tuy nhiên người dân không chỉ trông chờ vào sự thay
đổi tự thân của nhà cầm quyền mà người dân cũng phải “thay đổi hay là chết”.
Nếu đại bộ phận nhân dân cứ thờ ơ, vô cảm hay cúi đầu chấp nhận những bất công
áp bức đè lên số phận mình thì không ai có thể cứu được.
Đà lạt 15/9/2013
T.D.B.C.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
No comments:
Post a Comment